Trung Quốc tài trợ Lào xây đường sắt
SGTT.VN - Một quan chức Lào cho biết Trung Quốc đã thoả thuận tài trợ bảy tỉ USD để xây dựng tuyến đường sắt ở Lào để có thể vận tải nguyên liệu thô đến biên giới Trung Quốc.
Chưa có xác nhận thoả thuận này về phía các quan chức Trung Quốc. Hai nước từng thất bại trong thương lượng xây dựng tuyến đường sắt từ nhiều năm nay.
Sơ đồ tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc. Ảnh: TL
Bộ trưởng bộ Năng lượng và Khai mỏ Soulivong Dalavong nói trong một cuộc phỏng vấn, theo một thoả thuận mới sẽ ký kết trong vài ngày tới, các ngân hàng Trung Quốc sẽ cho vay xây dựng một tuyến đường sắt dài 418 km nối liền thủ đô Vientiane với biên giới Trung Quốc.
Bắc Kinh đang nỗ lực khai thác nguyên liệu từ các nước lân cận cho nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn và công nghiệp chế tạo. Những dự án khác đã, đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch bao gồm hai đường ống dầu và khí ở Myanmar, một đường ống dầu thô từ phía đông Siberia và một dự án đường sắt vận tải than từ Mông Cổ.
Dự án xây dựng đường sắt được phục hồi có thể do thương vụ 15 tỉ USD mua công ty Nexen, một trong những hãng sản xuất năng lượng độc lập lớn nhất Canada, của công ty Cnooc đang bấp bênh.
Đổi lại việc tài trợ dự án, Trung Quốc sẽ khai thác khoảng năm triệu tấn quặng khoáng mỗi năm, chủ yếu là potash, vào năm 2020, song song với những nguyên liệu khác như gỗ và nông sản, để vận tải về nước, ông Dalavong nói.
Tuyến đường sắt, do các nhà thầu Trung Quốc đảm trách chính, cũng được kỳ vọng là tuyến hành khách, ông Dalavong cho biết. Tuyến đường sẽ đi về hướng bắc ngang qua các thị trấn Phonhong, Vangvieng, Luang Prabang Oudomxay và Luang Namtha trước khi đến biên giới Trung Quốc.
Ngã ba Phou Khoun, thị trấn Vangvieng, nơi đường sắt sẽ đi qua. Ảnh: Như Thuần
Chưa rõ là ngân hàng nào của Trung Quốc sẽ tài trợ. Một bài báo trên tờ Vientiane Timesđược dẫn lại trên trang web của Chính phủ Lào trích lời của phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cho biết tín dụng sẽ do ngân hàng nhà nước Trung Quốc Exim Bank cung cấp. Exim Bank không trả lời khi được hỏi về tuyên bố này.
Động tác xít lại gần hơn với Lào diễn ra giữa lúc Myanmar chuyển sang hướng ngược lại – cắt bỏ một số liên kết kinh tế với Trung Quốc và tự mở cửa cho đầu tư từ các nước phương tây sau khi tiến hành nhiều cải cách chính trị.
“Ai ai cũng đang bán hàng cho Trung Quốc, tại sao chúng ta không làm y vậy,” ông Dalavong biện luận, ông cho rằng đất nước Lào bị hạn chế những cơ hội xuất khẩu do địa hình bị đóng kín và hạ tầng không có. “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bán cho Trung Quốc,” ông nói.
Lào là một nước Đông Nam Á nhỏ nằm kẹt giữa Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Thái Lan, được chú ý từ những năm gần đây nhờ các nguồn tài nguyên khoáng sản còn nguyên. Mặc dầu giờ đây là một nhà sản xuất chủ yếu là đồng và vàng, nước này có 10 mỏ đang khai thác sẽ cung ứng potash, thành phần nguyên liệu chính trong sản xuất phân bón, cùng với các khoáng sản khác như quặng sắt, kẽm và chì. Tổng sản lượng ước đạt gần bảy triệu tấn/năm, với phần lớn sản lượng sẽ xuất sang Trung Quốc theo ngã đường sắt đang chuẩn bị xây dựng.
Dự án tranh cãi lâu năm, được Quốc hội Lào thông qua tuần trước, ban đầu được trình ra là đồng sở hữu với chính phủ Trung Quốc. Nhưng theo tờ Vientiane Times, chính phủ Lào giờ đây thừa nhận Lào là sở hữu duy nhất của dự án, và được xem là trung tâm phát triển tương lai của đất nước.
Tuyến đường sắt theo tính toán sẽ hoàn thành vào năm 2017, và khai trương vào lúc diễn ra Hội nghị Á-Âu ASEM lần thứ 9, sẽ qui tụ các lãnh đạo cao cấp từ châu Âu và châu Á về nước này vào tuần lễ đầu của tháng 11.
Việc xây dựng tuyến đường đáng ra đã khởi động vào đầu năm 2011 và hoàn thành năm 2014, nhưng bị đình trệ do bất đồng về quyền sở hữu đất dọc theo tuyến đường và nhiều vấn đề khác, theo nguồn tin từ những người có liên quan đến dự án.
Trong khi đường sắt tạo cơ hội để đấu nối với bên ngoài đang rất cần thiết, nhưng những điều kiện thị trường hiện nay lại không thuận lợi, ông Dalavong lưu ý.
“Đương nhiên, chúng ta phải cạnh tranh. Nếu potash của chúng ta không cạnh tranh được về giá, Trung Quốc sẽ mua của Canada,” ông nói. “Nhưng vì chúng ta đang vay tiền của các ngân hàng Trung Quốc để xây dựng đường sắt, tôi nghĩ đó là lí do hợp lí để Trung Quốc mua potash của chúng ta.”
P.V. (WSJ.COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét