Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Bổ sung quyền của Chủ tịch nước trong Hiến pháp


Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ của Chủ tịch nước; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng và phong hàm tướng lĩnh quân đội, đô đốc.

Theo tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có 9 nội dung cơ bản sửa đổi, như: tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới...

Hiến pháp sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2013. Ảnh:Hoàng Hà.

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992, giảm một chương, 21 điều. Trong đó 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.

Trong phần sửa đổi bổ sung có nội dung liên quan đến Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, xung quanh thẩm quyền phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao của Chủ tịch nước có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất giống như dự thảo. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để phù hợp với thực tiễn phân cấp quản lý cán bộ, gắn kết giữa việc phong hàm và bổ nhiệm chức vụ, Hiến pháp chỉ nên quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp thượng tướng, đại tướng và đô đốc hải quân.

Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Thủ tướng có những nhiệm vụ và quyền hạn như: trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và chức vụ tương đương trong bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết

Dự thảo cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Hiến pháp sửa đổi cũng làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tài sản thuộc sở hữu toàn dân, việc quản lý và sử dụng đất đai và bổ sung một điều mới (điều 60) về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia và các nguồn tài chính công khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này.

Sau đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2013).

Xuân Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét