Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Việt Nam là một trong những nước uống rượu bia nhiều nhất?

Blog / Trần Vinh Dự

Việt Nam là một trong những nước
uống rượu bia nhiều nhất?

Trần Vinh Dự

22.10.2012
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, báo Người Lao Động có đăng bài “Vỗ béo các nhà máy bia”. Bài báo này trích nguồn từ Euromonitor International và cho rằng Việt Nam là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỉ lít trong năm 2011 (tương đương mức tiêu thụ bình quân đầu người là 28 lít/năm) và nằm trong nhóm 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới. Thông tin này khá shock nhưng chỉ đúng một phần.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) xuất bản hồi năm 2011, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia uống bia, tức là mức độ tiêu thụ bia vượt xa so với các loại rượu và đồ uống có cồn khác. Theo số liệu 2005 của WHO dẫn ra trong báo cáo, tỷ lệ tiêu thụ bia ở Việt Nam là 97% tổng số rượu bia được uống hàng năm. Số liệu này là số liệu thống kê được, trên thực tế thì các hộ cá thể nấu rượu ở Việt Nam khá nhiều và số này không được đưa vào tính toán, do đó trên thực tế tỷ lệ tiêu thụ bia chắc chắn thấp hơn con số 97%. Tuy nhiên dù sao thì đây cũng là một tỷ lệ rất cao

Phần lớn các nước Đông Nam Á nằm trong nhóm uống bia, tương tự như phần lớn của Châu Mỹ, Úc và một số nước Bắc Âu. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Nga, và các nước thuộc khối Liên Xô cũ thì lại được coi là các nước uống rượu mạnh.

Báo cáo năm 2011 của WHO tính mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người bằng khái niệm số “lít cồn tinh khiết” tính trên một đầu người (tất cả các loại rượu bia đều được tính quy ra theo số lít cồn tinh khiết). Theo đó, dựa vào số liệu mà WHO dẫn chiếu năm 2005, thì Việt Nam được đưa vào nhóm các quốc gia có mức độ tiêu thụ rượu bia khá thấp.

WHO chia các quốc gia thành 06 nhóm (trừ các quốc gia không có số liệu và không thể ước tính dựa theo các nguồn thông tin phụ trợ), bao gồm nhóm tiêu thụ dưới 2.5 lít cồn tinh khiết/năm, nhóm tiêu thụ từ 2.5 lít đến 4.99 lít, nhóm từ 5 lít đến 7.49 lít, nhóm từ 7.5 lít đến 9.99 lít, nhóm từ 10 lít đến 12.49 lít, và nhóm trên 12.5 lít (lưu ý, đây là lít cồn tinh khiết). Theo WHO, vào năm 2005 thì Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2, tức là tiêu dùng từ 2.5 lít đến 4.99 lít cồn tinh khiết trên một đầu người một năm, thấp hơn nhiều so với một số hàng xóm như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, nhưng cao hơn so với Indonesia, Malaysia, Phillipines, và Singapore.

Mức tiêu thụ rượu bia trên đầu người của Việt Nam năm 2005 cũng thấp xa so với phần lớn các nước kinh tế phát triển hơn, kể cả ở Châu Á và phần còn lại của thế giới. Đứng đầu trong “danh sách đen” về tiêu thụ rượu bia của WHO là các nước thuộc khối Liên Xô cũ và các nước Bắc Âu. Các nước được coi là sạch nhất xét về tiêu chuẩn uống bia rượu phần lớn là các nước hồi giáo, tập trung nhiều ở Trung Đông, Bắc Phi, và Đông Nam Á.

Việt Nam có một điểm tối trong báo cáo của WHO. Trong khi phần lớn các nước trên thế giới có mức tiêu thụ rượu bia nằm ở nhóm ổn định (không tăng không giảm), bao gồm hầu hết các nước trong khối Đông Nam Á (trừ Campuchia và Việt Nam), thì Việt Nam lại nằm trong một số ít các nước có mức độ tiêu dùng rượu bia bình quân đầu người tăng lên. Theo số liệu mà WHO dẫn chiếu, thì mức độ tiêu dùng rượu bia, tính theo số lít cồn tinh khiết, bình quân trên một đầu người của Việt Nam đã tăng khoảng từ 0.7 lít (năm 2000) lên khoảng 1.3 lít (năm 2007), tương đương với mức tăng gần gấp đôi. Tỷ lệ này có vẻ khá trùng khớp với số liệu về mức tiêu thụ bia bình quân đầu người ở Việt Nam do báo Người Lao Động dẫn nguồn của Bộ Công thương cung cấp. Theo Người Lao Động, lượng bia tiêu thụ bình quân tính theo đầu người cũng tăng từ 10,04 lít năm 2000 lên 21,65 lít vào năm 2007, tức là tăng khoảng hơn 100%.

Bản đồ tiêu thụ rượu bia trên thế giới của WHO​​

Đây là một tỷ lệ tăng trưởng quá nhanh, và đà tăng trưởng này có vẻ như chưa có dấu hiệu dừng lại. Cũng theo Người Lao Động, dự báo của cơ quan lập quy hoạch ngành rượu bia ở Việt Nam cho ,rằn đến năm 2015 Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2-4,4 tỉ lít bia, bình quân 45-47 lít/người/năm. Mười năm sau đó, mỗi người Việt Nam sẽ uống bình quân 60-70 lít bia/năm.

Tại thời điểm hiện nay, theo số liệu của Kirin (Nhật Bản) – tổ chức chuyên nghiên cứu và thống kê về ngành bia rượu toàn cầu - Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới vềsản xuất bia, với tổng sản lượng bia năm 2011 là 2.78 tỷ lít và năm 2010 là 2.65 tỷ lít. Đứng đầu thế giới về sản xuất bia là Trung Quốc với sản lượng 48.99 tỷ lít năm 2011 và 44.25 tỷ lít năm 2010. Mỹ xếp thứ hai với sản lượng năm 2011 là 22.55 tỷ lít và năm 2010 là 22.9 tỷ lít. Khác với nhiều nước khác, như Mỹ, bia được sản xuất cho cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, bia Việt Nam chủ yếu để tiêu dùng nội địa. Năm 2010, Việt Nam tiêu dùng tổng lượng bia là 2.44 tỷ lít.

Tính theo số lượng tuyệt đối (tỷ lít mỗi năm), Việt Nam nằm trong top 25 như báo Người Lao Động đưa, tuy nhiên nếu tính theo số lượng tiêu dùng bia bình quân đầu người mỗi năm, Việt Nam vẫn còn nằm ở rất xa trong danh sách các bậc thầy uống bia trên thế giới. Đứng đầu bảng phong thần này là Cộng hoà Czech với 131.7 lít bia/đầu người mỗi năm. Xếp thứ 10 là Finland với 82.7 lít/đầu người mỗi năm. Xếp thứ 20 là Switzerland với 57.3 lít/đầu người mỗi năm. Xếp thứ 49 là Trung Quốc với 31.5 lít/đầu người mỗi năm. Việt Nam với mức độ tiêu thụ khoảng 28 lít/đầu người mỗi năm (vào năm 2011) chỉ đứng khiêm tốn ở mức xếp hạng trên 50, không được coi là một quốc gia uống nhiều bia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét