Coi dân miền Tây nuôi cá sấu: Tai nghe, mắt thấy... mà run | |
Miền Tây là vùng đất có sông rạch chằng chịt, người dân sống, sinh hoạt trên sông rạch có nơi nhộn nhịp hơn trên bờ. Đó cũng là vùng có diễn biến thời tiết đỏng đảnh với mưa và thủy triều hết sức bất thường, nhất là vùng ven các cửa sông giáp biển. Do vậy, đây là vùng "mẫn cảm" mỗi khi có tin cá sấu sổng chuồng hay phát hiện cá sấu nổi trên sông.
Từ câu chuyện cá sấu của một doanh nghiệp ở Cà Mau bị sổng chuồng, gây hoang mang trong dân chúng mấy ngày qua, PV Chuyên đề ANTG đã thực địa một vòng miền Tây để xem người ta nuôi cá sấu. Quả thật, những gì mà chúng tôi ghi nhận được thấy mà run…
Chuyện cá sấu sổng chuồng ở vùng sông nước
Liên tiếp trong nhiều năm qua, thông tin cá sấu sổng chuồng hay cá sấu xuất hiện trên sông cứ làm cho người dân miền Tây hoang mang, lo lắng.
Ở xứ dừa Bến Tre, người dân vẫn râm ran bàn tán về vụ 14 con cá sấu của nhà ông Phạm Văn Trắng, ở Tam Phước, Châu Thành đã sổng chuồng rồi bò ra hướng sông Ba Lai - một trong chín nhánh tạo nên dòng Cửu Long. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng của tỉnh và huyện, trong đó có Công an, Quân đội đã lùng sục suốt đêm để truy tìm. Thế nhưng rốt cuộc chỉ bắt lại được 9 con, bắn tiêu diệt 2 con, còn 3 con, bốn năm nay vẫn chưa tìm thấy. Sự cố xảy ra ngay sau khi ông Trắng thuê người từ An Giang, Đồng Tháp tới chuyển cá sấu từ chuồng lớn sang chuồng nhỏ để "dưỡng da" và đợi ngày bán.
Sau sự cố này tới nay, nhiều trẻ con gần nhà ông Trắng sợ không dám xuống sông rạch để tắm; người lớn cũng ngại xuống nước giăng lưới bắt cá, tép… Do xác định vẫn còn cá sấu ở bên ngoài nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre đã "treo lệnh" cho các cơ quan chức năng và dân 12 xã, thị trấn dọc theo sông Ba Lai tích cực tham gia truy lùng cá sấu và có quyền tiêu diệt nếu phát hiện…
Ở vùng "rốn lũ" Đồng Tháp, sau cơn "đại hồng thủy" năm 2000, người dân luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm vì sợ bị cá sấu tấn công. Nhớ mùa lũ năm 2004, sự xuất hiện của một chiếc đĩa hình lậu "made in Thailan" diễn tả chi tiết về chuyện "cá sấu ăn thịt người" khiến nhiều người hoảng sợ chẳng dám xuống sông rạch để tắm rửa, sinh hoạt, sản xuất. Thực tế, cũng đã có chuyện cá sấu bơi tự do trong nước lũ.
Rồi người dân Đồng Tháp lại một phen nhốn nháo vì… tin vịt cồ: Cá sấu nổi trên sông Đình Trung. Khổ một điều là đan xen vào đó là câu chuyện có thật. Một người dân nuôi cá sấu ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) kể trước khi xảy ra tin vịt này, cá sấu của anh từng bị sổng chuồng. Một chủ cơ sở nuôi cá sấu ở Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, kể lại chuyện khá hy hữu: Đêm đó bỗng dưng trời nổi cơn dông, gió mạnh làm sập giàn bầu. Không ngờ cá sấu đủ "thông minh" để theo dây bầu tìm lối ra ngoài. Sáng hôm sau, anh hoảng hồn khi phát hiện mất tới 13 con nên nhờ con truy tìm. Thật may, bọn chúng chưa kịp ra tới rạch. Sợ quá, anh cho xuất chuồng và ém nhẹm chuyện… giàn bầu bị sập.
PV Chuyên đề ANTG với bộ da của một con cá sấu bị bắn hạ sau khi sổng chuồng.
Số liệu thống kê từ mùa lũ năm 2011, tổng đàn cá sấu được nuôi tại vùng "rốn lũ" Đồng Tháp, An Giang và Long An lên đến 72.000 con, trong đó Đồng Tháp và An Giang có số lượng ngang nhau, mỗi nơi khoảng 30.000 con. Do mấy năm liên tiếp không có lũ lớn, tới mùa lũ 2011, nhiều hộ dân nuôi cá sấu phải kêu cứu. Ông Đặng Văn Ne, Trưởng phòng Kinh tế thị xã biên giới Hồng Ngự, cho biết mùa lũ 2011, cả 6 trại nuôi cá sấu với tổng đàn hơn 700 con trên địa bàn đều bị nước lũ đe dọa dù tường được xây cao tới 2m. Nhiều chủ hộ ý thức được khả năng cá sấu sổng chuồng nên đã thức trắng đêm để canh…
Nhận được đơn của bà con, Phòng đã phối hợp lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra, vận động di chuyển cá sấu lên những vùng đất cao. Thế nhưng có không ít chủ trại chưa di chuyển được lên chỗ cao an toàn thì lại tạm thời…. thả sấu trên những ghe lớn, chờ nước rút. Hay tin này, đích thân Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo nghiêm cấm thả cá sấu nuôi tạm trên ghe bởi nếu gió to sóng lớn ghe chìm thì đàn sấu sẽ thoát hết ra ngoài đồng nước. Quả thật, nghe chuyện cá sấu… chạy lũ mà rùng mình!
Cũng mùa lũ 2011, tin hàng trăm con cá sấu từ 70 đến 100 kg sổng chuồng, bơi theo nước lũ tung tăng ra sông Vàm Cỏ Tây đã gây "hồn vía lên mây" cho nhiều người dân Long An, mà cụ thể là bà con ở các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng. Người dân truyền nhau nhiều người đi giăng câu, lưới cá đã bị cá sấu tấn công cụt chân, cụt tay, thậm chí nuốt sống. Một số người còn nói chính họ đã tận mắt chứng kiến cảnh một cháu bé bị cá sấu táp một phát đứt lìa chân...
Công an huyện Mộc Hóa đã khẩn trương vào cuộc và xác định được người tung tin đồn thất thiệt là Nguyễn Văn Ba. Ông này thừa nhận, mấy ngày trước khi đi đóng tiền điện, ông đã nói đùa với mọi người xung quanh rằng con trai ông vừa bị cá sấu sổng chuồng trên sông Vàm Cỏ Tây cắn đứt lìa chân, đang phải nằm bệnh viện. Chẳng ngờ, lời nói đùa… như thật của ông như mũi tên bay, rồi một thành mười, mười thành trăm lan ra cả vùng. Ông Ba sau đó đã bị đưa ra kiểm điểm trước dân.
Ở Cà Mau, trước khi xảy ra vụ việc gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua, từng xảy ra chuyện một con cá sấu chừng 30 kg của một hộ nuôi cá sấu tẩu thoát xuống sông khi đang vận chuyển.
Cá sấu tại Trang trại Út Tuyết.
Nuôi cá sấu không thể đơn giản như nuôi gà vịt
Ở Bến Tre - tỉnh được hợp thành bởi 3 cù lao do 6 nhánh sông Cửu Long tạo thành, phong trào nuôi cá sấu cũng đang dấy lên với tổng đàn hiện có gần 20.000 con (số liệu thống kê đến giữa tháng 7/2012). Sau sự cố cá sấu sổng chuồng ở Châu Thành, Kiểm lâm Bến Tre rất quan tâm đến điều kiện an toàn chuồng trại tại các hộ nuôi theo đúng quy định. Không phải chỉ nằm cách biệt khu dân cư và sông rạch, các hộ nuôi cá sấu ở đây được khuyến cáo về quy cách của chuồng một cách tỉ mỉ như thành chuồng phải bằng bê tông, cốt thép, có đà kiềng nối các cột trụ, tường âm sâu xuống đất 0,5m và xây nổi lên trên mặt đất tối thiểu là 1m tiếp lên trên rào lưới B40 cao từ 1,5m trở lên. Xung quanh chuồng hoặc khu vực trại nuôi phải xây dựng thêm hệ thống hàng rào thứ 2, được xây bằng gạch từ mặt đất lên cao 0,5 m, bên trên kéo lưới B40 cao 1,5 m để bảo vệ không cho người lạ vào trại và đề phòng cá sấu sổng chuồng không kịp trốn thoát ra ngoài. Cửa chuồng, cửa rào phải làm bằng khung sắt, lợp tấm thép dày đảm bảo chắc chắn; mỗi cửa đều bố trí chốt gài và ổ khóa cẩn thận….
Tôi đi một vòng nhiều khu du lịch sinh thái tại miền Tây mà thật sự giật mình khi thấy người ta nuôi nhốt cá sấu, phục vụ du khách mà chẳng tuân thủ theo quy định vừa kể. Ở cồn Ấu - nằm giữa sông Hậu, dưới dạ cầu Cần Thơ, từng tồn tại một khu du lịch sinh thái có ao cá sấu hàng trăm con. Nhìn cảnh tường rào mong manh, rồi nhìn con nước thủy triều cứ mấp mé như muốn nuốt chửng bờ bao quanh cồn, ai thấy cũng lo. Khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) đang tồn tại hàng ngàn con cá sấu lớn nhỏ phục vụ nhu cầu tham quan và câu cá sấu giải trí của du khách. Tường rào nơi đây cũng hết sức mong manh….
Đến quê hương của "công tử Bạc Liêu" - nơi đứng đầu cả nước về số lượng cá sấu với tổng đàn lên trên 320.000 con và được nghe kể về những nông dân ở vùng quê Giá Rai, Phước Long trở thành "ông chủ cá sấu" nổi tiếng như ông Trần Phước Đáng, Trần Hoàng Minh, Trương Thanh Mai. Thế nhưng bên cạnh những "ông chủ" dám bỏ ra hàng tỉ đồng để xây dựng trang trại an toàn, thì vẫn còn quá nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến điều kiện an toàn, thậm chí suy nghĩ đơn giản nuôi cá sấu giống như nuôi gà, nuôi vịt. Từ suy nghĩ đơn giản nên nhiều hộ không quan tâm đầu tư xây dựng chuồng trại một cách an toàn, bỏ bê chuồng trại không người trông nom. Và thực tế này đã tạo điều kiện để cho bọn trộm có thêm cơ hội.
Con cá sấu sổng chuồng của trang trại thuộc Công ty TNHH
Chế biến & XNK Quốc Việt, Cà Mau được người dân phát hiện bắt lại.
Công an huyện Phước Long cho biết, thời gian qua trên địa bàn lại tiếp tục xảy ra nạn bắt trộm cá sấu với số lượng lên đến gần 250 con. Đại tá Nguyễn Thanh Đoàn - Trưởng phòng CSĐT tội phạm hình sự Công an Bạc Liêu cho biết, nạn trộm cá sấu giờ đây đã trở thành một thực trạng đáng ngại vì nó gây mất an ninh trật tự tại nhiều vùng quê Bạc Liêu. Ông kể, cách nay chưa lâu, đơn vị đã triệt phá băng trộm cá sấu chuyên nghiệp do hai tên Mai Văn Hiếu và Cao Văn Cần cầm đầu. Kết quả điều tra, băng trộm gần chục tên này đã trộm gần 1.000 con cá sấu...
Tại Cà Mau - địa phương có tổng đàn cá sấu trên 15.000 con và vừa xảy ra vụ cá sổng chuồng gây xôn xao dư luận, ông Phan Hùng Dũng - Trưởng phòng Pháp chế thanh tra Chi cục Kiểm lâm thừa nhận: "Phần lớn cá sấu được nuôi mang tính tự phát, có hộ nuôi vài con, nên rất khó quản lý. Một số hộ gia đình nuôi không đăng ký, chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra để nhắc nhở; tuyên truyền các quy định của Nhà nước về mua bán, vận chuyển và đăng ký gây nuôi động vật hoang dã, để mọi người dân hiểu và làm theo quy định của pháp luật"
Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, bà Lê Thị Bích Lệ - chủ Trang trại cá sấu Út Tuyết (An Giang) - nơi đang nuôi 20.000 con cá sấu, cho biết, nghề này, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhất là khi từ năm 1994, Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp - PV) thì thua lỗ, phá sản như chơi. Cụ thể, nếu cá sấu không có nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký với kiểm lâm theo quy định của CITES thì không thể xuất khẩu. Cá sấu xuất khẩu phải đúng thế hệ F2 (được sinh ra từ cá sấu bố mẹ đánh bắt ở tự nhiên), có hạn ngạch xuất khẩu. Đó là chưa xét về khả năng cạnh tranh trên thị trường, nếu cá sấu có da bị trầy xước, sẽ bị dạt ngay.
Hiện nay, ở Việt Nam có một số cơ sở đạt tiêu chuẩn đã được tổ chức CITES cấp giấy phép xuất khẩu cá sấu như: Tồn Phát, Hoa Cà, Forimex, Suối Tiên… Tất cả cá sấu xuất khẩu không qua những cơ sở này đều bị coi là bất hợp pháp, vi phạm quy định của CITES.
| |
Các bài đã đăng: “Chiến tranh cà chua” giữa Mỹ và Mexico (23/10) Cuộc thi ăn côn trùng gây chết người (22/10) Cà phê “Lú” kiểu Sài thành (22/10) Đàn ông Hàn Quốc đua nhau phẫu thuật thẩm mỹ (22/10) Dự án lạ lùng ở Israel: Nung đá lấy dầu (19/10) Lừa đảo trong thế giới khoa học (19/10) Khi đại gia… hết tiền (18/10) Chuyện về người hát văn: Gió mây bay bổng cánh diều (18/10) Thiên Tân - Trung Quốc: Vay hàng chục tỉ đôla cho viễn cảnh xa vời (17/10) Phát hiện mới về nguyên mẫu "chú bé Tom Sawyer" (17/10) Ấn Độ: Kinh doanh xuất khẩu… tóc (16/10) Sự thật về mối quan hệ giữa giấc mơ và đời thực (16/10) Gia đình bị sét đánh ở Đà Nẵng: Vượt khó đi lên (16/10) Hội chứng rối loạn ăn có chọn lọc (16/10) |
Tôi, chủ Blog này, Lê Việt Đức, đang bị Ngân hàng SCB và Manulife phối hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hợp đồng số 2952746922. Tôi đóng tiền cho SCB để tiết kiệm - đầu tư nhưng chúng biến tiền đó thành mua bảo hiểm của Manulife. Đến nay chúng vẫn nhất định không trả. Nếu chúng vẫn không trả, tôi sẽ tố cáo các sai phạm, lừa đảo của nhóm lợi ích SCB và Manulife lên trang này và FB cá nhân của tôi. Mong các bạn theo dõi và loan tin cho nhân dân VN ở khắp nơi trên thế giới biết để tẩy chay chúng.
Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012
Coi dân miền Tây nuôi cá sấu: Tai nghe, mắt thấy... mà run
Nhãn:
Xã hội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét