“Chợ ngoại” giữa lòng Hòn ngọc Viễn Đông
(Nguoiduatin.vn) - Tại TP.HCM, nơi được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", người dân đã lập ra khu chợ buôn bán những đặc sản, hàng hóa của quốc gia khác cho những người xa quê...- Thú ăn khuya của người Sài thành / “Chợ Trời” - Hiện vật sót lại của thời bao cấp / Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ (phần 2)
Tại hẻm 734 đường Lê Hồng Phong (P.1, Q.10, TP.HCM), có một khu chợ mà người dân ở đây vẫn quen gọi là "chợ Nam Vang" hay "chợ Campuchia". Ở đây, tất cả mọi mặt hàng đều mang đúng thương hiệu của người Campuchia, từ những cái bánh bò, bánh lọt, các món chè… Nhìn bề ngoài, các món này không khác mấy các món của người Việt, nhưng tất cả các món này đều được chế biến từ đường thốt nốt, mang hương vị độc đáo của người Campuchia. Các sản phẩm trang sức, quần áo, thậm chí là những chiếc dây buộc tóc cũng đính đá lấp lánh, mang đậm sắc màu Campuchia.
Chợ Nam Vang luôn tấp nập khách
Ngoài ra, khu chợ này còn nổi tiếng với quán bún Tư Xê, đây là quán duy nhất bán bún Num Bo Chóc ở Sài Gòn. Chủ quán là một người Việt gốc Campuchia qua Việt Nam sinh sống và mở ra quán bún này. Hàng ngày, quán có rất nhiều khách ra vào, nhất là buổi sáng những ngày chủ nhật, khách đến ăn bún khá đông và phải chờ rất lâu mới có chỗ ngồi. Ngoài ra, quán bún còn là nơi để cộng đồng người Campuchia, người Việt gốc Campuchia gặp gỡ, trao đổi nói chuyện về quê hương.
Đặc sản ở khu chợ này được nhiều người biết đến nhất là các loại cá khô. Các loại cá tra Biển Hồ, khô cá lóc, cá sấy, các sặt Campuchia được bày bán khắp chợ. Những con cá tra dài gần nửa mét được treo lủng lẳng trên các sạp hàng mỡ vàng óng, cá lóc khô xâu từng chuỗi thu hút nhiều người đến mua. Ngoài ra, chợ Lê Hồng Phong là nơi duy nhất bán chè Campuchia nguyên bản tại Sài Gòn. Các món chè ở đây gồm chè thốt nốt, chè hột me, chè bí đỏ, chè trứng Thái, chuối ngào đường, xôi xiêm... Tất cả nguyên vật liệu đều được lấy về từ Campuchia và được chế biến rất tinh tế, rất Campuchia.
Nằm trên đường Tân Sơn Hòa, ngay sát chợ Phạm Văn Hai (P.3, Q.Tân Bình), có một khu chợ chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc. Các mặt hàng ở khu chợ này cũng rất phong phú với hơn 300 sản phẩm các loại như: Tokbokki, ớt bột, rong biển cuốn kimbap, bạch quả, kim chi, gà hầm nhân sâm, thậm chí cả lá mè, ớt xanh…
Bà Cúc Tuyền, chủ sạp, không khỏi tự hào về sự đầy đủ này: "Tôi kinh doanh thực phẩm Hàn Quốc từ hơn 10 năm nay, khi người Hàn chỉ mới bắt đầu đổ sang đây, sống tập trung nhiều ở khu vực và họ liên tục vào chợ hỏi thực phẩm Hàn. Hàng ở đây cứ theo yêu cầu của họ mà tăng lên đến mức đầy đủ như bây giờ, tôi cũng nhờ đó mà có rất nhiều bạn hàng nhập khẩu thực phẩm từ Hàn Quốc về đây".
Khu chợ này còn là đầu mối của rất nhiều cửa hàng, siêu thị chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc tại quận 7, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thậm chí cả vùng ngoại thành Hóc Môn, Củ Chi (những khu vực có nhiều công ty Hàn Quốc). Không chỉ thực phẩm đóng hộp, ngay cả kim chi, rau cải tươi sống của Hàn cũng được đóng thùng chuyển đến các địa điểm này mỗi ngày.
Khác với hình ảnh thân thuộc, gần gũi với văn hóa chợ người Việt, các khu chợ kinh doanh thực phẩm, hàng hóa của người Nhật khá phát triển, với gần như toàn bộ thực phẩm, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm đều xuất phát từ Nhật, từ cây tăm nhỏ xíu, sợi rong biển mỏng manh, đến bánh kẹo, chén bát... Một số cái tên tiêu biểu có thể nhắc đến như: Akuruhi, chuỗi cửa hàng đồng giá Daiso… Các khu chợ kinh doanh này tập trung khá đông ở những nơi có người Nhật như đường Lê Thánh Tôn (Q.1), đường Phạm Văn Hai, Cộng Hòa (Q.Tân Bình). Khách đến siêu thị không chỉ có các gia đình Nhật Bản mà còn khá đông người Việt đến mua. Cô Trần Thị Bích Liên, một người đã về hưu, cho biết thêm: "Đồ Nhật có nhiều thứ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là thực vật và cá, nên tôi thường mua về nấu cho cả gia đình cùng ăn"…
Thế Quyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét