Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

(2) Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Cơ hội xoay chuyển tình thế?

Cơ hội xoay chuyển tình thế?*

I.    NHẬN DIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ TRIỂN VỌNG NĂM 2012

1. Tình huống nghịch lý và sự khác biệt đặc trưng


Có thể hình dung sự khác biệt quan trọng của năm 2012 với những năm trước ở 3 tình huống có phần lạ thường, mang tính nghịch lý.

Tình huống thứ nhất: trạng thái lạm phát hạ nhanh, nhập siêu giảm mạnh trong những tháng đã qua của năm 2012 - những mục tiêu mà trong mấy năm qua, nền kinh tế đã nỗ lực hết sức để đạt nhưng không thể đạt được – đang gây ra lo ngại với mức độ sâu sắc không kém tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn của những năm trước.

Tình huống thứ hai: hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản, nhưng một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng do không thể (do nợ xấu), hoặc do khó tiếp cận vốn vay (do lãi suất quá cao), thậm chí, hoặc do không muốn vay (do không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho lớn). Sự ách tắc này đang đe dọa sự tồn vong của các doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng – hai lực lượng chủ thể - chủ lực của kinh tế thị trường.
Tình huống thứ ba: nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tuy đã được Đại hội Đảng XI ghi nhận là vấn đề chiến lược cấp bách hàng đầu, được nhiều nghiên cứu nhìn nhận là giải pháp “căn cơ” để đưa nền kinh tế thoát khỏi xu hướng khó khăn gay gắt kéo dài đang làm suy kiệt nền kinh tế, vậy mà cho đến nay, sau gần 2 năm, hầu như vẫn chưa được triển khai trên thực tế, trừ một vài công việc có tính khởi động (xây dựng dự án) ở một vài lĩnh vực. Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, diễn ra cách đây gần một năm, yêu cầu triển khai thực hiện sớm tái cơ cấu nền kinh tế một cách quyết liệt và gay gắt hiếm thấy, với 3 tuyến nhiệm vụ ưu tiên được định rõ. Vậy mà sau một năm, trong khi tình hình kinh tế tiếp tục sa sút nhanh, vẫn chưa cảm nhận được tác động thực tiễn rõ ràng của Nghị quyết đó. Những hành động tái cơ cấu đang diễn ra phần lớn mang nặng tính tình thế, phản ứng ngắn hạn, chưa bài bản, hệ thống và triệt để, đủ để tạo sự xoay chuyển căn bản trong cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia.

Đặt năm 2012 trong tiến trình liên tục của quá trình phát triển, tình trạng nghịch lý nêu trên tự nhiên làm nẩy sinh câu hỏi: phải chăng tính “có vấn đề” của nền kinh tế đã trầm trọng đến mức không thể khơi thông dòng chảy cho các luồng vốn (dù đang có sẵn chứ không phải là thiếu thốn) lưu thông bình thường, rằng nền kinh tế “yếu” đến mức không còn đủ sức hấp thụ cả “nhân sâm”, không đủ sức thoát khỏi những vấn đề ngắn hạn để thực hiện một cú đột phá, dù chỉ mang tính cục bộ, để tạo sự xoay chuyển tình thế căn bản?2 

Nếu tình hình đúng là như vậy, có phải nền kinh tế đã lâm vào trạng thái mà hồi đầu năm, một số nhà kinh tế gọi là “tình thế đặc biệt”? Và khi đã lâm vào tình thế đặc biệt, để xoay chuyển tình hình, phải chăng cần có “liều thuốc đặc trị”, chứ không thể dựa mãi vào mấy bài thuốc đã dùng quen mấy năm qua nhưng không mấy tác dụng?

Cách tiếp cận vấn đề như vậy đòi hỏi thay đổi cách “chẩn bệnh” và tìm kiếm giải pháp cho nền kinh tế. Nếu công cuộc này vẫn tiếp tục cách thức đã làm trong mấy năm qua, nghĩa là vẫn tập trung chú ý đến các thành tích ngắn hạn, lo tìm kiếm các giải pháp “ăn ngay”, vẫn tiếp tục “quan tâm sâu sắc” đến sự lên xuống chi ly từng % của các chỉ tiêu vĩ mô – mà không dành sự quan tâm thực tiễn, sự ưu tiên sống còn cho những quyết sách lớn, cho các giải pháp chiến lược – thì chắc chắn, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới còn u ám, khó có thể tạo ra bước ngoặt thực sự để thoát khỏi nguy cơ vòng xoáy, thậm chí khủng hoảng, mà nền kinh tế có thể lâm vào.

2. Nhận diện sự “khởi sắc”


Xét về xu hướng và căn cứ chủ yếu trên các con số định lượng, có thể nhận thấy rằng nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu được coi là “khởi sắc” sau khi tốc độ tăng trưởng trong Quý I rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong quý II và quý III, lạm phát giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP cao dần, nhập siêu thấp, dự trữ ngoại tệ tăng.

- CPI giảm thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2012 tăng chỉ 2,86% kể từ tháng 12/2011. Khả năng giữ lạm phát ở mức 7-8% cả năm là hiện thực. So với mức lạm phát hơn 18% của năm ngoái và so với mong mỏi nhiều năm là kéo được mức lạm phát xuống thấp, rõ ràng đây là một kết quả đáng kể.

- Tăng trưởng GDP: dự đoán đạt 4,8% cho 3 quý đầu năm và cả năm đạt 5,1%-5,3%, thấp đáng kể so với các năm trước3. Tuy nhiên, đối với mục tiêu luôn luôn dành được sự quan tâm hàng đầu này, theo “thông lệ”, sự chú ý đang được hướng tới khía cạnh khác: đó là nhấn mạnh xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP qua từng quý: Quý I: GDP chỉ tăng 4%; quý II: nâng lên 4,66% và quý III dự đoán sẽ đạt 5,5%.

- Nhập siêu, mối quan ngại lớn của nhiều năm gần đây, căn bệnh kinh niên trầm kha của nền kinh tế bỗng nhiên được “xử lý gọn”, đảo ngược thành xuất siêu. Tính chung cuộc 9 tháng đầu năm, xuất siêu đạt 34 triệu USD. Đây là một thành tích thực sự hiếm hoi trong suốt mấy chục năm đổi mới. Nó đáng được coi là một “kỳ tích” nếu so với những con số nhập siêu cao ngất ngưởng 6-8 tỷ USD cùng kỳ của các năm trước.

- Dự trữ ngoại tệ được cải thiện đáng kể. Lượng dự trữ ngoại tệ đã tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt mang lại một sự bảo đảm an toàn cao hơn cho nền kinh tế trong điều kiện nó đang gặp nhiều khó khăn và đối mặt với không ít rủi ro từ phía thị trường thế giới.

- Tổng cầu của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm tuy chưa thật sự mạnh nhưng đã có chuyển động tích cực. Xu hướng này thể hiện ở mức tăng 17,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng dần trong năm 2012, từ mức tăng 6,5% so với cùng kỳ của 6 tháng đầu năm, lên 6,8% qua 8 tháng đầu năm.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về “lượng”, trong nền kinh tế cũng bắt đầu triển khai một số cải cách mạnh nhằm vào hệ thống thể chế. Tháng 4/2012, Quốc hội đã ra Nghị quyết không cho phép mở thêm Khu Công nghiệp mới. Đây là nỗ lực nhằm chống lại việc mở rộng tràn lan các Khu Công nghiệp, vừa lãng phí, vừa làm hư hỏng thể chế, gây bức xúc lớn trong xã hội, nhất là trong khu vực nông thôn, Tiếp theo đó, tháng Bảy, Chính phủ ra quyết định, trong số 15 Khu Kinh tế ven biển đã được thành lập, sẽ chỉ tập trung ưu tiên đầu tư cho 5 Khu thay vì dàn trải cho tất cả như trước đây.

Những nỗ lực cải cách nhằm thay đổi chất lượng thể chế như vậy vẫn còn ít, thậm chí, có thể nói quá ít nếu so với yêu cầu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng – là những nhiệm vụ được xác định là cấp bách, rất cơ bản và mang tầm chiến lược. Thêm vào đó, những cải cách ít ỏi này vẫn mang đậm dấu ấn của cách phản ứng tình thế từ phía Chính phủ và khu vực kinh tế nhà nước trước áp lực thực tiễn gay gắt hơn là được diễn ra theo một chương trình hành động được thiết kế bài bản, hệ thống.

Nỗ lực và định hướng hành động là như vậy, song việc xác định nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó, ở hầu hết các địa phương, gần như trong mọi trường hợp, chỉ là áng chừng một cách cảm tính hoặc bị chi phối bởi các quan hệ lợi ích nhóm. Về nguyên tắc, nó cũng chưa lường được một cách thỏa đáng tổng chi phí điều chỉnh – một con số thường là không nhỏ.

Song vượt lên những nghi ngại mang tính kỹ thuật chuyên môn, vấn đề tái cơ cấu  đang được khởi động. Dù chưa thực sự “liền mạch”, chưa bảo đảm tính nhất quán, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, nó đã chứng tỏ công cuộc tái cơ cấu đầu tư công đang bắt đầu diễn ra “thật” và đúng hướng.

Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang được triển khai. Tuy tiến độ và kết quả ít được công khai, song những gì được ghi nhận cho thấy đã có những nỗ lực thực tiễn và kết quả bước đầu, chứ không dừng lại ở các Chương trình hành động trên giấy và những cuộc tranh luận hội trường.

Đây là những tin tốt, những dấu hiệu tích cực đích thực của tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm. Không nghi ngờ gì, tình hình kinh tế – trên một số khía cạnh – đang được cải thiện so với đầu năm. Có vẻ như nền kinh tế Việt Nam đã qua “cơn nguy kịch” và đang bước vào quỹ đạo phục hồi. Và giống như nhiều năm trước, bài hát “lạc quan” lại bắt đầu được cất lên, tuy giọng điệu có phần nhẹ nhàng hơn.

Nhưng thực tiễn các năm trước cho thấy rằng bài hát đó thường gây ra sự lạc quan quá mức, để sau đó, nền kinh tế phải trả giá. Kinh nghiệm chỉ ra rằng những dấu hiệu tích cực như vậy vẫn còn là quá ít để bảo đảm cho dự báo về một xu hướng “chắc chắn tốt”, một sự phục hồi “mạnh mẽ và không thể đảo ngược”. Chúng cũng chưa đủ để tạo lập niềm tin về sự hình thành “một cơ sở lành mạnh” cho xu hướng vươn lên của nền kinh tế năm 2013 và những năm tiếp theo. Những dấu hiệu đó cũng là còn ít và có phần chậm trễ để báo hiệu một tiến trình cải cách có khả năng “xoay chuyển tình thế” diễn ra sớm và đạt hiệu quả mong đợi chứ không chỉ là “cải thiện tình hình”.

3. Tổng thể cả năm: Tình thế khó khăn hơn và xu hướng sa sút

Nhưng cho dù có những dấu hiệu tốt lên như vậy, nhìn tổng thể và trong quan hệ so sánh, xu hướng tích cực nêu trên không phải là trục chính phản ánh đúng và đủ diện mạo cơ bản của nền kinh tế 8 tháng qua.

Ở bình diện ngắn hạn, nhận định trên thể hiện rõ ở những điểm sau.

Thứ nhất, cho dù được cải thiện theo từng quý thì đà tụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP so với năm trước là rõ rệt. Với mức tăng trưởng GDP quý 3 là 5,35%, diễn biến kinh tế vẫn cho phép dự báo kế hoạch tăng trưởng 6,0-6,5% của năm nay sẽ không thể đạt được. Mức tăng trưởng GDP năm 2012 mà Chính phủ dự kiến đạt chỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (nhưng có tính khả thi cao).

Thứ hai, lạm phát hạ nhanh, thậm chí nhanh hơn mức dự kiến, làm cho nền kinh tế liên tục mấy tháng bị “âm”. Xu hướng giảm nhanh như vậy gây lo ngại sự “lạnh đi” đột ngột của cơ thể kinh tế vốn đang bi suy yếu kéo dài. Đã có những ý kiến đề cập đến tình trạng thiểu phát, kéo theo đó là xu hướng trì trệ trong tăng trưởng GDP.

Cũng cần lưu ý đúng mức đến xu hướng CPI chuyển hướng nhanh từ “âm” sang “dương” trong tháng 8 và 9 trong khi các thao tác nới lỏng tiền tệ chỉ mới bắt đầu.

Đồ thị 1: CPI theo tháng năm 2011 và 9 tháng năm 2012



Đồ thị 1 cho thấy qua các tháng, CPI có biên độ dao động khá lớn và mức độ đảo chiều cao. Biên độ dao động CPI lớn chứng tỏ nền kinh tế nước ta trong 9 tháng qua vẫn trong trạng thái bất ổn cao. Đồng thời, hiệu ứng tâm lý và cách thức phản ứng chính sách trước động thái CPI (sử dụng hàng loạt các biện pháp hành chính với mong muốn đối phó nhanh với lạm phát, để dễ dàng và thuận tiện hơn cho bộ máy điều hành) cho thấy mức độ nhạy cảm rất cao của cơ thể kinh tế đối với các tác động đảo chiều, ngay cả khi tác động đó chưa mạnh.

Thứ ba, thành tích “đột ngột” chuyển nhập siêu thành xuất siêu phản ánh một thực trạng đáng lo ngại: năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế bị suy yếu nghiêm trọng. Nền kinh tế nước ta có một đặc điểm nổi bật là phụ thuộc nặng vào đầu vào nhập khẩu4. Vì vậy, thành tích giảm nhập siêu trong 9 tháng đầu năm so với các năm trước đồng nghĩa với một mặt, sản xuất trong nước gặp khó khăn nghiêm trọng, năng lực hấp thụ đầu vào yếu đi rõ rệt; hai là triển vọng tăng trưởng không mấy lạc quan trong những tháng còn lại của năm 2012 và cho cả năm 2013.

Gắn với “thành tích” giảm nhập siêu, còn một chỉ số khác cũng rất đáng quan tâm. Đó là số lượng đơn đặt hàng của nền kinh tế được ký kết qua các tháng. Đây là chỉ số phản ánh đầu ra của nền kinh tế, mang tính dự báo cao. Xu hướng đơn đặt hàng của nền kinh tế qua các tháng (đồ thị 2) cho thấy động thái đầu ra vẫn còn kém sáng sủa (chưa khôi phục mức trung bình 50 điểm), tương tự động thái đầu vào. Với xu hướng này, khó có thể trông đợi triển vọng cải thiện mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng GDP trong các tháng cuối năm và cả trong năm 2012.

Đồ thị 2: Xu hướng đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu mới



Thứ tư, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm rõ rệt trong khi đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung, là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ bằng 61,5% mức tăng cùng kỳ năm trước (7,8%). Cần lưu ý rằng tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp thấp, trong khi tốc độ tăng chi phí trung gian cao lên, làm tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp thấp xuống, kéo theo sự sụt giảm của tốc độ tăng GDP.

Tổng hợp lại, cho đến hết quý III, tăng trưởng công nghiệp vẫn có xu hướng chậm lại, chưa “thoát đáy”; cũng chưa lộ ra những yếu tố mới cho phép dự báo một sự thay đổi mang tính đột biến trong công nghiệp để xoay chuyển xu thế tăng trưởng GDP. Đây thực sự là một tin “xấu” cho việc dự báo triển vọng kinh tế cuối năm 2012, năm 2013.

Thứ năm, tốc độ tăng tồn kho giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Đồ thị 3 dưới đây chỉ rõ động thái đó:

Đồ thị 3: Hàng tồn kho giảm chậm và vẫn ở mức cao
Nguồn: MPI



Hàng tồn kho, giống như nợ xấu, được coi là một “cục máu đông”, rất nguy hại cho lưu thông kinh tế. Ôm một khối lượng lớn hàng tồn kho, doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó, nợ xấu gia tăng. Mặt khác, hàng tồn kho luôn là yếu tố triệt tiêu động lực sản xuất của doanh nghiệp. Năm 2012, tồn kho lớn kéo dài đang là yếu tố chính làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phá sản hoặc đóng cửa. Trên bình diện vĩ mô, hàng tồn kho cản trở mạnh mẽ sự lưu thông trong nền kinh tế, đúng với tên gọi “cục máu đông”.

TỒN KHO BẤT ĐỘNG SẢN – “NGHIÃ ĐỊA” CHÔN VỐN

Trong cơ cấu hàng tồn kho, đáng lo ngại nhất là lượng tồn kho bất động sản đang chiếm một tỷ trọng rất lớn.

Theo tính toán của Bộ phận Nghiên cứu thuộc Dragon Capital, cả TP.HCM và Hà Nội hiện đều có khoảng hơn 35.000 căn hộ ở sẵn sàng để bán. Trong trạng thái thị trường đóng băng hiện nay, có thể coi đây chính là lượng hàng tồn kho bất động sản (chắc là chưa đầy đủ). Giả dụ giá trị mỗi căn hộ chỉ là 1 tỷ VNĐ (chắc là thấp xa so với mức giá đã từng được bán trong 2-3 năm trước), thì lượng vốn bị “chôn” trong số căn hộ “tồn kho” nói trên đã lên tới 70.000 tỷ VNĐ. Nếu mức giá là 2 tỷ VNĐ/căn, tổng số vốn “bị chôn” sẽ lên tới 140.000 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ và có lẽ nó không quá xa con số thực. Hệ lụy mà “cục máu đông” này gây ra cho nền kinh tế cũng như mức độ rủi ro mà nó đe dọa hệ thống ngân hàng chắc chắn còn vượt xa sự khổng lồ của chính nó.




Theo thống kê từ 69 công ty BĐS niêm yết, các công ty này đều phải đối mặt với vấn đề thanh khoản nghiêm trọng. Tỉ số thanh toán nhanh, phản ánh khả năng công ty có đủ tài sản ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không, giảm còn dưới 0,7 lần. Đến quý IV/2011, các công ty này đang gánh một khoản nợ vay khoảng 67.000 tỉ đồng và chi phí lãi vay mỗi năm là 13.400 tỉ. Đáng báo động là trong cơ cấu nợ vay, khoản vay ngắn hạn trong quý IV đã tăng lên 26.400 tỉ. Điều này có nghĩa, các công ty này phải có 39.800 tỉ để trả nợ vay đến hạn và lãi vay trong năm 2012.


Trong khi đó, lượng tiền mặt còn lại tại 69 công ty này là 915 tỉ đồng, chỉ đủ để trả 1/4 số nợ trên và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lãi vay và thuế chỉ bằng 1/3 chi phí lãi vay mỗi năm. Mối tương quan này cho phép xác định lượng nợ xấu thực rất lớn đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hệ thống ngân hàng.


Cũng cần lưu ý thêm rằng đây mới là số liệu của 69 công ty bất động sản niêm yết trên sàn. Trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Và với các công ty này, ít có cơ sở để tin rằng thực trạng tài chính của chúng lại đẹp hơn 69 công ty niêm yết trên sàn nêu trên – thường là những công ty có thực lực, hoạt động bài bản và hiệu quả hơn (niêm yết trên sàn là tiêu chuẩn xác nhận đẳng cấp).


Đồng thời, chính Báo cáo này cũng nhận định nếu không có giải pháp để kích cầu mua căn hộ, có lẽ cần ít nhất 7 năm mới tiêu thụ hết lượng căn hộ tồn kho hiện nay. Nghĩa là thời điểm đích cho việc giải quyết nợ xấu bất động sản hãy còn xa lắm.

Tồn kho cao là thực trạng phổ biến trong khu vực doanh nghiệp hiện nay. Nó là kết quả của sự giảm sút sức cầu trên thị trường mà nguyên nhân sâu xa, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nằm trong chính cơ cấu và hệ thống phân bổ nguồn lực “có vấn đề” của nền kinh tế. Một nền kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào vốn, cơ chế phân bổ vốn lại không hợp lý vận hành trong một thời gian dài, việc quản lý sử dụng vốn lại lỏng lẻo, làm cho hiệu quả đầu tư thấp, nhất là trong khu vực nhà nước, sẽ dẫn tới kết cục tất yếu là lạm phát cao kéo dài, sức cầu thị trường suy giảm liên tục.

Đối mặt với tình hình đó, hiện nay, khi sức khỏe của nền kinh tế - cả của khu vực doanh nghiệp lẫn của khu vực nhà nước – bị suy giảm mạnh thì nỗ lực “kích cầu” nhằm giải tỏa đống hàng tồn kho, từ đó vực dậy nền kinh tế thật sự là một bài toán khó, một thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ.

Thứ sáu, ở mặt cung, trong mối liên hệ tương thông và tương thuộc với mặt cầu, tình hình cũng nghiêm trọng không kém.

Nền kinh tế nước ta có đặc điểm nổi bật là tăng trưởng lệ thuộc ngày càng nặng vào vốn đầu tư (đồ thị 4).

Đồ thị 4: Đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng GDP



Với một nền kinh tế đang “ốm yếu”, việc dư nợ tín dụng qua 9 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 2% cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra (không thể hấp thụ nổi vốn dù đang rất khát vốn). Tính bất thường này còn thể hiện rõ hơn qua sự kiện là cho đến hết tháng 6 thì tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ đạt mức “âm”. Hoạt động cho vay mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7, nhưng cũng rất yếu ớt. Nghĩa là quá trình “lưu thông máu” cho một cơ thể đang bị ốm nặng, đã bị đình trệ trong suốt nửa năm. Nên lưu ý thêm rằng điều này diễn ra sau khi nền kinh tế đã trải qua gần suốt một năm 2011 bị “đói vốn” (đồ thị 5).

Một nền kinh tế “nghiện nặng” vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn – đó thực sự là một nguy cơ đe dọa. Nó cung cấp thêm một căn cứ thực tế để dự báo triển vọng.
Đồ thị 5 cho thấy mức độ trầm trọng của cú sốc tài chính mà nền kinh tế phải chịu khi chính sách thắt chặt tiền tệ được triển khai quyết liệt trong suốt gần hai năm qua.

Đồ thị 5: Tăng trưởng phương tiện và tăng trưởng tín dụng:



Cú sốc tài chính 2011-2012

Cần xem xét thêm một tương quan khác: Tính đến tháng 8, trong khi tổng huy động vốn tăng 11,23% thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,4% (sang tháng 9, con số này nhích thêm được gần 1%). Tương quan này phản ánh tình trạng ách tắc tín dụng và sự lệch pha trong cán cân huy động và cho vay. Việc tìm đáp án trả lời câu hỏi: vì sao tín dụng “lệch pha” (hay tại sao nền kinh tế không hấp thụ được vốn dù đang rất khát vốn) và làm thế nào để phá thế “đóng băng” tín dụng, tiếp tục là bức xúc không chỉ riêng đối với ngành ngân hàng.
Cũng từ đó, phát sinh một nỗi lo mới trong hệ thống, đó là: rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường từ sự mất cân bằng giữa huy động và cho vay; cũng như bất an đến từ việc tín dụng tăng thấp nhưng huy động vẫn tăng đang ngày càng hiện hữu. Điều này đang diễn ra và có thể còn kéo dài trong những tháng tới.

Thứ bảy, tình trạng khó khăn nghiêm trọng kéo dài của hệ thống doanh nghiệp.
Nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nó hình thành một cái “bẫy sụp đổ” mà nhiều doanh nghiệp không thể thoát ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét