Dân gian cũng phát khóc vì truyện tranh cổ tích
(Nguoiduatin.vn) - Rất nhiều truyện cổ tích hiện nay được "hiện đại hóa" để giúp giới trẻ dễ tiếp nhận hơn. Thế nhưng, "chế" theo kiểu này vô hình trung đã khiến nội dung, ý nghĩa, ngôn từ bị "bóp méo" một cách nguy hiểm.
Khi người ngoan thành... kẻ ác
Gần đây, có rất nhiều truyện tranh cổ tích xuất hiện nhưng với nội dung, cách trình bày được làm mới để có thể bắt kịp xu thế. Với lý do cố gắng "hiện đại hóa" truyện cổ tích, để phục vụ giới học sinh, sinh viên, rất nhiều sách truyện tranh được "chế" một cách khó hiểu. Kho tàng truyện cổ tích vốn rất quen thuộc, gần gũi đối với người dân đất Việt.
Hình ảnh chụp từ truyện tranh "Sự tích dưa hấu"
Trong đó, có rất nhiều cuốn sách là tác phẩm "gối đầu giường" của nhiều thế hệ. Nó đã khắc sâu vào trong tâm trí hàng triệu người dân Việt, bởi nội dung sâu xa về cuộc sống. Đó là Cây tre trăm đốt, Nàng tiên thứ chín, Thạch Sanh, Từ Thức... Thế nhưng, những năm gần đây, những câu chuyện cổ tích ấy được làm mới bằng hình thức truyện tranh, khiến nội dung bị "biến dạng".
Hầu hết trong các truyện cổ tích này, những tình tiết thú vị đều đã bị cắt bỏ, thêm vào đó là những câu nói "thời @" mang đậm tính hiện đại hóa. Việc "chế biến" này nhằm tạo nên tính chất hài hước, giúp giới trẻ dễ tiếp thu hơn nhưng thực chất thì ngược lại. Truyện Tấm Cám thời hiện đại xuất hiện trên nhiều trang mạng như một cuốn truyện giải trí. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là mặc dù cốt truyện Tấm Cám vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng lời nói, tình huống đều bị... biến dạng.
Chẳng hạn, một đoạn trong truyện miêu tả cảnh mẹ Cám mắng Tấm như sau: "Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm!" hay: "Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm"... Trong truyện tranh này, Tấm còn âm mưu bắn cả đỉa vào người Cám khi Cám đang ngủ trên đồng trong buổi chiều đi bắt tép. Tiếp theo, Tấm còn mắng Cám xối xả: "Dám chôm giỏ tép của tao à?"… Từ cách diễn đạt đó, hình ảnh cô Tấm ngoan hiền đã "bay mất tiêu", thay vào đó là một tính cách nham hiểm, ác độc…
Bạn Nguyễn Thị Hòa (sinh viên Khoa Văn học & Ngôn ngữ, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại truyện tranh cổ tích được bày bán với sự thay đổi cả nội dung, hình thức và ý nghĩa cốt truyện. Một số truyện cổ tích bị biến dạng rất nghiệm trọng.
Ví dụ, trong truyện Chú mèo đi hia, trong bản ở sách giáo khoa là bẫy chim đa đa để biếu vua nhưng lại được thay thế thành bẫy thỏ và mất hẳn phần chú mèo đấu trí với tên phù thủy để có được tòa lâu đài cho chủ nhân. Còn truyện Công chúa ngủ trong rừng thì từ 13 bà tiên giờ chỉ còn lại 7 bà tiên trong truyện tranh.
Trầm trọng hơn, có truyện còn viết sai lệch nội dung hoặc đưa vào những tình tiết hư cấu vô lối chỉ nhằm mục đích gây cười. Bạn Hải Đăng (sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Văn Hiến, TP.HCM) cũng tỏ ra bức xúc: "Truyện cổ tích vốn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, dù có nhiều dị bản nhưng bản chất vẫn là ca ngợi cái tốt, cái đẹp; bài trừ cái xấu, cái ác. Thế nhưng, hiện nay, nội dung nhiều truyện đã bị thay đổi khác lạ, theo chiều hướng ngược lại".
Hải Đăng đưa ra ví dụ: Trong truyện Cây tre trăm đốt, kể rằng: Do nhà nghèo, anh Khoai đã phải đi ở đợ cho nhà địa chủ. Nhưng theo bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam, trong một lần đi chợ, con gái địa chủ đã dụ dỗ Khoai về ở nhà mình với lời lẽ: "Về ở nhà ta nghen, nhà ta có nhiều đồ ăn ngon lắm!".
Về nội dung truyện cũng được làm mới như sau: "Con gái địa chủ thầm yêu mến anh Khoai nên từ chối hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, một mực đòi lấy anh Khoai. Do đó, lão địa chủ ra điều kiện anh Khoai đi tìm cây tre trăm đốt mới gả con…". Bộ truyện này bỏ qua chi tiết mấu chốt của câu chuyện: Lão địa chủ bội ước lời hứa gả con gái cho anh Khoai sau ba năm anh chịu khó cày ruộng.
Truyện tranh hiện đại có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ
"Tả pí lù" trong truyện cổ tích
Bạn Nguyễn Tuyết Nhung (sinh viên năm thứ 4, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: "Truyện cổ tích được coi là loại sách dành cho tuổi thơ mà bất cứ đứa trẻ nào cũng say mê, gửi gắm tâm hồn vào những câu chuyện thần tiên, ngây thơ và trong sáng. Với hình ảnh được gọi là hiện đại hóa bằng những nét vẽ hiện đại, nhiều người sẽ kỳ vọng truyện tranh cổ tích là cách giúp trẻ ngày càng thích thú với truyện cổ tích.
Thế nhưng, khi đi sâu vào những cuốn sách này, chúng ta sẽ cảm thấy giật mình, khó chịu vì truyện cổ tích đã bị xuyên tạc một cách... kỳ quặc". Cũng theo Tuyết Nhung, "hiện đại hóa" truyện cổ tích theo kiểu này chẳng khác nào "xuyên tạc" truyện cổ tích, làm méo mó thế giới tâm hồn, khát vọng trẻ thơ. Khi truyện tranh xuất bản ra hàng ngàn bản cho hàng vạn người đọc thì sự "xuyên tạc" này chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thế hệ sau.
Bạn Trương Thế Anh (sinh viên trường ĐH Văn Hiến, TP.HCM) cũng tỏ ra bức xúc trước những truyện tranh bị bóp méo: "Vẫn biết rằng vốn truyện cổ tích là một thể loại truyền miệng, có nhiều dị bản do những đặc điểm riêng trong nếp sống, lao động của từng vùng miền. Những người kể truyện cổ tích thường mang vào truyện những nét cá tính riêng, thêm thắt nội dung theo những ý đồ nhất định. Thế nhưng, sự "sáng tạo" quá mức, đi ngược lại cốt truyện vốn có thì rất đáng lên án".
Thế Anh lấy ví dụ, trong truyện Sự tích quả dưa hấu trong truyện tranh có nhiều chi tiết tỏ ra nhí nhố, văn phong cực kỳ… "hại điện". Chẳng hạn: "Mai An Tiêm khi bị đày ra đảo hoang, an ủi vợ: "Nàng đừng lo! Trời sinh voi, sinh cỏ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được thôi!”. Người vợ đáp: "Vâng, anh nói đó nha!...".
Hơn thế nữa, truyện còn đưa thêm những tình tiết không phục vụ chủ đề của truyện gốc là tinh thần tự lập của An Tiêm mà còn tạo ra hình ảnh ghê rợn, thiếu nhân văn: Một chú voi con vừa đi dạo chơi trong rừng vừa hát líu lo yêu đời thì bị Mai An Tiêm bắn hạ; Vợ của Mai An Tiêm chỉ ngồi bên bờ biển dùng nhan sắc của mình để dụ cá theo về nhà làm thịt; con trai của Mai An Tiêm thuần phục được một chú hổ con đem về làm bạn nhưng được mẹ dặn dò: "Khi nào con chơi chán thì nói mẹ nấu cà ri nhé con!"…
Phá cách truyện cổ tích theo kiểu này không những làm "biến chất" mà còn đầu độc thiếu nhi, đi ngược lại giá trị đạo đức và quy định của pháp luật hiện hành. Điều đó vô hình trung biến truyện cổ tích thành một thứ... tạp phẩm độc hại.
Biến dạng thô tục ngay từ tựa sách
Không chỉ nằm ở phần nội dung, ngôn từ bị "chế" mà những truyện tranh này còn dùng các tựa sách kiểu giật gân, câu khách. Những tựa sách như "Thuyền trưởng quần lót" nhiều tập với các tựa khác nhau: Thuyền trưởng quần lót và cuộc xâm lược của các mụ cấp dưỡng thô tục từ ngoài kinh hành tinh; Thuyền trưởng quần lót và cuộc tấn công của lũ toa lét biết nói… Việc "biến dạng" truyện cổ tích theo kiểu này đã làm cho người đọc cảm thấy rất phản cảm.
|
Làm sai lệch ý nghĩa câu chuyện
PGS.TS Ngôn ngữ học Lê Trung Hoa cho biết: "Truyện cổ tích vốn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác theo nhiều cách thức khác nhau nhưng về cơ bản thì nội dung vẫn được giữ nguyên, nhằm lưu lại những ý nghĩa của cuộc sống thường ngày. Gần đây, việc xuất hiện những truyện tranh mang sắc thái thời hiện đại của nhiều nhà xuất bản khác nhau nhằm lôi cuốn sự chú ý của độc giả là cách làm khá mới mẻ. Thế nhưng, việc xuyên tạc hay biến chế nội dung, ngôn từ, hình ảnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều học sinh, sinh viên. Những câu chuyện mang ý nghĩa răn dạy, khuyên nhủ trong đời sống hằng ngày sẽ không còn nữa khi Truyện cổ tích biến thành truyện tranh giải trí. Tôi cho rằng, không nên "biến dạng" truyện cổ tích theo kiểu này, bởi nó làm sai lệch những ý định muốn nhắn nhủ của những thế hệ trước".
|
Bạt Phong - Mai Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét