Tổng bí thư (1)
Tháng Tư 28, 2011 — Lê Mai
Tổng bí thư được coi là nhân vật có quyền
lực nhất trong thiết chế chính trị của các nước XHCN trước đây và một
số rất ít nước – có thể đếm trên đầu ngón tay, hiện còn lại trên thế
giới, trong đó có VN.
Thoạt tiên, vai trò của Tổng bí thư không
phải là quan trọng nhất mà chỉ có ý nghĩa như người đứng đầu văn phòng
của Đảng, chủ yếu giải quyết các công việc hành chính. Khi Lênin chưa
mất, Trotsky ở vị trí thứ hai thì vai trò của Xtalin với tư cách Tổng bí
thư là như vậy. Sau cái chết của Lênin, Trotsky phạm sai lầm chiến lược
lớn, không trở về từ Xukhumi để dự lễ tang Lênin, Xtalin thay mặt Đảng
Bônsêvích đọc bài vĩnh biệt, sau này đi vào lịch sử với tên gọi “các lời
thề của Đảng”. Uy tín của Xtalin tăng rất nhanh. Với nhãn quan chiến
lược và sự tinh tế trong hành động, mặc dù có sự phê phán của Lênin,
Xtalin vẫn được bầu làm Tổng bí thư và thực sự đứng đầu ban lãnh đạo đất
nước.
Đặng Tiểu Bình cũng đã từng giữ chức Tổng
bí thư ĐCS TQ, song quyền lực tối cao nằm trong tay Chủ tịch đảng Mao
Trạch Đông. Tương tự, ở VN, Chủ tịch đảng Hồ Chí Minh mới là người nắm
quyền lực cao nhất. Có thể dễ dàng nhận thấy, chức Chủ tịch đảng chỉ
dành riêng cho Hồ Chí Minh.
Cùng với sự lớn mạnh của phe XHCN và “ba
dòng thác cách mạng” đang ở thế tiến công trên khắp thế giới, tên tuổi
các “đồng chí Tổng bí thư” trở nên quen thuộc đối với người VN chúng ta.
Đây, Liên Xô – quê hương cách mạng là đồng chí Lê-ô-nít Brêgiơnép, CHDC
Đức: đồng chí Ê-rích Hô-nếch-cơ, Rumani: đồng chí Xê-au-xê-xcu,
Bulgaria: đồng chí Tô-đo Gíp-cốp, Tiệp khắc: đồng chí Guxtáp Hu-xắc,
Mông Cổ: đồng chí Xê-đen-ban…Các cuộc thăm viếng lẫn nhau, các hội nghị
hay các cuộc gặp thượng đỉnh ở Matxcơva làm tên tuổi các “đồng chí Tổng
bí thư” vang dội trên toàn thế giới! Những tiếng vỗ tay của các “đồng
chí Tổng bí thư” dường như làm rung chuyển Nhà trắng. Có vẻ các Tổng
thống phương Tây không được hưởng nhiều vinh quang như các “đồng chí
Tổng bí thư” kính mến của chúng ta. Song, lịch sử cũng cho chúng ta thấy
rằng, chỉ bằng việc ca ngợi lẫn nhau, hệ thống XHCH đã đi đến đâu!
Trở lại lịch sử ĐCS VN, Trần Phú là Tổng
bí thư đầu tiên, nổi tiếng với Luận cương chính trị năm 1930, bác bỏ
Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị
hợp nhất, thành lập ĐCS VN. Hà Huy Tập, người đã từng báo cáo phê phán
Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế CS, chỉ trích Nguyễn Ái Quốc là người theo
chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cải lương. Và Nguyễn Văn Cừ nổi tiếng với
tác phẩm Tự chỉ trích.
Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước khi hoa mơ và hoa kim anh nở trắng trên biên giới Việt – Trung:
“Ôi sáng xuân nay, xuân 41. Trắng rừng biên giới nở hoa mơ. Bác về… Im lặng… Con chim hót. Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ” (Tố Hữu).
“Nở trắng hoa kim anh trên biên giới Bác về. Xa nước ba mươi năm một
câu Kiều người vẫn nhớ. Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa. Lòng son ngời
như buổi mới ra đi” (Chế Lan Viên).
Lòng vẫn son ngời, song vì nhiều lý do,
Hồ Chí Minh từ chối và Hội nghị TW đã bầu Trường Chính làm Tổng bí thư.
Sau năm 1945, ĐCS tuyên bố tự giải tán – một nước cờ chiến thuật rất cao
của Hồ Chí Minh, tới Đại hội II, năm 1951, Trường Chính tiếp tục làm
Tổng bí thư. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ
Nguyên Giáp vang dội trên khắp thế giới và tên tuổi của người anh Cả
Trường Chinh cũng chói sáng. Đùng một cái, xẩy ra sai lầm cuộc cải cách
ruộng đất, Trường Chinh buộc phải từ chức Tổng bí thư. Đến năm 1986, sau
khi Lê Duẩn mất, ông trở lại làm Tổng bí thư và các nhà nghiên cứu cho
rằng, ông là tác giả chính của công cuộc “đổi mới” ở VN. Một người cực
kỳ giáo điều, kinh viện, lại dám rẽ ngoặt trong tư duy vào cuối đời, đó
là bản lĩnh rất lớn của ông. Mấy nhà lãnh đạo – Tổng bí thư đã làm được
điều đó?
Cách mạng tháng Tám, kháng chiến, đổi mới
là những cống hiến nổi bật của Trường Chinh. Đó là đánh giá của Võ
Nguyên Giáp. Còn Hoàng Tùng, từng là Bí thư TW Đảng cho rằng, nếu không
có Trường Chinh trong những giờ phút hiểm nghèo trước và sau năm 1945,
sẽ không có ngày nay đâu!
Trường Chinh rất am hiểu văn hoá, văn
nghệ. Ông đã từng trình bày bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá VN làm
giới trí thức hết sức nể phục. Văn chính luận của Trường Chinh trong
sáng, đầy cuốn hút mà không kém phần hùng biện. Phong cách của Trường
Chinh bao giờ cũng từ tốn, cẩn thận, nghiêm trang, đúng mực. Khi phát
biểu ở Bộ Chính trị, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ hay nói chen ngang, khi đó
ông im lặng, không nói gì và từ từ ngồi xuống. Khác với Lê Thanh Nghị,
khi phát biểu, xung quanh ai nói gì cũng mặc, ông cứ nói cho hết ý mình.
Còn Nguyễn Văn Trân thì tự hào rằng phát biểu của mình hết sức chặt
chẽ, Lê Duẩn không thể xen ngang được và khi ông ta xen vào nói thì “tôi
đã phát biểu xong rồi”.
Nhớ lại năm 1956, sau khi Trường Chinh từ
chức Tổng bí thư, Hồ Chí Minh là Chủ tịch đảng kiêm Tổng bí thư một
thời gian, với hai trợ lý giúp việc là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Duy
Trinh. Năm 1957, Hồ Chí Minh gọi Lê Duẩn ra Bắc và Đại hội III ĐCS VN,
Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH TW. Ông giữ chức Bí thư thứ
nhất cho đến năm 1976, Đại hội IV ĐCS VN mới chính thức bầu Lê Duẩn làm
Tổng bí thư. Cần lưu ý, năm 1976, Lê Duẩn mới giữ chức Tổng bí thư,
trước đó – Bí thư thứ nhất. Không ít những cuốn hồi ký, những cuốn sử
hay những phim truyện về lịch sử nhầm lẫn như vậy. Song, không nghi ngờ
gì nữa, quyền lực của Tổng bí thư Lê Duẩn thật sự bao trùm tất cả.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Lê Duẩn
làm Bí thư xứ uỷ Nam Bộ và phải thừa nhận ông là một nhà lãnh đạo giỏi.
Dù ở xa TW, ông thực hiện nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn và rất
được lòng dân. Xử lý vụ Bảy Viễn (một tướng cướp giang hồ Bình Xuyên
khét tiếng theo kháng chiến) về thành đầu Tây là một ví dụ. Trung tướng
Nguyễn Bình, Ủy viên quân sự Nam Bộ, sau khi nắm rõ hoạt động “đi đêm”
của Bảy Viễn với Pháp, quyết định bắt Bảy Viễn để đưa ra tòa án tối cao
xét xử. Nhiều người đồng ý với Nguyễn Bình, song ý kiến Lê Duẩn lại
khác. Ông đề nghị cứ để Bảy Viễn tự do đưa quân về Rừng Sác. Nếu ông ta
kéo quân về thành đầu Tây là ông ta tự ký bản án kết thúc sinh mạng
chính trị của ông ta. Lâu nay ông ta theo cách mạng thì nhân dân kính
trọng. Nay đột nhiên ông ta bỏ về thành là tự ông ta vạch trần cái mặt
nạ ông ta đeo trong ba năm qua. Tôi nghĩ, bản án tử hình đã do chính Bảy
Viễn tự ký, chúng ta không phải bận tâm đưa ông ta ra xử cho rắc rối –
Lê Duẩn giải thích.
Cuộc biểu quyết đã nghiêng về ý kiến Lê
Duẩn. Là một nhà chính trị, phải nói viễn kiến của Lê Duẩn trong việc
giải quyết vấn đề này rất sâu rộng.
Một cuộc hội nghị khác của Ủy ban kháng
chiến hành chánh Nam Bộ chủ trương in giấy bạc giả để phá hoại kinh tế
của địch, có nhiều người đồng ý. Song, Lê Duẩn không nhất trí và phân
tích, ai sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất về chủ trương đó? Chính là số đông
quần chúng lao động – không thể làm điều gì thiệt hại đến họ.
Tuy vậy, với sự xuống dốc thê thảm của VN
sau năm 1975 đã gây nên rất nhiều tranh cãi về tài năng lãnh đạo của Lê
Duẩn trong giai đoạn này.
Cùng thời với Lê Duẩn, đó là Lê-ô-nít
Brêgiơnép, Tổng bí thư ĐCS Liên Xô. Ông ta được ngồi ghế Tổng bí thư như
là một giải pháp dung hoà, tạm thời của ban lãnh đạo ĐCS Liên Xô, bởi
vì ông không phải là người xuất sắc nhất. Không ngờ, khi đã nắm quyền
lực, ông ta trở nên không ngoan hơn và rốt cuộc, ông ta ngồi ghế Tổng bí
thư khá dài – gần 20 năm.
Thời kỳ Brêgiơnép cầm quyền, trừ thời
gian đầu, có thể nói là thời kỳ đỉnh cao trì trệ của Liên Xô. Người ta
biết thừa rằng, vào những năm cuối đời, Brêgiơnép không thể lãnh đạo
Đảng và điều hành đất nước được nữa. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị,
Brêgiơnép ngồi như người mất hồn, không hiểu ngồi ở đâu và mọi người tụ
tập ở đây làm gì. Ông ta đọc lẫn lộn các văn bản chữ rất to được các trợ
lý chuẩn bị sẵn, đôi lúc nhận ra sự bất lực của mình, ông giương cặp
mắt đầy thương hại nhìn mọi người. Do không ý thức được hết tình trạng
của mình, ông vẫn thủ vai Tổng bí thư. Đúng hơn, những người xung quanh
ông thủ vai của chính ông. Chúng ta thấy điều đó nguy hiểm cho đất nước
như thế nào.
Thế rồi, ngày 10.11.1982, ông lặng lẽ
chết trên giường. Sau đó, Iu.V. Anđrôpốp được bầu làm Tổng bí thư, chỉ
cầm quyền được 15 tháng. Tiếp đó là C.U. Chécnencô nắm chức Tổng bí thư
cho đến tháng 3.1985 thì qua đời.
Quảng trường Đỏ liên tục lặng đi trong
niềm tang tóc, vĩnh biệt các Tổng bí thư. Hàng loạt đại bác tiễn biệt
vang lên làm hoảng loạn lũ bồ câu trên tháp chuông nhà thờ thánh Ivan
Đại đế. Những vị khách phương Tây co ro run rẩy trong làn áo mỏng giữa
những ngày mùa Đông nước Nga.
Một cái tên sắp xuất hiện làm thay đổi thế giới: M.X. Goócbachốp.
Và vì vậy, câu chuyện về Tổng bí thư của chúng ta cũng chưa thể kết thúc…
Tổng bí thư (2)
Tháng Năm 4, 2011 — Lê Mai
Tin về sự ra đi của C.U.Chécnencô đến với
Goócbachốp khi ông ta đang đi dạo cùng với vợ – Raixa Macximốpna. Ngay
lúc đó, ông ta đã nói với bà rằng, ông sẽ phải nhận về mình sứ mạng một
nguyên thủ và chịu toàn bộ trách nhiệm về số phận của đất nước. Lập tức,
Goócbachốp yêu cầu Văn phòng thông báo cho tất cả các Ủy viên chính
thức và dự khuyết BCT, các Bí thư TW Đảng quay về Kremlin.
Một lần nữa, Quảng trường Đỏ tràn ngập cả
biển người nhưng hình như lần này mọi người đến đây không phải để cố
làm ra vẻ đau buồn. Trên lễ đài xuất hiện quan khách từ các nước cộng
hòa và cả các vị khách nước ngoài. Một lần nữa, Magaret Thatcher lập cập
khua đôi giày thời thượng đi lên vì chưa quen với thời tiết băng giá
của Liên Xô.
Sự ra đi của Chécnencô không phải là một
điều bất ngờ, song các nhà lãnh đạo Liên Xô chưa chuẩn bị cho việc bầu
chọn một lãnh tụ mới. Các Ủy viên BCT tập trung trong căn phòng gỗ hồ
đào và Hội nghị BCT ngày 10.3.1985 đã không giải quyết được việc tìm
người thay thế Chécnencô. Goócbachốp hiểu rằng, tiếng nói của Grômưcô –
Bộ trưởng ngoại giao có uy tín, một nhà hoạt động quốc tế, có ý nghĩa
quyết định. Nếu ông ấy nói Goócbachốp là Tổng bí thư thì tất cả sẽ biểu
quyết mà không ai dám phát biểu khác, vì có thể gây nguy cơ chia rẽ BCT.
Một phái viên bí mật của Goócbachốp đã đến chỗ Grômưcô và rất nhanh
chóng nhận được câu trả lời.
Một ngày sau đó, Hội nghị toàn thể Ủy ban
TW đầy lo lắng đã tới. Grômưcô tiến ra lễ đài bằng những bước đi chắc
chắn, đầu ngẩng cao, nói bằng giọng buồn tẻ, không cần nhìn vào bài
viết:
- Tôi được giao phó trình Hội nghị toàn
thể Ủy ban TW về vấn đề ứng cử Tổng bí thư Ủy ban TW ĐCS Liên Xô. BCT
thống nhất đề cử M.X.Goócbachốp làm Tổng bí thư Ủy ban TW Đảng.
Với những hình dung từ bất ngờ, đầy hình
tượng, những lý lẽ không mang tính truyền thống, những kết thúc lôgíc,
Grômưcô khẳng định rằng Goócbachốp xứng đáng được bầu vào vị trí này.
Goócbachốp là một nhà lãnh đạo có tài năng không thể đánh giá hết, có
tính nguyên tắc, quyết đoán, nắm vững nguyên lý lêninnit, làm chủ được
nghệ thuật phân tích.
Goócbachốp phát biểu, hứa phục vụ đất nước một cách tận tâm, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng và Lênin.
Chiến lược tăng tốc, cải tổ bắt đầu. Tại
Liên Xô dấy lên một không khí hào hứng chưa từng có. Các nước XHCN cũng
hòa vào làn sóng cải tổ đó – dĩ nhiên, ở VN cũng không ngoại lệ.
Nhớ lại năm 1986, sau khi Lê Duẩn qua
đời, trong Hội nghị bất thường BCH TW ĐCS VN, Phạm Văn Đồng đứng lên
giới thiệu Trường Chinh làm Tổng bí thư, được Hội nghị hoàn toàn nhất
trí.
Trước đó, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại
hội VI đã được chuẩn bị do Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo, với các cây bút cự
phách như Tố Hữu, Trần Quỳnh, Trần Việt Phương…Nhưng sau khi nghiên cứu
tình hình, tìm hiểu thực tế, Trường Chinh đã chỉ đạo một nhóm 10 người
khác viết lại Báo cáo Chính trị với những quan điểm đối mới trình Đại
hội VI thông qua. Dĩ nhiên, những tư tưởng “cải tổ” của Liên Xô có ảnh
hưởng không nhỏ đến việc hoạch định chính sách mới của VN.
Có quan điểm cho rằng, người VN chỉ biết
bắt chước, nói theo, làm theo; bắt chước, nói theo, làm theo Tàu, theo
Tây, theo Nga; không có sáng tạo gì đặc sắc của mình. Xưa thì “Tử viết”,
sau này là “Lênin nói”! Giáo sư Trần Văn Giàu, trong tác phẩm Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh
phản bác lại quan điểm này, đại ý: Phải, người VN có tinh thần phóng
khoáng, giỏi tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân
tộc, lấy của người làm của mình. Nhưng cũng đã tỏ khả năng sáng tạo.
Người Tống thuộc binh thư Tôn Tử, binh thư Mạnh Đức, Ngô Khởi hơn ta mà
Tống Hoa Hạ mất về tay Nguyên Du Mục, còn Đại Việt thì thì thắng Nguyên
đến ba lần, ắt không phải vì cơ may mà vì chiến lược, chiến thuật giỏi,
sao dám bảo quân tướng nhà Trần dốt binh thư, chỉ biết học lỏm mà không
sáng tạo?
Cho nên, “Đổi mới” ở VN có những điểm
giống nhưng cũng có những điểm khác với “cải tổ” của Liên Xô. “Đổi mới”
được thực hiện từng bước, một cách vững chắc, có tính kế thừa và ưu tiên
đổi mới kinh tế trước.
Những tư tưởng “cải tổ” của Goócbachốp
tiếp tục lan rộng. Người ta đang mong chờ VN sẽ xuất hiện một
“Goócbachốp mới”. Và Đại hội VI ĐCS VN, Nguyễn Văn Linh đã được bầu làm
Tổng bí thư, nhanh chóng đưa đến một làn gió mới.
Nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu
Trần Bạch Đằng kể lại, vào năm 1979, Nguyễn Văn Linh là Ủy viên BCT, phụ
trách công tác dân vận, trong một chuyến công tác, sau khi làm việc
xong ở Hậu Giang, tiếp tục đi An Giang. Ông không biết tỉnh Hậu Giang
cho xe con đi theo hộ tống. Phát hiện ra việc này, ông rất tức giận, hỏi
Phó ty Công an Hậu Giang, ai bày ra chuyện “còi hụ” này? Ông này hoảng
quá, bèn trả lời là làm theo nghi thức đã quy định.
- Không có nghi thức gì cả! Đi làm việc
mà tiền hô hậu ủng thế này xấu hổ lắm. Đồng chí về Cần Thơ đi, chúng tôi
đi một xe là đủ. Ông Linh nói.
Ông Phó ty lại báo cáo, An Giang cử một xe đón đoàn ở phía trước. Ông Linh càng tức giận:
- Đoàn gì? Cán bộ đi công tác mà kêu là đoàn. Còn xe cảnh sát An Giang, tôi vô nhà đồng bào nghỉ!
Ông Trần Bạch Đằng xen vào, nói với ông
Phó ty: đồng chí gặp ngay xe cảnh sát An Giang, bảo họ về Long Xuyên,
còn đồng chí quay lại, về Cần Thơ…
Tại An Giang, thái độ nghiêm khắc của ông
trong xử lý công việc đã làm cả Thường vụ tỉnh ủy phát khóc. Dạo đó,
Pôn Pốt hay vượt biên giới đánh sang VN, An Giang lại có đông đồng bào
Khơme nên một tay “quân sư quạt mo” của ta đề xuất với Bộ Chính trị cho
di tản số đồng bào Khơme xuống Sóc Trăng. Đọc báo cáo của tay “quân sư
quạt mo”, ông Linh kêu bằng “quân sư quạt máy” và thêm bức điện của một
Ủy viên BCT, ông Linh nổi sùng.
Ông nói với Trần Bạch Đằng:
- Anh thảo một bức điện, gửi anh Ba Duẩn,
tôi ký tên; nói thật, thà Pôn Pốt hốt dân về bên đó tôi chịu hơn là ta
đuổi dân ra khỏi nơi họ lập nghiệp hằng bao nhiêu thế kỷ. Tại sao ta
không tăng cường lực lượng quân đội giữ biên giới?
Phong cách đó của Nguyễn Văn Linh thật ấn
tượng và tôi chợt nhớ đến những chuyến đi thăm, làm việc với địa
phương của lãnh đạo hiện nay. Với cương vị Tổng bí thư, ông tiếp tục tạo
được những ấn tượng rất tốt như loạt bài báo ký tên N.V.L, cuộc gặp gỡ
nổi tiếng với văn nghệ sỹ…
Trở lại với Liên Xô và Goócbachốp. Hình như một số tai họa đã báo trước chiều hướng xấu đối với Tổng bí thư.
Trước tiên là thảm họa Trécnôbưn, diễn ra
đêm 26.4.1986 (cách đây 25 năm). Vào thời điểm ấy, hậu quả của thảm họa
đã không được đánh giá đầy đủ. Nỗi lo lắng của các nhà lãnh đạo Liên Xô
không lớn lắm. Trong khi đó, phương Tây đặc biệt lo ngại và đã lên
tiếng rất nhiều lần. Goócbachốp không đi đến tận nơi xẩy ra sự cố trong
những ngày khó khăn đó, cũng không hề đi thăm những vùng nóng bỏng khác
trong nước.
Rồi vụ một chiếc máy bay thể thao Đức hạ
cánh dễ dàng ở Quảng trường đỏ được cả Liên Xô xem như một tiếng sét
đánh giữa ban ngày. Giải thích của các nhà quân sự không thuyết phục
được Goócbachốp. Kết cục, Bộ trưởng quốc phòng phải từ chức, nhiều người
khác bị cắt chức, một số bị đưa ra tòa.
Sự choáng ngợp ban đầu của “cải tổ” đã
lùi xa. Trong một cuộc gặp, có mặt cả Reagan, Bush (cha) hỏi Goócbachốp
về cơ may thành công của cải tổ. “Đến Chúa cũng không thể trả lời nổi
câu hỏi ấy” – Goócbachốp đáp. Thời gian mà lịch sử dành cho một Tổng bí
thư sắp kết thúc!
Tổng bí thư (3)
Tháng Năm 16, 2012 — Lê Mai
“Họ chỉ biết huyênh hoang nói
những điều cao xa, lý thuyết trừu tượng về cách mạng, về lý tưởng cộng
sản chủ nghĩa nhưng không thể bắt tay giải quyết được một công việc thực
tế cụ thể nào cho ra hồn” – Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
“dưới ngòi bút dẫu có nghìn lời, trọng bụng không được một mẹo” – Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Cho đến nay, VN đã có ba nhân vật nắm
chức Tổng bí thư từng làm Chủ tịch Quốc hội, cũng tức là từ chỗ nắm “cơ
quan quyền lực cao nhất” trên danh nghĩa tiến đến nắm “cơ quan quyền lực
cao nhất” trên thực tế. Hơn một thập kỷ gần đây, liên tiếp có hai người
từ Chủ tịch Quốc hội lên làm Tổng bí thư. Hai người đó là ai, chúng ta
đều đã rõ.
Một người lúc nào tóc cũng chải rất mượt,
miệng cười rất tươi khoe hàm răng trắng bóng, chắc khỏe, mọi lời nói,
động tác, cử chỉ của ông ta chẳng khác gì một diễn viên điện ảnh trước
ống kính. Ông ta đã nghỉ hưu, nghe nói vừa tục huyền ở cái tuổi “xưa nay
hiếm”.
Đó là tình nhà, vậy còn nợ nước?
Có một câu chuyện rất kỳ lạ. Một hôm,
Tổng bí thư Hà Huy Tập nhận được một bức thư của vợ – lời kể của nhà
cách mạng lão thành Trần Văn Giàu trong những ngày bị cầm cố, biệt giam
với Tổng bí thư. Mọi người nhận thấy Tổng bí thư đột nhiên bị khủng
hoảng tinh thần, Ông đi đi lại lại trên sân giếng, nện gót chân, thỉnh
thoảng tay đấm vào không khí. Sáng, chiều lúc nào cũng như vậy. Uống bao
nhiêu thuốc ngủ cũng không ngủ được. Ông Giàu hỏi nhỏ nhiều lần, Tổng
bí thư mới nói là vợ đã quyết định ly dị để lấy người bạn thân của chính
ông. Từ đó, Tổng bí thư càng không ăn, không ngủ được, người đã gầy còm
càng gầy còm thêm. Phải đưa Tổng bí thư đi nhà thương Chợ Quán, không
thì ông chết mất.
Thế mà, không đầy một tuần sau, Tổng bí thư trở về khám, vui vẻ như thường. Ai chữa, uống thuốc gì mà lại hết bệnh nhanh vậy?
Số là Hà Huy Tập gặp Tạ Thu Thâu, lãnh tụ
đệ tứ tại nhà thương Chợ Quán. Hai lãnh tụ đệ tam và đệ tứ bất ngờ đụng
đầu nhau, họ tranh luận với nhau hết sức sôi nổi về cách mạng, về đất
nước, về đường lối. Cãi nhau rồi ăn cơm, ăn cơm rồi tiếp tục cãi nhau
kịch liệt, bất phân thắng bại. Đêm ấy, sau trận khẩu chiến, Tổng bí thư
ngủ một giấc tới sáng trưa, ăn cơm rồi lại ngủ. Bệnh mất ngủ của Tổng bí
thư dứt hẳn, khỏi phải uống thuốc gì hết! Nợ nước, tình nhà là như vậy
đó!
Trở lại với Tổng bí thư vừa có bài thuyết
giảng về tính “ưu việt của CNXH” tại Cuba gây chấn động dư luận thế
giới. Lịch sử đôi khi trở nên điên rồ – nếu có thể nói như vậy, vì một
vài sự kiện. Cuba, mảnh đất anh hùng bên kia bán cầu, lại diễn ra nhiều
sự kiện thật đặc biệt, làm cho những ai quan tâm tới lịch sử các Tổng bí
thư và thời cuộc không khỏi cảm thấy “lạ lùng”.
Thế nhưng, năm 1989, trong chuyến thăm
Cuba sau khi dự Quốc khánh Ấn Độ, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh không có
một bài giảng nào về tính “ưu việt của CNXH” ở đấy. Và thay vì trở về Hà
Nội theo kế hoạch, ông ra lệnh từ La Habana bay thẳng về Tân Sơn Nhất
để ngày hôm sau chủ trì một hội nghị bàn về xuất khẩu gạo tổ chức tại
Saigon. Điều này lúc bấy giờ không mấy ai nghĩ tới, vì chỉ một năm trước
thôi, cả nước có hơn 7 triệu người lâm vào nạn đói. Quả nhiên, năm ấy,
VN đã xuất khẩu gạo và đây là một trong những thành quả bước đầu của
công cuộc đổi mới mà thực chất là trả lại quyền làm ăn cho người dân.
Nguyễn Văn Linh nhận thấy, lối tư duy cũ
kỹ, giáo điều, lạc hậu là một lực cản rất lớn đối với công cuộc đổi mới.
Đánh giá về những người nhân danh CNXH, nhân danh lập trường cách
mạng…để ngăn cản công cuộc đổi mới, Tổng bí thư nói:
“Họ chỉ biết huyênh hoang nói những
điều cao xa, lý thuyết trừu tượng về cách mạng, về lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa nhưng không thể bắt tay giải quyết được một công việc thực tế cụ
thể nào cho ra hồn”.
Câu nói rất hay, rất sâu sắc của Nguyễn
Văn Linh thực sự là một bài học cho các nhà lãnh đạo, càng nghe chúng ta
càng thấy rõ tính thời sự của nó. Rõ ràng, không phải cứ mang danh là
“nhà nho”, là Giáo sư hay Tiến sỹ mà có thể cao giọng thuyết giảng bất
chấp thực tế, bất chấp quy luật khách quan và tri thức của loài người đã
tích lũy hàng ngàn năm.
Và gần 2 ngàn năm trước, nhà chính trị, quân sự đại tài Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng từng nói về bọn “hủ nho”:
“Nho cũng có nho quân tử, cũng có nho
tiểu nhân. Nho quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính ghét tà, chăm
những sự ơn khắp một đời, tiếng để đời sau. Còn như nho tiểu nhân thì
chỉ chăm một việc văn chương, khéo nghề nghiên bút; xuân xanh làm phú,
đầu bạc đọc kinh, dưới ngòi bút dẫu có nghìn lời, trọng bụng không được
một mẹo”.
Nếu người ta không nhắm mắt trước thực tế
cuộc sống, nếu chỉ cần “giải quyết được một công việc thực tế cụ thể
cho ra hồn” hoặc “dưới ngòi bút nghìn lời, trọng bụng được một mẹo” thì
đã là một sự may mắn cho đất nước và nhân dân rồi.
Nguyễn Văn Linh là một trong những tác
giả chính của công cuộc đổi mới và là người thực thi chính sách đổi mới
được coi là quốc sách vào năm 1986 – một sự “chọn mặt gửi vàng” của
ĐCSVN. Sau năm 1975, ông từng được giao làm Trưởng ban cải tạo công
thương nghiệp miền Nam. Là người gắn bó lâu năm với miền Nam kể từ thời
chống Mỹ, hiểu rõ nền kinh tế thị trường của Nam VN nên ông chủ trương
không cải tạo ồ ạt, nóng vội, xóa bỏ tất cả cùng một lúc. Lịch sử cho
thấy quan điểm đó của ông là đúng đắn. Nhưng có lẽ ông phải trả giá cho
quan điểm của mình bằng việc phải ra khỏi Bộ chính trị. Ông lại trở về
Nam và tiếp tục lãnh đạo Saigon – nay lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh,
đạt được những thành tựu xuất sắc trong giai đoạn đất nước đầy khó khăn,
thử thách.
Trong tác phẩm Thành phố Hồ Chí Minh mười năm, ông khẳng định:
“Sở dĩ thành phố Hồ Chí Minh đạt được
những thành tựu xuất sắc như 10 năm qua là nhờ có tư duy độc lập, sáng
tạo, không đi theo vết mòn của những nếp suy nghĩ cũ kỹ”.
Và ông khuyến khích sự tranh luận:
“Hết sức tránh tình trạng một mình
độc quyền chân lý, còn mọi người thì chỉ có quyền chấp hành thụ động,
không dám tranh luận. Chúng ta phải tạo ra thói quen biết thảo luận và
tranh luận”.
Người tiền nhiệm của Nguyễn Văn Linh là
Trường Chinh, hai lần làm Tổng bí thư. Lần thứ nhất, từ năm 1941 đến năm
1956 (cho dù cuối năm 1945 đến năm 1951, ĐCS áp dụng chiến thuật “tự
giải tán”); lần thứ hai, sau khi Lê Duẩn mất, từ tháng 7.1986 đến tháng
12.1986 – một thời gian ngắn nhưng đầy ý nghĩa.
Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng:
“Người ta ai cũng có phong cách riêng.
Phong cách của Trường Chinh là kín đáo, nói năng cân nhắc, từ tốn, lắng
nghe người khác rồi mới nói. Với Bác Hồ, bao giờ ông cũng nhường lời,
khi có ý kiến khác, ông trình bày đầy đủ, một cách lễ phép”. Về điểm
này, ông khác với Lê Duẩn, Lê Đức Thọ.
Sự trang nghiêm và phong thái lãnh tụ của
Trường Chinh làm Võ Văn Kiệt, mặc dù được coi là người có “gan to” cũng
cảm thấy “ớn” khi Trường Chinh tới dự một buổi biểu diễn văn nghệ ở
Việt Bắc. Võ Văn Kiệt tham gia tiết mục diễn kịch, đóng vai địa chủ.
Trước khi bắt đầu, ông xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để
lấy can đảm. Hết vở kịch, nhiều người khen và Trường Chinh đến bắt tay
ông. “Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đấy là địa chủ Nam Bộ chứ không giống
địa chủ Bắc Bộ”. Ông Kiệt rất thán phục. Lại một lần khác, Trường Chinh
lưu ý Võ Văn Kiệt một nhân vật đang sống tại Saigon, ông Kiệt lấy sổ
tay và theo thói quen, ghi là “Nguyển” chứ không phải “Nguyễn”. Trường
Chinh ngó qua và bảo: “Đồng chí viết lộn rồi, dấu ngã chứ không phải dấu
hỏi”. Ông Kiệt lại càng thán phục sự cẩn thận của Trường Chinh.
Sau vụ đổi tiền năm 1985, Võ Văn Kiệt gửi
thư cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, nhận định về những nguyên nhân
thất bại của chính sách ấy. Trường Chinh xem thư và nói, Sáu Dân đúng là
con người có trí tuệ. Trước đó, Trường Chinh cũng đã gửi thư cho Bộ
chính trị không tán thành đổi tiền. Bộ chính trị trả lời, “chúng ta đang
cưỡi lên lưng hổ, không thể xuống được nữa”. Thế là, với tư cách Chủ
tịch nước, Trường Chinh lại phải cầm bút ký lệnh đổi tiền.
Trường Chinh là nhà lý luận hàng đầu của
ĐCSVN. Nói về lý luận, thế hệ sau này không thể so sánh với ông. Các tác
phẩm nổi tiếng của ông như: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Chủ nghĩa Mác và văn hóa VN, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân VN…đã
giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng VN. Trường
Chinh được coi là con người thận trọng, có phần cứng nhắc, thậm chí “bảo
thủ”. Thế mà cuối đời, Trường Chinh lại dám rẽ ngoặt trong tư duy, là
một trong những người chủ chốt khởi xướng công cuộc đổi mới, cứu vãn nền
kinh tế VN bên bờ vực của sự sụp đổ.
Tất nhiên, chúng ta thấy, chiến thắng sự
bảo thủ với lối mòn suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu là điều không hề dễ dàng –
nhất là khi danh vọng, quyền lợi của người ta gắn chặt vào đó. Họ sợ
hiện thực phũ phàng nên nhắm mắt làm ngơ, họ thiếu hiểu biết cả về lý
luận và thực tiễn, họ ngại tranh luận, ngại cuộc đua bình đẳng mà tiếng
nói của trí tuệ, của trình độ mới quyết định người thắng chứ không phải ở
địa vị, chức tước. Tổng bí thư Trường Chinh chia tay với lối mòn một
cách dứt khoát, bởi ông có đủ tri thức, đủ lý luận, đủ uy tín và dũng
khí. Và, điều chủ yếu phải chăng là Tổng bí thư đã đặt lợi ích dân tộc,
lợi ích đất nước VN lên trên hết?
Đã có lúc (tháng 4.1986) ông bị phê phán
gay gắt, nào là “chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường, bắt chước các
quan điểm của nước ngoài” và bị chụp mũ “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”.
Ông đã bình tĩnh phản bác: “Điều tuyệt đối tránh là không vì những ý
kiến khác nhau mà dẫn đến chia rẽ, bè phái, không vì thấy người khác
trái ý mình thì khó chịu, rồi truy chụp quy kết về chính trị. Điều đó
chỉ có hại chứ không giúp gì cho sự đoàn kết. Chúng ta đã cùng làm việc
với nhau hơn nửa thế kỷ, ngọt bùi, đắng cay đều đã nếm qua, còn gì không
hiểu nhau nữa mà phải dùng những lời lẽ nặng nề như vậy”. Cuộc đấu
tranh nội bộ không phải bình thường – Võ Nguyên Giáp.
Lịch sử phát triển loài người cho thấy,
“tương lai là bất định, khám phá tương lai là cả một chuỗi hoạt động
không bao giờ ngừng. Loài người sáng tạo nên lý thuyết để có thể hiểu
tương lai ở một thời điểm nào đó, rồi lý thuyết ấy nó lạc hậu đi. Phải
đột phá để nâng nó lên một trình độ mới, hoặc tìm ra một lý thuyết thay
đổi nó” (Đặng Quốc Bảo). Chỉ có như thế mới thích ứng được với
sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng của thế giới hiện đại. Do vậy, những tư
tưởng giáo điều, bảo thủ là lực cản lớn, không thể đưa đất nước tiến
lên.
“Đổi mới hay là chết”, “đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại” (Trường Chinh), “đổi mới để tiến lên” (Nguyễn Văn Linh).
Không cần cao giọng thuyết giảng, phải chăng những tư tưởng đổi mới của
hai Tổng bí thư càng có ý nghĩa với đất nước hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét