Sang Lào buôn trâu
Hô biến trâu Lào thành trâu Việt!
Dọc miền Tây Nghệ An có hàng trăm lối mòn sang đất bạn
Lào. Đó cũng là nơi trâu, bò lậu hằng ngày từ bên kia biên giới về Việt
Nam mà không qua kiểm dịch.
Những chiếc xe biển số Lào đang vận chuyển trâu đến biên giới để vào Việt Nam. Ảnh: Ngô Chí Tùng
Mỗi ngày có tới hàng trăm
con trâu, bò không rõ nguồn gốc có thể mang theo rất nhiều bệnh dịch
theo lối mòn về các chợ trâu Đô Lương, Nghệ An để rồi tiếp tục một cuộc
hành trình tới các lò mổ khắp nước. Phóng viên Lao Động đã đi qua hành
trình dài hơn 2.000km để tìm hiểu chuyện này.
Giáp mặt trùm lái trâu Lào
Giáp mặt trùm lái trâu Lào
Mất gần một tháng nhờ môi giới hò hẹn, tôi mới sắp đặt được với Khăm
Kềnh Bonacham (47 tuổi) - một lái trâu thượng hạng khu vực thượng Lào -
một cuộc gặp gỡ. Chưa đầy 5 tiếng đồng hồ chạy xe từ Hà Nội, chúng tôi
đã có mặt ở Nậm Cắn khi trời còn chưa hửng nắng. Tương Dương, Kỳ Sơn
những ngày đầu hè như lò bát quái. Sáng tinh mơ, gió ràn rạt thổi mà mồ
vẫn rịn ra khắp người.
Cửa khẩu heo hút, tênh hênh bên khe núi.
Trừ cư dân địa phương hai bên đi lại chợ búa và thăm nhau thì chỉ lèo
tèo vài chiếc xe bồn chở xăng dầu và mấy anh cán bộ Viettel mang hàng
xuất khẩu sang nước bạn. Chưa đầy 20 phút làm thủ tục, chúng tôi đã vượt
qua hai chốt kiểm tra của cả hai nước Việt - Lào để vào đất Lào.
Nằm ở khu Phonxavanlua, cơ ngơi của trùm
trâu thượng Lào Khăm Kềnh rất dễ nhận biết: Một dãy nhà dài tựa cái hội
trường UBND một xã vùng xuôi ở Việt Nam. Xung quanh vườn là 3 chiếc
Hyundai thùng 24 tấn được thiết kế với các thanh giằng để chở trâu, 2
Toyota bán tải và 1 Camry 3.5Q.
Kiến trúc bề ngoài vẫn mái nhọn, trổ
trái - đặc trưng kiến trúc của người Lào - nhưng bên trong lại đặc quánh
kiến trúc Âu Châu hiện đại. Minh Việt - phóng viên Báo Nông nghiệp
thường trú tại Phonxavanh, người dẫn đường kiêm phiên dịch - vốn đã biết
tính chủ nhà khoái uống Vodka Hà Nội ngâm nấm linh chi của Lào nên đã
thủ sẵn một thùng mang sang như đồ lễ vật. Khách quý, rượu ngon, tiện
thể có hẹn đối tác là lái trâu từ Đô Lương sang trả tiền, Kềnh hào sảng
sai vợ giết bò đãi khách.
Loáng một cái, đồ ăn được đám người giúp
việc bày ra đầy nhà. Khi rượu đã la đà, lơ lớ tiếng Việt, Kềnh vỗ ngực
bùm bụp kể: “Gần 10 năm mua trâu, khắp vùng thượng Lào, trung Thái chẳng
nơi nào là không có dấu chân tao”. Cụng một cái, dốc tuột ly rượu vào
miệng, mắt Kềnh sáng rực: “Trước kia đi rừng cũng ghê răng, phỉ nhiều,
cướp lắm, thấy lận cọc tiền to là chúng nó cướp, nên đi đâu cũng phải
dắt theo súng. Mấy lần bị chặn đường tao vác AK bắn nhau với chúng nó
rồi. Bắn nhau cũng sướng”. Tôi xanh mặt: “Bắn nhau mà sướng à, nó bắn
chết thì sao? Giờ vẫn bắn nhau?”.
Kềnh trả lời: “Nó cướp thì bắn bỏ mẹ nó
đi chứ, nhưng bây giờ chúng nó sợ tao chứ tao không sợ chúng nó, nên
không bắn nhau nữa”. Tôi hỏi: “Trâu, bò mua rồi bán cho ai?”. Khoát tay
chỉ đám người Việt đang chuốc rượu nhau, Kềnh bảo: “Họ là một số ít
những ông chủ mua trâu của tao, mấy ông này chưa phải chủ lớn. Chủ lớn
toàn ở Đô Lương, Nghệ An thôi”.
Thêm vài lần cụng li nữa, Kềnh kể: “Hồi
trẻ tao dắt trâu thuê cho người ta, có tí vốn bắt đầu tập tọng buôn,
nhiều lần lỗ chỏng gọng vì không ước được con vật được bao nhiêu
thịt.Giờ thì khôn rồi, chả lỗ nữa, cũng chả phải đi nhiều nữa mà buôn
bằng “alô” thôi, mọi việc khác có đám người nhà lo hết. Chủ trâu cỡ như
tao cả vùng thượng Lào chỉ có 3 người thôi”. Tôi thắc mắc: “Buôn trâu
như mày có cần nhiều tiền không?”. “Mày tính đi, tùy con to hay nhỏ,
nhưng cứ trung bình mỗi con khoảng 3-4 triệu kíp, mỗi xe trâu của tao
cũng phải trả người ta đến hơn 100 triệu kíp (gần 300 triệu VND), mỗi
ngày tao có từ 2-3 chuyến xe chở về bán cho chủ trâu ở Việt Nam” - Kềnh
bảo.
Theo lối trâu đi
Sau hồi năn nỉ, thậm chí khích bác, Kềnh cũng đồng ý đưa chúng tôi đi
theo một chuyến mua trâu. Trước khi “lùa” chúng tôi lên cabin 2 chiếc
Hyundai 24 tấn, Kềnh gọi điện thoại í ới một hồi bằng tiếng Lào cho một
người nào đó. Minh Việt dịch lại đại ý rằng Kềnh đang nói chuyện với một
người gần Luangphrabang đang có một đàn trâu khoảng 60 con cần bán.
Cầm lái chiếc đi đầu, Kềnh tỏ ra là một
tay lái điệu nghệ khi luôn giữ tốc độ trên 60km/h dù đường vòng vèo, lên
đèo, đổ dốc liên tục. Hơn 300km từ Phonxavanh đến Luangphrabang chui
rúc qua những tán rừng bạt ngàn gỗ quý, thi thoảng bắt gặp nai, hoãng,
cầy sóc... phi vèo vèo qua đường. Kềnh bảo: “Rừng Lào còn đầy thú, dân
bắn, bẫy được bán giá rẻ bèo”.
Lời Kềnh nói đã lý giải phần nào thắc
mắc của tôi từ hôm trước khi ra chợ trung tâm Phonxavanh thấy người ta
bán ê hề thịt thú rừng. Hơn 6 tiếng chạy xe, cố đô Luangphrabang đã ở
trước mắt. Với chúng tôi, Luangphrabang cũng chẳng lạ gì nên cả bọn đề
nghị Kềnh “ăn trâu” rồi về luôn. Kềnh cho xe chạy thẳng vào bản Muonglua
cách Luangphrabang khoảng 20km.
Trên một bãi đất rộng đầu một bản lưa
thưa hơn chục nóc nhà đã có một bầy trâu khoảng hơn 50 con đang buộc vào
các cọc và có 3 người canh giữ. Sau khi đếm đi đếm lại, ngó nghiêng, sờ
nắn từng con một, Kềnh xổ một tràng tiếng Lào với mấy người kia. Minh
Việt dịch lại rằng trong 3 người kia thì có 1 người là môi giới của
Kềnh, còn 2 người là người bán trâu. Kềnh đang mặc cả và đề nghị họ còn
thì bán thêm 5-6 con nữa cho đầy hai chuyến xe, vì mới chỉ có 53 con.
Phonkeo - một trong hai người bán trâu -
phóng xe máy ra đi và gần 1 tiếng sau lùa đến thêm 3 con trâu nữa. Kềnh
hỏi: “Chỉ có thế thôi à?”. Phonkeo trả lời: “Tao bán hết cả đàn cho mày
rồi”.
Sau khi “xuống” đủ 210 triệu kip cho 2
người bán trâu và 500.000 kíp cho người môi giới, Kềnh hò hét đám người
dắt trâu buộc lên 2 thùng xe rồi quay đầu chạy thẳng về cửa khẩu Nậm
Cắn. Đường về Nậm Cắn thăm thẳm diệu vợi. Quá nửa đêm, xe qua đèo Phỉ
(tỉnh Xiêng Khoảng), mưa trút ầm ầm, gió lạnh lùa qua khe kính. Kềnh bảo
tôi châm một điếu thuốc rồi vứt xuống đường như một nghi lễ tôn giáo.
Thắc mắc thì Kềnh bảo: “Chỗ này là đèo phỉ, ngày xưa chuyên giết người.
Bây giờ không biết còn phỉ hay không, nhưng vẫn thỉnh thoảng xảy ra
những vụ cướp, giết người, oan hồn lắm nên vứt thuốc cho họ”.
Đến đầu bản Đin Đăm (huyện Nonghet,
Xiêng Khoảng), cách cửa khẩu Nậm Cắn 2km, xe dừng lại. Kềnh gọi các ông
chủ trâu Đô Lương đang nằm chờ ở cửa khẩu sang nhận hàng. Việc mua bán,
trao đổi tiền nong diễn ra nhanh chóng ngay trên bãi đất trống. Trâu
được dắt xuống xe, Kềnh thuê người dắt qua lối mòn để đến biên giới các
bản Tiền Tiêu, Trường Sơn, xã Nậm Cắn. Phía bên kia, các chủ trâu Đô
Lương sau khi trả tiền mua trâu liền vội vã trở về thuê người bản Tiền
Tiêu dắt tiếp trâu từ biên giới về Việt Nam. Chỉ chưa đầy 1 tiếng sau,
đàn trâu Lào đã kịp chất lên những chiếc xe tải biển số 37 và chạy thẳng
về Đô Lương.
Hô biến trâu Lào thành trâu Việt!
Thứ ba 29/05/2012 07:00
Chỉ tính riêng một lối mòn nối giữa bản Đin Đăm (Lào) và
bản Tiền Tiêu (Nậm Cắn, Nghệ An), mỗi ngày có khoảng 200 - 300 con
trâu, bò được dắt lậu từ Lào vào Việt Nam. Và để tránh bị bắt giữ trên
đường vận chuyển, tại Nậm Cắn đã có hình thành một “công nghệ” biến trâu
Lào thành trâu Việt.
Chợ trâu ở Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: Ngô Chí Tùng
Nghề dắt trâu thuê qua biên giới
Nằm lại bản Đin Đăm một ngày đêm, chúng
tôi đã gặp thêm 4 lái trâu Lào mang hàng trăm con trâu về bán cho thương
lái phía Việt Nam. Ông Punmy - Trạm trưởng Trạm kiểm soát động vật
huyện Nọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, đóng tại bản Đin Đăm - cho biết: Hầu
hết các lái trâu vùng thượng Lào đều mang trâu về đây để đưa về Việt
Nam.
Theo ông Punmy thì mỗi ngày có khoảng
hơn 100 con vào đóng dấu của trạm kiểm dịch Lào để xuất về Việt Nam,
nhưng cũng bằng số lượng ấy không đóng dấu. “Nhưng dù có đóng dấu hay
không thì tất cả đều về Việt Nam bằng đường lậu để tránh các khoản phí
mà phía Việt Nam thu. Toàn bộ việc dắt trâu về Việt Nam đều do người dân
bản Đin Đăm phía Lào và Tiền Tiêu, Trường Sơn (xã Nậm Cắn) thực hiện” -
ông Punmy nói.
BunXeng - 22 tuổi, nhưng đã có 3 năm làm
nghề dắt trâu, bò qua biên giới - cho biết, mỗi con trâu hoặc bò dắt
đến biên giới trao cho người Việt Nam sẽ được trả 10.000 kíp
(26.300VND). Công đoạn đưa trâu về Việt Nam được thực hiện như sau: Phía
chủ trâu Lào trả tiền cho dân Đin Đăm dắt trâu đến biên giới trao cho
dân bản Tiền Tiêu và Trường Sơn. Người dân Tiền Tiêu và Trường Sơn dắt
tiếp về điểm tập kết bên đường 7 để về Đô Lương. Chủ trâu phía Việt Nam
trả tiền công 25.000đ/con cho những người dân Việt Nam làm nhiệm vụ dắt
trâu từ biên giới về.
Đin Đăm là một bản sát biên, có khoảng
mươi nóc nhà, người dân ngoài đi nương còn có thêm nghề dắt trâu thuê,
vì vậy ở đây đã hình thành một hệ thống các công đoạn dắt trâu. Đó là
thanh niên bản hằng ngày thay nhau túc trực ở điểm tập kết trâu, bò để
nhận hợp đồng rồi lùa vào một con đường mòn độc đạo rộng khoảng 2m được
rào chắn bằng dây thép gai.
Đường này dài tới 2km ngoằn ngoèo qua 3
sườn đồi để đến biên giới, nối với đường mòn khác phía Việt Nam. Lối
mòn này cách khu vực cửa khẩu Nậm Cắn khoảng 1km theo đường chim bay.
Khi được hỏi tại sao không đi qua cửa khẩu, được kiểm dịch, được cấp đầy
đủ giấy tờ để vận chuyển, đỡ phải trốn khi lực lượng chức năng kiểm
tra, tất cả các chủ trâu Đô Lương đều khẳng định rằng nếu đi qua cửa
khẩu thì chi phí cho các khoản thuế, kiểm dịch... khoảng 600.000đ/con,
trong khi đó nếu đi lậu thì chỉ phải chi phí 50.000đ/con. Mỗi xe (khoảng
25 - 30 con) đưa về Đô Lương lãi khoảng 30 triệu đồng, mà phải nộp các
khoản này thì lợi nhuận giảm đi 2/3.
Ngạc nhiên là đại úy Sĩ Đức - Trạm
trưởng Trạm tuần tra kiểm soát, Đồn biên phòng Nậm Cắn - nói: “Chúng tôi
biết thừa hằng ngày có cả vài trăm con trâu đi lậu qua biên giới, nhưng
chẳng làm gì được vì bộ đội biên phòng đã bắt mấy lần, nhưng dân kéo ra
đánh tháo quá đông nên đành phải chịu, trong khi đó cơm ăn, nước uống
của đồn vẫn đều phải nhờ vào dân bản”.
Lối mòn trâu đi lậu vào Việt Nam. |
Để đối phó với quy định của các cơ quan
chức năng Việt Nam về việc buôn bán, vận chuyển động vật là phải có hồ
sơ, kiểm dịch, các chủ trâu Đô Lương đã liên kết với các trưởng bản và
UBND xã Nậm Cắn để biến trâu Lào thành trâu Việt. Khi trâu Lào được dắt
lậu qua biên giới, trưởng các bản giáp biên lập tức làm giấy xác nhận số
trâu này là trâu nuôi của các hộ trong bản. Hồ sơ được chuyển lên xã.
Chủ tịch xã chỉ việc “cộp” dấu, thế là trâu Lào ung dung thành trâu Việt
để về xuôi.
Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn Hờ Nhìa thừa
nhận, trung bình mỗi ngày ông ký giấy xác nhận nguồn gốc cho khoảng từ
50 - 100 con trâu, bò để người dân bán cho thương lái nơi khác. Nhưng
theo điều tra của chúng tôi thì thực tế UBND xã đã cấp giấy chứng nhận
nguồn gốc cho số trâu, bò còn nhiều hơn con số đó... Khi được hỏi về
tình hình trâu, bò nhập lậu từ Lào vào Việt Nam, ông Nhìa khẳng định, có
biết nhưng không thể làm gì khác được vì người dân có giấy mua bán và
có xác nhận của trưởng bản.
“Với những giấy tờ như vậy, chủ tịch
UBND xã không thể không ký xác nhận cho họ. Còn việc kiểm dịch thì đó là
của cơ quan thú y, xã không có chức năng” – ông Nhìa biện bạch.
Làm việc với chúng tôi, bà Trần Thị Mai -
Trưởng trạm thú y huyện Kỳ Sơn - chìa vết thương ở chân do một lần đuổi
theo xe trâu lậu bị tai nạn, phân trần: “Hằng ngày nhìn thấy trâu, bò
nhập lậu ùn ùn chạy qua ngay trước mắt mà không làm gì được, vì thú y
không có quyền dừng xe. Muốn dừng xe thì phải có sự phối hợp với cảnh
sát giao thông, quản lý thị trường, song nhiều lần mời họ cùng phối hợp
nhưng họ không tham gia, vì thế nhiều năm nay chúng tôi không cấp được
giấy kiểm dịch cho bất cứ con trâu, bò nào vận chuyển nội tỉnh”.
Bà Mai cho biết thêm, gần như 100% trâu,
bò nhập lậu được chuyển về huyện Đô Lương tiêu thụ, trong khi đó dọc
đường 7 từ cửa khẩu về Đô Lương không có lấy một trạm kiểm soát nào.
“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, Chi cục Thú y tỉnh cũng liên tục đốc
thúc, Công an tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu công an các huyện phối
hợp thực hiện, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa lập được trạm kiểm
soát. Trong khi đó, từ cửa khẩu về chỉ có một con đường duy nhất nên
việc kiểm soát là điều rất dễ thực hiện” - bà Mai bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Kiền - phụ trách trạm kiểm
dịch theo đường tiểu ngạch của huyện Kỳ Sơn - cũng thừa nhận sự bất
lực: “Chúng tôi thật sự bó tay, không thể thực hiện được chuyên môn của
mình dù thấy trâu, bò lậu đi ngay trước mặt”. Bà Mai thêm lời: “Tôi nói
thật, nếu ngành thú y ở huyện Đô Lương mà làm mạnh, làm thật sự thì giải
quyết được vấn đề ngay”.
Tiếp tục tới gặp ông Võ Đình Khoa - Trạm
trưởng Trạm thú y huyện Đô Lương - ông nói: “Theo chỉ đạo của huyện,
chúng tôi đã lập một chốt kiểm soát trâu, bò vào chợ trâu, bò Đại Sơn.
Tuy nhiên, chốt này chỉ phun thuốc khử trùng và kiểm tra lâm sàng với
giá 50.000đ/xe, không kiểm tra giấy tờ và lấy mẫu, vì thế không biết
trâu, bò này từ đâu về”.
“Tại sao thú y Đô Lương cho phép trâu,
bò ở mãi xã Nậm Cắn, cách Đô Lương hơn 200km vào địa bàn của mình mà
không có giấy kiểm dịch của thú y huyện Kỳ Sơn?’. Ông Khoa trả lời: “Mỗi
phiên chợ có hàng ngàn con, đường vào chợ Đại Sơn có rất nhiều đường,
lực lượng thú y của trạm thì ít ỏi, vì vậy chúng tôi không kiểm soát hết
được”.
Hỏi tiếp: “Theo quy định, nếu thú y Đô
Lương muốn cấp giấy chứng nhận cho trâu, bò từ chợ Đại Sơn đi ngoại tỉnh
thì phải căn cứ vào giấy tờ thú y của các huyện có trâu, bò bán về chợ
rồi mới cấp giấy kiểm dịch đi ngoại tỉnh, nhưng không có chứng nhận của
thú y các huyện bán trâu, bò tại sao các ông vẫn cấp giấy?”. Trả lời:
“Chúng tôi căn cứ vào giấy chứng nhận của các xã. Vả lại trâu, bò Lào về
đến Đô Lương, người dân mua bán cho nhau thì đã trở thành trâu, bò Đô
Lương rồi. Thế nên chúng tôi cấp giấy chứng nhận là trâu, bò của Đô
Lương để vận chuyển đi tỉnh khác giết mổ”.
Nhưng, “thú y huyện Kỳ Sơn cho rằng việc
trâu, bò về lậu từ Lào đi khắp Việt Nam được là do thú y Đô Lương cấp
giấy kiểm dịch cho họ, ông nghĩ sao?”. Ông Khoa: “Cái này người ta đã
“phù phép” từ trên đó rồi, vả lại với lực lượng thú y có vài người của
chúng tôi không làm nổi. Lẽ ra tất cả các huyện có trâu, bò Lào đi qua
phải kiểm tra, bắt phạt, nhưng họ không làm. Hằng tuần trâu, bò đổ về
đây hàng ngàn con, chúng tôi có ngàn tay cũng không làm được”.
Theo các thương lái ở chợ Đại Sơn thì
Chi cục Thú y và cán bộ Trạm thú y huyện đặt bàn kiểm dịch ngay tại chợ,
toàn người quen biết cả nên việc xin một tờ giấy chứng nhận để vận
chuyển hàng đi các tỉnh chẳng có gì khó khăn(?!).
Thế là đã rõ, từ việc làm trái các quy
định pháp luật của cả một hệ thống cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An đã
khiến hàng ngàn con trâu, bò nhập lậu vào Việt Nam mỗi tháng gây thất
thoát một nguồn thu vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước. Không chỉ có
vậy, nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài truyền vào Việt Nam luôn luôn tiểm
ẩn, đe dọa đời sống sinh hoạt của người dân và đàn gia súc trong cả
nước. Hậu quả sẽ hết sức khó lường nếu hàng ngàn con trâu, bò nhập lậu
đang có mặt trên khắp Việt Nam bỗng dưng... phát bệnh(!).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét