Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Nông dân Bến Tre ồ ạt chặt dừa - Dáng đứng Bến Tre

Đọc tin này mà buồn, nhớ Bến Tre. Nghe lại bài hát Dáng đứng Bến Tre
 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trước khi đọc tin để càng thấm.


 TT - Ngày 7- 6 giá dừa chỉ còn 800 đồng/trái. Với giá này nông dân bán một chục dừa 12 trái cũng chưa mua được 1kg gạo, nhiều nông dân ở xứ dừa Bến Tre đã bắt đầu đốn bỏ cây dừa trồng cây khác.

Ông Nguyễn Văn Khá, ở xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre, có trên 200 cây dừa, ông dự kiến chặt bỏ 70% số này - Ảnh: Hiền Trần

Trong khi hàng trăm ngàn hộ trồng dừa ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang rơi vào cảnh túng quẫn thì các cơ quan chức năng cũng bế tắc trong việc tìm giải pháp cứu cây dừa và người trồng dừa.
Chặt dừa không xuể

Ngày 7-6, khi chúng tôi đến xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre (Bến Tre) thì nghe nhiều người bảo đang kêu thợ đốn dừa. Bà Đào Thị Xiêm ở ấp 3 cho biết có 7.000m2 đất trồng hơn 200 cây dừa, nhưng do giá quá thấp nên bà quyết định đốn bỏ 70% diện tích để trồng bưởi da xanh. “Trồng dừa 20-30 năm nay cực khổ biết bao nhiêu, đốn bỏ tiếc lắm nhưng sống không nổi thì phải tính trồng cây khác” - bà Xiêm cho hay.


Tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, nhiều người dân cũng bắt đầu đốn hạ vườn dừa. Anh Trần Văn Tiển (làm nghề đốn cây) nói chưa bao giờ anh phải vất vả như hiện nay do nhiều người thuê đốn dừa. Mỗi ngày anh căng sức cũng chỉ đốn được 20-30 cây dừa trong khi số hộ có nhu cầu đốn dừa cứ dài thêm trong sổ tay của anh. Tính ra thời gian gần đây anh Tiển đã đốn cả ngàn cây dừa của 200 hộ dân. “Đốn ở huyện Giồng Trôm không xuể mà người dân ở huyện Bình Đại, TP Bến Tre cũng gọi nên tôi từ chối” - anh Tiển nói.
Đến các vựa thu mua dừa ở Bến Tre lúc này ai cũng hiểu được nghề trồng dừa đang bi đát đến mức nào. Dừa ở đây chất cao như núi và phần lớn đã lên mộng. Vựa dừa của chị Võ Thị Lan ở xã Tân Thành, huyện Giồng Trôm đang tồn đọng tới 700.000 trái dừa khô vì không bán được suốt ba tháng qua. Chị Lan cho biết hơn 70% trong số này đã lên mộng, nhiều trái đã có cây con xanh lá. “Tôi còn gửi 300.000 trái dừa ở nhà dân. Số dừa đó tôi đặt tiền cọc 30% với giá 35.000-40.000 đồng/chục nhưng bây giờ phải bỏ luôn vì hiện tại dừa chỉ có 12.000-15.000 đồng/chục” - chị Lan nói.


Hoạt động cầm chừng
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, giá dừa hiện nay đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Với giá này đời sống người trồng dừa đang rất khó khăn. Điều đáng ngại là hiện nay ở một số nơi thương lái không mua dừa trong dân nữa vì lượng dừa tồn đọng rất lớn.
Vẫn theo Sở Công thương, nguyên nhân xảy ra tình trạng dừa không tiêu thụ được là do nguồn cung lớn nhưng sức mua các sản phẩm từ dừa trên thế giới giảm. Cụ thể năm 2012 sản lượng dừa trái của các nước tăng 20%, riêng tỉnh Bến Tre sản lượng dừa tăng 10-40%. Trong khi đó thị trường và giá bán các sản phẩm chế biến từ dừa giảm mạnh, chẳng hạn giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu giảm 56%, từ 2.730USD/tấn hồi tháng 9-2011 còn 1.150USD/tấn hiện nay... Tình hình trên làm tất cả doanh nghiệp chế biến dừa đều phải hoạt động cầm chừng.
Trước đây thương lái Trung Quốc đưa tàu vào tận TP Bến Tre mua hàng triệu trái dừa/ngày, nhưng hiện nay sản lượng dừa Trung Quốc mua giảm tới 70%. Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới.
Theo bà Phạm Thị Hân - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, giải pháp chủ yếu là vận động, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nhau, không cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm khi chào giá xuất khẩu. Tỉnh cũng đề nghị Hiệp hội Dừa Bến Tre tiếp tục vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa trong tỉnh mua dừa với giá ổn định, giảm bớt khâu trung gian trong việc mua dừa.


Tập trung vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Ông Trần Văn Đức, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre, cho biết đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung vốn cho doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu.
Riêng đối với nông dân, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, chủ yếu là Ngân hàng NN&PTNT, không chuyển nợ của người trồng dừa thành nợ quá hạn nếu đã tới hạn trả mà giải quyết kéo dài thời gian vay cho họ. Những hộ đang gặp khó khăn vì cây dừa nếu muốn sản xuất cây khác hoặc chăn nuôi thì ngân hàng cũng giải quyết cho vay tiếp nếu dự án đó khả thi.
HIỀN TRẦN - NGỌC HẬU


Ai bảo vệ thương phẩm cho người nông dân!
09/06/2012 10:52:20

Người dân sống khổ cực, chắc chiu, lam lũ nắng mưa để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho mọi người, song họ lại bị những người buôn ép giá thế kia thì quả thật sống sao nổi. Nhưng quan trọng là họ chẳng biết kêu cứu ai đây? Họ như kẻ bị hại vì thiếu thông tin chứ dại gì bán với giá chỉ có 800đ/trái trong khi lên tới HCM thì đã 10.000đ trái. Phải có ai bảo vệ những bà con nông dân mình chứ.

Ken phan
Đừng quên kinh tế vi mô của bà con mình
09/06/2012 10:51:05

Một đất nước chỉ có thể phát triển và phát triển bền vững khi đời sống của mọi tầng lớp, trong đó có nông dân, được chăm lo và bảo đảm. Cạnh đó, mọi chính sách phát triển của Nhà nước phải len lỏi vào được tận mọi ngóc ngách của xã hội.
Phát triển kinh tế vĩ mô là cần thiết và lâu dài, tuy nhiên với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", nhà nước không thể bỏ qua kinh tế vi mô, nhỏ lẻ.
Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay người nông dân đang tự bơi trong nền kinh tế vi mô, nhỏ lẻ của mình. Bài toán "nuôi con gì, trồng cây gì" vẫn là khó giải đối với người nông dân.
Địa phương nào cũng có cơ quan quản lý ngành nông nghiệp nói chung, nhưng quy hoạch ngành này ra sao lại là chuyện khác. Có vẻ như chính quyền nhiều địa phương hiện nay chỉ dừng lại ở vai trò quản lý mà chưa thực sự tìm ra lời giải cho bài toán quy hoạch của nông dân.
Trong rất nhiều dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các địa phương, không khó tìm ra vô số những thuật ngữ sáo rỗng và trùng lắp, nào là xác định A là loại cây trồng/ vật nuôi/ nền kinh tế chủ chốt" của tỉnh, B là loại cây trồng/ vật nuôi/ nền kinh tế then chốt", C là loại cây trồng/ vật nuôi/ nền kinh tế mũi nhọn", D là loại cây trồng/ vật nuôi/ nền kinh tế đột phá" ...
Chính quyền với đội ngũ những nhà khoa học với lượng tri thức nhất định còn loay hoay, thì nông dân sẽ giải làm sao được bài toán mà đối với họ thực sự rất quá tầm?!

SĨ LÊ (TRÀ VINH)
Bà con Bến Tre nên chở thẳng dừa lên TPHCM bán!
09/06/2012 10:30:57
Bà con nên kết hợp để thay phiên nhau (như bà con miền Trung bán hàng gánh ấy) tập kết dừa để chở thẳng lên thành phố mà bán. Ở TP tôi thấy dừa rất mắc, thậm chí khi kho thịt kho tàu nhiều gia đình chỉ kho với nước chứ ngán tiền mua vài trái dừa (khoảng gần 10.000đ trở lên). Mong bà con mình tìm được hướng mở để cải thiện cuộc sống.
hồng nhung
Giá dừa khô tại Tp. HCM
09/06/2012 10:30:02
Giá dừa khô tại Bến Tre giảm thê thảm nhưng giá dừa nạo bán tại các chợ tại Tp. HCM không hề giảm. Cách đây nhiều năm tôi thấy tại siêu thị Coop có bán sản phẩm dừa khô nạo sấy đóng gói nhưng giá cao quá khó tiêu thụ, tại sao doanh nghiệp không giảm giá thành để tiêu thụ ít ra cũng trong giai đoạn này.
nguyễn đỉnh điền
Giá dừa Hà Nội 25.000 đồng/trái
09/06/2012 09:57:36

TP.HCM mua giá 10.000 đồng/trái, còn ở Hà Nội chúng tôi giá từ 20-25.000 đồng/trái đấy.

thien
Nhầm lẫn
09/06/2012 09:46:45
Bạn Thế Anh và Hồng đã nhầm lẫn giữa giá dừa xiêm với dừa ta rồi, loại dừa trong báo đề cập là dừa ta. Thực tế thì giá dừa Bến Tre giảm 10 lần so với năm rồi nhưng giá bán dừa nạo tại TP chỉ giảm có 10% thôi.
anh minh
Hậu quả
09/06/2012 09:41:46
Thực tế thì giá dừa khô ở Bến Tre thời điểm hiện nay so với năm trước đã giảm từ 8-10 lần, trong khi đó giá bán sản phẩm chế biến từ dừa chỉ giảm có phân nửa. Vấn đề không nằm ở chỗ giá thế giới giảm mà đó chỉ là một lý do các vị lãnh đạo tỉnh vịn vào để đổ lỗi mà thôi. Những năm trước khi giá dừa thế giới còn cao, tỉnh lo đánh thuế vào các tàu nước ngoài cập cảng thu mua, còn các công ty chế biến dừa của Bến Tre chỉ lo ép giá nông dân để thu lợi nhuận nhiều dẫn đến không thu mua đủ nguyên liệu sản xuất, không mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong tình hình hiện nay dừa Bến Tre không tiêu thụ được là hậu quả tất yếu mà thôi.
minh
Bổn cũ soạn lại
09/06/2012 08:50:22
Lại lẩn quẩn bài toán nuôi trồng. Bao giờ nhà nước mới giúp được nông dân thoát nạn này. Bộ Nông nghiệp có định hướng gì cho dân không sau vài thập niên lẩn quẩn? Hãy lo cho dân thiết thực hơn thay vì thành lập các khu công nghiệp bỏ hoang.
nguyen
Bình tĩnh!
09/06/2012 08:49:25
Rất chia sẻ với những khó khăn của bà con trồng dừa, nhất là ở Bến Tre trong thời điểm hiện nay. Nhưng đó là quy luật cung cầu, cho nên mong bà con trồng dừa hãy bình tĩnh, sáng suốt trong các quyết định của mình, tránh tình trạng chặt đốn bỏ dừa một cách ồ ạt rồi có khi phải tiếc nuối (trước đây đã từng xảy ra). Và với chỉ đạo của lãnh đạo NHNN chi nhánh Bến Tre, tôi rất đồng tình và hoan nghênh; đồng thời mong muốn chủ trương này sớm được triển khai đến người dân trồng dừa. Và quan trọng hơn, chính quyến các cấp và ngành nông nghiệp Bến Tre cần có định hướng, quy hoạch lại việc trồng dừa, tránh tình trạng lúc thiếu cầu lại thừa cung và ngược lại, lúc cần cung lại thiếu cầu. Cây dừa không thể thiếu ở Bến Tre và người trồng dừa không phải khổ là điều mà người dân xứ dừa luôn mong muốn.
Huu Thien  

1)
Dừa ở thành phố vẫn đắt
09/06/2012 08:38:36
Tôi cứ nghe kêu ca là dừa thấp giá này nọ,chứ tôi thấy ngày nào tôi cũng uống dừa tươi,ra mua 10 ngàn 1 trái,may lắm thì mới có chỗ bán 6 ngàn 1 trái. Sao bà con Bến Tre không chịu khó thuê xe chở dừa lên Tp HCM bày ở nhiều điểm mà bán. Sau khi trừ xăng xe thì vẫn còn lời chán,hoặc chở lên Tây nguyên,ở đó dừa đắt lắm,trái rẻ nhất cũng 15 ngàn.
hong
Người buôn dừa siêu lợi nhuận
09/06/2012 08:37:52
Ở TPHCM chúng tôi chưa bao giờ mua được dừa giá rẻ. Nông dân bán dừa 800 đồng 1 trái thế nhưng chúng tôi mua toàn 10.000 đồng 1 trái, lợi nhuận này sẽ vào tay kẻ buôn dừa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét