Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Càng giảm lãi suất, ngân hàng yếu càng lo?


Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất huy động giảm về mặt bằng 11%/năm chắc chắn sẽ gây áp lực nhất định cho các ngân hàng yếu, khi nợ xấu tăng cao đã làm xói mòn dòng tiền của số NH này.

Ngân hàng nhỏ thêm áp lực

Giảm lãi suất, ngân hàng yếu sẽ lo?
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc chỉ giảm 1% lãi suất lần này của NHNN là thận trọng
- Có ý kiến cho rằng dư địa nền kinh tế đã cho phép NHNN giảm lãi suất nhanh hơn mức hiện tại, ông có cho rằng như vậy?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng mức giảm 1% mỗi lần điều chỉnh cho tất cả các mức lãi suất điều hành của NHNN theo tôi là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay.
Hướng đi xuống của lạm phát đã khá rõ ràng. Tính tới tháng 5/2012 lạm phát chỉ tăng 2,78% so với cuối năm 2011, hướng đi xuống của lạm phát đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, lãi suất liên quan tới lạm phát kỳ vọng chứ không phải lạm phát tại thời điểm tuyên bố lãi suất. Ở thời điểm hiện tại, lạm phát kỳ vọng là mức 8%, nhưng con số này cũng không có gì chắc chắn nếu các yếu tố đầu vào lại có biến động mạnh trong thời gian tới.

Thêm nữa dù thanh khoản của khối NH đã tốt hơn rất nhiều, nhưng không phải cào bằng mà vẫn có những NH yếu, thanh khoản còn khó khăn. Do đó, tôi cho rằng mức giảm 1% thể hiện sự thận trọng của NHNN, nếu giảm sâu hơn mức này thì e rằng hơi quá mạnh tay.- Động thái hạ lãi suất của NHNN là tích cực, nhưng liệu có xảy ra tình trạng dân sẽ ồ ạt rút tiền gửi để chuyển sang kênh đầu tư khác do lãi suất gửi tiền không còn hấp dẫn?
Tôi cho rằng, dù lãi suất giảm thêm 1% thì khó xảy ra hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền gửi trong hệ thống nhà băng. Vì hiện nay dù cho chứng khoán đang trên đà hồi phục nhưng vẫn còn “phập phù”, thị trường vàng vẫn rất “bấp bênh”… nên các kênh đầu tư truyền thống này đã thu hẹp và không còn hấp dẫn nữa. Gửi tiền tiết kiệm lúc này vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn hơn cả. Thêm nữa, mức lãi suất dù giảm xuống 11%/năm nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát kỳ vọng tới 3%, như vậy vẫn đảm bảo lãi suất dương. Tỷ lệ lợi nhuận này hoàn toàn hợp lý đối với người gửi tiền.
Còn với thanh khoản của toàn hệ thống NH, việc giảm lãi suất lần này cũng không gây áp lực nhiều. Do dòng tiền lưu thông trong nội bộ hệ thống NH đang rất dồi dào.
Giảm lãi suất, ngân hàng yếu sẽ lo?
Lãi suất giảm sâu hơn có thể gây khó khăn nhất định cho một số ngân hàng nhỏ, yếu
Tuy không có sự biến động lớn về dòng tiền từ thị trường huy động dân cư và tác động tới thanh khoản toàn hệ thống, nhưng vẫn có một số NH yếu đang đói vốn, nhất là vấn đề nợ xấu gia tăng đã làm xói mòn dòng tiền của số NH này. Với số NH yếu thì chuyện giảm lãi suất thêm có thể gây áp lực khó khăn nhất định cho họ.
Giảm thêm lãi suất, chưa chắc DN đã "mừng"
- Sau hai đợt giảm lãi suất trước DN vẫn than không thể tiếp cận được vốn. Ông có cho rằng đợt giảm lãi suất lần thứ 3 thêm 1% nữa sẽ hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn không?
Tôi không lạc quan lắm, vì ngay cả khi trần lãi suất là 15% các NH còn đang rất chần chừ khi cho vay ra, thì giờ khi biên độ giảm sâu hơn – 14% sẽ khó hấp dẫn các nhà băng đẩy mạnh cho vay ra nếu các NH vẫn tiếp tục thắt chặt tín dụng, điều kiện cho vay với DN.
Chưa kể, biên độ giữa lãi suất đầu vào – ra hiện nay vẫn được "đổ đều" 3% cho tất cả loại hình vay, tất cả các loại rủi ro khác nhau. Thường biên độ dao động lãi suất là biên độ thưởng cho mức độ rủi ro của từng khoản vay. Rủi ro càng lớn thì biên độ càng lớn (có thể là 4-5%), rủi ro thấp thì biên độ thu hẹp lại (2%)... , nên việc áp một biên độ chung 3% là không phù hợp, chắc chắn các NH sẽ tìm chỗ có biên độ lớn hơn để cho vay.

Do đó, việc đưa lãi suất huy động về 11% và lãi vay ra 14% không có nhiều tác dụng với nền kinh tế. Thậm chí ngay cả khi nếu lãi suất giảm sâu xuống 10% nhưng nếu DN không đáp ứng được điều kiện vay ngặt nghèo của NH (không có tài sản thế chấp, tình hình tài chính không ổn định...) thì cũng không thể vay vốn.
Quan trọng hơn lúc này, theo tôi không phải là hạ lãi suất mà là giải quyết được vấn đề nợ xấu của hệ thống NH, tạo lực đẩy bơm tiền ra cho nền kinh tế. Có thể trên lý thuyết sẽ có tác dụng, nhưng thực tế có như vậy không thì phải chờ xem.
- NHNN đã tuyên bố sẽ bỏ trần lãi suất ở thời điểm thích hợp. Theo ông, liệu hiện tại đã là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất?
Tiền để để thả nổi lãi suất là lạm phát phải được kiểm soát một cách chặt chẽ.Lạm phát thời điểm này đã giảm xuống mức thấp, nhưng cũng không loại trừ khả năng bất thường xảy ra. Để thận trọng NHNN nên quan sát thêm 1 quý nữa, khi đó mọi dự báo về lạm phát đã "nằm trong tầm tay". Thời điểm chín muồi nhất để "cởi trần" lãi suất là vào quý III hoặc quý IV.
Song, nếu xét trên quan điểm kinh tế thị trường thì tôi lại ủng hộ việc thả nổi lãi suất ngay trong lúc này. Đã tới lúc nền kinh tế quay lại sự vạn hành của kinh tế thị trường, của cung – cầu. Sự can thiệp hiện tại của NHNN gây ra tác động tâm lý khá lớn, nó khiến thị trường thêm méo mó. Cùng với việc áp trần NHNN phải tăng cường giám sát các NH "đi theo đúng vạch". Nếu thả nổi, lãi suất có thể biến động trong một thời gian nhất định, nhưng sẽ nhanh chóng tìm về điểm quân bình theo đúng quy luật cung cầu của thị trường. Thị trường lúc đó sẽ minh bạch hơn.
Hoài Thu
(thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét