Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Gỗ sưa: Ai khóc, ai cười...? Tại sao quý?


TT - Gỗ sưa (dân gian gọi là trắc thối, huê mộc vàng... còn tên khoa học là Dalbergia tonkinesis) đã lên “cơn sốt” cả chục năm nay, nhất là từ những năm 2007 trở lại đây. Vậy nhưng đến lúc này, các nhà khoa học VN vẫn vò đầu bứt tai chưa thể trả lời giá trị thực của loài cây trắc thối này là thế nào.


Trai tráng các làng ven Phong Nha (Quảng Bình) đổ xô vào rừng để săn gỗ sưa - Ảnh: QUỐC NAM

Từng trực tiếp sang hẳn Trung Quốc để “điều tra”, nhưng các nhà khoa học như GS-TS Phùng Tửu Bôi, giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và phát triển bền vững, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp VN vẫn chưa có đáp án về giá trị của loài cây này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS-TS Phùng Tửu Bôi, một chuyên gia về lâm nghiệp có hơn 40 năm công tác tại Viện Điều tra quy hoạch rừng, buồn bã cho biết:
- Công tác nghiên cứu cơ bản của ta rất yếu, nhất là về lĩnh vực lâm nghiệp nên chưa thể nghiên cứu, đánh giá hết về cây gỗ sưa. Đến lúc này giá trị cây gỗ sưa vẫn còn là một dấu hỏi.

Từ trước đến nay, trong các tài liệu ta chỉ biết sưa là cây gỗ không mọc nhanh được, chúng mọc hỗn giao cùng nhiều loài khác, mọc phân tán và chỉ có ở các vùng rừng nhiệt đới. Lõi sưa rất cứng, phải trên 10 năm tuổi mới bắt đầu cho lõi. Một năm chỉ có thể sinh trưởng dưới 0,5cm đường kính. Với người dân, người ta chỉ biết đây là loại gỗ có mùi, có lõi với những vân gỗ rất đẹp.
GS Phùng Tửu Bôi - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Vậy do đâu mà giáo sư cùng các nhà khoa học lặn lội sang tận Trung Quốc để “điều tra” về loại gỗ này?
- Vào những năm 2000, người Trung Quốc đã sang VN để mua một số loài động thực vật với giá rất cao, trong đó có cây thạch đen và gỗ sưa. Trong nước, công tác nghiên cứu cơ bản của ta còn quá yếu, nên chúng tôi không biết các loại cây này có giá trị gì mà họ thu mua nhiều, giá cao đến thế.
Khoảng năm 2002, chúng tôi tự bỏ tiền túi đi theo diện cá nhân, lần theo các thương lái Trung Quốc để xem họ mua làm gì. Vì đi với tư cách cá nhân, không chính thức nên anh em cũng chỉ là tự mày mò tìm hiểu. Phải nói họ rất kín đáo, không cung cấp hết thông tin. Với cây thạch đen, ở trong nước chúng ta chỉ làm thực phẩm, nhưng sang Trung Quốc họ chế ra làm các sản phẩm kem dưỡng da. Với gỗ sưa, họ tiết lộ cho chúng tôi rằng với người Trung Quốc gỗ sưa rất có giá trị tâm linh, họ mua về để làm các đồ thờ cúng, sửa chữa thay thế các kèo cột tại các đình chùa. Và thực tế chúng tôi cũng thấy các sản phẩm đó của họ. Còn các thông tin rằng họ nghiền gỗ sưa để ướp xác, chế biến tân dược, thậm chí pha trộn để chế ra chất gây nghiện gì đó chúng tôi cũng không có bằng chứng.
Chính cách giấu kín thông tin về giá trị thực của gỗ sưa như vậy nên phần nào càng khiến “cơn sốt” gỗ sưa tăng cao.
* Có vẻ như giáo sư đang lo ngại điều gì đó đằng sau “cơn sốt” gỗ sưa?
- Đúng như vậy. Nếu như trước đây họ chỉ mua gỗ sưa các loại, thì nay hướng của họ tập trung vào mua những loại gỗ sưa cổ thụ, có đường kính lớn. Mà những cây sưa đại cổ thụ giờ chỉ có trong các khu rừng nguyên sinh, các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là kiểu “đòn bẩy thị trường” mà người thu mua gỗ sưa giở ra nhằm làm loạn thị trường, loạn xã hội và nguy hại hơn là phá tài nguyên của mình. Như tôi đã nói, sưa là loại cây sống phân tán, mọc không nhanh, nên nếu chặt hạ một cây gỗ sưa cổ thụ thì sẽ có bao nhiêu cây cối xung quanh bị gãy đổ, ảnh hưởng. Sưa là cây nhóm 1A rất quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, nếu không ngăn chặn kịp thời, toàn bộ các cây sưa cổ thụ sẽ biến mất. Hơn nữa, kiểu kinh doanh của họ rất giỏi. Họ đẩy giá lên tạo cơn sốt, rồi khi chúng ta tàn phá, đục khoét hết các khu bảo tồn để lấy gỗ sưa cổ thụ rồi họ không mua nữa, khi đó sẽ tạo nên những rối loạn khác.
* Vậy chúng ta phải làm gì để cứu lấy những cây sưa cổ thụ ít ỏi trong các khu rừng nguyên sinh, các khu bảo tồn?
- Phải chấn chỉnh, tăng cường quản lý. Quản lý ở đây không chỉ là người kiểm lâm đứng gác cửa rừng, mà có đứng gác cũng không xuể vì rừng thì rất nhiều cửa. Phải là đồng quản lý từ chính quyền, người dân, quản lý giữa thị trường và nghiên cứu khoa học.
Cùng với quản lý là phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản để nhanh chóng tìm ra giá trị thực của gỗ sưa cũng như nhiều loài động, thực vật khác để công bố. Và để nghiên cứu thì không chỉ là các nhà khoa học lâm nghiệp, mà cần sự vào cuộc của cả các nhà khoa học về hóa học, vật lý cho đến các chuyên gia về thị trường, thương mại.
* Với tình hình này, liệu đến khi nào chúng ta mới giải được bài toán giá trị thực của gỗ sưa?
- Bài toán này rất khó. Bởi đến lúc này ngay việc thống kê về quy mô, số lượng, phạm vi của cây sưa cũng là rất khó. Ta đã có ảnh vệ tinh để theo dõi nhưng cũng chỉ biết được phạm vi, diện tích rừng chứ chưa thể kiểm kê được trên mặt đất xem khu rừng này có bao nhiêu cây sưa cổ thụ. Về nhân lực, thử hỏi bây giờ VN bao nhiêu người có thể vào rừng mà đọc tên, nhận biết hết được cây rừng. Những chuyên gia như vậy đang ngày một ít đi. Nếu không đào tạo nhân lực thì việc xác định, đọc tên các loại cây rừng còn khó chứ chưa nói đến để nghiên cứu, tìm hiểu giá trị của từng loại cây.
Ông Đỗ Quang Tùng, chánh Văn phòng Bảo vệ động, thực vật quý hiếm VN (Cites VN), cho biết: trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được quy định tại nghị định 32 của Chính phủ, cây sưa hay còn gọi là cây trắc thối, có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis thuộc nhóm 1A, nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Theo ông Tùng, khoảng chục năm trước cây sưa vẫn chưa được nhiều người VN biết đến. Tuy nhiên đến những năm 2007-2008 thì gỗ sưa “lên cơn sốt” bởi người Trung Quốc săn lùng ráo riết để đưa về nước sửa chữa đình chùa. Họ quan niệm các vật dụng, nhất là đồ thờ cúng làm bằng gỗ sưa sẽ đem lại nhiều may mắn cho gia chủ. Khi Olympic Bắc Kinh 2008 đến gần thì nhu cầu mua gỗ sưa để sửa chữa đình chùa ở Trung Quốc tăng cao nên đã tạo những “cơn sốt” gỗ sưa tại VN, và giá trị gỗ sưa vì thế tăng cao chót vót. Kể từ năm 2009, câu chuyện gỗ sưa tạm lắng xuống được hai, ba năm thì giờ lại lên cơn sốt.
Bản thân ông Tùng cũng không thể lý giải được tại sao gỗ sưa lại đang “nóng” trở lại. Nhưng cũng như một số chuyên gia lâm nghiệp khác, ông Tùng cho rằng công tác nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc tốt hơn VN rất nhiều, có thể họ đã nghiên cứu, phân tích thấy những giá trị to lớn của gỗ sưa nên đã “đi trước” ta. Ngoài giá trị về y khoa hay vấn đề tâm linh, cũng không loại trừ những người tận thu gỗ sưa có những mục đích khác.
ĐỨC BÌNH - ĐỨC DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét