Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

(2) Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó

VHNA tóm tắt nội dung sách “Vì sao các quốc gia thất bại” do TS Nguyễn Quang A dịch:


(2) Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó
 
LỜI GIỚI THIỆU
Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ hai mươi ba* của tủ sách SOS2, cuốn Vì sao các Quốc gia Thất bại của hai nhà khoa học Daron Acemoglu (giáo sư kinh tế học, MIT) và James A. Robinson (giáo sư Quản lý nhà nước, Đại học Havard) vừa xuất bản ở Mỹ đầu năm 2012. Tiêu đề phụ của cuốn sách là, nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng, và nghèo khó. Cuốn sách tìm câu trả lời cho câu một hỏi đơn giản nhưng đã làm cho nhiều học giả đau đầu trong nhiều thế kỷ qua: vì sao một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo?
Đã có nhiều lý thuyết (giả thuyết) tìm cách giải đáp cho câu hỏi này hay giải thích hiện tượng bất bình đẳng thế giới nhức nhối đó. Có các giả thuyết về địa lý, văn hóa, sự thiếu hiểu biết của các nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng các lý thuyết này đều không trả lời được một cách thỏa đáng cho câu hỏi đơn giản nêu trên.
Acemoglu và Robinson đưa ra giả thuyết về các thể chế chính trị là cái quyết định chứ không phải địa lý, văn hóa, hay sự thiếu hiểu biết.
Lập luận đại thể như sau: một quốc gia giàu nếu phần lớn công dân của nó tham gia vào các hoạt động kinh tế, tạo ra nhiều của cải một cách hiệu quả, luôn tìm cách mới để thực hiện các nhiệm vụ (cũ và mới) sao cho hiệu quả hơn.

Nhưng cái gì khiến các tác nhân kinh tế (cá nhân, hộ gia đình, các công ty) làm như vậy? Đó là các khuyến khích (incentive). Không có các khuyến khích, không có động cơ người ta không tích cực làm việc; các phản khuyến khích thậm chí còn gây ra tác hại. Nghiên cứu các khuyến khích là một trong những nội dung chính của kinh tế học (và khoa học xã hội nói chung khi khuyến khích được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là khuyến khích kinh tế).
Song cái gì định hình các khuyến khích? Đó là các thể chế kinh tế. Các thể chế kinh tế là các quy tắc ảnh hưởng đến nền kinh tế hoạt động thế nào và đến các khuyến khích thúc đẩy người dân ra sao. Các tác giả phân ra hai loại thể chế kinh tế: thể chế kinh tế bao gồm (inclusive economic institution) và các thể chế kinh tế khai thác (extractive economic institution).
Các thể chế kinh tế bao gồm bảo đảm: các quyền tài sản an toàn; luật pháp và trật tự; các thị trường và sự ủng hộ của nhà nước đối với các thị trường (qua các dịch vụ công và các quy định); dễ tham gia hoạt động kinh tế; tôn trọng các hợp đồng; đa số nhân dân được tiếp cận đến giáo dục và đào tạo và các cơ hội.
Ngược lại thì các thể chế kinh tế là khai thác: thiếu luật pháp và trật tự; các quyền tài sản không an toàn; các rào cản tham gia và các quy chế cản trở hoạt động của các thị trường và tạo ra sân chơi không bằng phẳng.
Cuối cùng, các thể chế kinh tế hình thành trên cơ sở nào? Các thể chế chính trị định hình các thể chế kinh tế. Các tác giả phân biệt hai loại thể chế chính trị: bao gồm và khai thác.
Các thể chế chính trị bao gồm bảo đảm: điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của các công dân – chủ nghĩa đa nguyên – đặt ra các ràng buộc và kiểm soát đối với các chính trị gia; nền pháp trị; nhà nước tập trung ở mức đủ để thực thi luật pháp và trật tự (nhưng không quá tập trung để biến thành chính thể chuyên chế).
Ngược lại, các thể chế chính trị mang tính khai thác: tập trung quyền lực chính trị vào tay một số ít người; không có các ràng buộc lên các chính trị gia hay kiểm soát và cân bằng hay thiếu nền pháp trị.
Các thể chế kinh tế bao gồm thúc đẩy tăng trưởng thông qua: khuyến khích đầu tư; tận dụng sức mạnh thị trường trong phân bổ nguồn lực, sự tham gia của các hãng hiệu quả hơn, có khả năng tài trợ vốn cho kinh doanh khởi nghiệp; tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi thông qua tạo cơ hội bình đẳng, để các công dân có cơ hội giáo dục và đào tạo; và quan trọng nhất khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới và chấp nhận sự phá hủy sáng tạo. Như thế, các thể chế bao gồm tạo ra các khuyến khích để các tác nhân kinh tế hoạt động hiệu quả và kết quả là tạo ra tăng trưởng bền vững, và như thế thường dẫn các quốc gia đến giàu có.
Tăng trưởng, tuy vậy luôn luôn kéo theo những kẻ thắng và những người thua. Những kẻ thắng thường ủng hộ, song những người thua thường chống đối. Những người thua về kinh tế và nhất là những người thua (hay có khả năng bị thua) về mặt chính trị thường ngăn cản quyết liệt. Và đấy chính là logic của các thể chế khai thác: những người có quyền thế sợ sự mất quyền lực, sợ sự phá hủy sáng tạo, sợ bị trở thành kẻ thua, nên tìm cách cản trợ thay đổi, cố duy trì các thể chế khai thác, ưu tiên giữ ổn định chính trị, giữ hiện trạng có lợi cho họ.
Tuy vậy, dưới các thể chế khai thác cũng có thể có tăng trưởng. Đầu tiên, có tăng trưởng thì mới có của cải để khai thác. Tăng trưởng dưới các thể chế khai thác chủ yếu diễn ra theo hai kiểu: chuyển nguồn lực từ khu vực năng suất thấp (thí dụ nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao hơn (công nghiệp hay dịch vụ, chẳng hạn); giới chóp bu có thể tự tin để tạo ra các yếu tố bao gồm trong các thể chế kinh tế trong khi vẫn giữ các thể chế chính trị khai thác.
Các thể chế kinh tế khai thác có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng không bền vững trong dài hạn và thường không tạo ra tăng trưởng và vì thế dẫn đến nghèo khó.
Có ái lực mạnh (hay sự đồng vận) giữa các thể chế chính trị bao gồm và các thể chế kinh tế bao gồm; cũng vậy đối với các thể chế khai thác; chúng tăng cường lẫn nhau và tạo ra trạng thái ổn định tương đối. Sự kết hợp của các thể chế chính trị khai thác với các thể chế kinh tế bao gồm có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng cuối cùng sẽ quay về hai trạng thái ổn định hơn: hoặc các thể chế chính trị chuyển thành các thể chế bao gồm và quốc gia phát triển mạnh, hay các thể chế kinh tế bao gồm bị thay thế bằng các thể chế khai thác. Tương tự, trạng thái các thể chế chính trị bao gồm kết hợp với các thể chế kinh tế khai thác cũng là trạng thái bất ổn định: các lực lượng chính trị sẽ buộc các thể chế kinh tế trở nên bao gồm, hoặc bản thân các thể chế chính trị bị biến thành khai thác.
Có thể phát triển một loại số đo tổng hợp, theo kiểu như chỉ số HDI chẳng hạn, cho các thể chế chính trị và kinh tế. Có thể gán, chẳng hạn chỉ số - 1 cho tập các thể chế tuyệt đối khai thác, và +1 cho tập các thể chế  tuyệt đối bao gồm. Khi đó số đo của các thể chế chính trị của một quốc gia có thể có giá trị từ (-1) đến (+1) và có thể được biểu diễn như một điểm nào đó giữa (-1 và + 1), thí dụ trên trục tung (y). Tương tự số đo của tập các thể chế kinh tế cũng lấy giá trị từ -1 đến +1 và có thể biểu diễn thí dụ trên trục hoành (x) [ở sơ đồ dưới đây trục x chạy từ phải qua trái hơi ngược với bình thường một chút].
 

Như thế ta có bốn ô trên mặt phẳng x-y: ô 1 trên cùng bên phải, ô 2 dưới cùng bên phải; ô 3 dưới bên trái; và ô 4 trên cùng bên trái.
Tại mỗi thời điểm, mỗi quốc gia có một vị trí ở một trong bốn ô này, và theo thời gian vị trí có thể dịch chuyển trong từng ô, hay chuyển từ ô này sang ô kia. Sự dịch chuyển này vẽ lên một quỹ đạo thể chế, và lịch sử thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng trong lý thuyết của hai tác giả này.
Rất nhiều quốc gia nằm ở ô 2 và họ thường nghèo và vị trí càng gần góc dưới bên phải (-1,-1) thì càng nghèo; có một số quốc gia ở ô 4 và họ thường giàu, các quốc gia có vị trí càng gần góc trên cùng bên trái (+1,+1) thì càng giàu.
Hai ô 2 và 4 tương đối ổn định. Ô 2 gắn với vòng luẩn quẩn. Ô 4 gắn với vòng thiện, và sự ổn định tại đây cũng chỉ tương đối, nếu không giữ gìn vẫn có thể thụt lùi, như trường hợp Venice. Các ô 1 và 3 không ổn định theo nghĩa các quốc gia nằm ở các ô này sớm muộn (tính bằng hàng chục năm) sẽ chuyển về ô 2 hay ô 4.
Phần cốt lõi thứ hai của lý thuyết là động học của sự thay đổi thể chế. Các tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của: các xung đột (conflict) luôn xảy ra trong xã hội; sự trôi dạt thể chế (institutional drift), các thể chế ban đầu như nhau theo thời gian sẽ trôi dạt xa nhau; và tạo ra những sự khác biệt nhỏ về thể chế nhưng các khác biệt nhỏ lại có thể quan trọng trong các bước ngoặt; các bước ngoặt (critical juncture) là bất cứ sự kiện lớn nào ảnh hưởng đến xã hội như tai họa thiên nhiên, dịch bệnh, khám phá mới, hay các cuộc cách mạng, hay cái chết của một nhân vật quan trọng; và sự tùy thuộc ngẫu nhiên (contingency). Các xung đột dẫn đến sự trôi dạt thể chế, tại các bước ngoặt do những khác biệt nhỏ và sự tùy thuộc ngẫu nhiên chúng rẽ nhánh theo những con đường rất khác nhau và tạo ra sự phân kỳ thể chế.
Lý thuyết về thay đổi thể chế cũng như sự đồng vận của các thể chế (chính trị và kinh tế) bao gồm và sự đồng vận của các thể chế khai thác là các công cụ hùng mạnh mà các tác giả dùng để tìm câu trả lời cho câu hỏi đơn giản và hết sức cơ bản mà cuốn sách đặt ra: vì sao có một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo, vì sao các phương pháp xóa nghèo hiện hành thường thất bại.
Các tác giả đưa bạn đọc chu du khắp thế giới, từ châu Mỹ, Hoa Kỳ, đến châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Đại Dương để tìm hiểu vì sao ở nơi nào đó lại nghèo hay giàu, các lực lượng chính trị và kinh tế tương tác với nhau ra sao và gây ra những thay đổi thể chế như thế nào và đưa ra cách giải thích thuyết phục cho các hiện tượng đó, giúp bạn đọc hiểu trên cơ sở của khung khổ lý thuyết này.
Tầm phủ thời gian của cuốn sách cũng thật ấn tượng, từ cách mạng đồ đá mới đến 2011, nhưng chi tiết hơn là khoảng một ngàn năm và nhất là từ 1800 đến nay.
Một lý thuyết khoa học luôn là các giả thuyết và giá trị của một lý thuyết chỉ nằm trong sức mạnh giải thích (và tiên đoán, nhưng trong các khoa học xã hội khó có thể nói về khả năng tiên đoán) của nó.
Muốn cho quốc gia không thất bại và giàu có thì phải tìm mọi cách để xây dựng các thể chế chính trị bao gồm. Các tác giả nhấn mạnh không có công thức sẵn có cho việc này. Tuy vậy có nhiều việc có thể tạo thuận lợi, có thể thúc đẩy cho việc hình thành các thể chế chính trị như vậy. Trao quyền (empowerment) cho nhân dân, hay cho các mảng rộng của xã hội là hết sức quan trọng để cho một quá trình như vậy có thể hình thành hay mang lại kết quả. Xây dựng nền pháp trị thực sự, với những ràng buộc lên các chính trị gia, buộc họ phải có trách nhiệm giải trình và khó lạm dụng quyền lực. Người dân biết quyền của mình và đòi một cách tích cực các quyền hiến định đó và tham gia vào các tổ chức chính trị. Cần một nền báo chí tự do và quyền tự do ngôn luận. Và như thế cần có một xã hội dân sự lành mạnh và sự tham dự tích cực của các công dân. Đấy là cách làm giàu bền vững nhất không chỉ cho chính mình mà cho cả con cháu nhiều đời sau.
Cuốn sách được viết rất sáng sủa và hết sức dung dị, không đòi hỏi quá nhiều kiến thức kinh tế học từ bạn đọc. Theo tôi đây là một công trình rất có giá trị và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nói chung và của sự phát triển kinh tế học nói riêng.
Tôi nghĩ đối tượng bạn đọc của cuốn sách này sẽ rất rộng, từ các nhà kinh tế học, các nhà khoa học xã hội, các nhà hoạch định chính sách, các chính trị gia, các nhà báo, sinh viên, học sinh thuộc tất cả các ngành (chứ không chỉ các ngành xã hội) và bất cứ ai quan tâm khác đều nên đọc cuốn sách này. Và họ sẽ không phí công vì nó giúp chúng ta hiểu thế giới, hiểu chính mình và tự rút ra các bài học cho hành động thực tiễn.
Cảm ơn các ông Nguyễn Anh Tuấn và Vũ Văn Lê đã tặng sách. Tôi đã hết sức cố gắng để truyền tải chính xác nội dung nhưng do hiểu biết hạn chế nên bản dịch chắc chắn còn nhiều thiếu sót mong được bạn đọc góp ý và lượng thứ.
Hà Nội, 4- 6-2012 
Nguyễn Quang A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét