Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

(3) Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó

VHNA tóm tắt nội dung sách “Vì sao các quốc gia thất bại” do TS Nguyễn Quang A dịch:


(3) Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo khó
 
LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn sách này là về những khác biệt khổng lồ về thu nhập và mức sống mà tách biệt các nước giàu trên thế giới, như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Đức, khỏi các nước nghèo, như các nước ở châu Phi hạ-Sahara, Trung Mỹ và Nam Á.
Khi chúng tôi viết lời nói đầu này, Bắc Phi và Trung Đông rung chuyển bởi “Mùa xuân Arab” khởi đầu bằng cái được gọi là Cách mạng Hoa Nhài, mà ban đầu được châm ngòi bởi việc làm công chúng phẫn uất vì sự tự thiêu của một người bán hàng rong, Mohamed Bouazizi, ngày 17-12-2010. Ngày 14-1-2011, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, người đã cai trị Tunesia từ 1987, đã từ chức, nhưng nhiệt tình cách mạng chống lại sự cai trị của giới ưu tú (elite) có đặc quyền ở Tunesia còn xa mới giảm bớt đi, đã trở nên mạnh hơn và đã lan ra phần còn lại của Trung Đông. Hosni Mubarak, người đã cai trị Ai Cập với một bàn tay siết chặt gần ba mươi năm, đã bị hất cẳng vào ngày 11-1-2011. Số phận của các chế độ ở Bahrain, Lybia, Syria và Yemen chưa được rõ khi chúng tôi hoàn tất lời nói đầu này.
Gốc rễ của sự bất mãn tại các nước này là ở sự nghèo khó của chúng. Một người Ai Cập trung bình có mức thu nhập bằng khoảng 12 phần trăm của mức thu nhập của công dân Mỹ trung bình, và có thể kỳ vọng để sống ngắn hơn mười năm; 20 phần trăm dân số sống trong cảnh cực kỳ nghèo. Tuy những khác biệt này là đáng kể, chúng thực ra là khá nhỏ so với những sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và các nước nghèo nhất trên thế giới, như Bắc Triều Tiên, Sierra Leone, và Zimbabwe, nơi hơn một nửa dân số sống trong nghèo khó.

Vì sao Ai Cập nghèo hơn Hoa Kỳ nhiều đến vậy? Những ràng buộc nào kéo những người Ai Cập khỏi việc trở nên phát đạt hơn? Sự nghèo của Ai Cập có là bất biến, hay có thể được xóa bỏ? Cách tự nhiên để bắt đầu nghĩ về việc này là nghe bản thân những người Ai Cập nói về các vấn đề họ đối mặt và vì sao họ lại đứng lên chống chế độ Mubarak. Noha Hamed, một người hai mươi bốn tuổi, làm việc tại một hãng quảng cáo ở Cairo, đã làm rõ quan điểm của mình khi cô biểu tình tại Quảng trường Tahrir: “Chúng tôi đã chịu sự tham nhũng, sự áp bức, và nền giáo dục tồi. Chúng tôi sống giữa một hệ thống thối nát mà phải thay đổi”. Một người khác trên quảng trường, Mosaab El Shami, hai mươi tuổi, sinh viên dược, nhất trí: “Tôi hy vọng rằng vào cuối năm nay chúng tôi sẽ có một chính phủ được bầu và rằng quyền tự do phổ quát được áp dụng và rằng chúng ta chấm dứt nạn tham nhũng mà đã kiểm soát đất nước này”. Những người biểu tình ở Quảng trường Tahrir đã nói cùng một tiếng nói về sự tham nhũng của chính phủ, sự bất lực của nó để cung cấp các dịch vụ công, và sự thiếu bình đẳng cơ hội ở nước họ. Họ đặc biệt than phiền về sự áp bức và sự thiếu các quyền chính trị. Như Mohamed ElBaradei, nguyên giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đã viết trên Twitter ngày 13-1-2011, “Tunesia: áp bức + thiếu công lý xã hội + từ chối các kênh cho diễn biến hòa bình = một quả bom nổ chậm đang kêu tích tắc”. Những người Ai Cập và Tunesia đều đã coi các vấn đề kinh tế của họ cơ bản là do thiếu các quyền chính trị gây ra. Khi những người biểu tình bắt đầu diễn đạt các đòi hỏi của họ một cách có hệ thống hơn, mười hai đòi hỏi đầu tiên được post lên bởi Wael Khalil, một kỹ sự phần mềm và blogger người đã nổi lên như một trong những nhà lãnh đạo của phong trào phản kháng Ai Cập, đã đều tập trung vào sự thay đổi chính trị. Các vấn đề như tăng lương tối thiểu đã xuất hiện chỉ giữa các đòi hỏi chuyển tiếp mà sẽ được thực hiện muộn hơn.
Đối với những người Ai Cập, những cái, mà đã néo giữ họ lại, bao gồm một nhà nước không hiệu quả và thối nát và một xã hội nơi họ không thể sử dụng tài năng, khát vọng và sự khéo léo của mình và sự giáo dục mà họ có thể có được. Nhưng họ cũng nhận ra gốc rễ của các vấn đề này là có nguồn gốc chính trị. Tất cả những cản trở kinh tế mà họ đối mặt bắt nguồn từ cách mà quyền lực chính trị được sử dụng và bị độc chiếm bởi một elite hẹp. Đấy, họ hiểu, là cái đầu tiên phải thay đổi.
Thế nhưng, khi tin điều này, những người biểu tình ở Quảng trường Tahrir đã bất đồng sâu sắc với sự sáng suốt thông thường về chủ đề này. Khi lập luận, vì sao một nước như Ai Cập lại nghèo, hầu hết các học giả và những người bình luận nhấn mạnh các yếu tố hoàn toàn khác. Một số người nhấn mạnh sự nghèo của Ai Cập chủ yếu là do địa lý của nó quyết định, do sự thực rằng đất nước này hầu như là một sa mạc và thiếu lượng mưa đầy đủ, và rằng đất và khí hậu của nó không cho phép một nền nông nghiệp sinh lợi. Những người khác thì chỉ ra các tính chất văn hóa của những người Ai Cập mà được cho là không thuận cho sự phát triển và thịnh vượng kinh tế. Họ cho rằng những người Ai Cập thiếu đúng loại phong cách làm việc và các đặc điểm văn hóa mà đã cho phép các dân tộc khác phát đạt, và thay vào đó đã chấp nhận các niềm tin Islamic không phù hợp với thành công kinh tế. Một cách tiếp cận thứ ba, cách chiếm ưu thế giữa các nhà kinh tế học và các chuyên gia chính sách, lại dựa vào ý niệm rằng các nhà cai trị của Ai Cập đơn giản đã không biết cái gì cần để làm cho đất nước họ phồn thịnh, và đã đi theo các chính sách, các chiến lược sai trong quá khứ. Nếu giá như các nhà cai trị này nhận được lời khuyên đúng từ các cố vấn thích hợp, cách tư duy này tiếp tục, thì sẽ có sự thịnh vượng. Đối với các học giả và chuyên gia chính sách ấy, sự thực rằng Ai Cập bị cai trị bởi elite hẹp, chỉ thu vén cho bản thân họ gây tổn hại cho xã hội, có vẻ không liên quan gì đến việc hiểu các vấn đề kinh tế của nước này.
Trong cuốn sách này chúng tôi sẽ biện luận rằng những người Ai Cập ở Quảng trường Tahrir, chứ không phải hầu hết các học giả và các nhà bình luận, đã có ý tưởng đúng. Thực ra, Ai Cập nghèo chính xác bởi vì nó bị cai trị bởi elite hẹp, giới đã tổ chức xã hội vì lợi ích riêng của họ gây tổn hại cho số rất đông quần chúng nhân dân. Quyền lực chính trị đã được tập trung hẹp, và đã được sử dụng để tạo ra sự giàu có hết sức cho những kẻ nắm quyền, như tài sản 70 tỷ USD có vẻ như đã được cựu Tổng thống Mubarak tích cóp. Những người bị thua thiệt đã là nhân dân Ai Cập, như họ hiểu rất rõ [điều đó].
Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng sự giải thích này về sự nghèo của Ai Cập, sự giải thích của nhân dân, hóa ra cung cấp một sự giải thích chung cho câu hỏi vì sao các nước nghèo lại nghèo. Bất luận đó là Bắc Triều Tiên, Sierra Leone, hay Zimbabwe, chúng ta sẽ chứng tỏ rằng các nước nghèo là nghèo vì chính xác cùng lý do mà Ai Cập nghèo. Các nước như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã trở nên giàu bởi vì các công dân của họ đã lật đổ elite, giới đã kiểm soát quyền lực, và đã tạo ra một xã hội nơi các quyền chính trị được phân phát rộng rãi hơn nhiều, nơi các chính phủ có trách nhiệm giải trình và có trách nhiệm với công dân, và nơi số đông quần chúng nhân dân có thể tận dụng các cơ hội kinh tế. Chúng ta sẽ chứng tỏ rằng để hiểu vì sao có sự bất bình đẳng như vậy trong thế giới ngày nay, chúng ta phải đào sâu vào quá khứ và nghiên cứu động học lịch sử của các xã hội. Chúng ta sẽ thấy rằng lý do mà Vương quốc Anh giàu hơn Ai Cập là bởi vì năm 1688, Vương quốc Anh (hay nước Anh, để cho chính xác) đã có một cuộc cách mạng mà đã biến đổi hoạt động chính trị và như thế hoạt động kinh tế của quốc gia. Nhân dân đã chiến đấu vì và đã giành được nhiều quyền chính trị hơn, và họ đã dùng chúng để mở rộng các cơ hội kinh tế của họ. Kết quả đã là một quỹ đạo chính trị và kinh tế khác một cách căn bản, lên đỉnh điểm trong Cách mạng Công nghiệp.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp và các công nghệ mà nó mở ra đã không lan sang Ai Cập, vì nước đó đã nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman, mà đã đối xử với Ai Cập phần nào theo cùng cách như gia đình Mubarak sau này đã đối xử. Sự cai trị Ottoman ở Ai Cập đã bị Napoleon Bonaparte lật đổ năm 1798, nhưng sau đó mước này rơi vào sự kiểm soát của chủ nghĩa thực dân Anh, mà cũng như Ottoman đã ít quan tâm đến việc thúc đẩy sự thịnh vượng của Ai Cập. Tuy những người Ai Cập đã thoát khỏi được các đế chế Ottoman và Anh, và, năm 1952, đã lật đổ chế độ quân chủ của họ, nhưng đấy đã không phải là các cuộc cách mạng như cách mạng 1688 ở Anh, và thay cho việc biến đổi căn bản hoạt động chính trị ở Ai Cập, chúng lại đưa một elite khác lên nắm quyền, giới cũng chẳng quan tâm đến việc đạt được sự thịnh vượng cho những người dân thường Ai Cập [hệt] như những người Ottoman và Anh đã chẳng quan tâm. Hậu quả là, cấu trúc cơ bản của xã hội đã không thay đổi và Ai Cập vẫn nghèo.
Trong cuốn sách này chúng ta sẽ nghiên cứu các hình mẫu này tái tạo mình ra sao theo thời gian và vì sao đôi khi chúng thay đổi như chúng đã thay đổi ở Anh năm 1688 và ở Pháp với cách mạng 1789. Việc này sẽ giúp chúng ta hiểu liệu tình hình ở Ai Cập đã thay đổi hiện nay và liệu cuộc cách mạng đã lật đổ Mubarak sẽ có dẫn đến một tập mới của các thể chế có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho những người Ai Cập bình thường hay không. Ai Cập đã có các cuộc cách mạng trong quá khứ mà đã không làm thay đổi tình hình, bởi vì những người tổ chức các cuộc cách mạng đơn giản đã nắm lấy giây cương từ những người mà họ phế truất và đã tạo dựng lại một hệ thống tương tự. Quả thực là khó đối với các công dân bình thường để nắm lấy quyền lực chính trị thực và thay đổi cách xã hội của họ vận hành. Nhưng là có thể, và chúng ta sẽ xem việc này diễn ra thế nào ở Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và cả ở Nhật Bản, Botswana, và Brazil. Về căn bản chính một sự biến đổi chính trị thuộc loại này là cái cần cho một xã hội nghèo trở thành giàu. Có bằng chứng rằng điều này có thể đang xảy ra ở Ai Cập. Reda Metwaly, một người biểu tình khác ở Quảng trường Tahrir, lập luận, “Bây giờ bạn thấy những người Muslim và những người Ki tô giáo cùng nhau, bây giờ bạn thấy người già và người trẻ cùng nhau, tất cả đều muốn cùng một thứ”. Chúng ta sẽ thấy rằng một phong trào rộng như vậy trong xã hội đã là một phần then chốt của cái đã xảy ra trong những biến đổi chính trị khác này. Nếu chúng ta hiểu khi nào và vì sao những sự chuyển đổi như thế xảy ra, chúng ta sẽ ở vị thế tốt hơn để đánh giá khi nào chúng ta kỳ vọng các phong trào như vậy thất bại như chúng đã thường thất bại trong quá khứ và khi nào chúng ta có thể hy vọng rằng chúng sẽ thành công và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét