Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

(1) ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI


 ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ
THỜI ĐẦU ĐỔI MỚI

Tư liệu
LẠI NGUYÊN ÂN và NGUYỄN THỊ BÌNH
Sưu tầm và biên soạn


LỜI DẪN

Phong trào đổi mới, khởi lên ở Việt Nam giữa những năm 1980, đã đưa tới những đổi thay rõ rệt và đáng kể nhất trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước vài chục năm nay, từ những năm cuối thế kỷ XX sang những năm đầu thế kỷ XXI.

Đời sống văn hóa xã hội cũng chịu ảnh hưởng của công cuộc đổi mới, tuy không phải bất cứ ai cũng dễ dàng chấp nhận những đổi thay ở lĩnh vực này do những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của tiến trình đổi mới gây nên.

Điều thấy rõ là số đông văn nghệ sĩ đã hưởng ứng phong trào đổi mới ngay khi phong trào được Đảng cộng sản Việt Nam phát động. Nhưng con đường đổi mới không phải chỉ được nghĩ ra một lần là đủ, không phải chỉ được định ra một lần là xong. Ngược lại, quan niệm về đổi mới luôn luôn được bổ sung, điều chỉnh; thực tiễn đổi mới luôn luôn được "nghiệm thu", phân tích. Và điều này tác động không chỉ đến hoạt động kinh tế xã hội mà còn đến cả các hoạt động văn hóa văn nghệ. Vì lẽ đó và nhiều lẽ khác nữa, bức tranh đời sống văn nghệ ở nước ta, kể từ thời đổi mới, đã trở nên đa tạp đa sắc đa diện hơn trước.

Trên chỗ đứng của hôm nay nhìn lại, từ đổi mới khởi lên đến nay, lượng thời gian đã trải vài chục năm. Dấu ấn cuộc đổi mới in lên đời sống văn nghệ Việt Nam đã có thể được quan sát và ghi nhận từ góc độ văn học sử (hoặc văn hóa sử). Người ta đã có thể, hơn nữa đã có lúc thấy cần nhìn lại những lĩnh vực nhất định của đổi mới như một thứ quá khứ, dù là quá khứ rất gần, để làm một sự "tổng kết sơ bộ", để thuyết phục nhau về hướng đi đúng cần tiếp tục, để làm rõ ra những việc thiết yếu còn chưa kịp làm nhưng chắc chắn không thể không làm nếu muốn đi tiếp con đường đổi mới v.v...

Công trình này được biên soạn chính là trong nỗ lực tập hợp tài liệu báo chí đương thời khả dĩ giúp hình dung ít nhiều diện mạo đời sống văn nghệ ở Việt Nam thời đầu đổi mới, từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990. Bắt tay vào công trình tập hợp những tư liệu vào loại còn "tươi mới" này, những người sưu tầm biên soạn tuy ít khi gặp phải loại khó khăn thông thường là thiếu nguồn tài liệu (nhưng cũng cần nói rằng, nhân làm công việc này, chúng tôi cũng được mục kích tình trạng các bộ sưu tập báo chí trong nước những năm 1985-1995 tại các trung tâm lưu trữ lớn hiện cũng đã bị mất mát hoặc thiếu số, lẻ bộ, v.v...), song không hiếm khi lại lâm vào trạng thái bị ngợp trước sự đa tạp của tư liệu; một khi số lượng tư liệu quá nhiều với dung lượng quá lớn, nếu người sưu tầm biên soạn non tay, công trình tư liệu sẽ giống như khu rừng rậm, dễ khiến chính mình và sau đó là người đọc bị lạc lối, mất hướng.

Cố nhiên việc tìm lại các văn bản những bài từng đăng báo cách nay mươi, mười lăm năm, bây giờ đã không phải là chuyện dễ. Các bài vở được sưu tầm và tập hợp trong cuốn sách này, chủ yếu là kết quả của hai đợt sưu tầm: đầu tiên là chị Nguyễn Thị Bình cùng một số sinh viên, nghiên cứu sinh của chị tiến hành sưu tầm suốt ba tháng cuối 2005 đầu 2006. Chính nguồn gần 200 tư liệu thu được ban đầu này đã là cơ sở để tôi phác ra và dựng nên một khung sườn sơ bộ cho công trình tương lai, sau đó tiếp tục đọc thêm tìm thêm, mỗi lần tìm thêm tài liệu mới là mỗi lần đem lại những sửa đổi và bổ sung cho cái khung sơ phác ban đầu, làm tăng dần dần chiều dày cho cuốn sách tương lai trên bản sắp chữ vi tính. Trên đường tìm tòi tài liệu cho công trình này, tôi đã được một số bạn nhà báo nhà văn chỉ cho những nguồn tài liệu chưa có hoặc chưa biết; nhân đây xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự giúp đỡ ấy.

Trong việc dàn dựng công trình này thành một bộ sách, điều tôi quan tâm là phân chia khối lượng tư liệu khá lớn đã sưu tầm được thành những cụm nhỏ, dựa theo một vài đề tài hoặc chủ đề nhất định mà các bài viết ấy đề cập; do vậy mà các tư liệu được sắp xếp trong các phần, các đoạn, lớn hoặc nhỏ. Các phần các đoạn ấy cố nhiên là tương ứng với một vài ý tưởng trình bày và phân tích quá trình văn học từ phía người biên soạn. Điều đó có nghĩa là cũng với những tư liệu ấy, một người biên soạn khác hẳn sẽ làm khác; và mỗi tư liệu trước sau vẫn cứ là mỗi tư liệu độc lập. Tôi hiểu rằng, người biên soạn không nên và không thể đưa lời thuyết minh của mình vào mỗi tư liệu, nhưng có thể đặt thêm một vài "lời dẫn" vào trước mỗi cụm tư liệu mà mình đã nhóm lại; những lời dẫn ấy, xin được chấp nhận như là điều cần thiết của việc tổ chức cuốn sách. Cố nhiên phải nói lại rằng các giới hạn phân chia và gom nhóm thành "phần" thành "đoạn" như vậy chỉ là tương đối và ước lệ; mỗi bài viết trước sau vẫn là một tư liệu độc lập.

Tất cả các bài sưu tầm đưa vào sách này đều lấy từ nguồn báo chí xuất bản và phát hành tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành khác trong nước từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990. Số lượng bài sưu tầm khá lớn, số lượng tác giả có bài được sưu tầm vào sách này cũng khá lớn, vì vậy những người sưu tầm và biên soạn công trình này không thể liên lạc xin phép từng tác giả trước khi ra sách. Chúng tôi mong rằng các vị và các bạn có bài từng đăng báo, tức là từng tham dự đời sống văn nghệ những năm tháng nói trên, sẽ không phản đối việc những bài vở đó được tập hợp lại trong sưu tập này, − một sưu tập có mục tiêu là tập hợp càng đầy đủ càng tốt (dù biết chắc khó mà có thể đầy đủ) nguồn dư luận báo chí đương thời, là cái chứng từ còn lại cho thấy diện mạo của đời sống văn nghệ những năm tháng đã qua. Hơn thế, chúng tôi còn mong muốn rằng, cuốn sách tư liệu ra mắt lần đầu này sẽ được các vị và các bạn có quan tâm đóng góp ý kiến và mách bảo cho chúng tôi những nguồn tư liệu còn thiếu, cần phải bổ sung thêm để sưu tập này sẽ đầy đủ và hoàn chỉnh hơn nữa khi có dịp tái bản.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa.

Hà Nội, tháng Mười 2006

LẠI NGUYÊN ÂN

Nguồn: http://www.viet-studies.info/NhaVanDoiMoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét