Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

IMF chỉ trích chính sách khắc khổ của khối euro

IMF chỉ trích chính sách khắc khổ của khối euro 

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde (phải) nói chuyện với Bộ trưởng 
Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, Tokyo International Forum, 10/12/2012. 
REUTERS/Stephen Jaffe/IMF/Handout 

Thanh Hà

Vào lúc cả Bruxelles lẫn Paris đều im lặng và chấp nhận những áp đặt của Berlin đối với toàn khối euro, IMF đã bất ngờ lên tiếng chỉ trích chính sách khắc khổ đang được áp dụng ở quy mô lớn tại châu Âu. Việc giảm bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP bằng mọi giá là một sai lầm.

Ngày 11/10/2012 trước khi khai mạc khóa họp thường niên vào mùa thu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới ( WB) tại Tokyo, tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde tuyên bố « thay vì giảm bội chi ngân sách một cách triệt để, đôi khi cần có thêm thời gian để đạt được mục tiêu mong muốn ».
Không phải ngẫu nhiên mà IMF tỏ ra uyển chuyển hơn trên vấn đề áp dụng các biện pháp khắc khổ. Báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế về tình trạng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 08/10/2012 hạ dự phóng tăng trưởng của khu vực đồng euro. Tổng sản phẩm nội địa của khu vực đồng euro năm nay chỉ tăng 0,4 % (thay vì 0,7 % như đã loan báo hồi tháng 7/2012). Bước sang năm 2013 thì tỷ lệ tăng trưởng sẽ chỉ là 0,2 %.

Đáng chú ý hơn là những khó khăn của khu vực sẽ đè nặng lên cả các nền kinh tế được coi là vững chắc nhất trong khối euro - kể cả Đức. GDP của Đức trong năm 2012 và 2013 sẽ chỉ tăng 0,9 %, thấp hơn so với các dự báo đã được đưa ra trước đây.

Tình hình ở Pháp cũng không sáng sủa hơn với tỷ lệ tăng trưởng gần ở số không. Ý và Tây Ban Nha thì tăng trưởng sẽ là số âm.

Riêng đối với trường hợp của Hy Lạp, mắt xích yếu kém nhất trong số 17 nước tham gia đồng euro, người đứng đầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho rằng, Athènes không thể giảm thâm hụt ngân sách nhà nước đang từ 7,3 %GDP trong tài khóa 2012 xuống còn 2,1 % vào năm 2014. Tỷ lệ thâm hụt 2,1 % vừa nêu là mục tiêu ba nhà tài trợ quốc tế chính của Hy Lạp đã đề ra cho Athènes để đối lấy hai gói viện trợ tài chính 230 tỷ euro.

Theo IMF trong trường hợp khả quan nhất, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp vào năm 2014 sẽ là 3,1 % tức là trên mức quy định mà các nhà tài trợ đã đề ra cho Athènes. Ngoài ra, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng cho rằng chính quyền của thủ tướng Antonis Samaras phải cần có thêm thời hạn là hai năm, tức là phải tới năm 2016, mới có thể kéo tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước/GDP xuống còn 2,1 %.

Rạn nứt trước chính sách kinh tế của châu Âu

Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schauble lập tức lên tiếng để điều chỉnh lại lập luận của bà tổng giám đốc IMF. Cũng tại Tokyo, ngày 12/10/2012 ông Schauble đã khẳng định rằng « Giảm nợ công của nhà nước, giảm bội chi ngân sách là giải pháp duy nhất đưa khu vực đồng euro thoát khỏi khủng hoảng. Khối euro không có sự chọn lựa nào khác ».

Hai tuyên bố trái ngược của lãnh đạo IMF và bộ trưởng Tài chính Đức được coi là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy rạn nứt giữa bộ ba « troika » đang giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của Athènes. IMF là một trong ba nhà tài trợ quốc tế của Hy Lạp cùng với Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu.

Giới phân tích không quên nhấn mạnh đến sự « thay đổi lập trường » của IMF về chính sách tài chính vĩ mô của châu Âu. Phải chăng đã đến lúc mọi người đều nhận ra rằng các biện pháp khắc khổ đang đe dọa trực tiếp đến tăng trưởng của khối euro ? Đường lối do Berlin áp đặt chung với 16 thành viên còn lại hoàn toàn phản tác dụng ?

Từ Tokyo, giáo sư kinh tế Jean Pisani – Ferry, giảng dậy tại đại học Paris Dauphine và cũng là giám đốc viện nghiên cứu Bruegel của Bỉ trả lời phỏng vấn đài RFI thận trọng nhắc lại rằng : IMF không phủ nhận tính chính đáng và cần thiết của việc cắt giảm chi tiêu để giảm bội chi ngân sách nhà nước, giảm nợ công. Nhưng thách thức đặt ra cho các lãnh đạo châu Âu là phải áp dụng các biện pháp khắc khổ như thế nào tránh để phương hại tới tăng trưởng kinh tế :

« Tôi không nghĩ là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thay đổi lập trường. Nhưng rõ ràng là có một sự chuyển biến trên hồ sơ này. Một nghiên cứu của chính IMF đã được công bố cho thấy chính sách cắt giảm chi tiêu công cộng khi được áp dụng quá mạnh tay không phải là liều thuốc hữu hiệu để lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước, hay cho phép giảm nợ công. Ngược lại, chính sách khắc khổ có tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế.

Nói như thế không có nghĩa là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế khuyến khích các chính quyền lãng phí chi tiêu hay cứ để nợ công chồng chất. IMF là một định chế tài chính đa quốc gia, nơi có rất nhiều luồng tư tưởng cọ sát với nhau. Các chuyên gia thường xuyên thảo luận về các chính sách kinh tế, tiền tệ của thế giới. Kinh tế trưởng của IMF, Oliver Blanchard là người đã điều khiển công trình nghiên cứu kể trên và ông đưa ra kết luận rằng, mọi người đã lạc quan thái quá khi cho rằng các biện pháp khắc khổ có phép màu giúp cho một nền kinh tế khởi sắc trở lại ».

Khắc khổ, liều thuốc phản tác dụng

Trở lại trường hợp cụ thể của Hy Lạp : cho đến sáng ngày 14/10/2012, bộ ba các nhà tài trợ cho Athènes là Ủy ban Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và IMF vẫn tiếp tục gia tăng sức ép đòi thủ tướng Antonis Samaras mạnh tay hơn nữa trong việc cắt giảm chi tiêu. Trễ nhất là tới ngày 18/10/2012 Athènes phải tìm ra đồng thuận với các nhà tài trợ để nhận được khoản trợ giúp 31,5 tỷ euro. Đây là khoản trợ cấp mà nhẽ ra các nhà tài trợ phải tháo khoán cho Hy Lạp từ tháng 6 vừa qua, nhưng quốc tế chưa giải ngân với lý do còn đòi Athènes phải « siết chặt thêm » các khoản chi tiêu nữa.

Cụ thể là Hy Lạp cho rằng để nhận được khoản tiền 31,5 tỷ của quốc tế, Athènes cần thông qua kế hoạch khắc khổ 7,8 tỷ euro. Nhưng BCE, IMF và Liên Hiệp Châu Âu thì lại đòi nội các của thủ tướng Samaras tiết kiệm đến 9,2 tỷ euro. Hy Lạp giải thích rằng trong tình trạng kinh tế suy thoái liên tiếp trong 6 năm vừa qua, Athènes không có điều kiện để đáp ứng đòi hỏi của quốc tế.

Trong một bài bình luận trên báo kinh tế Les Echos, chuyên gia Kemal Dervis thuộc cơ quan tham vấn Brookings Institution có trụ sở tại thủ đô Washington nhận định : « Trong bối cảnh kinh tế đang tuột dốc không phanh tại nhiều nước ở phía nam khu vực đồng euro, như là trường hợp của Hy Lạp hay Tây Ban Nha, chính sách lành mạnh hóa ngân sách nhà nước, tức là giảm chi tiêu công cộng và tăng thuế không hề giúp cho những quốc gia này giải quyết nợ công và thâm hụt ngân sách. Chính sách khắc khổ của Châu Âu lại càng khiến mục tiêu cân bằng ngân sách thêm xa vời (…). Áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng một cách quá đáng (…) đối với những quốc gia đã gặp khó khăn tài chính, chẳng khác nào vừa cho một con bệnh uống thuốc quá liều lại vừa rút bỏ ống chuyền ốc-xy ».

Dùng thuốc đúng liều

Ngày 10/10/2012 cũng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã cho công bố một bản báo cáo về tình trạng tài chính và kinh tế toàn cầu. Báo cáo này lưu ý « việc điều chỉnh ngân sách nhà nước cần phải phù hợp với tình hình kinh tế ». Nói một cách đơn giản thì IMF đã gửi thông điệp rõ ràng đến châu Âu : đã đến lúc Bruxelles cần ''nhẹ tay’' hơn với các biện pháp khắc khổ, bằng không tăng trưởng của toàn khu vực sẽ thiên dần về số không, và thập chí là tuột xuống số âm. Khi đó thì thâm hụt ngân sách lại càng nguy ngập hơn. Về điểm này, giáo sư Jean Pisani –Ferry thuộc Viện nghiên cứu Bỉ Bruegel giải thích thêm :

« Ông Blanchard, kinh tế trưởng của IMFcó lý khi nhắc nhở dư luận rằng chúng ta không nên áp dụng quá đáng chính sách cắt giảm chi tiêu. Nhưng điều đó không có nghĩa là một quốc gia có quyền quản lý lỏng lẻo ngân sách của mình. Trong trường hợp cụ thể của các nước đang phải đương đầu với khủng hoảng nợ công, việc cắt giảm chi tiêu, thu hẹp ngân sách nhà nước là một điều cần thiết. Vấn đề còn lại là áp dụng chính sách khắc khổ ấy với nhịp độ nào mà thôi.

Giảm chi mạnh quá thì sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng. Trong khi đó như đã biết các nước thuộc khối euro cần thúc đẩy trở lại tăng trưởng kinh tế. Vấn đề của châu Âu là khối này muốn cắt giảm ngân sách một cách mạnh tay để thuyết phục thị trường về quyết tâm quay lại với những quy định cơ bản của Hiệp ước châu Âu ».

Đức giữ nguyên lập trường

Không chỉ có Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, mà cả Mỹ lẫn các nền kinh tế đang trỗi dậy ngày càng băn khoan và hoài nghi về hiệu quả của chính sách khắc khổ mà châu Âu liên tục áp dụng từ 3 năm nay. Dù vậy chính phủ Đức vẫn không tỏ ra khoan nhượng. Berlin bằng mọi giá áp đặt quan điểm của mình.

Các nhà quan sát quốc tế không khỏi tiếc rằng trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông François Hollande đã mạnh dạn tuyên bố là sẽ thuyết phục thủ tướng Đức để xét lại chính sách kinh tế chung cho toàn khối. Nhiều người đã kỳ vọng rằng ứng cử viên của đảng Xã hội Pháp, ở cương vị tổng thống sẽ bảo vệ một đường lối khác đưa khối euro quay lại với tăng trưởng.

Thế nhưng thực tế cho thấy là, trong 5 tháng vừa qua, tổng thống Hollande đã khá nhún nhường trước bà đầm thép đá của Đức, là thủ tướng Merkel. Bản thân Paris thì đang tìm đủ mọi cách để đạt được mục tiêu duy trì bội chi ngân sách dưới ngưỡng quy định 3 % GDP. Để đạt được mục tiêu đó chính phủ Pháp dự trù tăng một loạt thuế cho tài khóa vào năm tới.

Chính sách tăng thuế và cái giá phải trả

Vấn đề đặt ra là theo thẩm định của IMF, đối với một nền kinh tế phát triển, nếu tăng thuế hay giảm chi tiêu công cộng 10 euro thì GDP bị giảm đi mất 5 euro. Tỷ lệ 0,5 đó, thậm chí có thể còn bị nâng lên đến 0,9 hay 1,7. Nói một cách dễ hiểu thì nếu một nhà nước tăng thuế tương đương với 1 % GDP thì phải chấp nhận đánh mất từ 0,9 đến 1,7 điểm tăng trưởng.

Trong trường hợp nghiên cứu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được công nhận là xác thực thì chủ trương áp dụng chính sách khắc khổ để thâm hụt ngân sách và nợ công không phù hợp với tình huống kinh tế của khối euro vào thời điểm này. Tệ hơn nữa là biện pháp đó cũng không cho phép các nước thành viên sử dụng đồng tiền chung châu Âu lành mạnh hóa tài chính. Bằng chứng là trong lúc Tây Ban Nha thông báo tăng thuế 28 tỷ euro trong tài khóa 2012 và giảm 8 tỷ chi tiêu công cộng, thâm hụt ngân sách vẫn tương đương với 8 % GDP. Còn tỷ lệ thất nghiệp, tức cái giá phải trả về phương diện xã hội thì lên tới 25 % dân số trong tuổi lao động.

Đấy chính là lý do vì sao, khối euro bắt đầu nói tới mục tiêu : duy trì bội chi ngân sách mang tính cơ cấu ở mức 0,5 % GDP. Khái niệm « bội chi ngân sách mang tính cơ cấu » không bao hàm các khoản chi thu bị chi phối do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế. Cụ thể là nếu kinh tế gặp khó khăn, thì thâm hụt ngân sách nhà nước trong một hay hai tài khóa nhất định có thể vượt trội lên một chút, nhưng khi tình hình được cải thiện thì bắt buộc chính phủ phải điều chỉnh lại chính sách chi thu.

Giáo sư Pisani Ferry trường đại học Paris Dauphine và giám đốc cơ quan tư vấn Bruegel phân tích :

« Theo tôi châu Âu phải ý thức rằng, chúng ta có Hiệp ước châu Âu. Văn bản đó quy định rõ là thâm hụt ngân sách nhà nước của mỗi thành viên mang tính cơ cấu không được vượt quá 0,5 % GDP. Điều đó có nghĩa là một ngân sách nhà nước phải được xét trên một độ dài nhiều năm. Chúng ta không nên quy định rằng, trong vòng một năm phải đạt được mục tiêu giảm bội chi là x % chẳng hạn. Tôi nhắc lại : không một ai nói rằng chúng ta không cần quản lý chặt chẽ chi tiêu. Cũng không ai phủ nhận tính cần thiết đề giảm bớt nợ công. Vấn đề còn lại là giảm nợ công và giảm bội chi ngân sách ở nhịp độ nào mà thôi. Và cái khó là làm thế nào, tránh để phương hại đến đà tăng trưởng. Theo tôi để đạt được mục tiêu này, châu Âu cần có thêm thời gian ».

Một hướng đi khác đang được Bruxelles nghiên cứu đó là kế hoạch hình thành một ngân sách chung cho toàn khối để quản lý và giám sát các khoản chi thu của các thành viên một cách chặt chẽ hơn. Ở đây đặt ra vấn đề « chủ quyền quốc gia » của mỗi thành viên. Dù sao thì theo giáo sư Pisani Ferry nhận thấy là hơn bao giờ hết Ủy ban châu Âu cần lên tiếng về chính sách kinh tế vĩ mô châu Âu để vớt vát cho tăng trưởng của toàn khối :

« Tôi cho rằng Ủy ban châu Âu đóng một vai trò quan trọng trong chính sách kinh tế của khối euro. Do vậy Ủy ban này phải đưa ra những đề xuất cụ thể. Đã đến lúc Ủy ban cần phải có tiếng nói kêu gọi các nước thành viên tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn ngân sách và không thế để nợ công phình thêm. Nhưng Bruxelles cũng phải cẩn thận tránh để tăng trưởng của khối euro bị phương hại.


Cụ thể là một khi đã đặt ra mục tiêu thâm hụt ngân sách nhất định, nếu như tình hình kinh tế xấu đi, thì ta không nên cố gắng duy trì mức thâm hụt đó bằng mọi giá. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp kinh tế suy kém thì tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước so với GDP đương nhiên phải tăng lên.


Cố gắng bằng mọi giá duy trì bội chi ngân sách như ở mức quy định mà không quan tâm đến tình hình kinh tế chung của một quốc gia là một sai lầm. Vấn đề đặt ra là Ủy ban châu Âu phải có trách nhiệm và phải lên tiếng. Cần chờ xem dự báo về tình hình kinh tế của khối euro sắp được công bố vào tháng 11 tới đây, để xem Bruxelles sẽ có lên tiếng trên hồ sơ này hay không ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét