Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Công khai từng phần kết luận thanh tra ngân hàng


"Các kết luận thanh tra sẽ được công khai từng phần. Vì (nếu) có những kết luận thanh tra công khai ra sẽ làm sập đổ cả hệ thống. Đó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, phải xem xét và làm thận trọng".

Đó là chia sẻ của ông Trương Ngọc Anh – Chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với báo giới tại một hội nghị đối thoại về chính sách diễn ra ngày 16/10.

- Dư luận cho rằng trong hệ thống NH đang tồn tại những DN "sân sau". Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Dư luận vẫn chỉ là dư luận. Trong thực tế đến giờ NH vẫn chưa phát hiện có hoạt động "sân sau" của ngân hàng. Nhưng qua hoạt động thanh, kiểm tra đã có biểu hiện tập trung vốn thông qua nhiều người để "rót" cho một DN nào đấy. Vấn đề này NHNN đang cho thanh, kiểm tra kỹ lưỡng để có kết luận thỏa đáng, chứ không thể vội vàng đưa ra kết luận DN này, DN kia là "sân sau" của NH được.

Ông Trương Ngọc Anh. Ảnh LD


- Tới đây các kết luận thanh tra đối với các tổ chức tín dụng có được công bố công khai rộng rãi không?

Đối với hoạt động thanh kiểm tra thì có yêu cầu công khai các kết luận. Hiện nay các kết luận thanh tra sẽ công khai từng phần. Vì (nếu) có những kết luận thanh tra công khai ra sẽ làm sập đổ cả hệ thống luôn. Đó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, phải xem xét và làm thận trọng. Thậm chí những vấn đề liên quan đến yếu tố hình sự thì phải chờ cơ quan công an tiến hành những thủ tục tố tụng, NHNN không thể tự ý đưa những vấn đề đó.

Hiện quy định của chúng ta còn nhiều bất cập. Để kiểm soát được phải đòi hỏi nghiệp vụ cao của người đi làm công tác thanh kiểm tra. Trong thực tế với những thông tin thu được về các DN, thanh tra cũng đang tổ chức kiểm tra xem có hiện tượng đó thực hay không. Khi có kết luận thanh tra, sẽ có những thông tin được công khai. Tất nhiên sẽ có những thông tin chưa được công khai vì nếu vi phạm pháp luật thì phải chuyển sang cơ quan công an điều tra khởi tố. Nhưng NHNN sẽ có những thông tin rộng rãi, công khai để người dân nắm được thực trạng hoạt động của NH.

NHNN đang xây dựng đề án về công khai minh bạch thông tin. Vụ Thanh tra Tổ chức tín dụng trong nước là đơn vị được giao thực hiện đề án này. Dự thảo đã được trình Thống đốc để báo cáo lên Thủ tướng.

- Đến thời điểm này đã phát hiện DN nào thực hiện các dạng hợp đồng ủy thác đầu tư lách luật chưa, thưa ông?

Bản thân tôi cũng nghe một số thông tin liên quan đến vấn đề này. Vừa rồi chúng tôi cũng nhận được một hồ sơ bên công an chuyển sang về một DN ở Hà Nội nhận vốn dưới hình thức đầu tư vào DN (nhưng không hẳn là ủy thác). Những tổ chức, cá nhân nào làm sai khi xảy ra rủi ro sẽ phải gánh chịu hậu quả.

- Trong thời gian qua, NHNN và các NHTMCP đã "bơm" nhiều gói tín dụng để giải quyết nguồn vốn cho DN. Tuy nhiên phía DN lại phản ánh không tiếp cận được nguồn vốn vay. Tại sao lại có thực trạng này thưa ông?

DN tiếp cận nguồn vốn của NH phải xuất phát từ hai phía. Một mặt phía NH phải có nguồn vốn, mặt khác DN có nhu cầu vay vốn phải đáp ứng được các điều kiện đưa ra theo quy định của pháp luật. Theo quy định, nguồn vốn vay phải được DN sử dụng đúng mục đích.

Hiện có rất nhiều DN kêu ca khó tiếp cận vốn, nhưng trên thực tế các DN này không đủ điều kiện để vay. Tất nhiên trong quá trình hoạt động còn có những tiêu cực – DN không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay vốn. Trường hợp đó, bản thân ai vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Còn phía NH luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu để đảm bảo sự an toàn cho chính họ, cũng là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Chúng ta thấy, nợ xấu NH trong thời gian qua lên đến hàng chục tỷ đô la. Mỗi đồng nợ xấu mất đi sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống, vì thế NHNN phải có sự quản lý giám sát chặt chẽ vấn đề này.

Ngược lại, nếu DN đủ điều kiện mà NH không cho vay thì DN nên phản ánh để NHNN có biện pháp quyết liệt đối với các tổ chức tín dụng.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét