Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Vỗ tay tán thưởng, ai ngờ lại bất lịch sự

Viết tiếp bài Thót tim vì... tiếng vỗ tay



TTO - Nhạc giao hưởng vẫn là một thứ gì đó xa xỉ đối với người dân chúng ta nói chung. Ngay như vé chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker vừa qua cũng không được bán mà chỉ để tặng cho những khách VIP.
Khách VIP ở đây lại không phải là những người VIP trong lĩnh vực âm nhạc, họ chỉ là khách hàng VIP của một hãng viễn thông lớn. Họ chỉ biết rằng vỗ tay là tán thưởng, là thể hiện sự yêu mến với dàn nhạc như cách mà họ vẫn đang thưởng thức âm nhạc ở Việt Nam hiện nay. Họ đâu có lỗi gì?!

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh (đứng) chia sẻ cùng các khán giả trẻ những kiến thức căn bản về thanh nhạc và dàn nhạc giao hưởng trong chương trình Giai điệu trẻ được tổ chức tại TP.HCM - chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động đưa nghệ thuật giao hưởng - nhạc kịch và vũ kịch đến với thanh thiếu niên thành phố do Thành đoàn TP.HCM và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố thực hiện. - Ảnh: A.CHI

 Tôi thuộc thế hệ 8X đời cuối. Chúng tôi lớn lên với những lời hát ru, những làn dân ca ngọt ngào của bà, của mẹ. Đi học, chúng tôi được học nhạc thiếu nhi rồi những bài hát về Đội, về Đoàn.
Lớn lên, chúng tôi khó mà không nghe nhạc trẻ mà trong đó nhạc thị trường và K-Pop chiếm một thị phần đáng kể.
Không nghe sao được khi mà bạn bè tôi chuyền tay nhau những đĩa nhạc của các ca sĩ trẻ mới nổi, khi mà trong điện thoại, trong máy nghe nhạc của mọi người đều có dòng nhạc này.

Không nghe sao được khi mà cả đám bạn đi hát karaoke đứa nào cũng giành micro để nghêu ngao những bài "hit".
Rõ ràng nghe là một chuyện, còn có thích hay không lại là một chuyện khác nhưng thử hỏi giới trẻ chúng tôi mấy ai đã được "dạy" nghe nhạc!
Chúng tôi tuyệt nhiên chẳng biết gì về nhạc giao hưởng.
Nếu như việc tiếp cận với nhạc cổ điển khó như vậy, nếu như không được học cách cảm thụ, thưởng thức dòng nhạc này thì rồi một ngày nào đó biết đâu tôi cũng bị chê chỉ vì mình là… khách hàng VIP.
NHẬT DUY
* Giáo dục cảm thụ âm nhạc
Chuyện tương tự đã được báo chí kể lại cách đây nhiều năm, nếu tôi nhớ không nhầm đó là tại buổi biểu diễn báo cáo kết quả của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, cũng tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, sau khi anh đoạt giải nhất trong cuộc thi piano mang tên Chopin tại Ba Lan.
Tôi còn nhớ cảm giác xấu hổ của mình khi đọc tin đó. Và cả cảm giác e ngại rằng biết đâu mình cũng nằm trong số người vỗ tay đó nếu tôi may mắn có mặt ở thính phòng, bởi kiến thức gần như số 0 của chính mình về âm nhạc bác học cổ điển.
Tôi chỉ tự an ủi phần nào khi trong những dịp được nghe hòa nhạc cổ điển, dù không được trang bị kiến thức cơ bản nhưng hầu như mình cảm được nó theo cách riêng của mình (cho dù có thể không đúng với chủ đề, ý tưởng của tác giả).
Nói vậy để một lần nữa khẳng định việc giáo dục và dẫn dắt công chúng cảm thụ âm nhạc bác học là điều cần được tiếp tục.
Ngay từ những năm 1960, tôi thường nghe chương trình hướng dẫn nghe nhạc cổ điển nước ngoài trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào chiều chủ nhật hằng tuần.
Không biết bây giờ có thể tìm những chương trình tương tự như vậy trên kênh nào, đài nào hoặc ở đâu?
TRẦN THĂNG LONG
Tôi thật sự giật mình khi nghe tiếng vỗ tay từ dưới khán phòng. Chưa kịp nghe xong đoạn dạo đầu đã nghe tiếng vỗ tay. Rồi khi vào đoạn chính tiếng vỗ tay lại càng mạnh hơn, lại còn "thể hiện" đánh nhịp cho dàn nhạc. Rồi cả tiếng huýt sáo, tiếng hú của cả nam lẫn nữ.
Ý kiến của bạn đọc HÀ THANH
sau khi nghe lại clip Dàn nhạc trình bày nhạc phẩm Bèo dạt mây trôi - Nguồn: YouTube

* Khán giả nào có lỗi?
Những khán giả này đã vỗ tay vì sự hồn nhiên, hồn nhiên nghĩ rằng ấy là biểu hiện sự thích thú. Và họ không hề nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng đến người khác. Họ làm người lịch sự, họ cổ vũ cho tiết mục đang thưởng thức một cách chân thành nhất.
Họ không hề nghĩ rằng để biết cách tưởng thưởng một bộ môn nghệ thuật hàn lâm lại cần nhiều trí tuệ và sự hiểu biết đến thế.
Bởi từ lâu lắm rồi có ai dạy cho họ (và cả chúng ta) những hiểu biết nhất định về thưởng thức nghệ thuật hàn lâm đâu. Âm nhạc từ nhỏ với chúng ta chỉ là những bài hát múa tập thể nắm tay nhảy theo vòng tròn. Từ bé đã được cô mẫu giáo tập, lớn lên đi làm, mỗi lần sinh hoạt tập thể vẫn là những bài đó. Hội họa lui tới tới lui cũng chỉ trang trí đường diềm. Những hiểu biết về các nền nghệ thuật truyền thống còn chưa được tiếp cận, nói gì đến các nền nghệ thuật vĩ đại xa xôi của xứ khác.
Tuổi Trẻ ngày 18-7-2012 đã có một bài viết rất đáng lưu tâm về nỗi nhức nhối của văn hóa tặng tranh “Tặng tranh cho đáng nên... tranh”. Ngay cả khi các nhà quản lý văn hóa còn chưa nhận thức đúng vị trí của nghệ thuật trong đời sống, thì một bộ phận khán giả còn thiếu hiểu biết trong thưởng thức nghệ thuật là chuyện bình thường.
HÀ ĐÔNG
* Không nên đem trẻ em theo
Vừa rồi tôi có dịp đi xem vở kịch Romeo và Juliet ở Sài Gòn, có vài người dẫn trẻ em khoảng 5-6 tuổi đến xem. Khi mọi người đang im lặng xem thì các bé nói chuyện thật to. Một bé trai khoảng 6 tuổi đứng lên ghế, lăng xăng trèo qua trèo lại giữa các ghế làm cản tầm nhìn của những người ngồi sau. Nhưng vị phụ huynh đó không hề nhắc nhở bé.
Tôi nghĩ người lớn khi dẫn trẻ em vào xem phải có ý thức tôn trọng người khác, họ nên nhắc nhở các bé ngồi trật tự xem hoặc cho các bé ngồi trong lòng mình, đừng nên để con đứng trên ghế hay nói chuyện quá to ảnh hưởng tới những người xung quanh.
bạn đọc (sweet_lucky789@...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét