Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Đức hạnh tiền lẻ và hội chứng tiền tỉ

Chuyện cuối tuần:


SGTT.VN - Chưa lúc nào bằng lúc này, từ các nhóm lợi ích truyền thông đến dư luận thời thượng, ở đâu người ta cũng diễn đạt bức tranh kinh tế xã hội đất nước bằng số lượng tiền đáng kinh hãi: tỉ, trăm tỉ, ngàn tỉ... Cả tiền thất thoát bởi tiêu cực, tham nhũng ở dự án này, công trình kia của các tổng công ty, tiền lợi nhuận các ngân hàng... cũng thế: toàn trăm tỉ, ngàn tỉ! Những đơn vị tiền tệ 500, 1.000 đồng hình như đã bị xoá khỏi bộ nhớ một số người.

Từ góc độ văn hoá, hãy xem những đơn vị tiền tệ bèo bọt này còn thực quyền kinh tế gì với tầng lớp thu nhập thấp. Ở Sài Gòn, ly trà đá, thứ thức uống phổ biến nhất từng được ví von “đến siêu công ty Coca-Cola cũng sợ phải cạnh tranh”, thời giá không còn ở mức 500, 1.000 nữa mà là 2.000 đồng. Tương tự như vậy, giá dịch vụ thông dụng nhất mà người đô thị nào cũng phải chi tiền là tiền bơm xe, gởi xe cũng đã leo trèo lên mức 2.000 đồng/bánh xe, 3.000 – 5.000 đồng/lượt gởi xe máy.
Người viết có lần chứng kiến cuộc cãi nhau giữa người bơm xe và người có xe bị xẹp bánh, chuyện nhỏ nhưng suýt đưa tới đánh nhau vì người bơm xe đòi tăng giá 3.000 một bánh xe. Chủ chiếc xe xẹp bánh hét: “Sao ông dám tự tiện tăng giá? Ai cho phép, ông muốn gì?” Ông già bơm xe nói giọng thách thức: “Tôi cần gì ai cho phép. Sống không nổi thì lên giá, anh muốn gì tôi chiều?”
Đã có nhiều chuyện xích mích trong cộng đồng có nguyên nhân từ những đồng tiền lẻ cỏn con, điều đó cho thấy những đơn vị tiền tệ nhỏ nhất vẫn rất quan trọng trong đời sống hàng triệu người lao động Việt Nam.
Những tờ 500 đồng hoặc 1.000 đồng rời khỏi túi tiền người này đến tay người khác vào lúc mà đồng lương căn bản vẫn không tăng trong thời lạm phát; vừa đem lại phần nào sự an ủi vừa cho thấy góc rộng văn hoá nhân văn trong việc chia sẻ của cả người được và người mất quanh những đồng tiền lẻ. Người bán vé số mừng vì khách không nhận tiền thối, người phục vụ bàn được tiền bo, người tăng giá bơm xe được khách thông cảm; người cự nự vì vài trăm đồng bạc tăng giá vô lý ở tiệm tạp hoá... và thế là những đồng tiền lẻ được luân chuyển với giá trị nhân văn lớn hơn là giá trị kinh tế.
Có hay không sự đối lập của giá trị văn hoá tiền lẻ với cái gọi là “hội chứng tiền tỉ”? Câu trả lời không chỉ là có mà còn là hố sâu phân biệt giàu nghèo chất chứa nguy cơ bất ổn xã hội. Trước mắt người ta thấy văn hoá chia sẻ tiền lẻ của cộng đồng lao động đang trong giai đoạn quá sức chịu đựng với thói vung tỉ tỉ tiền dơ, tiền tham nhũng, tiền bất nhân. Phô trương xe hơi lộng lẫy, biệt thự nguy nga, đất đai mênh mông... của một thiểu số người mới phất trong bối cảnh hiện nay không phải đang gợi ý cho người nghèo về một giấc mơ phồn vinh mà là nỗi ám ảnh triền miên trong cuộc sống chắt chiu và chia sẻ từng đồng bạc lẻ của những người lao động chân chính.
Một quan chức đứng đầu bộ Y tế đã tuyên bố rằng giá thuốc chữa bệnh của Việt Nam vẫn còn rẻ, chỉ bằng phân nửa so với Thái Lan, Trung Quốc, mà không cần biết đến khác biệt về thu nhập đang ở mức thấp và đang bốc hơi vì suy thoái kinh tế của người Việt. Những điền trang, nhà thờ họ hoành tráng, thậm chí đến cả việc nhỏ nhất là móc tiền lẻ nhắn tin từ túi dân thông qua những dịch vụ lừa gạt trên điện thoại di động... đang biến thứ hội chứng tiền tỉ trở thành trơ tráo, phi đạo đức.
Việc phô trương của cải của một số người có tiếng, có miếng, có quyền hiện nay đã cho thấy trong bộ nhớ của những người mắc hội chứng tiền tỉ này không còn tồn tại những đồng tiền lẻ và không tồn tại cả cộng đồng lớn đang chia sẻ giá trị sống quanh khoản thu nhập tiền lẻ. Tất nhiên những ai đang phát rồ hành vi và đại ngôn của hội chứng tiền tỉ vẫn có quyền không đau lòng vì tiền sữa cho con, cho cháu tăng giá vài ngàn, không cần tốn lời than thở vì bị bà bán hàng bớt cọng hành, trái ớt... nhưng họ không thể, không có quyền và xã hội càng không được cho phép họ quyền áp đặt, định đoạt những chuẩn mực sống của họ lên cả cộng đồng lao động chân chính.
Dù đất nước đang ở giai đoạn phồn vinh hay suy thoái, văn hoá chia sẻ những đồng tiền lẻ của đại bộ phận người có thu nhập thấp luôn ở vị trí trung tâm làm nên giá trị đức hạnh của đồng tiền.
Giao Cảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét