Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến


Chương 1-2)   –   Chương 3-4   –    Chương 5-6   –   Chương 7   –   Chương 8-9   –   Chương 10   –    Chương 11   –   Chương 12   –   Chương 13-14   –   Chương 15   –   Chương 16   –   Chương 17   –   Chương 18 - hết (Trần Nhương).

TNc: Nhà văn Trần Quốc Tiến nổi tiếng là cây bút tiểu thuyết đề tài nông thôn nông nghiệp, nông dân. Ông viết với phong cách không giống ai. Từ “Cuộc vật lộn trước lúc rạng đông”, “Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa”, “Bị vợ bỏ”, đến “Ổ rơm”, _Cỏ và bây giờ là “Lão Bõm”.  Tác giả thể hiện rõ những tâm lý manh mún cùng thói tật của nông dân, đặc biệt phơi bày những mưu mô, thủ đoạn tranh đoạt trên con đường thăng tiến, tham nhũng, sa đọa của một bộ phận không nhỏ cán bộ địa phương.
        Tiểu thuyết mới ra đời: “Lão Bõm” nối tiếp đề tài nông thôn, phát triển phong cách tả thực, ngồn ngộn chi tiết sống động của nông thôn miền Bắc. Điều rất hiếm là Trần Quốc Tiến vẫn ở tại làng quê Nam Định hít thở cái không khí cùng bà con nông dân...
 Từ hôm nay TNc giới thiệu tiểu thuyết này. Toàn bộ Lão Bõm với gần 400 trang sách đã để tại chuyên mục
Trần Nhương giới thiệu, xin mời các bạn thưởng lãm....

CHƯƠNG MỘT


Con đường mà hai người đưa nhau đến toà án hôm nay, cũng là con đường bốn mươi năm về trước họ đã nắm tay nhau đi chầm chậm ngỏ lời yêu. Đêm ấy là một đêm trăng khuyết, trăng chỉ sáng nửa vành, ánh trăng nhờn nhợt phủ lên mặt con đường gồ ghề sống trâu. Hai vệt cỏ non hai bên đường đẫm sương. Đã vào cuối thu, từng cơn gió heo may dẹp đồng rào rạt thổi đưa hương lúa mới từ cánh đồng hai bên. Trời se se lạnh. Cô Nõn chỉ phong phanh chiếc áo cánh gụ cộc tay, cái quần phíp đen đã hơi cũ, đi bên anh chàng Bõm cao lớn đánh bộ quần nâu áo nâu đã bạc lại vá đến mấy mụn ở vai, ở gối. Nửa vành trăng thập thò qua kẽ mây lúc sáng lúc tối, những giọt trăng nhợt nhạt chui qua kẽ lá tre, thập thò nhảy nhót trên hai mái tóc xanh, có mấy giọt đậu trên cặp vú tròn mộng như hai trái cam nhô lên qua làn vải mỏng. Cả hai đến đây từ mái nhà gianh, và trong hai lồng ngực trẻ trung hừng hực sức sống đang có hai trái tim vàng...
Còn hôm nay đây, vào lúc này đây, cũng trên quãng đường đầy kỷ niệm yêu thương, hai người đang ngự trên chiếc đờ rem Nhật mầu mận chín mới cứng đưa nhau ra toà. Đến quán gốc đa, ông quay lại hỏi bà:
- Bà có muốn ghé đây uống chầu bia, ăn  bát phở bò tái rồi đi tiếp vẫn còn kịp chán?
Bà Nõn lắc đầu:
- Cảm ơn ông, đã đưa nhau ra toà còn vui thú cái nỗi gì mà bia với phở bò tái!
Lão Bõm cười sằng sặc:
- Thì đằng nào chả vậy! Cái gốc đa này ngày ấy tôi với bà đến là lắm kỷ niệm, tối nào ra đây tâm sự bà cũng dúi vào tay tôi nắm ngô rang, khi thì củ khoai lang luộc. Nhờ có củ khoai mà sáng ngày mai tôi nhịn đói đi cày, vẫn cày xong ba sào mới nghỉ trưa ăn bát cơm độn dong....
Bà Nõn thở dài:
- Thì cũng có lúc anh Bõm phải đi đánh dậm mấy đêm liền mới đủ tiền mua tặng em Nõn một cái áo cánh nâu đấy như ?
Lão Bõm cũng thở dài:
- Tiếc quá, cái thời nghèo của thì giầu tình, đến thời giầu của thì tình người lại biến đâu?
Con đường đất gồ ghề bậc thang, nham nhở lồi lõm những ổ gà ổ chó ngày ấy chỉ còn lờ mờ trong kí ức. Giờ thì xe Đơ rem mới của Nhật bon bon trên con đường nhựa phẳng lì. Hai người ngự trên nó đều béo múc ních, ông véc tông Tàu, đầu mũ phớt Nga, chân lại xỏ đôi dép xốp thò cả những ngón chân den đúa với bộ móng ói chua ra ngoài, bà áo nhung đỏ cổ ba ngấn nổi vòng quanh là cái xích bằng vàng to đến bằng cái đũa! Bà ngồi sát lại để cho đôi vú vĩ đại cọ xát vào cái lưng cánh phản của ông rồi hỏi:
- Chứ định bỏ nhau thật đấy à?
 Ông cua một vòng vào con đường rẽ rồi trả lời:
- Thế dễ tôi với bà hôm nay đến toà án để nghỉ mát chắc?
- Cơn cớ gì mà lúc đói rách, ngày vài lưng cơm độn khoai, tứ mùa quần manh áo mảnh, đêm nằm ổ rơm đắp chăn bao gai thì ôm chặt lấy nhau, giờ đây nhà cao cửa rộng, nằm giường đệm mút, đắp chăn len... thì lại đẩy nhau ra?
Ông ngoái lại:
- Bà hãy tự hỏi lấy bà xem vì sao?
Bà vặn lại:
- Còn ông? Ông không phải tự hỏi à?
Ông ngoái lại:
- Tôi tự hỏi rồi! Câu trả lời là: Tại bà!
- Tại ông! – Bà đốp lại .
- Tại bà! - Ông trả miếng.
- Tại ông......
- Tại bà........
 
CHƯƠNG HAI
 
 
Trưa hè. Trời nóng như đổ lửa. Con đường sống trâu trước làng như cong lên, đất trên mặt đường lột từng mảng bánh đa, người đi dẫm lên gẫy vụn, bàn chân nóng bỏng như bước lên hòn gạch hơ lửa. Bõm cởi trần trùng trục, chỉ mặc độc nhất một cái quần đùi nâu đã vá hai mụn ở mông, người cao lêu đêu, xương sống xương sườn nhô ra từng rẻ. Bõm đang gánh một gánh trang vớt từ sông lên, cái đòn gánh cong oằn vì quá nặng. Có tiếng gọi:
- Anh Bõm ơi...
Bõm quay lại nhận ra có một cô gái đang đuổi theo gọi.
- Gọi gì thế? – Bõm hỏi trong khi vẫn gánh đi .
Cô gái vẫn chạy đuổi theo:
- Anh cho em gánh trang ấy được không? Chuồng lợn nhà em đáng quá mà em rộp vai không gánh được. Em là Nõn đây, anh nhận ra em chưa?
Làm thế nào bây giờ? Chuồng lợn nhà mình cũng gần thành ao rồi, lợn có thể chết đuối lúc nào không biết.Trong khi cậu Bõm còn đang phân vân suy nghĩ thì cô Nõn đến gần nở nụ cười:
- Anh cho em gánh trang này chứ?
Nụ cười và cái giọng ngọt ngào của Nõn đã biến Bõm thành nô lệ.
- Tất nhiên rồi! Em cần bao nhiêu gánh trang để đổ chuồng lợn? Bõm hỏi lại với điệu bộ của gã hầu.
Được thể, cô nàng cười tít mắt:
- Em chỉ cần vài chục gánh thôi! Nghe người ta nói anh khoẻ lắm. Anh giúp em chứ?
Bõm cười tít mắt:
- Không giúp cô Nõn thì còn giúp ai? Nào em đi trước đi, anh gánh luôn gánh này vào chuồng lợn nhà em, dù lợn nhà anh sắp chết đuối…
 Cô Nõn lại cười tít mắt:
- Thế mới là con trai chứ! Nói rồi cô tong tả đi trước.
Nõn cũng tưởng đùa thế thôi. Nào ngờ Bõm không rẽ lối vào phía ngõ nhà mình mà cứ đi thẳng về phía nhà Nõn. Nhà Nõn là cái nhà hai gian tường đất mái rạ, bức vách ở giữa ngăn đôi, một gian hai buồng, một gian nhà ngoài có kê cái giường tre và một cái chõng. Lúc ấy mẹ Nõn đang ngồi chõng ngoáy trầu ăn. Bà ngẩng lên nhìn ra ngõ thấy một gã con trai mình trần gánh một gánh trang cong đòn gánh đi thẳng vào ngõ nhà bà, bà ngừng nhai trầu rồi kêu lên:
- Nhầm rồi! Nhầm rồi…
Cô Nõn cười bảo  mẹ:
- Không nhầm đâu mẹ ạ…
- Ngõ nhà nó đằng kia cơ mà?  - Bà cụ vặn lại .
- Anh ấy giúp con đấy! Mẹ không thấy chuồng lợn nhà ta đáng quá rồi sao? Nõn nói lại với mẹ .
- Thế thì quý hoá quá! – Bà mẹ gật đầu.
Chàng Bõm cúi đầu chào rồi theo chân cô gái gánh gánh trang về phía chuồng lợn,rồi từ từ đặt xuống và bốc trang quẳng xuống chuồng rồi lại quẩy quang gánh ra phía bờ sông gánh tiếp. Tính ra trưa hôm ấy giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, Bõm đã gánh tới bẩy gánh trang đổ chuồng lợn cho nhà Nõn. Gánh cuối cùng vừa xong thì Nõn đưa bàn tay mát lạnh của mình xoa xoa vào cái lưng nhôm nhoam toàn rễ trang và bùn đất của Bõm nói ngọt ngào:
- Anh rửa chân tay rồi lên nhà ăn khoai, uống nước chè.
Bõm mỉm cười sung sướng, nhưng không lên nhà uống nước chè ăn khoai lang luộc. Quẩy đôi quang gánh ra tới sân, Bõm quay vào chỗ chõng tre có mẹ Nõn đang ngồi tóm tém nhai trầu:
- Cháu chào bác cháu về…
- ơ kìa, ở lại ăn khoai uống nước đã….Bà mẹ Nõn gọi với.
Nhưng Bõm đã ra tới ngõ. Anh ta còn phải gánh bẩy gánh trang nửa để đổ vào chuồng lợn nhà mình, mà trưa nay chỉ có hai bát cơm độn khoai ăn với rau muống luộc chấm xì dầu pha loãng. Nhưng lòng Bõm vui. Được “ hầu hạ” người con gái mình đang phải lòng thì gã trai nào cũng thích, dù bẩy lần bị cong sương sống giữa trưa hè trời nắng gắt như đổ lửa, hay hơn thế nữa cũng vẫn tuyệt.
Vào lúc chập tối, gà lên chuồng một lát thì Bõm ăn vội một củ khoai lang luộc, rang hai lẻ ngô bỏ vào cái túi áo nâu rồi thập thò ở đầu ngõ nhà cô hàng xóm. Cô Nõn như có linh tính báo trước nên cũng luộc khoai ăn sớm, vừa thấy tiếng huýt sáo khe khẽ ở đầu ngõ là cô đứng lên, đặt củ khoai lắm bột vừa bóc vỏ vào tay mẹ:
- Mẹ ăn nốt củ này đi, con đi họp Đoàn thanh niên đây…
- Hôm qua họp rồi hôm nay lại họp à? – Mẹ cô hỏi lại .
- Thanh niên chúng con ngày nào cũng họp, mẹ hiểu không?
Nói rồi cô cười và đi ra ngõ, nơi có tiếng huýt sáo của chàng trai ban trưa giữa lúc trời nắng như đổ lửa đã gánh bẩy gánh trang từ sông vào chuồng lợn nhà cô. Đêm nay đúng là một đêm trăng khuyết vì mới là mồng năm đầu tháng. Một tháng, trăng thật tròn thì chỉ có một ngày, còn thì toàn là khuyết. Chẳng ai phải chờ trăng tròn mới rủ nhau đi chơi. Anh Bõm sau một ngày lao động cật lực... lúc này như quên hết mọi nhọc nhằn đứng ngấp ngó cái đầu ở vệt dậu cúc tần trước ngõ, có vài đốm trăng đậu trên vai cái áo nâu như miếng vá. Cô Nõn từ nhà tong tả đi ra, bóng cô nhoang nhoáng trên mặt cái sân đất mịn. Chờ cho Nõn đến nơi, Bõm hỏi:
- Em nghe thấy anh huýt sáo à?
Nõn dẩu môi:
- Chả nghe thấy mà lại ra! Rõ nỡm ạ, huýt gì mà huýt dài thế?
- Sợ không nghe thấy…
- Lần sau thì chỉ cần huýt một tiếng thôi. Ngay tiếng đầu tiên anh huýt em đã nghe rõ cơ mà? Huýt nhiều lộ đấy. Mẹ em đã hỏi đứa nào huýt sáo ngoài ngõ thế?
- Thế em bảo sao?
- Em bảo là chim nó hót!
- Thế mẹ tin à?
Nõn bĩu môi:
- Gớm, mẹ lại ngốc như anh à? Mẹ thừa hiểu là gã gánh trang đổ chuồng lợn cho mẹ ban ngày, giờ huýt sáo gọi con gái mẹ đi chơi…
Bõm cười khoái trí:
- Thế à? Mẹ biết là anh huýt sáo gọi mà mẹ vẫn cho con gái mẹ đi là mẹ ưng anh rồi, hoan hô mẹ.
- Khe khẽ chứ! – Cô Nõn phải nhắc gã con trai đang phởn chí.
Làng Bần chỉ có một con đường duy nhất được gọi là đường làng, nó nằm ngay trước làng, cạnh con sông và bên kia là cánh đồng chiêm chân trũng. Con đường vào những năm ấy là con đường đất thịt, đoạn bậc thang, đoạn sống trâu gầy, mưa nhỏ là trơn như đổ mỡ, đi phải bấm chặt mười đầu ngón chân xuống mặt đường mới mong khỏi ngã, mưa to thì lầy lội, có khi đến lưng ống chân. Chiều nay cũng vừa có trận mưa nhỏ nên đường ướt và trơn. Mảnh trăng gầy treo lơ lửng trên đầu rặng tre bên sông rắc những đốm vàng nhạt như vãi trấu lên mặt đường. Bõm và Nõn đi song song. Hai đôi dép lốp chốc chốc lại tuột quai vì dính bùn, cả hai lại ngồi xuống chụm đầu vào nhau, móc túi lấy cái duôn lúc nào cũng sẵn ở trong túi ra duôn. Mái tóc dài mềm mại đen nhánh mới gội lá bưởi của Nõn được gió thổi bay phất phơ đưa hương con gái vào mũi chàng Bõm, làm cho lòng chàng thêm ngây ngất. Vừa đi, vừa nói chuyện, chốc chốc Bõm lại đưa tay vào cái túi áo nâu ngay dưới cạp quần bốc ra một bốc ngô rang còn hơi nóng đặt vào tay bạn gái, vừa nhai ngô rang cho đỡ đói vừa tâm sự. Con đường vòng vèo uốn lượn như cái đuôi rồng, nước ở dưới sông phả hơi lên mát lạnh. Vành trăng cong cong lưỡi liềm mờ dần rồi lặn hẳn. Sao bắt đầu sáng. Dải ngân hà có con vịt đang chổng mông mò cá. Đôi ngỗng trời bay qua, quắc lên một tiếng. Trời thu se se lạnh. Vệt tre hai bên đường đã đẫm sương đêm. Hai túi ngô rang cũng gần hết mà bầu tâm sự, cái cốt lõi vẫn chưa nói được. Vẫn là con đường bờ sông với những khúc khuỷ lồi ra lõm vào những cụm dứa dại mọc kín ven bờ, tiếng cuốc kêu, tiếng bìm bịp gọi nhau hoà cùng tâm sự của đôi trai gái. Đây rồi, cây đa đầu làng, chẳng hiểu có từ đời nào mà bây giờ gốc đến vòng tay 2 người ôm còn hở, rất nhiều dễ to lồi lên trên mặt đất nhấp nhô, gồ ghề. Người làng truyền tụng nơi đây có thần đa thiêng lắm, lại còn có các loại ma đêm về đây, tụ tập nô đùa ầm ĩ. Bõm kéo Nõn cùng ngồi xuống một cái dễ đa. Nõn lắc đầu:
- Em sợ ma lắm…
- Không có ma đâu! – Bõm động viên người yêu ngồi xuống đây rồi anh sẽ nói một lời….
Nõn cười :
- Anh nói rồi như?
- Anh nói bao giờ? – Bõm ngạc nhiên hỏi lại .
- Thì giữa trưa trời nắng như đổ lửa mà anh gánh những 7 gánh trang đổ chuồng lợn cho em, tức là anh đã nói cái điều cần nói rồi .
Bõm vẫn kéo Nõn ngồi xuống gốc đa :
- Không, thế chưa phải là nói, nào ngồi xuống đi để anh nói…

- Nhưng sao anh lại chọn một đêm trăng khuyết và cái gốc đa lắm ma để nói đến điều hệ trọng nhất của cuộc đời?
Bõm lắc đầu :
- Anh không duy tâm .
- Thì anh nói đi, quỷ ạ! – Nõn ngồi xuống cạnh Bõm.
Hai người ngồi xuống cạnh nhau. Đêm khuya. Tiếng côn trùng rả rích, gió heo may từ cánh đồng thổi ràn rạt đưa  hương lúa hoà quyện cùng mùi con gái, mùi lá chanh, lá bưởi từ tóc nàng bay ra. Cô Nõn đang ngồi cạnh đây là cô gái đẹp nhất làng Bần. Da trắng, tóc dài, cái miệng nhỏ có đôi môi cắn chỉ rất hay cười, đôi mắt nhỏ đen nháy nhìn ai là như hút mất hồn người ấy. Người bị đôi mắt hút hồn mạnh nhất là Bõm. Hai nhà ở cách nhau mấy ngõ nhưng cũng nằm bên một dòng sông, nhất là cùng chung một cái giếng làng. Cái giếng chẳng biết có từ thuở nào, nó nằm ngay ở mé đường làng cạnh con sông nước 4 mùa trong mát, nó to bằng gian nhà tròn trịa như vầng trăng mười sáu. Giếng sâu nước lúc nào cũng trong như nước lọc. Cả làng ăn nước ở cái giếng này. Sáng nào Bõm cũng cầm cái cần câu ra đây ngồi trên bờ giếng câu cá để được nhìn Nõn gánh nước. Nàng mặc quần Phíp đen, áo đông xuân trắng cộc tay, có khi là cái áo cánh nâu bó sát người đã vá vài mụn, ngực nàng thon, hai vú chỉ mới như hai quả cam chín mọng, khi nàng cúi xuống để cho nước vào thùng cái lưng ong của nàng thon thon mềm mại, mái tóc dài óng ả bay bay. Bõm nhìn thấy nàng từ dưới đáy giếng mỉm cười, hai má đỏ hây hây. Một lần sau khi múc đầy 2 thùng nước đưa lên bờ giếng đặt xuống nàng nhìn Bõm và hỏi:
- Anh Bõm câu được nhiều cá chưa?
Bõm sung sướng vì đựơc bắt chuyện, trả lời:
- Mới được có ba con rô.…
- Cho em một con về em cho con mèo, con mèo mướp nhà em nó khểnh ăn lắm, không có cá nó không chịu ăn .
Bõm cầm sâu cá đến buộc vào đầu đòn gánh cho Nõn. Nõn thích cười rú lên.
- Ô, anh cho em cả ba con à?
Được thế Bõm khếch khoác :
- Anh có thể cho em ba trăm con cá rô, mỗi con to vừa bàn tay. Từ nay em thiếu cá cứ bảo anh.
 Nõn mỉm cười nhìn chàng Bõm. Người chàng rất gầy quanh năm chỉ thấy chàng mặc bộ quần áo nâu bạc, thế mà lòng chàng thơm thảo chẳng ai bằng. Rồi từ ngày ấy sáng nào đi gánh nước, Nõn cũng được chàng Bõm cho cá, hai con mèo nhà Nõn ăn no cá, rồi Nõn còn được chàng Bõm đỡ lấy đòn gánh từ vai đem đôi thùng xuống cầu giếng múc đầy hai thùng nước đưa lên bờ, có cảm ơn thì chàng nói vui “ Anh cũng cảm ơn em cho anh được “ hầu” em” .Thì ra người con trai lúc yêu, chỉ mong được dịp hầu cô gái mà mình theo đuổi. Ai chứ đối với Bõm có rất nhiều dịp. Nào hầu gánh trang, nào hầu gánh nước, nào hầu cả nuôi mèo. Rồi một lần chàng Bõm được hâu một chuyến rất hay. Hôm ấy cũng vào một buổi trưa hè, Bõm đang ngồi gốc cây bàng bờ sông đan mấy cái hom rọ cá rô thì nghe tiếng kêu “ cứu! Cứu... với...” Đặt cái hom đan dở xuống đất, Bõm quay ra phía sông, nơi phát ra tiếng kêu, thì thấy ở giữa sông, quãng sâu nhất có một bàn tay nhỏ nhắn giơ lên vây vẫy. Không phải đắn đo gì, chắc chắn đó là người bị nạn vừa kêu mấy câu cứu cứu. Lúc này là giữa trưa, đường làng vắng vẻ không bóng người. Bõm lao sầm xuống sông lặn một hơi dài ra tới chỗ có người đang cần cứu. Con sông này nước vốn rất trong, lúc này lại càng trong bởi mới mưa rào chiều qua. Còn cách xa mấy sải tay Bõm đã nhìn trong làn nước trong vắt, một người con gái đang chới với. Bõm nhô lên lấy hơi rồi lặn tiếp một hơi nữa thì vừa đến nơi. Lúc này cô gái đã đuối, bị uống nhiều nước đang cố nhoài vào phía bờ, nhưng vẫn bị từ từ chìm. Bõm đã tới sát, liền dùng hai tay nắm vào hai bên bụng cô gái rồi nâng lên. Cô gái chới với, đột nhiên có ai đó đỡ lấy cứ như một phép thần biến hoá, cô thấy buồn buồn ở bụng, ở ngực và người nổi lên. Rồi cứ thế, đôi bàn tay thần ở phía dưới đỡ vào ngực vào bụng cô đưa cô vào bờ. Khi đôi tay cô vừa chạm cái cọc cầu ao thì phía dưới bụng, đôi bàn tay đang nâng cô lên cũng tuột mất. Cô bàng hoàng nửa mê nửa tỉnh bám vào cọc cầu ao, nhoài lên cầu và cứ thế chạy tuột về phía nhà mình. Trưa nay cô đi bắt cua về muộn. Lẽ ra như mọi khi thì phải đi vòng phía đằng cầu đằng kia, có hơi xa nhưng an toàn. Để cho nhanh, cô liền bơi qua sông, không ngờ gặp đoạn sâu làm cô suýt chết. Cô thay xong quần áo rồi ăn cơm mà vẫn chưa hết bàng hoàng không hiểu vì lẽ gì mình được cứu thoát. Còn Bõm, gã được một dịp trời cho, sướng đến mấy ngày liền. Nhà ở bên sông, gã thạo bơi thạo lặn từ lúc còn tấm bé, đặc biệt là lặn, gã lặn một hơi có thể qua ba vòng sông. Gã cứu cô Nõn dễ như trở bàn tay. Gã đưa cô gái vào tận cầu ao, khi hai tay cô đã bám được vào hai cái cọc thì gã lặn một hơi dài đến tận cầu bên đằng kia mới nhô lên, rồi về nhà thay quần áo và lại ra đầu ngõ ngồi dưới bóng tre đan rọ cá rô. Nhưng Bõm đan nhầm liên tiếp, nan nọ xọ nan kia đến nỗi không thành hình cái rọ, bởi mùi thơm con gái từ hai bàn tay cứ bốc lên làm Bõm ngất ngây. Để đưa được người con gái vào bờ, hai bàn tay Bõm đã tiếp cận được những vùng cấm mà lúc bình thường có nằm mơ cũng không được. Lúc ấy thật lòng gã không có ý gì, bàn tay gã nắm vào bất cứ chỗ nào thuận tiện để đưa được cô gái nhô lên mặt nước và đưa dần vào bờ. Nhưng rồi suốt một đêm hôm ấy gã không ngủ, thao thức nhớ lại từng li từng tí món quà thượng đế ban cho. Cái hơi con gái đã quyện vào gã rồi dù có tắm xà phòng bẩy lần một ngày cũng không sao sạch được. Đến nỗi suốt ngày gã đi bừa ruộng dầm, bùn đen thụt đến đầu gối, đuôi trâu vẩy từng mảng bùn vào má gã, bùn bắn cả vào lỗ mũi mà gã không ngửi thấy mùi bùn, chỉ ngửi thấy mùi con gái…
Cái dễ đa gồ lên từng cục mà gã cảm thấy êm như ngồi trên đệm mút. Mùi con gái lúc này, giữa đêm khuya tĩnh mịch lùa vào tim gã, làm cho gã gần ngạt thở. Trăng lặn từ lâu. Sao trời chi chít. Màn đêm mờ ảo. Đom đóm lập loè chi chít ở những cành đa. Người con gái nép sát vào gã con trai, nói ríu lại:
- Anh ạ, hình như trên cây có ma...
Gã con trai đang say, mùi con gái đang làm gã ngất ngây, gã đang vui như tết, trong cái đêm sao mờ mờ này gã chỉ cảm nhận được có đôi môi và đôi vú con gái đang kề gần, ngay hàng nghìn con đom đóm lập loè trên những cành đa chiếu sáng cả một khoảng không gã cũng không nhìn thấy. Nghe người yêu nói có ma trên cây đa, gã chỉ cười. Lòng gã đang đầy ắp những lời yêu . Bầu trời đêm mỗi lúc một nhiều sao hơn, từng chùm sao nhấp nháy ở dải Ngân hà. Tiếng ngỗng trời rơi từng nhịp hoà cùng dàn đồng ca của lũ côn trùng rả rích. Gã không nghe thấy gì. Tất cả là hư vô, chỉ có trái tim gã đang đập là hiện hữu.
- Anh ạ, trên cây hình như có người....
Người con gái lại nói và ngồi dích sát vào gã. Tim cô đập mỗi lúc một mạnh, tay cô ôm lấy ngang hông người con trai mà vẫn run lẩy bẩy. Gã con trai cảm nhận được điều đó. Người gã cũng đang run lên như bị sốt rét nhưng không phải vì sợ mà vì sướng, vị hương con gái đang toả ra bao vây, len lỏi vào từng dễ dây thần kinh của gã. Lúc này trên ngọn cây đa âm u đầy đom đóm đang có những hiện tượng khác thường. Có một bóng ma thực sự đang ngồi trên đó. Giữa hàng trăm con đom đóm đang lập loè là một bóng đen ngồi thu lu ở một cái trạng, tay lăm lăm cầm một cái gậy lim dài khoảng một mét, to bằng cổ tay. Có tiếng sột soạt ở mấy cành lá, có cái gì như sự nín thở của kìm nén. Sự im lặng nặng nề, không khí ngột ngạt của giây phút trước giờ nổ súng. Một con chuột từ cái hang ở gốc cây mò ra bò đến chỗ hai người đang ôm nhau tâm sự. Hình như nó cũng cảm nhận đựơc mùi con gái liền đưa cái mũi nhọn vào bàn chân cô gái hít hít. Người con gái đang trong tâm trạng hoảng loạn, thấy con chuột to đến bằng bắp chân lừ lừ gặm chân mình thì giật nảy mình co chân lại, hét lên “ ối ối..... ma cắn em.....” rồi ôm chặt lấy gã con trai đang có vẻ phởn mũi ngồi cạnh. Được thể, gã con trai cũng ôm luôn, một đằng sợ, một đằng thích, nên ghì rất mạnh. Vừa lúc ấy thì “ con ma” từ trên trạng ba ở lưng chừng cây đa vươn mình nhảy xuống. Nó không đánh cô gái. Cây gậy lim giơ lên, một phát trúng lưng một phát trúng vai, gã con trai như trời giáng. Cô gái không bị đánh mà bất giác rú lên một tiếng rợn người. Gã người yêu của cô hự lên một tiếng, ối lên một tiếng, buông tay khỏi đôi vú rắn câng nóng hổi rồi nằm sõng xoài thẳng đẵng vắt ngang cái dễ đa.
Ngày ấy chiến tranh chống Pháp đã kết thúc từ lâu, bầu trời làng Bần chiều chiều đã vi vu vang vọng tiếng sao diều, những trưa hè dưới bóng tre lời ru ngọt ngào của những hồn quê ngân nga hoà trong gió mát và sóng nước êm đềm. Nhưng vẫn còn những cuộc chiến tranh mà khi nào loài người còn thì nó vẫn tồn tại, nó chảy theo một mạch ngầm, sục sôi và quyết liệt. Đó là chiến tranh tình cảm, hay là chiến tranh giành giật người yêu. Chiến tranh giữa các quốc gia, đôi khi còn có khoan nhượng chứ loại chiến tranh này thì chẳng ai nhường ai bao giờ. Hai gậy lim bổ xuống lưng và vai chàng Bõm, tương tự như hai phát đại bác một trăm linh năm li khai hoả cho một trận đánh công đồn. Người bắn hai quả đạn hạng nặng ấy là Binh, con chủ nhiệm hợp tác xã. Làng Bần có hai mươi mốt cô con gái đang tuổi trăng tròn. Cô Nõn là một trong hai mốt cô  gái ấy.  Cô đẹp lắm nên nhiều anh mê. Nếu như ngày nay con gái đẹp là phải cao cao gầy gầy với dáng vẻ thanh thoát, thì ngày ấy những cô gái như thế bị coi là cao kều, là cá rô đực. Có lẽ Nõn làm mê mẩn nhiều chàng trai là ở  da dẻ đã trắng ngần, lại béo mũm mĩm, ngực nở mông tròn. Vào cáI thời  làm quần quật suốt ngày ngoài đồng, hai sương một nắng ,tối về chỉ có phẩy phết mấy nét vào quyển sổ ghi công điểm rồi ăn vài củ khoai lót dạ, cả làng cả xã có đốt đuốc mà tìm cũng không ra người béo. Cho nên ai ai cũng ước mơ mình béo, khát khao mình được béo. Ước mơ thì nhiều, tạo hoá lại khắt khe, một trăm người may ra có vài người ăn đói làm nhiều mà vẫn béo. Nõn lọt vào vòng ngắm của Thượng đế nên dù ăn đói làm nhiều vẫn béo phây phây. Thường ngày cô chỉ mặc cái quần phíp đen, cái áo nâu cũ xé hai tay để làm mụn vá lưng, vá vai. Lúc đi làm đồng cô sắn cao hai ống quần để lộ ra hai bắp đùi nần nẫn chỉ trông thoáng đã thấy thèm, nhiều anh còn nói là thèm rỏ rãi. Thằng Binh con chủ nhiệm Bang là một tay thuộc loại hễ nhìn là thèm rỏ rãi. Thằng này làm ít chơi nhiều, được ăn sướng nên to béo, lại cậy thế bố muốn làm gì thì làm, gần như muốn gì được ấy. Vào những năm hợp tác xã là tất cả, nắm sinh mạng và đời sống con người thì chủ nhiệm hợp tác xã được coi là vua con ở một làng một xã. Lấy được con trai chủ nhiệm được coi là chuột chui chĩnh gạo, đói không lo đã đành,mà cái sung sướng thì coi như cầm chắc. Thằng Binh xấu trai, cục tính, bỏ học sớm, vẫn là niềm mơ ước của nhiều cô gái làng. Thế nhưng thằng ấy chỉ yêu cô Nõn! Gã có cái xe đạp phượng hoàng màu xanh cánh chả mới cứng của bố mới được phân phối cứ chiều chiều là đạp lượn lờ qua nhà Nõn, đôi mắt rắn lừ lừ nhìn vào cái sân xỉ nhỏ, thấp thoáng sau vệt dậu xoan táo có cô Nõn ngồi băm bèo ở cửa bếp, quần phíp sắn cao để lộ khúc đùi nần nẫn, cái áo cánh nâu cộc tay rách để lộ một mảng lưng trắng nhẫy. Binh phanh kít xe ngay giữa cổng gọi vào:
- Em Nõn! Ra ngồi sau xe anh đèo đi chơi....
Nõn ngừng tay bèo quay ra lắc đầu:
-Em còn phải băm bèo, lợn đang réo ở chuồng……
- Để đấy! Binh vẫn phóng đôi đôi mắt rắn vào sân – Ra đây ngồi sau xe anh đèo đi phố ăn phở? Cuối năm anh sẽ bảo thằng cha thư ký đội này tính thêm cho gia đình em năm chục cân hơi lợn nghĩa vụ. Được chưa nào?
- Em không đi! – Nõn trả lời lại.
- Em chê anh hử? – Giọng Binh đanh gọn – Hay là lại tơ tưởng thằng nào rồi? Thằng Bõm phải không? Đú mẹ thằng ấy thì trên răng dưới dái có gì mà mê?
Nõn vẫn tay băm bèo thoăn thoát trả lời vọng ra:
- Anh đừng nói động đến người khác, em không thích ai cả, em còn nhỏ...
Binh cười hi hí nhe hàm răng khấp khểnh:
- Còn nhỏ ư? Chưa được bằng cái bồ sụt cảp hả?
Nõn tức quay ra đốp lại:
- Bảo là cái bồ sụt cạp sao còn lẽo đẽo theo, không biết dơ à?
Binh cười ha hả :
- Nhưng bố mẹ anh sinh ra anh chỉ để yêu cái bồ sụt cạp thôi! Giữa cái thời ai cũng gầy trơ xương sống xương sườn này, tìm được cáI bồ sụt cạp là của hiếm quý. Nào cái bồ sụt cạp đừng băm bèo nữa ra đây vi vu với anh lên phố ăn phở...
- Cút đi! Nõn gắt lên và vẫn ngồi yên băm bèo.
- Được nhé! – Binh nhếch mép cười – Ta sẽ bẻ gẫy răng thằng Bõm cho coi!
…Hai gậy lim quật trúng vào người Bõm, oằn lên như con nghoé bị cầm hai cẳng quật xuống đất. Bàn tay đang sờ vú người tình phải buông ra một cách miễn cưỡng tiếc vô cùng. Trong cơn hoảng loạn gã tưởng mình bị sét đánh. Trời ơi, sao trời lại đánh con? Con đang sờ vú người yêu con chứ có sờ vú vợ trời đâu mà trời nện con sắp chết cứng thế này? Gã oằn người lăn mấy vòng trên cái dễ đa gồ lên như sống trâu gầy. Cô Nõn thì cho rằng đích thị là ma rồi. Cái cây đa này người ta kể rằng đêm nào cũng có ma ngồi trên cây, lại còn nô đùa chí choé nữa. Người qua đường thường bị ma lấy quả đa ném chúng, nếu là con gái thì bao giờ cũng trúng hai đầu vú rắn căng làm quả đa nẩy lên như đụng vào mặt trống. Ngay từ đầu Nõn đã bảo với Bõm là trên cây có ma đấy, vì ngoài đom đóm lập loè, Nõn còn nghe thấy hơi thở và tiếng động loạt soạt của lá đa. Thế nhưng Bõm không nghe! Anh ơi chỉ mải sờ vú thế mới nên nông nỗi này, Nõn khóc rồi ôm lấy Bõm đang oằn người vì hai cú đòn trời giáng. “ Con ma” theo nhận định của Nõn, mặc toàn đồ đen đeo mặt nạ đen lấp ló đôi mắt rắn sau khi quật thẳng hai gậy lim xuống người đối thủ, liền biểu diễn một bài quyền để tỏ rõ oai phong trước mắt người đẹp. Cô nàng Nõn vừa ôm người tình quần quại, vừa sửng sốt nhìn ma diễn võ, khiếp thật ma cũng giỏi võ thế này ư? Vừa diễn võ nó vừa cười sằng sặc. Đàn đom đóm như phụ hoạ thêm thi nhau lập loè chiếu sáng để những đường quyền càng thêm hấp dẫn, sinh động. Biểu diễn xong một bài võ, con ma dừng lại dạng chân đứng theo thế tấn, cái đầu ngất ngưởng cười:
- Khí! khí…… Đã biết tay bố mày chưa? sờ vú nữa đi xem nào?
Khiếp quá con ma này nói tiếng người sõi quá, lại còn bảo biết tay bố mày chưa, sờ vú nữa đi xem nào? Nõn chưa được hân hạnh tiếp kiến ma bao giờ, ngày nhỏ đêm nằm nghe người lớn kể chuyện ma bắt người, đang nằm ngoài Nõn nhoài vào nằm giữa, ôm chặt mẹ mà vẫn còn thấy sợ chân tay cứ run bần bật. Trong tâm tưởng của Nõn, ma là một cái gì quái dị không giống người, ma chỉ biết trêu người chứ không đánh người bao giờ, thế mà con ma cây đa đầu làng này lại có gậy lim quật hai gậy trời giáng vào người rồi múa võ ra oai “ Sờ vú nữa đi xem nào”? Tại sao ma lại đánh người sờ vú? Chuyện con trai sờ vú con gái thì có liên quan gì đến ma nhỉ? Mà con ma đang múa võ trước mắt Nõn đây chẳng quái dị tí nào, nó mặc toàn đồ đen, đầu và mặt cũng bùm khăn đen, chỉ hở mỗi hai con mắt. Con ma lại tiếp tục múa võ hình như những bài múa võ ấy nếu dịch ra ngôn ngữ thì là “ dờ hồn, dờ hồn hiểu chưa?, em đã biết tài anh chưa ?”
Bõm bị đánh hai gậy lim nằm bệnh viện tỉnh 10 ngày, về nhà phục thuốc một tháng mới thoát chết. Lúc đầu thực sự gã không hiểu chuyện gì xảy ra nữa, gã chọn một đêm trăng khuyết để ngỏ tình là do gã không duy tâm, mà duy vật triệt để. Cô người yêu lại duy tâm định can gã để chờ đêm trăng tròn hãy nói lời yêu, gã cho rằng vớ vẩn. Rồi khi hai người ngồi cạnh nhau ở gốc đa đầu làng, cô người yêu chẳng hiểu linh cảm thế nào mà bảo trên cây đa đầy đom đóm lập loè có ma ngồi ở đấy. Gã phì cười . Cô người yêu chưa kịp trả lơì thì bị chuột cắn chân sợ hãi ôm ghì lấy gã, lợi dụng thời cơ gã đã giơ tay chộp luôn hai quả đào tiên rồi cứ thế mà xoa xoa bóp bóp. Đôi vú con gái rắn nẩy như mặt trống cơm, cái đầu vú bật lên bật xuống nghe tưng tưng như gẩy đàn, thú quá nhỉ, món quà của Thượng đế ban cho chẳng có sơn hào hải vị nào bằng, hắn rên lên rồi gần như ngất lịm trước món đặc sản tuyệt vời mà từ ngày hôm qua trở về trước gã chỉ được ngửi hơi từ xa rồi nuốt nước dãi ừng ực. Đang trong cơn cuồng si như vậy thì thần nanh đỏ mỏ từ trên lưng trừng cây đa nhảy xuống. Mặc kệ! Bố mày đang sờ vú con gái sướng đến chết lịm, bố mày cóc cần biết cái gì, đến bom nguyên tử nổ ngay cạnh bố mày cũng chẳng sợ! Nhưng rồi hai gậy lim quật xuống đã làm cho gã tỉnh hẳn, rẫy lên đành đạch như cá chép nhẩy lên bờ, lúc này thì vú con gái tuyệt đến mấy cũng đành chịu, bàn tay đang sờ bóp bỗng bị rơi thõng, rồi thì không phải chết lịm mà gần chết thật, nếu không đưa đi viện kịp thời. Nõn thì thực sự kinh hoàng. Nàng vốn duy tâm, tin là có thánh thần, ma quỷ. Cái việc rủ đi chơi rồi ngỏ tình vào đêm trăng khuyết từ đầu đã làm cho nàng lo sợ, nàng đã hết lời can ngăn nhưng gã người yêu si tình đã cười chế giễu nàng mà bỏ ngoài tai mọi linh cảm của nàng. Cho đến lúc ngồi dưới gốc đa nàng cứ chờn chợn nhìn lũ đom đóm lập loè kín các cành đa, tiếng động mỗi lúc mỗi nhiều và rõ. Rồi nàng bị chuột cắn sợ quá ôm vội gã con trai… .Tất cả xảy ra chớp nhoáng làm nàng không kịp phản ứng gì. Rồi con ma từ trên cây đa nhảy xuống rất hung hăng. Điều khó hiểu là con ma không đánh nàng mà cứ nhè người tình của nàng mà nện bằng gậy lim rồi lại diễn võ cho nàng xem. Vì lẽ gì mà ma lại có tình cảm đặc biệt với nàng thế? Hay là ma cũng biết yêu, cũng thích sờ vú con gái, nó còn bảo: biết tay bố mày chứ? Sờ vú con gái nữa xem nào? thế là thế nào nhỉ? Ma gen ư?
Trong khi nàng Nõn nghi ngờ có ma quỷ hiện hình thì Bõm lại nghi ngờ chính là con người, con người đôi khi ác hơn ma quỷ. Loài người đã có đủ thứ chiến tranh, dù có khốc liệt đến mấy thì cũng có ngày phải chấm dứt. Mọi thứ chiến tranh đều có giới hạn, nhưng còn một thứ chiến tranh không bao giờ được công bố và không có giới hạn, đó là chiến tranh giành giật người yêu, kể cả khi đã có bên thắng bên thua, chiến tranh vẫn không hề chấm dứt. Chỉ vừa chợt tỉnh, Bõm đã hiểu ngay rằng không có con ma nào đánh mình cả, rằng chiến tranh đã thực sự nổ ra giữa hai kẻ tình địch. Thằng Binh! chính thằng Binh đã giả làm ma để đánh! Dù bị quật hai gậy trời giáng Bõm vẫn nghe rõ tiếng kẻ tình địch: “ Biết tay bố mày chưa? Còn sờ vú con gái nữa không? Tao sẽ cứ vẫn sờ! Hễ khỏi là tao lại tiếp tục sờ vú sợ cóc gì mày! Mày cậy mày là con trai chủ nhiệm hợp tác xã mà bắt nạt tao à? Tao quyết đấu!
Trong khi Bõm đang nung nấu cái ýnghĩ ấy thì Binh gật gù tự đắc. Gã đã làm được một điều mà gã muốn. Có thế chứ, thời nào cũng vậy, hơn nhau quả đấm! Ta sẽ đấm rụng răng tất cả những kẻ giám đấu với ta! Ha!ha! tuyệt! Tuyệt! Bõm ơi sơi hai gậy có ngon không? Om cả lục phủ ngũ tạng chưa con? Em Nõn mỡ màng nhất định phải về ta. Trong khi Bõm nằm rên rỉ bóp hông bóp sườn thì Binh lại chiều chiều đạp xe phượng hoàng mầu xanh cánh chả mới cứng lượn lờ qua ngõ nàng Nõn. Vẫn như trước, chiều chiều đi làm về. Nõn lại vén quần lội ven bờ ao vớt bèo cái, một rổ đầy đưa lên chỗ cửa bếp ngồi băm. Rồi một lần Binh phóng xe qua ngõ bon thẳng vào sân, phanh kít trước rổ bèo.
- Ngừng tay!
Nõn giật mình ngẩng lên nhìn thấy Binh đang trong tư thế ngồi trên xe, chân vẫn để bàn đạp, nói như ra lệnh.
Cho đến giờ Nõn vẫn không biết rằng con ma đêm hôm ấy chính là kẻ đang cỡi xe phượng hoàng đứng trước mặt mình đây. Nõn ngẩng lên nhìn gã con trai có cái đầu cắt trọc:
- Anh cần gì?
Gã nhe hai hàm răng trắng ởn:
- Anh cần em ngồi sau xe để vi vu. Chả lẽ em coi băm bèo lợn hơn ngồi xe vi vu?
- Em không biết ngồi sau xe. Nõn vẫn băm bèo, trả lời.
Đôi mắt rắn nhíu lại:
- Vẫn còn mê thằng Bõm à?
- Anh đừng nói động đến anh ấy! Anh ấy mới bị ma đánh....
Bỗng Binh cười ngất. Gã gật gù hỏi lại:
- Bị ma đánh à? Vì sao mà bị ma đánh?
Nõn đỏ mắt gắt:
- Hỏi gì mà hỏi lắm thế! Ma đánh là ma đánh chứ còn vì sao? Anh rồi cũng có ngày sẽ bị ma đánh!
Gã lại cười ngất:
- Anh đây không vặn cổ ma thì thôi, chứ ma nào dám động đến anh? Nghe nói con mà đêm ấy sau khi quật hai gậy oằn xương sống tên Bõm, nó lại còn biểu diễn võ nghệ cho người đẹp thưởng thức phải không?
- Nó múa võ cho em xem làm em hoa cả mắt. Con ma này giỏi võ lắm!
- Thế em có biết vì sao ma lại múa võ cho em xem?
- Chuyện ma mãnh biết làm sao được?
Binh cười híp đôi mắt rắn:
- Ma yêu em đấy...
Nõn ngừng tay băm bèo:
- Anh nói sao? Ma yêu em à? Em đã làm gì để ma phải yêu?
- Vì em đẹp, em hấp dẫn nên ma cũng phải lòng!
Nõn tái mặt:
- Anh bảo ma phải lòng em ư ?
Binh gật đầu:
- Thì còn sao nữa! Nếu nó không phải lòng em thì làm sao nó đánh thằng Bõm mà lại múa võ cho em thưởng thức?
Nõn buông con dạo dựa băm bèo, mặt tái đi nhìn Binh:
- Thế thì chết em rồi! Em bị ma yêu thì sống thế nào được? Có ai cứu được em không?
Binh cười híp mắt rắn
- Sao lại không? vỏ quýt dầy sẽ có móng tay nhọn...
 Nõn nhìn Binh năn nỉ
- Anh giúp em với nhé, cứu em với....
 Binh khoái trí gật đầu
- Thì anh đã năm lần bảy lượt mời em ngồi sau xe phượng hoàng vu vi rồi bàn cách cứu em mà em chỉ mải băm bèo!
Nõn vẫn thất vọng thở dài :
- Nhưng liệu anh có cứu được em thật không? Ma phải lòng em thì ai mà cứu được?
Binh chống xe, đến sát Nõn:
- Thì đã nói là anh cứu được, anh sẽ đấm vỡ quai hàm bất cứ con mà nào muốn yêu em!
Nõn vẫn lo lắng:
- Nhưng em nghe người ta nói là bị ma yêu thì sẽ bị ma bắt đưa về âm phủ?
Binh gật đầu:
- Tất nhiên rồi!
Nõn càng hoảng:
- Thế thì em bị chết à?
Binh cười sằng sặc:
- Anh sẽ chuyển em từ chết thật sang chết lịm...
- Nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là anh sẽ chết lịm cùng em…
- Em chẳng hiểu gì cả. Anh nói thế là thế nào? Hai người cùng chết à? Thế thì có hơn gì? Anh đùa em phải không?
- Không phải anh đùa, mà là nói thật!
- Nghĩa là em vẫn chết, vẫn bị ma yêu bắt về âm phủ?
Binh ngồi xuống cạnh chỗ Nõn băm bèo:
- Anh nói là anh sẽ cứu được em! Em bị ma yêu chứ quỷ dữ yêu thì anh cũng vẫn cứu được! Anh nói cho em biết con ma hôm ấy là ghê lắm đấy! Hai cái quật xuống lưng thằng Bõm là nó nhẹ tay, chứ nó quật thật thì thằng que củi ấy về hầu ông bà ông vải rồi!
- Sao con ma ấy ác thế? – Nõn hỏi lại.
- ác ư? – Binh cười nhạt – Nó đang muốn giành lại người con gái mà nó yêu, nó phải chiến thắng bằng bất cứ giá nào!
Nõn hỏi lại:
- Anh nói thật hay nói đùa mà nghe lạ thế?
Binh giả vờ nghiêm giọng:
- Thế em không muốn được cứu à? Em muốn ma yêu rồi ma bắt về âm phủ làm vợ phải không?
- Không!Không! em sợ lắm! Nõn rẫy nảy – Thế anh cứu em tốn kém bao nhiêu tiền?
Gã con trai cười toe toét:
- Không tốn xu nào, mà chiều nào cũng được ngồi xe phượng hoàng đi phố ăn phở....
Nõn cười :
- Anh tốt với em đến thế cơ à?
Binh gật đầu:
- Nhất em nhì giời !
- Nhưng liệu anh có đánh nổi con ma cây đa đầu làng muốn bắt em về âm phủ làm vợ không?
- Ta xin lấy danh dự mà hứa là từ giờ phút này nếu em tin tưởng ở ta, giao phó trách nhiệm bảo vệ em cho ta thì sẽ không có một con ma nào dám động đến em! Nếu không ta xin mất đầu trước quỷ thần.
Nõn hỏi lại:
- Anh tin là có quỷ thần ma quái à?
Binh gật đầu:
- Điều ấy không phải bàn, dứt khoát là có ma quỷ!
- Thế cái đêm đánh anh Bõm ở gốc đa là ma hay người giả ma?
Nõn lại hỏi .Binh cười :
- Sao lại có chuyện giả ma?
- ấy là em nghe người ta đồn như thế! Người ta bảo ma gì lại đánh con trai còn con gái thì ma múa võ cho xem?
Binh lại cười ngất:
- Thì em bị ma phải lòng còn gì? Anh đang hứa là sẽ đẫm vỡ hàm con ma ấy để bảo vệ em đấy như?
- Anh đánh được ma à? – Nõn lại hỏi
Binh lại cười đắc ý:
- Anh giỏi võ. Biết mình đường văn kém nên đã theo đường võ, đã luyện võ.
Nõn lắc đầu:
- Em không tin!
- Thế thì mở mắt ra mà nhìn nhé! Nào căng mắt ra chưa? Nói xong Binh đứng lên biểu diễn luôn một bài võ trước mặt người đẹp .
Nõn ngừng băm bèo, trố mắt nhìn rồi kêu lên:
- Anh múa võ giống con ma hôm ở gốc cây đa đầu làng quá!
Binh ngừng diễn võ cười:
- Đấy là bài xoàng, còn bài tủ thì hơn ma! Cho nên gặp anh là ma hờn quỷ khóc ngay! Nào thôi cô em đừng băm bèo nữa, rửa chân tay thay quần áo đi rồi ngồi sau xe anh đèo đi bát phố, anh sẽ đưa em vào hàng Cửa Đông ăn bánh mì thịt thỏ, rồi đến rạp Văn Hoa xem chiếu bóng Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài....
Vào thời điểm Binh đang nói những câu này với Nõn thì Bõm cũng đang nằm thườn trên chiếc giường tre ngẫm nghĩ sự đời. Gã vừa trải qua một trận đòn chưa từng thấy. Những năm còn nhỏ, mỗi lần nghịch ngợm, lếu láo Bõm vẫn thường bị bố đánh, có đau lắm thì cũng chỉ nổi mấy con lươn ở mông đít rồi vài ngày là lặn đi và láo vẫn hoàn láo. Thế mà bây giờ... trời ơi hai cái quật thẳng cánh bằng gậy lim, thừa chết thiếu sống, hai vệt tím bầm như hai con rắn lục nằm vắt trên lưng, trên vai, đau hàng tháng trời chưa khỏi. Ai đánh ta? Và vì sao mà ta bị đánh đến như thế? Nõn bảo rằng có con ma từ trên cây đa nhảy xuống giơ gậy lim lên quật. Ta mải sờ vú mà không nhìn thấy gì cả. Nõn nói rằng con ma ấy mặc toàn đồ đen, đầu và mặt cũng bùm khăn đen, chỉ hở có hai con mắt, đánh ta xong nó còn múa mấy bài võ tặng người đẹp và vừa nện gậy xuống lưng ta nó vừa hỏi: Đã biết tay bố mày chưa? Chừa sờ vú con gái chưa? Ma nào lại ma thế? Hay là thời mới thì ma cũng biết yêu và cũng thích được sờ vú con gái nên ghen? Ta vẫn là thằng không tin  có mà quỷ gì cả. Đom đóm lập loè bờ ao mà bảo là ma chơi, ta bắt hàng vốc quăng vào bếp cháy xèo xèo. Không là ma thì đích thị phải là người. Thằng Binh ?
Cũng đúng lúc ấy cô người yêu của Bõm đã rửa xong bèo, rồi rửa sạch sẽ chân tay mặt mũi, diện bộ cánh quần phíp đen, áo cánh trắng phin Nam Định, đi guốc đen đến trước gương chải tóc bằng cái lược sừng trâu, rồi cặp gọn sau lưng bằng cái cặp mạ kền sáng loáng. Nhìn vào gương – cái gương hình chữ nhật to bằng hai bàn tay treo ở đầu cột giáp tường, có cô gái mặt tròn da trắng đang mỉm cười thích thú, nhóng nhảy như sắp đi hội làng.
Binh từ ngoài sân đi vào nhà. Gã đến đứng sau người cô gái để cùng được soi gương chung. Gã đắc chí vì thấy cô gái trong gương rất đẹp, mái đầu tóc đen nhánh chỉ chấm cằm gã. Nàng quay ra nhìn gã:
- Anh hứa lại đi, là anh đánh được cái con ma phải lòng em ấy thì em mới đi chơi với anh.
Gã nhe răng cười:
- Thì đã bảo là anh có võ, ma nào mà anh chả đánh được! Lẽ nào anh lại để ma yêu em? Thôi mau mau khép cửa rồi chúng mình vi vu....
Đó là vào một buổi chiều hè, con đường đất gồ ghề sống trâu trước làng lốm đốm hoa vàng do ánh nắng chiều đổ xuống lọt qua kẽ lá những hàng tre ven sông. Cái xe đạp phượng hoàng đèo hai người luôn luôn nhảy thếch lên vì những ổ gà ổ chó. Nõn ngồi sau xe để Binh đèo. Nàng chưa biết đi xe đạp, cũng chưa ngồi sau xe ai bao giờ. Cả làng Bần mới chỉ có ông chủ nhiệm hợp tác xã là có xe đạp phượng hoàng được mua phân phối. Ông cũng còn đang tập, mà gã con trai thì suốt ngày đem đi nhử gái. Những cô gái làng được ngồi sau xe đạp phượng hoàng thời ấy chắc chắn cảm thấy mình sung sướng hơn các cô được ngự xe con Tôyôta đời mới nhất hiện nay. ở làng Bần mới chỉ có Nõn được thưởng thức phượng hoàng. Con đường dù gồ ghề làm xe cứ luôn luôn nhảy thếch, dằn lên dằn xuống đến tê đít mà vẫn thích. Từng làn gió nam thổi qua con sông hắt hơi nước lên mát rượi. Binh đưa Nõn lên phố. Những cô gái làng suốt ngày chân lấm tay bùn, hoạ huần mới có dịp được lên phố, đi bộ năm sáu cây số, lên đến phố thì mồ hôi đẫm lưng làm áo dính chặt vào người như tắm, ngồi xuống hè phố bỏ nón ra quạt rồi mua ngô nướng ngồi ăn, chẳng ai đủ tiền vào hàng ăn bát phở. Ăn ngô nướng, ăn bánh đa, rồi khát nước thì đến vòi nước công cộng đầu phố ngả nón ra, vặn vòi cho nước chảy vào nón rồi đưa lên miệng uống, như uống nước sông nước ngòi giửa buổi đi cấy đi gặt ngoài đồng. Mua một cái cặp tóc, cái gương tròn quả quýt bỏ túi áo rồi lại rủ nhau đi bộ về. Có thế thôi mà vui mà háo hức hẹn hò rủ rê từ mấy ngày trước. Còn giờ đây cô Nõn đang được ngự xe phượng hoàng mầu xanh cánh chả mới cứng đi bát phố do anh chàng con trai chủ nhiệm hợp tác xã cầm lái. Chiếc xe đưa hai người vòng vèo dọc con đường bờ sông rợp bóng nắng chiều nghe vi vu gió thổi, nghe sóng nước dạt dào. Rồi xe rẽ vào tỉnh lộ, trải nhựa phẳng lì, bon bon chạy lên phía thành phố. Đến bến Đò Quan thì phải qua đò. Con đò bồng bềnh vượt sông Đào cuồn cuộn phù sa đưa hai người tới phố. Đúng như lời hứa, Binh đưa cô gái quên đến nhà hàng Cửa Đông của mậu dịch quốc doanh ăn bánh mì thịt thỏ. Hai người một bàn trong góc, mỗi người một cái bánh mì, một đĩa thịt thỏ nấu lẫn với bột và đậu nành. Cô gái quê chỉ quen ăn ngô nướng, bánh đa vừng mỗi khi đi chợ, giờ được ăn bánh mì thịt thỏ cảm thấy ngon hơn ăn cỗ. Ăn xong thì trời cũng vừa tối, điện đường phố sáng chưng, xe phượng hoàng mới cứng lại bon bon trên đường Trần Hưng Đạo đến rạp Văn Hoa xem phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Mười giờ đêm mới tan phim, chiếc xe lại bon bon đưa hai người trở lại làng quê yêu dấu. Hết phố thì nhận ra trăng muộn đang thập thò qua kẽ mây đưa ánh sáng nhờn nhợt rải trên mặt đường. Đến gốc đa đầu làng xe phượng hoàng dừng lại. Đây chính là cái gốc đa cách đấy không lâu Nõn đã cùng Bõm ngồi tâm sự và có con ma từ trên cây nhảy xuống nện oằn xương sống anh chàng Bõm.
- Anh không sợ ma ư? – Nõn nói khi hai người dừng xe đứng dưới gốc đa.
- Anh là bố ma, anh đẻ ra ma em hiểu không? Binh trả lời, rồi đưa xe vào cây phía bên này.
Nõn nói:
- Em về. Em đi chơi với anh như thế là quá lâu rồi, giờ mẹ em đang mong, em phải về kẻo mẹ nghĩ là em hư.
- ấy đừng vội! – Binh giữ tay Nõn lại.
- Không, em phải về! – Nõn giật tay mình ra, nhưng phía đằng kia, gã con trai cứ nắm rất chặt.
- Bỏ ra nào! – Nõn nói gần như gắt.
- Không bỏ! – Bĩnh cũng gắt lại .
- Tại sao lại chọn cái gốc đa lắm ma này mà ngồi? Nõn hỏi vặn.
Binh cười hi hí:
- Ma là ai? Ma là ta, em hiểu không?
Nõn gắt:
- Thôi đi! Em phải về. Ngồi đây em sợ ma lắm!
- Ở lại! Binh quát lên. Ta đã nói với em là ta sẽ vặn cổ nếu con ma nào dám động đến em cơ mà? Cứ ngồi xuống nghỉ mát cái đã. Nói rồi Binh kéo Nõn ngồi xuống đúng cái dễ đa to trồi trên mặt đất mà đêm nào Nõn ngồi cùng Bõm.
Trên cây đa lúc này cũng toàn là đom đóm lập loè hình như có cả tiếng chuột đuổi nhau, ánh trăng nhợt nhạt đậu trên những chiếc lá đã đẫm sương, lóng lánh.
Binh là một gã to con, tính tình ngổ ngáo, sống theo bản năng, ít khi chịu gò mình vào những khuôn phép nào đó, thích gì làm nấy, coi trời bằng vung. Cậy thế bố làm chủ nhiệm hợp tác xã, gã cóc cần sợ ai. Học dốt văn hoá, gã bỏ học rồi chăm chú luyện võ để đấm nhau. Trai tráng quanh vùng này rất sợ gã, thường thì gã thích cái gì là người ta nhường cái ấy, coi như tránh mặt hổ chẳng có gì là xấu. Gã quen sống trong nuông chiều phỉnh nịnh. Gã rất cáu vì gã mê cái cô Nõn nhà nghèo nhất xóm, lẽ ra gã chỉ khẽ nhếch mép đã phải ngã vào vòng tay gã rồi, thế mà gã phải phải nài nỉ cô ta vẫn cứ ương bướng!
Nõn đã ngồi xuống cái dễ đa, rồi lại đứng lên. Có cái gì đó cứ chờn chợn làm Nõn không yên tâm. Linh tính lại báo cho Nõn một hiểm hoạ mới có thể xảy ra, mặc dù gã con trai đang nắm tay Nõn là kẻ có võ, có thể ma cũng sợ, và gã vừa tuyên bố là sẽ vặn cổ ma như vặn một cái cổ gà lúc cắt tiết. Từ ngày Bõm bị ma đánh hai đòn chí tử tại nơi đây, tâm trí Nõn đâm hoảng loạn. Nàng không hiểu mình có còn yêu chàng Bõm bị ma đánh nữa không, còn với chàng Binh, nàng thấy ngồ ngộ. Gã oai đến thế mà cứ bám theo nàng tán tỉnh. Người con gái nào được tán mà chả thấy thinh thích. Được con trai chủ nhiệm hợp tác xã đưa xe phượng hoàng đến tận nhà mời ngồi sau xe đi bát phố ăn bánh mì thịt thỏ và xem phim ở rạp, thì đi, thế thôi. Gìơ chàng ta lại muốn mình ngồi cùng ở cái gốc đa lắm ma nhiều quỷ này.....để làm gì nhỉ? Để lại ngỏ lời yêu chắc? Mình thích ngồi xe phượng hoàng đi ăn bánh, đi xem phim, thế thôi còn yêu thì mình chưa thấy thích.
- Thì ngồi! – Nõn nói rồi cùng Binh ngồi xuống gốc đa làng. Vốn chỉ thích ăn ngay mà lười làm cỗ, Binh bỏ qua giai đoạn tán tỉnh thăm dò, gã cũng không ôm hôn, không sờ vú, mà bất ngờ đưa luôn bàn tay thô ráp luồn vào cái ống quần phíp vừa rộng, vừa mỏng, định sờ dần từ đầu gối sờ lên và khi tìm đúng con trai thì dừng lại. Cô gái bị tấn công bất ngờ, ngay từ lúc khởi đầu thấy bàn tay gã con trai tự nhiên luồn sâu vào váy mình, cô đã nảy người lên như bị điện giật, dùng tay phải chộp lấy cổ tay gã ta kéo mạnh ra. Nhưng cô đã gặp một bàn tay sắt, không lùi lại một xăng ti mét mà còn nhích lên. Nó đã bò qua đầu gối. Bàn tay gã con trai nhích đến đâu thì cái ống quần phíp đen rộng của cô tuột dần đến đấy. Làm thế nào bây giờ? Kêu trời kêu phật chăng? Liệu trời, phật có cứu được mình không? “ Trời ơi, phật ơi....cứu con với....” Cô buột miệng kêu lên. Gã con trai bỗng phì cười: “ Trời phật lúc này cũng đang bận sờ mu con gái rồi, có rỗi đâu mà cứu đựơc!”. “ Thế thì em nguy mất à? Cô rên rỉ. Gã con trai lại phì cười: “ Cứ ngoan đi rồi anh cứu..” Vừa nói, bàn tay gã vừa vận dụng chiến thuật du kích thò ra thụt vào rồi bất ngờ thọc mạnh vào phía trong, để chộp đúng chỗ có con chai đang ẩn nấp. Khi gã tưởng trăm phần trăm thắng lợi thuộc về mình thì từ trên cây đa vang lên một tiếng híc, rồi cùng lúc có hai bóng ma nhảy xuống. Gã đang mê nên gã không nhận ra ngay. Cho đến khi bị đấm những quả đầu tiên vào mặt, bàn tay gã vẫn còn đang quẩn trong đũng quần đàn bà. Đến khi bị đấm túi bụi tối tăm mày mặt gã mới bừng tỉnh nhận ra nguy cơ. Lập tức bàn tay sắt được rút vội ra khỏi váy con gái, rồi bằng một thế võ đã học, gã tung người lên, một quả thói vào mạng mỡ tên này và cùng lúc một cú đạp mạnh vào ngực tên kia, làm hai “ con ma” lảo đảo. Trận đánh quyết liệt bắt đầu. Cả hai bên đều có võ. Các chưởng được tung ra liên tiếp. Binh bị những cú đấm trời giáng vào bụng, vào ngực. Ngược lại gã kia cũng trổ hết lực đấm, đạp , đá rất . Tuy vậy, sau mười phút đánh nhau, Binh yếu dần và ở vào thế bất lợi: Gã đã gặp một địch thủ không vừa, cả hai “ con ma” này đều khoẻ và giỏi võ, cứ từng đợt, từng đợt ra đòn chính xác. Và rồi một quả đấm điêu luyện của một trong hai con ma ấy đã làm cho Binh đo ván, nằm gục ngay dưới gốc đa, mười phút sau cũng chưa gượng dậy được...
Đêm ấy Nõn về nhà trong tâm trạng hoang mang cực độ. Vào tuổi mười tám hồn nhiên ngây thơ Nõn thật sự không hiểu nổi cái gì đã diễn ra quanh mình. Chuyện tình và chuyện ma cứ nhập nhoà đan xen ẩn hiện. Lúc thì trong đầu Nõn hiện lên những chàng trai làng Bần với bao tình cảm xốn xang. Lúc lại là những bóng ma chờn vờn ẩn hiện. Hai lần ngồi tâm sự với bạn trai ở gốc đa đầu làng, lẽ ra là những phút ái ân thơ mộng thì biến thành hai cuộc ẩu đả đến kinh người, mà rốt cuộc chẳng là thế nào cả. Chàng Binh là người có học võ và giỏi võ, luôn nói rằng một lúc có thể vặn cổ mười con ma dễ như vặn cổ mười con gà, thế mà lần này chàng bị ma đánh cho đến tối tăm mặt mũi, suýt bỏ mạng dưới gốc đa. Lúc về đến nhà, nàng nhận luôn một một lá thư do mẹ chuyển cho. Nàng bóc bì thư, thây toàn bộ lá thư là một bài thơ lục bát bốn câu, trên đầu đề tặng em Nõn yêu. Bài thơ ấy như sau:
Yêu quý tặng em Nõn
Em là cô gái chân quê
Cái môi cái má không hề phấn son
Yêu em từ thuở trăng tròn
Rồi đây mãi mãi vẫn còn yêu em
                                                              Ký tên
                                                Người đã hạ đo Ván thằng Binh
Thế này là thế nào? Chả lẽ ma cũng biết làm thơ? Binh bảo rằng ma phải lòng ta. Và đây là lá thư của ma gửi? Hai kẻ vừa hạ đo ván chàng Binh là ma? Cái đêm ấy Nõn hoang mang cực độ. Ngoài ba chàng là người đương đánh nhau vì yêu nàng, lại thêm một chàng nào đó phải lòng, theo đuổi, quyết tâm giành giật thì có chết không kia chứ! Mà chàng vừa làm thơ gửi đến là ai? Chàng yêu mà sao ta không biết?
Đêm dần dần trôi. Ngoài kia bên bờ ao lũ côn trùng kêu rả rích, tiếng đôi chão chuộc ở vệt khoai nước ộp oạp gọi nhau, và xa xa bên cánh đồng kia tiếng cuốc gọi hè hoà trong tiếng vạc ăn đêm. Đêm quê bao giờ cũng vậy, tĩnh lặng mà du dương trong dàn giao hưởng kỳ vĩ của thiên nhiên. Nhưng đêm nay nó chỉ gợi một cái gì mơ hồ trong lòng người con gái, ruột gan đang rối như tơ vò.
Sau một đêm mất ngủ, ngày mai khi mặt trời vừa ló lên ở phía đằng đông, phát đi những tia nắng hình dải quạt xiên chéo qua chấn song cửa sổ bằng tre rọi vào gương mặt trắng hồng thì tỉnh giấc. Mọi buồn phiền rắc rối, nàng gửi lại sau màn đêm. Cùng với ngày mới, nàng lại vui như mọi ngày, hồn nhiên, nhí nhảnh. Gần như nàng quên cả hai chàng. Nàng đến trước gương, vẫn là cái gương vuông  to bằng hai bàn tay treo ở đầu cái cột luồng giáp tường. Nàng ngắm mình trong gương. Đêm qua nàng mất ngủ gương mặt hơi phờ phạc. Nàng mỉm cười để cho gương mặt tươi hơn hớn, lấy lại vẻ hồn nhiên mà nàng vốn có. Rồi nàng chải lại đầu bằng cái lược gỗ. Mái tóc dài đen nhánh bồng bềnh với đường ngôi giữa thẳng băng, suối tóc đổ về phía sau chấm tới giữa lưng. Nàng đưa tay ra sau lưng cặp lại mái tóc cho gọn bằng cái cặp mạ kền sáng loáng. Rồi nàng đủng đỉnh quẩy đôi thùng ra giếng gánh nước. Gió sớm mơn man thổi vào suối tóc hai bờ vai, làm bay bay mấy sợi tóc mai bám hờ hai bên má bầu bầu. Con đường bậc thang gồ ghề chỗ cao chỗ thấp, đôi chân trần vốn thoăn thoắt bước nhịp nhàng nhún nhẩy. Em là cô gái chân quê, cái môi cái má không hề phấn son, yêu em từ thuở trăng tròn, rồi đây mãi mãi vẫn còn yêu em ... Những câu thơ từ lá thư bay ra cứ vấn vương trong đầu khiến nàng mỉm cười thích thú.
Trong khi người con gái hồn nhiên với cái biến cố rất nguy hiểm  thì ở hai ngôi nhà phía Đông và phía Tây làng Bần, hai chàng Binh và Bõm dang ngồi xoa bóp các vết đau trên người, cả hai vẫn còn bàng hoàng như chuyện mới xảy ra cách đây ít phút. Nhất là Binh. Gã không hiểu được điều đả xẩy ra với gã. Từ trước tới nay gã tự cho mình là chúa tể ở làng này bởi gã vừa có thế vừa có lực. Gã là con một vị chủ nhiệm đầy quyền  uy, chỉ một điều ấy thôi cũng để không kẻ nào dám động đến gã . Rồi gã lại to béo và có học võ. Trai tráng trong làng luôn luôn  bị gã bạt tai mà chẳng thằng nào dám chống lại .Đôi mắt rắn của gã cứ lừ lừ nhìn vào ai người ấy thấy lạnh gáy. Gã luôn luôn nhắc nhở những ai coi thường  gã hãy “dờ hồn,  kẻo rồi chết không kịp ngáp!”  Tất cả đều có vẻ khép nép  run sợ. Thế mà ...Thằng nào dám cả gan nện gậy vào lưng gã, vào tay gã đúng cái lúc bàn tay gã bò dần từ đùi lên tận háng và vừa  chạm vào “con trai” của người tình làm gã giật bắn người như trúng đạn, tay gã đờ ra rồi tuột khỏi? Gìơ đây nằm vắt tay lên trán nhớ lại,gã thấy uất ức đến nghẹn ngào. Điều uất nhất là cho tới giờ gã chưa biết đích xác thằng nào ở cái làng này cả gan dám chơi  gã một vố như vậy. Thằng Bõm tình địch của gã thì rõ ràng sau khi bị gã nện cho hai gậy lúc này còn phải nằm nhà phục thuốc, không thể dám chọi với gã. Vậy thì thằng nào? Thằng nào? Chả lẽ là ma? không, dứt khoát là chẳng có ma quỷ nào cả. Chắc chắn có thằng thứ ba cũng yêu con bé Nõn.Vậy nó là thằng nào? Ông thề là sẽ vặn cổ mày như vặn cổ con gà ngày giỗ!
Con gà ngày giỗ ấy chính là một chàng trai mảnh khảnh thư sinh tên là Nho làm nghề gõ đầu trẻ, nhà ở làng Cố cạnh làng Bần, cũng chẳng biết duyên trời sui thế mà chàng lại rất mê cô Nõn. Nhà chàng cạnh đường. Con đường cát mịn ấy là lối rẽ vào chợ Lèo. Chợ Lèo họp vào những ngày lẻ. Vào những phiên chợ cậu giáo Nho thường ra đứng để ngắm nhìn một cô thôn nữ tong tả gánh rau ra chợ bán, rồi tay vời miệng gọi :
- Em bán rau ơi bán cho anh mấy mớ nào?
 Cô bán rau ngoảnh nhìn tủm tỉm cười:
- Em không bán!
Cậu giáo Nho  ngạc nhiên :
- Sao lại không bán? Thế gánh rau ra chợ làm gì?
 Cô hàng rau lại cười:
- Chỉ riêng có anh là em không bán!
- Thế thì cho à? - Cậu giáo hỏi lại .
Cô gái gật đầu:
- Vâng em cho, khi nào có vợ thì lấy trộm tiền của cô vợ trả nợ em ...
Trong khi cô hàng rau tong tả gánh rau đi thì đôi mắt cậu giáo tít lại nhìn rồi đọc thơ đuổi theo :
           Tóc em dài em cài hoa thiên lý
            Miệng em cười có ý yêu ai ...
Chuyện mới chỉ có thế thôi. Ai có thể tin được cậu giáo Nho có vẻ thư sinh tưởng như trói gà không nổi lại có thể ra đòn sấm sét vào đầu kẻ có võ to con như Binh, con trai vị chủ nhiệm đầy quyền uy. Thế mà có đấy. Chuyện lạ bao giờ cũng có thật.
    Tôi sẽ kể cho bạn  nghe sự tích này vào một dịp khác, bởi bây giờ ngoài kia, bom đã nổ! Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964  những loạt bom đầu tiên đã nổ trên Miền Bắc sau mười năm tạm thời im tiếng súng. Loạt bom này đã báo hiệu thời kì mới đầy thảm khốc đối với dân tộc và với cuộc đời mỗi con người. Đất nước đã đi vào chiến tranh  thì tình yêu phải chuyển ra chiến trường. Trai thời loạn. Một ngày kia tại sân kho hợp tác xã, người ta thấy cả ba gã Binh – Bõm – Nho đều khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Cô Nõn ra tận nơi bắt tay tiễn đưa ba chàng. Cô bắt tay từng người mỉm cười rất hồn nhiên rồi cùng một lúc hẹn cả ba chàng, qua chiến tranh ai còn giữ được cái đầu trong danh dự cô sẽ làm vợ người đó. Cô còn nói vui nếu cả ba chàng đều trở về thì cô sẽ lấy cả ba chàng. Để động viên người ra trận cô đã cho cả ba chàng hôn vào má mình. Chàng Binh vốn ngổ ngáo còn cắn vào má. Không sao! cô mỉm cười mong sao hòn tên mũi đạn đứng trúng vào răng anh, những cái răng đă cắn vào má con gái lúc lên đường ra trận .
   Một năm, hai năm rồi ba năm, năm năm...trôi đi, những người ra trận hôm ấy vẫn không thấy ai quay trở về. Làng Bần, làng Cố Làng Nông, cả thôn Nông Bần giờ đây vắng bóng đàn ông. Tất cả những người đàn ông còn đủ sức cầm khẩu súng thì đều ra trận mà chưa thấy ai trở về. Mọi công việc nặng nhọc dồn lên đôi vai mảnh dẻ của đàn bà con gái, những người mà thời bình được gọi là liễu yếu đào tơ. Họ suốt ngày quần quật làm từ mặt trời chưa  mọc đến khi sương đẫm hai vai áo vá mới vác cái cuốc, cái liềm từ đồng về, mà mỗi bữa vài lưng cơm độn khoai độn ngô. Cái khổ làm nhiều mà nhịn đói, so với cái khổ phải nhịn đàn ông chẳng thấm tháp gì. Đàn bà con cái tối đến là lên cơn sốt, mặt đỏ, mắt long lanh, nhìn vào cái giường trống trơn, một bên chiếu, một bên gối đã lên mùi mốc từ lâu. Đã bao đêm rồi họ ôm chiếc gối, họ ôm cái quần lót của chồng để lại mà hít mà ngửi cái mùi đàn ông, chỉ một chút hơi đàn ông thôi cũng làm cho họ tỉnh như được uống sâm. Nhưng cái mùi đàn ông ở khố chồng cũng bay dần theo năm tháng, rồi đến lúc nó chẳng còn mùi vị gì nữa, thì đêm đêm cứ vác cuốc ra vườn cuốc sới lung tung, hành hạ cái thân xác để cố quên nỗi khát thèm. Ấy là tình  trạng của các bậc đàn chị đã được nếm mùi chồng rồi thành nghiện. Còn như các bậc đàn em lại khát yêu thương, khát lấy chồng. Cái khát này êm dịu hơn nhưng cũng dày vò con người chẳng kém. Nõn là một trong năm chục cô gái ở thôn Nông Bần chịu cơn khát triền miên. Trước chiến tranh, một lúc Nõn được ba gã con trai yêu, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán để tranh giành, các của quý trên người lúc nào cũng giữ khư khư thế mà vẫn luôn luôn bị luồn tay sờ mó. Bực thật đấy, nhưng thế mới là con người, mới ra con người theo nghĩa tự nhiên của tạo hoá. Và mới đáng gọi là đời, có cho và có nhận. Những của quý trời ban cho người con gái là món quà cực kỳ quý giá để dâng để hiến, để làm cho trái đất này lung linh trăm hồng ngàn tía, nhưng nó cũng như những bông hoa dù đẹp nhất, dù ngát hương thơm cho cả một vùng thì cũng vẫn tàn phai theo ngày tháng. Nó chỉ ở một hạn định rất ngắn ngủi rồi bay đi và không bao giờ quay lại. Đến lúc đó thì mọi bù đắp đều vô nghĩa. Năm mươi cô gái ở thôn Nông Bần là năm mươi bông hoa đang tàn phai theo ngày tháng. Những chàng trai được Thượng Đế ban ơn cho nhận vật báu từ các cô thì giờ đây nhiều chàng đã phải nhận những mảnh đạn vào đầu vào ngực, trái tim thổn thức yêu thương đã bị xé nát ra từng mảng để rồi vĩnh viễn nằm lại ở một nơi nào đấy ở một miền đất xa xôi, những người may mắn chưa thành cát bụi thì ngày đêm cũng đang nằm giáp ranh giữa cái sống, cái chết không hẹn ngày về. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm nối nhau trôi đi, ba chàng trai ra đi ngày ấy vẫn như chim trời, cá biển biệt tăm. Cho đến khi trong trái tim Nõn hình ảnh cả ba chàng gần như mất hẳn, đến gương mặt, nụ cười cũng không còn hình dung nổi thì đột ngột cả ba chàng đều trở về sau chiến thắng Ba Mươi Tháng Tư năm Một Chín Bẩy Lăm. Điều kỳ lạ nữa là cả ba chàng còn nguyên vẹn, không có ai cụt chân cụt tay hay rách gan rách nách rách phổi gì cả. Cô Nõn vẫn đẹp và béo mỡ màng. Ngày chia tay ba chàng trai, cô hẹn ai hoàn thành nhiệm vụ về trước tiên thì cô lấy làm chồng. Trước sau như một cô vẫn giữ lời hứa ấy. Thế nhưng oái oăm thay, cả ba chàng cùng xuất hiện trở lại quê hương đúng một ngày, đúng một giờ, đúng một phút. Bởi cả ba chàng gặp nhau ở sân ga Sài Gòn rồi cùng lên tàu rồi cùng một lúc đặt chân lên mảnh đất quê hương. Cô Nõn lúc ấy đang đứng ở gốc đa đầu làng cho trâu ăn cỏ, ba chàng về đến nơi cô ngẩng lên cùng một lúc nhận ra ba chàng....
Điều oái oăm nữa là cả ba chàng khi nhìn lại người yêu cũ, trái tim vẫn rộn lên từng cơn đập, mắt liếc đưa tình và lòng thì xao xuyến. Làm thế nào bây giờ? Chả lẽ lại mở rộng chiến tranh như ngày trước? Mười năm đi đánh nhau chưa chán ư? Không què quặt ở chiến trường mà trở thành tàn phế ở quê vì một cái váy đàn bà? Cả ba chàng cùng suy nghĩ. Cô Nõn lúc này mới thấy thật khó xử. Cái ngày cách đây mười năm tiễn ba chàng lên đường ra trận, cũng chẳng biết sống chết thế nào nên cứ nói lời động viên chung hễ chàng nào hoàn thành nhiệm vụ trở về trước thì em nhận làm chồng. Ấy là nói thế, kiểu nửa chơi nửa thật thôi mà. Chiến tranh ác liệt là thế, chắc gì một ai còn sống mà về. Mà một ai đó may mắn còn sống mà về thì em lấy thật, chứ sao! Nhưng giờ đây lại cả ba chàng cùng gặp may, rủ nhau về một lúc thế này. Trước chiến tranh, trong ba chàng, em yêu chàng Bõm hơn cả, vì chàng thật thà chất phác, còn bây giờ thật khó lòng mà nói em yêu ai hơn.
Rồi một đêm trăng sáng ba người lính trở về ấy rủ nhau ra gốc đa đầu làng ngồi tâm sự. Chính cái gốc đa này mười năm về trước họ đã choảng nhau đến bưu đầu sứt trán vì một bóng giai nhân. Giờ đây sau mười năm đi đánh nhau ở chiến trường nhờ may mắn mà thoát chết trở về, họ lại ngồi đây, và vẫn là chuyện đàn bà. Chàng Binh lên tiếng trước:
- Ta lại choảng nhau chứ các vị?
Bõm ngồi cái dễ đa phía bên này gật đầu:
- Choảng thì choảng! Hồi ở quân đội, mình là đặc công khoá tay, bấm huyệt có hàng tá lính Mỹ, giờ tôi coi hai ông chỉ là hai thằng nhãi ranh, bóp chết lúc nào chả được!
- Hớ hớ! – Binh cười - Ông mà là đặc công thì tôi là cụ đặc công ông hiểu chưa? Hồi ở nhà tôi đã có võ, vào quân đội, tôi lại luyện võ! Tôi thoát chết trở về là nhờ có võ! Trong trận đánh vào Sài Gòn hồi xuân 68, tôi bị chúng tóm được, trên đường giải về chỗ tập trung để đi tù, tôi đã đẫm vỡ quai hàm ba tên nguỵ rồi chạy thoát, giờ sức tôi có thể ăn đứt một tiểu đội!
Đến lượt chàng Nho cười:
- Tôi thì không có võ gì cả. Nhưng hồi ở nhà tôi và thằng bạn đã hạ đo ván võ sĩ Binh một trận nhớ đời. Vào bộ đội, tôi ở binh chủng hoá học, có thứ thuốc gói trong mùi xoa, chỉ cần tung lên một cái là các vị sẽ mê đi rồi gục, tôi có thể xẻo hạ bộ của hai vị dễ như cắt một cái móng tay!
Thật là tương quan lực lượng: Bên võ sĩ, bên đặc công, bên hoá học, kẻ sáu lạng người nửa cân! Cả ba gã lính bỗng cười sằng sặc, biển khơi không chết, có thể chết ở cái cơi đựng giầu?
- Binh ạ! – Bõm nói – mày nhớ cái hồi đánh vào Ban Mê Thuật không?
Binh gật đầu:
- Tao có nhớ.
- Cái lúc mày định xông bừa lên, tao trông rõ cái nòng súng đen ngòm chĩa vào mày, liền giật chân mày kéo thụt xuống và hòn đạn tí nữa thì vào trán tao, do vậy mà mày thoát chết, mày nhớ chứ?
- Nhớ rồi! Còn thằng Nho cò hương kia thì ngay lúc hành quân vượt Trường Sơn đã lên cơn sốt rét và tao đã phải cõng nó tới năm cây số đường rừng để đến trạm quân y, nếu không thì thịt hổ ăn còn xương thành củi mục từ ngày ấy, con ạ!
- Ha ha! – Chàng Nho bỗng cười phá lên – thoát chết cả rồi thì bây giờ lại đấm nhau! Chiến tranh vệ quốc đã qua chiến tranh tình yêu lại tái diễn ! Nào chuẩn bị đi xem thằng nào đo ván trước?
Vào cái buổi tối ba chàng ngồi gốc đa định mở lại chiến tranh ấy thì Nõn ngồi nhà phấp phổng chờ có chàng nào đến rủ đi chơi. Nàng thèm được yêu, thèm làm vợ lắm rồi. Những năm tháng chiến tranh, cuộc đời thật vô nghĩa, lao động như trâu ngựa mà chẳng được hưởng niềm vui, cứ khát khao, cứ đợi chờ và cứ vô vọng. Từ tuổi mười tám, bây giờ đã là hai tám, nghĩa là đã đến sát tuổi ba mươi. Trai ba mươi tuổi còn xoan, gái ba mười tuổi đã toan về già. Em sắp thành bà già rồi đấy, cứ  đánh nhau mãi đi  .
Cái gì đến, tất sẽ đến. Cũng cái đêm ấy, vào lúc trăng đã gần tà, nàng Nõn vẫn còn đang ngồi bên cửa sổ với bao suy tư nhìn những đốm trăng luồn qua chấn song nhảy nhót trên cái nền nhà đất mịn, thì có người nỡ mành bước vào. Lúc này mẹ nàng đã đến giường nằm và có lẽ là đương thiêm thiếp ngủ. Nàng ngẩng lên và kêu khe khẽ:
- Ôi anh Bõm.... anh Bõm ....
 Bõm cười và lấy tay ra hiệu cho nàng đừng nói to để mẹ giật mình thức giấc. Rồi gã rón rén đi đến gần và ngồi xuông cạnh nàng.
- Thế nào rồi anh, “ Chiến tranh” đã kết thúc chưa? – Nàng hỏi .
Bõm gật đầu:
- Kết thúc rồi!
- Những ai bị đo ván? – Nàng lại hỏi .
Bõm cười:
- Chưa thằng nào bị đo ván cả!
Nàng ngạc nhiên hỏi lại:
- Thế là thế nào? Chả lẽ em phải lấy cả ba vị?
Bõm lắc đầu:
- Không! Đời nào anh chịu thế! Thoạt kỳ thuỷ  định choảng nhau. Thằng Binh có võ, anh là đặc công từng khoá tay bắt sống hàng tá lính Mỹ, còn thằng Nho là bộ đội hoá học, có cả thuốc gây mê gây lú... nếu choảng nhau chưa chắc mèo nào nuốt mửu nào. Cũng có thể cả ba thằng cùng chết! Uổng quá! Mười năm lăn lộn ở chiến trường phải được quỷ thần phù hộ mới mang nổi cái đầu về, thế rồi định chết cả vì cái ba góc độ bằng bàn tay...
Nõn lườm rồi lấy ngón tay chỏ dí vào trán gã. Chất lính tráng trong người gã lúc này nổi cộm. Suốt mười năm qua gã chỉ được ngửi mùi thuốc bom thuốc đạn, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày chỉ là “ xung phong” “ giết giặc” “ lập công” ngấy tới tận óc. Gã thèm rỏ rãi cái mùi khai khai ở chỗ dưới rốn của đàn bà, gã thèm nói tục, thật tục mấy câu cho nó thật là đời mà chẳng có dịp nào để nói, đời lúc nào cũng xoang xoảng những dao găm lựu đạn. Về quê, tưởng là được chộp choạp ngay, cứ dí ngay mũi vào “ của quý” của đàn bà con gái mà hít vài tháng cho đã, nào ngờ gặp ngay chiến tranh lạnh, thằng giơ quả đấm, thằng giơ thế võ, thằng giơ thuốc mê thuốc lú định đập vào mặt nhau. Thế là bắt phèo! Nằm trơ mắt ếch mà ngửi mà hít từ xa cả tháng trời rồi...
Gã thông báo vắn tắt:
- Bọn anh đã ngã ngũ rồi. Nó thế này: Trước khi cái gốc đa sẽ chứng kiến một trận đánh nảy lửa, mà chắc chắn là đánh đòn tiêu diệt, thì pháo đột nhiên chuyển làn. Đúng cái lúc ba thằng đàn ông đứng ba góc dưới gốc đa cùng giở món võ ra để tiêu diệt nhau thì thằng Nho hét lên:
- Dừng lại! Dừng ngay lại, nếu không tao nổ quả lựu đạn này... Tất cả ngơ ngác. Đúng rồi, trong tay thằng Nho không phải là gói thuốc mê thuốc lú gì, mà đích danh quả lựu đạn Mỹ! Thằng này thâm nho, nói là làm thật cho mà xem. Quả lựu đạn này là chiến lợi phẩm nó mang từ mặt trận về để ra hồ cá làm bữa cải thiện. Thế mà.... Khi tay nó vung lên, anh và thằng Binh xanh mắt. Mười năm ở chiến trường bọn anh đã nếm đủ các loại bom mìn đến mức chẳng coi là gì, thế mà chẳng hiểu sao lúc này người cứ run bần bật.
- Hà hà.....Thôi! Ngưng chiến! – Thằng Binh hưởng ứng và hạ thế võ .
- Ngừng chiến! – Anh hô theo và cũng hạ thế võ.
- Chúng mình là những thằng ngu, thằng khốn nạn! – Nho vẫn nhăm nhăm trong tay quả lựu đạn nói – Tại sao lại đánh nhau, chả lẽ đi đâm chém mười năm còn chưa chán? Đúng là trong tình yêu không ai nhường ai, quy luật muôn đời mà. Hãy tìm một giải pháp hoà bình. Đầu chúng ta mụ mị vì mùi bom thuốc súng phải không? Nó... lỳ vì quanh năm ngày tháng chỉ nghe những mệnh lệnh, những giáo huấn sáo mòn bật chan chát vào bộ não vốn không ưa những thứ đó chứ gì? Hãy khởi động lại và suy nghĩ, nếu không thì là đồ con chó với nhau.
Ba thằng đàn ông đều đứng gục mặt. Một lát sau thằng Binh nói:
- Chúng mình tuy đã đi đánh nhau mười năm nhưng vẫn là trẻ con. Theo tao để công bằng thì oan tu ti, thằng nào thắng thì thằng ấy được!
- Oan tu ti như hồi còn để chỏm ư? – Anh ngạc nhiên hỏi lại.
- Phải! – Thằng Binh gật đầu- Ngày ấy chúng mình vẫn chơi oan tu ti thằng nào thua thì phải bò qua háng thằng kia rồi ngẩng lên đớp quả sung buộc vào hòn dái...
- Còn bây giờ? – Anh hỏi lại .
Binh tuyên bố:
- Còn bây giờ thằng nào thắng trong cuộc oan tu ti thì đến sờ em Nõn!
Nõn trừng mắt và đấm vào lưng Bõm thùm thụp :
- Thế rồi sao? – Nõn hỏi lại .
Bõm ghé sát mồm vào tai Nõn:
- Đi chơi. Trốn mẹ đi chơi, anh sẽ kể tiếp đoạn cuối...
Nõn đang khát khao đủ thứ nên gật luôn. Hai người tắt đèn rồi rón rén bước ra ngoài sân. Trăng thượng tuần lúc này đã lặn từ lâu, nhưng sao đêm rất sáng. Họ không dẫn nhau ra gốc đa đầu làng nơi có nhiều xúi quẩy mà dẫn nhau ra phía đình làng. Đình làng Bần cũng nằm ở cánh đồng, cách làng một con đường ngắn, hai vệt cỏ hai bên lề đường đã ướt đẫm sương đêm. Hai người đi song song, bốn cái gấu quần quyệt vào cỏ ướt đẫm, bần bật dưới chân. Gió đêm vù vù đuổi nhau trên đầu những bông lúa mới trỗ. Con đường nhỏ, ngoằn nghèo như con giun đất dẫn họ vào một nơi um tùm cây cối. Lọt vào giữa khu đất đầy hoang sơ bí hiểm là ngôi đình làng cổ kính quen thuộc. Hè đình rất rộng, lát gạch vồ nhẵn bóng. Bõm nắm tay Nõn kéo ngồi xuống hè:
- Nào ngồi xuống đây rồi anh kể tiếp...
Hai người ngồi sát nhau trên hè đình. Bầu trời chi chít đầy sao nên không trăng mà vẫn sáng, họ nhìn rõ nhau từ ánh mắt, nụ cười, đến những cái lườm cái nguýt.
-Anh kể đi chứ? – Nõn giục – Vì sao anh lại được quyền đến với em mà không bị các anh kia trừng trị?
Bõm cười:
- Có gì đâu, thánh thần phù hộ thôi mà. Khi thằng Nho không vung lựu đạn lên nữa, thằng Binh không giở võ thì ba thằng lại chụm đầu vào nhau. Như anh đã nói là lúc đầu định oản chắc tu săng ti ra cái gì ra cái này....Bỗng thằng Nho nói:
- Thôi, khỏi phải oẳn chắc!
- Thế thì làm thế nào? Thằng Binh hỏi.
- Tao có ý kiến thế này....thằng Nho trả lời – Cái Nõn thuộc về thằng Bõm!
- Tại sao lại thế? Vì lý gì? – thằng Binh hỏi vặn.
- Vì lý do gì à? – Thằng Nho nói – Tao với mày đều là thằng ngu Binh ạ.
- Ngu vì lẽ gì? Thằng Binh trừng mắt hỏi lại.
- Ngu vì lẽ gì à? – Thằng Nho bĩu môi.
- Phải! Vì lẽ gì? – Thằng Binh lại hỏi vặn.
- Vì lẽ gì thì mày phải tự biết chứ? Thằng Nho trả lời.
- Tao chẳng biết gì cả!.....Binh nói.
- Thế thì thế này....
- Thế nào? – Binh hỏi vẻ sốt ruột.
Thằng Nho bị hỏi dồn bỗng ứng khẩu:
- Trước khi chúng mình đi bộ đội, cái Nõn nó trao của quý cho thằng Bõm rồi! Mày muốn lấy thừa à?
- Ai bảo mày vậy? – Binh hỏi vặn vẻ tức tối.
- Mày hỏi lại thằng Bõm xem? – Nho trả lời bình thản.
Thằng binh quay ra nhìn anh bằng ánh mắt bốc lửa.
- Có đúng không?
- Thế anh trả lời thế nào? Nõn lườm và hỏi vặn.
- Thế em muốn trả lời thế nào? Bõm cười toe toét.
Nõn lại lườm:
- Còn thế nào nữa! Có thế nào thì nói thế chứ?
Bõm bác lại :
- Không thể thật thà lúc ấy được! Anh tuy bất ngờ, kinh ngạc về sự bịa đặt của thằng Nho, nhưng anh nhận định luôn đây là thời cơ ngàn năm có một không thể để lỡ cơ hội!
- Và anh đã nhận cái tội tầy đình ấy? Đồ phải gió!
Bõm cười:
- Thì còn cách nào nữa! Và lại chuyện ấy đâu phải tội tầy đình!
- Lại còn không phải tày đình à? – Nàng Nõn lườm nguýt – kể tiếp đi xem thế nào?
Bõm gật gật cái đầu ra vẻ khoái chí:
- Lúc ấy anh liền gãi gãi tai ra vẻ ăn năm hối lỗi: Thưa hai ông anh, thằng em chót dại...
Thằng Nho nghe vậy bỗng cười phá lên:
- Thấy chưa ông võ sĩ Binh? Nó bảo nó chót dại nẫng mất của quý rồi! Ông có còn định làm cái sái nhị nữa không?
Lúc ấy anh thấy mặt thằng Binh xám lại. Có lẽ nó sắp ra một miếng võ đấm chết anh cũng nên. Anh cũng thủ sẵn quả đấm để trả miếng. Cái việc nhận liều có thể thành tai hoạ. Nhưng cuối cùng nó nói:
- Mày là thằng ngố nhất trong đám mà hoá ra là thằng khôn nhất. Thôi cho mày, chúng tao đi kiếm cái khác……
Nói xong nó đứng lên lủi thủi ra về. Thằng Nho cũng về còn anh thì ngồi ngây chìn cái bóng của hai thằng thất tình khuất dần. Cho đến lúc này anh vẫn chưa hiểu vì sao thằng Nho lại “ sáng tác” ra cái chuyện ấy?
- Thế còn bây giờ? – Nõn hỏi.
Bõm tủm tỉm cười:
- Thế còn bây giờ? Thì như chúng nó bảo là hễ thằng nào thắng thì đến sờ em Nõn…
Nõn chỉ ngón tay chỏ vào trán Bõm:
- Không biết dơ hay sao mà còn nhắc lại?
Bõm gãi tai cười khì khì:
- Không dơ đâu em Nõn ạ. Suốt mười năm qua anh chỉ được sờ súng sờ đạn, mỗi lần nghĩ đến em anh thèm rỏ rãi. Trời đầy đoạ anh, chứ em cũng đầy đoạ anh nữa à?
Nõn cầm tay Bõm:
- Mười năm còn chịu được chẳng là vài tháng nữa: Phải chạm ngõ, phải lễ hỏi, rồi phải lễ cưới rồi mới được sờ mó chứ?
- Chết chết, thế thì anh chết cứng thôi! – Bõm rầu rĩ nói .
Nõn cười ngất:
- Chết cứng hay chết mềm hay chết lịm?
Bõm gật đầu:
- Có lẽ chết cả ba! Nhưng anh xin được chết lịm trước!
- Khôn thế? – Nõn hỏi.
- Thì dại mãi rồi, cũng phải có lúc khôn một tí chứ! Ngày trước gánh trang uật xương sống hầu lợn em, rồi câu cá hầu mèo em mãi mà chả xơ múi gì, lại còn bị mấy gậy lim oằn xương sống nữa…
Nõn cười rú lên đưa tay xoa đầu Bõm:
- Gã hầu của chị ngoan lắm! Bây giờ lại tiếp tục hầu đi rồi có ngày được trả công, nghe rõ chưa?
Nõn nói vừa dứt câu thì đã thấy “ thằng hầu” chồm lên chẳng khác gì hổ đói vồ mồi. Nó đè luôn bà chủ ra cái hè đình, nó ngoạm vào môi bà rồi lún như trẻ con đói lún vú mẹ, còn tay thì luồn luồn sâu vào cái ống quần phíp vừa mỏng vừa rộng của bà làm bà nằm im giả vờ chết…
Đêm ấy mãi gà te te gáy sáng cặp tình nhân này mới chịu buông nhau. Rồi từ đêm sau bất luận mưa nắng gió bão thế nào, cứ quãng tám giờ tối, tức là gà lên chuồng một lúc là hai cánh quân từ hai nơi đếu xuất phát, khi thì hành quân đến hè đình, lúc bờ vùng, bờ ruộng, khi thì chân đống rơm, đống rạ, lúc trên thuyền... họ vào trận đánh, đánh giáp lá cà, thần tốc, quyết liệt, xoắn lấy nhau như đôi rắn, hôn mút, ấn trên, đè dưới cho đến lúc lại nghe te te gà gáy mới tạm chia tay để rồi đến lúc gà lên chuồng một lúc thì lại hành quân vào trận đánh mới. Đời những ngày này sao mà ngọt ngào như chuối chín cây. Ôi trời, mười năm xa nhau, chàng thì suốt ngày đêm ôm bom bế đạn, thèm mùi khai từ váy đàn bà hơn thèm cơm thèm rượu, đêm  đêm nằm nuốt nước rãi nhớ đến khúc đùi trắng nõn của ai vạch vội sè sè bên vệ cỏ đường làng cái lúc vác cày dong trâu đi qua, bất chợt. Vâng đời con người có lúc điên như vậy. Người đời đã lầm lớn khi nghĩ rằng con người chỉ khát những thứ cao sang, chỉ thèm những sơn hào hải vị, thế mà mùi khai ở váy đàn bà lại là cái khát thèm đứng đầu bảng, vua cũng có lúc quên đi ngai vàng để mơ tưởng đến cái mùi ấy. Còn ai nỡ trách Bõm mười năm ngửi mùi thuốc súng, giờ gã chỉ nghiện mỗi mùi khai từ váy đàn bà? Người làng Bần biết tỏng reo mọi chuyện mà không ai nỡ trách nửa lời. Họ nhìn hè đình nhẵn bóng một vệt to đến bằng nửa cái chiếu rồi chân đống rơm tập thể nuôi trâu ở trái nhà kho có vết người nằm, rồi bờ vùng, bờ ruộng nhiều vệt cỏ bị nằm ngả như có ai nằm đè lên, rồi thuyền nan của hợp tác xã ép ở vệ sông, cứ tối đến là biến mất, gần sáng mới lại thấy... Tất nhiên không chỉ có một đôi đang mở những trận tổng công kích. Có thể nói cả làng Bần hay nói đúng hơn là cả thôn Nông Bần đang vào trận. Mấy chục cô gái gần già vì chờ đợi mỏi mòn, và nhiều chục chàng trai thoát chết nơi trận mạc vừa trở về đang sắp chết vì khát tình mà phải chờ những thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới có chọn ngày ...thì lâu quá ,nên nháy mắt là họ xông thẳng vào nhau, bên này cho, bên kia nhận, uống ừng ực những vại sữa tình, trước hết là để đỡ chết khát, rồi mọi chuyện tính sau. Nơi đây vốn là nơi thuần phong mĩ tục, trai gái chỉ được ăn nằm với nhau khi đã thành vợ thành chồng, ngày xưa đã có mấy cặp bị trói vào bề chuối trôi sông vì phạm lụât của làng. Thế mà giờ đây những việc “tày đình”như thế, cả làng từ già tới trẻ, biết cả mà làm ngơ, lạ nhất là những vị chức sắc trong làng vốn hay soi mói bây giờ cũng cười xoà: “Kệ chúng nó !”và rồi gặp từng người lính vừa buông súng trở về, các vị rỉ tai: “Ăn cơm trước kẻng cũng được nhưng phải cưới mau, rõ chưa? khéo cả làng chửa hoang là bỏ bố chúng tao”. Các chàng lính gật sái cổ xin tuân lệnh. Tuy vậy cũng xảy ra nhiều chuyện hú vía, mà buồn cười nhất là chuyện tình của Bõm-Nõn. Chẳng hiểu lúng túng điều gì mà chín tháng sau ngày ôm nhau ở hè đình, Bõm mới tổ chức được đám cưới. Đám cưới ngày ấy đơn giản lắm: Một cái vỏ chăn hoa được lột ra rồi treo lên đầu sân làm phông: có hàng chữ vui duyên mới không quên nhiệm vụ bên trên, còn bên dưới là đôi chim trắng ở tư thế đang bay về tổ, quặc mỏ hôn nhau, cạnh chữ lồng B và N quấn lấy nhau. Mấy hàng chiếu chảI dọc sân, trên mặt chiếu có đĩa hat dưa, những cái bát để uống nước chè tươi. Dân làng dân thôn đến ngồi kín cắn hạt dưa và uống nước. Cô dâu chú rể được ghép vào nhau ngồi ở hai cái ghế ba đai đã buộc chân để không được dịch xa ngay dưới phông. Có ông trưởng ban tổ chức do đoàn thanh niên cử ra để điền khiển hôn lễ. Hát hò đọc thơ cho đến hết nửa đêm thì giả tán.
Cô dâu Nõn và chú rễ Bõm đươc một gian buồng mái rạ, vách đất, giưòng tre, chiếu cói. Ngày cưới, chàng Bõm vẫn vẫn bộ quân phục xanh lá cây, dày vải, cô Nõn thì quần phíp đen áo cánh trắng bằng vải phin Nam Định, đi guốc đen. Bận bịu công việc đến lúc nghe gà gáy nủa đêm mới dãn nhau vào phòng ngủ. Hai người hối hả phẩy giường chiếu cho hết bụi rồi buông màn và cùng nằm để chờ giây phút hạnh phúc sẽ đến mà đời người cũng chỉ được hưởng một lần. Nhưng bỗng nhiên cô dâu, cảm thấy rân ran đau phía bụng dưới ,liền bảo chàng rể:
- Anh ơi em đau bụng ...
  Chàng rể cười xoa xoa bụng cô dâu:
- Khỏi ngay thôi ma !
Nhưng cô dâu vẫn nhăn nhó kêu đau. Anh chàng liền tìm hộp cao con hổ đến, rồi xoà cao khắp bụng vợ. Xem ra cao con hổ lúc này cũng không còn hiệu quả vì nét mặt cô cứ mỗi lúc thêm nhăn nhó. Quái quỷ thật, đau vào lúc nào không đau lại đau vào giữa đêm tân hôn thế này, thật là trời hại! Bõm tìm thuốc giảm đau mãi không thấy . Hay là uống nước gừng, nước quế để anh pha? Cô vợ vẫn lắc đầu và nét mặt vẫn tiếp tục nhăn nhó. Một lát sau thì rên lên thành tiếng. Bõm cuống cuồng hết xoa bụng rồi đấm nhẹ lưng nhưng tất cả là vô hiệu quả. Cô vợ oằn người mấy cái rồi kêu lên
     -  Anh ơi em ... vỡ ối !...
Hả! vỡ ối là vỡ cái gì? chàng Bõm đực mặt ra chẳng hiểu mô tê gì cả. Nhưng rồi gã nhìn thấy đũng quần vợ ướt sũng như vừa ngã ngồi ở vũng nước. Trong cơn đau đớn vì phải vượt can bất ngờ. Cô vợ kéo gã sát mình, để mồm vào tai hắn nói nhỏ:
- Em sắp đẻ rồi ...
Chết cha rồi! Gã giật thót mình, lẽ nào giường tân hôn lại là giường đỡ đẻ?
Hãy mau mau đưa em đi nhà hộ sinh... cô vợ giục, gã luống cuống và khổ sở, gã gãi đầu rồi gãi tai, nhìn ngang nhìn ngửa, rồi gã hỏi lại một câu xem ra rất ngớ ngẩn:
- Đẻ thật à?
- Đẻ thật! – Cô vợ trả lời – Vỡ ối rồi! Cô vợ nhắc lại điều hệ trọng. Gã hỏi lại:
- Vớ ối là cái gì?
Cô vợ ghì đầu gã vào chỗ mặt mình:
- Là sắp đẻ, đồ phải gió ạ! Mau đi gọi người cáng em đến nhà hộ sinh...
- Thế thì khoan khoan hãy đẻ nhé! – Gã dặn lại vợ.
Vợ gã đang đau mà phải phì cười:
- Chờ sáng trăng mới đẻ hả? – Cô vợ rít lên – Sao lại có người ngốc khổ ngốc sở thế này hở trời! Chạy ra nhà ngoài báo bố mẹ và anh em....
 Gã ra đến cửa buồng còn quay đầu lại
- Báo cho mọi người biết là.... đêm tân hôn vợ tôi đòi đi đẻ à?
Cô vợ lườm gã:
- Đồ phải gió ạ! Tại ại đòi ăn cơm trước kẻng nên nông nỗi này? Người ta bảo từ từ khoan khoan thì đè nghiến ra hè đình, không biết dơ lại còn..... Có chạy biến đi không thì bảo? ôi ối đau quá....
Nghe vợ kêu gã vừa hoảng vừa thích. Sắp có con rồi! Lạy trời lạy phật! Con chim cu của mình mười năm gục mặt không gáy tưởng cậu ta dù luôn thế mà khá thật. Làm đàn ông thế mà sướng đơn sướng kép, chà chà, kiếp sau phải đút lót trời phật những gì để lại được làm đàn ông thì cũng phải  cố mà lo lót!
- Ố ối.... đau quá..... Sướng mày khổ tao Bõm ơi....
Nghe vợ gào lên, gã vụt ra ngoài đi loan báo...
Cả thôn Nông Bần sửng sốt nghe tin cô dâu đêm tân hôn trở dạ đẻ. Thoạt tiên người ta tưởng nói đùa để chế diễu chuyện háu đói của những gã nhịn nhập lâu ngày. Nào ngờ thật. Thế là cả làng bò ra cười đến vãi nước mắt khiến chàng Bõm mặt cứ đỏ lên như gấc chín. Đáng lẽ chỉ cần vài người cáng võng cô dâu đến nhà hộ sinh của xã là đủ, thì dân làng đã kéo đến chật sân. Đó là toàn bộ những người vừa dự lễ cưới lúc chập tối. Ban tối đến để mừng hoa, có mấy giờ sau đã lại đến để mừng quả. Chuyện này không biết đã ở đâu có chưa?
-Nào bà con ơi, nhanh lên mỗi người một vai cáng cô dâu đi đẻ ...
Chiếc võng đay của nhà ai đó được tháo ra, rồi một dóng trâu được luồn vào, rồi hai thanh niên hai đầu cáng cáng đi, rồi một đàn rồng rắn bà con hai  làng đi sau như đi trẩy hội. Bạn đọc đừng ngạc nhiên thấy hai người cáng cô dâu đi đẻ lúc này là Nho và Binh. Hai gã thật lòng lắm, lo cho cô dâu đẻ dọc đường thì gay, nên không từ từ mà đi rất rảo cẳng. Hai đôi chân xẻ dọc trường sơn năm nào giờ đây làm nhiệm vụ mới, cứ thoăn thoắt bứơc. Chiếc đòn trên vai đằm hẳn xuống làm hai gã mướt mồ hôi. Cáng cô dâu vào phòng đẻ xong quay ra, hai gã ngồi cùng chú rể Bõm trên chiếc nghế băng ở phòng ngoài chờ, rồi chụm đầu vào nhau châm thuốc lá hút .
- Sẽ là con trai đấy Bõm ạ! –Binh nói .
- Tao cũng đoán thế!-Nho hùa theo.
- Từ  đêm    gốc đa lần ấy cách đây chín tháng mười ngày, khi quả lựu đạn Mỹ đã định vung lên mà không cần nổ, khi những bàn tay đã cuộn thành quả đấm mà không đấm nữa thì ba gã lính về làng này bỗng trở nên thân thiết, theo nghĩa vừa là bạn lính vừa là bạn làng. Ngày Bõm cưới Nõn, hai gã Binh – Nho đến từ sáng sớm. Không phải là sáng sớm mà là từ mấy ngày trước đã đến bàn bạc góp ý rất chân tình, rồi còn móc túi giúp một ít tiền. Ngày cưới, tức là ngày hôm nay, hai gã có mặt từ lúc trời vừa hửng sáng, xoay trần ra bác rạp. Còn bây giờ đã quá nửa đêm còn ngồi ngáp dài trên ghế chờ đón tiếng khóc chào đời, con của kẻ tình địch  một thuở. Mãi gần sáng trong buồng hộ sinh mới có tiếng trẻ con oe oe khóc. Cả ba thằng lính đang ngồi ngủ gật bỗng nhảy lên ôm nhau mừng vui, riêng chàng Bõm thì vui đến rơi nước mắt. Mười năm cầm súng, ba vị này đã giết không ít mạng người, đã làm cho nhiều người vợ mất chồng, nhiều đứa con mất cha và tiếng khóc thê thảm đêm ngày da diết. Cái lúc ấy chắc các vị không nghĩ rằng sự ra đời một con người đã là cực kỳ gian nan vất vả, là công sức của cả một gia đình, nhiều khi là một dòng họ, một làng, là sự thần kỳ của tạo hoá, là cái ban ơn của những đấng linh thiêng. Rồi từ một sinh linh nhỏ nhoi tí tẹo nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa được cả gia đình và xã hội nuôi nấng chăm chút từng giờ từng phút hết năm này qua năm khác, học hành, rèn luyện, là tình thương nỗi nhớ, là hạnh phúc của bao người thân, thế mà đòm một phát là xong! Như thằng con của Bõm đây, nâng niu chăm chút từ phút này, cho đến 18 – 20 năm sau, nếu có một vị chăn dân nào đó vào thời ấy mà cái đầu lại hâm hấp phát động chiến tranh thì cũng chỉ đòm một phát là tất cả sẽ số không, cướp đi công lao của bao người, ông bố bà mẹ đang hạnh phúc bỗng rơi ngay xuống hố của khổ đau, bất hạnh. Con mình cầm súng đi giết người và bị người giết lại, oán thù nối tiếp oán thù…
Tiếng khóc oe oe của đứa trẻ vẫn từ phòng đẻ vọng ra. Nó như lời nhắn nhủ: Nuôi một con người thì khó mà giết đi hàng vạn hàng triệu con người thì dễ! Hỡi những ai đã từng cầm gươm cầm súng giết người  hãy nghe tiếng khóc của trẻ thơ mà suy ngẫm….
 
Thứ hai ngày  23/7/2012  
Quay lại trang trước
CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC :
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 18-hết)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 17)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 16)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 15)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 13-14)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 12)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 11)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 10)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 8-9)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 7)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 5-6)
Lão Bõm (tiểu thuyết) của Trần Quốc Tiến (chương 3-4)
Nước mắt (tiểu thuyết) chương 1 - 4
Nước mắt (tiểu thuyết) chương 9-10
Nước mắt (tiểu thuyết) chương 11-12 (hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét