Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Nợ công của Việt Nam có thể giảm dần sau 2020


Theo chiến lược nợ được Thủ tướng phê duyệt hôm qua, nợ công của Việt Nam có thể tăng lên mức 65% GDP vào năm 2020, nhưng sẽ giảm dần và không quá 60% vào năm 2030.
Việt Nam muốn kéo dài thời hạn vay vốn giá rẻ từ WB
Chi 100.000 tỷ đồng để trả nợ trong năm 2012
Theo nhận định của Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến 2030, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam rất lớn, trong khi khả năng huy động nội lực chưa đáp ứng đầy đủ, nên vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết. Tuy nhiên, việc huy động này cũng cần đảm bảo nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ cũng như an ninh tài chính quốc gia.

Việt Nam tiếp tục muốn ODA chiếm khoảng 60% trong cơ cấu vay nợ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Việt Nam tiếp tục muốn ODA chiếm khoảng 60% trong cơ cấu vay nợ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tính đến hết năm 2011, nợ công của Việt Nam tương đương 54,6% GDP. Dự kiến đến hết năm 2012 và 2015, con số này sẽ lần lượt đạt 58,4% và 60-65% GDP.
Theo chiến lược, Việt Nam sẽ đảm bảo nợ công (gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP. Bên cạnh đó, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50%. Đến năm 2030, các chỉ tiêu này sẽ được hạ thấp dần, xuống lần lượt 60%, 50% GDP và 45% GDP.
Về cơ cấu, Chính phủ dự kiến tổng nợ nước ngoài trong danh mục vay đến năm 2020 phải giảm xuống dưới 50%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách hàng năm không quá 25%. Giới hạn tương tự cũng được đặt ra đối với nợ nước ngoài của quốc gia so với giá trị xuất khẩu. Cơ quan điều hành cũng sẽ đảm bảo dự trữ ngoại hối so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.
Trong cơ cấu nợ, Chính phủ cũng cho biết sẽ cố gắng đảm bảo tỷ lệ vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tối thiểu đạt 60% so với tổng nợ nước ngoài của Chính phủ đến năm 2020. Trong buổi làm việc gần đây với Phó chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của WB - Pamela Cox, Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn được kéo dài thời gian vay vốn ưu đãi, mặc dù theo chuẩn, Việt Nam sẽ phải chuyển sang vay thuần thương mại từ năm nay.
Song song với việc đảm bảo tỷ lệ vay an toàn, Chính phủ cũng khẳng định việc sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Vốn vay sẽ góp phần làm giảm bội chi ngân sách dưới 4,5% vào năm 2015; lần lượt 4% và 3% trong các giai đoạn 2016 - 2020 sau 2020.
Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét