Kết quả khảo sát với gần 18.000 độc giả trên VnExpress.net
về việc "Bạn đang tích lũy tài sản gì", hơn một nửa những người tham
gia trả lời họ chẳng còn gì tích lũy trong bối cảnh kinh tế quá khó
khăn.
> Người Việt thích gửi tiết kiệm hơn đi du lịch
> Người Việt thích gửi tiết kiệm hơn đi du lịch
Tích trữ tiền VNĐ và vàng là hai phương pháp được nhiều độc giả lựa chọn. |
Dù vậy, tích lũy tài sản gì vẫn là một câu hỏi nhiều người dân trăn trở. Bằng chứng là gần đây, VnExpress.net
liên tục nhận được những thắc mắc của độc giả về việc nên tiết kiệm qua
kênh nào cho tối ưu. Một chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm nghiên
cứu và làm việc trong lĩnh vực tiền tệ cũng kể: “Tôi cứ đến nhà ai chơi
là lại bị mọi người 'quây' vào hỏi: ‘Giờ tiết kiệm gì là tốt nhất hả
chú? VNĐ, USD hay vàng, bất động sản”. Vị này thừa nhận, băn khoăn của
người dân là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, tham gia vào thị trường
nào cũng có thể gặp rủi ro cao.
Chia sẻ về những bối rối trên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên là không nên bỏ mọi quả trứng vào cùng một rổ mà cần chia đều để đầu tư, tích lũy.
“Ví dụ, với 4 kênh vàng, VNĐ, ngoại hối, bất động sản, tỷ lệ phân bổ sẽ
tùy theo lứa tuổi. Chẳng hạn, tôi còn trẻ, tôi sẽ ưa mạo hiểm hơn và
chấp nhận ‘lời ăn lỗ chịu’ nên sẽ đổ 30% cho vàng, 30% cho bất động sản,
số còn lại tôi gửi tiền vào ngân hàng. Ngược lại, nếu đã có tuổi, tôi
sẽ gửi tới 60% tiền vào nhà băng để an toàn và hưởng lãi suất, phần còn
lại đầu tư đâu đó sang đất cát, nhà cửa”, ông đưa ra dẫn chứng.
Mới đây nhất, báo cáo của Nielsen - công ty chuyên
phân tích và đánh giá thông tin về những gì người tiêu dùng xem và mua
sắm hàng đầu thế giới - chỉ ra, phần lớn người Việt thích để tiền nhàn
rỗi đi gửi tiết kiệm thay vì đi du lịch, tiêu dùng hay đầu tư. Tới 66%
người được hỏi đều trả lời chỉ dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm sau khi
đã trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu.
Theo Nielsen, 66% người Việt Nam thích gửi tiền tiết kiệm hơn đi du lịch hay đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo kết quả thăm dò trên gần 18.000 độc giả của VnExpress.net,
trong số những người có tài sản tích lũy, phần lớn người dân đang sử
dụng kênh VNĐ và vàng. Tiếp theo đó là các phương thức tiết kiệm khác
như nhà đất (10,8%) và ngoại tệ (5,1%).
Anh Vương, quận Đống Đa - Hà Nội, lại đưa ra ý kiến:
“Để tiết kiệm thì nên tích trữ cả nội tệ và ngoại tệ. Tôi đang gửi ngân
hàng 50 triệu đồng và 1.000 euro. Tôi không thích vàng vì biến động giá
quá lớn”.
Về việc gửi tiền VNĐ tại ngân hàng, ông Nguyễn Trí
Hiếu cũng chia sẻ rủi ro trong ngành ngân hàng luôn thấp hơn bất động
sản, vàng, chứng khoán… Hơn nữa, theo vị chuyên gia từng có nhiều kinh
nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ, mức lãi suất tiết kiệm 9% một năm ở Việt Nam là quá cao, chưa kể kỳ hạn dài có thể lên tới 12%-13% một năm.
“Ở Mỹ, người gửi tiền từ 3-6 tháng may mắn lắm mới được hưởng lãi suất
1-2% một năm. Đương nhiên, một phần do mức lạm phát của họ thấp. Mặc dù
vậy, lạm phát hiện nay của Việt Nam cũng đã được kiểm soát ở mức 6-7%.
Như vậy, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương”, ông Hiếu lý
giải.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn
Chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng, trong tương lai, giá vàng cũng
có thể tăng, tuy nhiên sẽ không có những đợt tăng mạnh như vừa qua. Ông
Lê Xuân Nghĩa - từng làm Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia
- lại tin vào khả năng phục hồi của bất động sản. "Hiện Ngân hàng Trung
Ương các nước đều đang nới lỏng tiền tệ. Nếu kinh tế phục hồi với lý do
này thì bất động sản có thể tăng giá", ông lý giải.
Không đưa ra những lập luận mang tính vĩ mô như các
chuyên gia nhưng chị Thảo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại "khoái" bất
động sản bởi chị cho rằng, đất đai không sinh sôi nảy nở mà chỉ có dân
số là ngày một đông lên. Chị cho biết: “Có tiền nên mua nhà hoặc đất.
Tôi vừa mua mảnh đất khoảng một tỷ đồng ở ngoại thành Hà Nội. Mặc dù bất
động sản chưa có nhiều thông tin khởi sắc, nhưng mình mua để tiết kiệm,
trước sau gì cũng có lãi lớn”.
Dù thừa nhận người dân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu tiết
kiệm vào bất động sản trong bối cảnh hiện nay, nhưng nguyên Thứ trưởng
Bộ tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ lại đồng tình đây là kênh có thể
sinh lời nhiều nhất. "Chỉ có điều, để đạt được hiệu quả tối ưu từ mảng
này, người dân phải biết lựa chọn tùy phân khúc. Chẳng hạn đầu tư vào
những khu đô thị, những nơi quy hoạch.., đây là những địa điểm trong
tương lai sẽ sinh lời nhiều", ông Đặng Hùng Võ lưu ý.
Cũng "bỏ quả trứng vào nhiều rổ khác nhau", chị Hồng
Anh - nhân viên môi giới chứng khoán - chia sẻ bí quyết của bản thân:
"Tôi còn trẻ nên chỉ thích kinh doanh hoặc đầu tư. Tôi đã bỏ 110 triệu
đồng cho lĩnh vực chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu dài hạn và lướt sóng
ngắn. 30 triệu còn lại, tôi dồn cả vào vàng quốc tế hoặc những thị
trường hàng hóa khác, tùy thời điểm giá cả".
Còn theo Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải - tích lũy vào đâu là phụ thuộc vào niềm tin của người dân.
Ông khuyên “Tôi nghĩ, người dân nên tiết kiệm bằng VND nếu tin tưởng và
chấp nhận rủi ro trong các ngân hàng. Ngoài ra, tích trữ USD cũng có
thể được cân nhắc nhưng tôi không thấy khả thi do mức lãi suất tiền gửi
USD không cao”.
Theo cam kết của Thống đốc, tỷ giá từ nay tới cuối năm
sẽ biến động không nhiều, cao nhất chỉ 2-3% một năm. Do đó, không ít
chuyên gia thừa nhận, đồng USD sẽ không mất giá mạnh như VNĐ nhưng lại
không được các ngân hàng “mở cửa” chào huy động do chính sách hiện nay.
Hiện lãi suất huy động USD cao nhất chỉ 2% một năm.
Thanh Lan - Tường Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét