Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Nửa cuối 2012: DN sẽ tuyên bố phá sản nhiều hơn?


- Đã có những lời nhận định lạc quan về kinh tế 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam không dễ đi lên một cách bền vững khi những nguyên nhân khó khăn nằm ở những yếu kém nội tại kéo dài chưa được khắc phục.
Chưa nhìn thấy hồi phục
Những "vấn đề" Việt Nam đang gặp phải đều mang tính xâu chuỗi, kéo dài và có quan hệ hữu cơ với nhau. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn trong cách thức nhằm giải quyết những nguy cơ có thể xảy ra. Năm 2012, có thể chỉ là một thời điểm bùng phát là xuất hiện những "vết rạn nứt" của nền kinh tế sau một thời kỳ tích tụ các yếu kém và sai lầm.
Đầu tiên là tình trạng lạm phát vẫn còn nằm ở mức cao từ hệ lụy "vung tiền quá trán" trong chính sách tiền tệ của chính phủ từ năm 2007. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi giữa dự báo về con số lạm phát. Bộ phận Nghiên cứu (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) dự báo năm 2012 Việt Nam lạm phát 13,8%; Ngân hàng Thế giới dự báo 9%; trái lại nhiều chuyên gia trong nước lại cho rằng Việt Nam sẽ "dễ thở" hơn khi lạm phát 2012 sẽ chỉ khoảng 6,2%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng lạm phát hiện nay dù giảm trước mắt nhưng vẫn còn đáng lo.
Khi chính phủ còn loay hoay giải quyết lạm phát thì "nợ xấu" tràn bờ khiến không ít doanh nghiệp (DN) lẫn ngân hàng điêu đứng. Nợ xấu bùng phát trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát với giá cả đắt đỏ, trong đó có thị trường bất động sản (BĐS).
Sự dễ giải của các ngân hàng thương mại vô tình đưa nhiều DN vốn có "lòng tham" đầu tư nóng vào thị trường nhà đất rơi vào tình trạng ôm đất, trắng tay. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng "khó thoát" khi tiền cho vay "dưới chuẩn" đi không về lại. Hậu quả đáng nói là khi thị trường tài chính ngân hàng "lao đao" thì hiệu ứng Domino diễn ra với môi trường chứng khoán, tín dụng, xuất nhập khẩu và cả nền sản xuất trong nước.


Kinh tế Việt Nam không dễ đi lên một cách bền vững khi những nguyên nhân khó khăn nằm ở những yếu kém nội tại kéo dài chưa được khắc phục.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2012 với một tông màu "nhạt" khi chỉ số VNI và HNI vẫn mãi "rề rà" dưới đáy. Mãi đến tháng 5, thị trường chứng khoán có chút khởi sắc khi VNI và HNI tăng đạt đỉnh. Nhưng chưa đầy hai tháng sau đó lại giảm đi hơn 50% giá trị tăng tính từ đầu năm 2012. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng không... khá hơn khi nhà đất bị đóng bang, niềm tin người dân giảm hẳn sau pha "bể bong bóng" nhà đất gây ra tình trạng nợ xấu vừa qua.
Thị trường xuất khẩu còn đáng lo hơn khi ngành xuất khẩu chủ đạo là dệt may, da giày sang Châu Âu giảm đáng kể. Tính đến nay, trung bình mỗi tháng số lượng đơn hàng từ Châu Âu giảm 20-30% so với cùng kì năm 2011. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan thời điểm 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU chỉ đạt 844 triệu USD, giảm 1,4%. Ngành cá Tra cũng khó khăn không kém khi lời cầu cứu của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam lẫn người nuôi trồng thủy sản liên tục xuất hiện trên các diễn đàn kinh tế như một điểm nóng. Vấn đề nan giải ở đây chính là đầu ra cho cá Tra ngày một hẹp trong khi quy mô sản xuất trong nước tăng nhanh. Bất kỳ doanh nghiệp cá tra nào cũng lo sợ một ngày "chiếc thùng nhỏ không thể chứa một lượng hàng thừa quá tải".
Trong khi đó, cứu cánh thường xuyên nhất của doanh nghiệp là các ngân hàng thương mại lại đang cố thắt chặt chính sách tiền tệ từ ảnh hưởng của "nợ xấu". Với tỷ lệ nợ xấu lên đến 12%-13% (theo Fitch Ratings), các ngân hàng đang ra sức thu mình về thế phòng thủ trước các làn sóng "phá sản" của các doanh nghiệp cùng ngành. Con đỉa "nợ xấu" rất khó buôn tha nền kinh tế dù "khổ chủ"đang ra sức dùng mọi biện pháp "đông - tây" để tháo gỡ. Chính vì thế, các doanh nghiệp và cá nhân trong các ngành cá tra, dệt may... càng khó khăn khi không thể chống chịu với thực tại thiếu vốn, lãi suất cao.
Và tất nhiên, "nước xa không thể cứu lửa gần", dẫu chính phủ vẫn "đang bàn" về các gói cứu trợ nhằm giúp doanh nghiệp và người sản xuất chỉnh đốn, tái cấu trúc hệ thống thì sự phá sản vẫn cứ xảy ra ồ ạt.
Phân hóa mạnh yếu
Chung quy cho sự đan xen quan hệ giữa "nợ xấu", lạm phát, vỡ bong bóng bất động sản, chứng khoán lao dốc hay xuất khẩu suy giảm... là câu "mạnh còn, yếu mất".
Như vậy, cuộc chơi giữa các chủ thể này là một "vòng đấu loại" dựa trên thực lực các DN. Một khi chính phủ không thể giải quyết hết tình trạng thiếu vốn đại trà, các ngân hàng không nhượng bộ hạ lãi suất thì chỉ có những DN có đủ "sức khỏe" để duy trì, cải tổ sản xuất. Kết quả là các DN yếu kém lần lượt từ bỏ sân chơi chung theo đúng nghĩa "cơ chế thị trường".Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4 năm 2012, đã có 17.735 doanh nghiệp phá sản.
Cơ chế theo kiểu chọn lọc tự nhiên sẽ có thể đưa nền kinh tế về trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, nếu để mặc cho "bàn tay vô hình" tự điều chỉnh thì trước khi hồi sức, nền kinh tế sẽ rơi vào thảm họa.
Chính vì thế, chính phủ lại là nhân tố chính được kỳ vọng nhất nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại. Kinh nghiệm cho thấy một quốc gia dưới sự điều phối tốt của chính phủ sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế, thậm chí là phát triển hơn giai đoạn trước. Mỹ là một trong những ví dụ điển hình.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 tới nay đã quật ngã nhiều ngân hàng "đại thụ" của Mỹ. Tuy nhiên, bằng những chính sách kịp thời, triệt để thì Mỹ vẫn kịp thời "lách qua khung cửa hẹp" để giữ vững hệ
Với tình hình hiện tại, yêu cầu thứ nhất trong vai trò điều phối của chính phủ chính là nhanh chóng và quyết liệt. Bên cạnh đó, mọi hành động giải pháp phải mang tính toàn diện và đồng bộ vì các khó khăn đặt ra trước mắt đều liên quan chặt chẽ với nhau. Tạo nên sự đồng bộ chung sẽ là tiền đề giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng.
Dẫu rất nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam đang rơi vào thời điểm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng cần nhìn nền kinh tế theo một xu hướng lạc quan hơn. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng sẽ có giai đoạn đi xuống, nhưng nhớ rằng đi xuống không phải là mục tiêu cuối cùng mà là "lấy đà" để phóng cao hơn thông qua sự cải tổ và tái cấu trúc hệ thống.
Đỗ Thiện

  • Mục đích cuối cùng
    Tôi đồng ý rằng tất cả các nền kinh tế sẽ có giai đoạn khủng hoảng và đi xuống. Chúng ta cần nhận định rõ rằng việc đi xuống như thế là điều đang đối mặt, nhưng nếu chỉ đứng đó than vãn thì hãy nghĩ đến một giải pháp để đi lên. Tác giả viết "Bất kỳ nền kinh tế nào cũng sẽ có giai đoạn đi xuống, nhưng nhớ rằng đi xuống không phải là mục tiêu cuối cùng mà là "lấy đà" để phóng cao hơn thông qua sự cải tổ và tái cấu trúc hệ thống." Và tất nhiên hiện nay, cải tổ và tái cấu trúc là điều hết sức quan trọng. Có hay không là sự nhìn nhận, đánh giá của chính phủ cùng các bên tham gia. Dẫu sao, tôi vẫn muốn nền kinh tế phục hồi theo kiểu nhà nước tác động không hoàn toàn, doanh nghiệp dám chơi thì dám chịu. Nghĩa là nhà nước chỉ cứu theo phương pháp định lượng, những doanh nghiệp thiếu sức quá mức thì chấp nhận rời cuộc chơi.
    Trần Minh Gửi lúc 19/07/2012 01:01
  • Không có gì là không thể chỉ sợ không làm mà thôi
    Tôi rất đồng tình với ý kiến của ý kiến độc giả Huu Tran "không có nguyên nhân nào khác ngoài nguyên nhân con người....". Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, lúc này không phải vật chất quyết định ý thức mà sẽ là ý thức quyết định vật chất.
    nguyen linh Gửi lúc 18/07/2012 09:48
  • Tất cả chỉ là...
    Không có nguyên nhân nào khác ngoài nguyên nhân con người mà đặc biệt là cái tâm của nhà lãnh đạo. Với tôi chính trị, cơ chế không là gì cả vì tất cả những thứ này đều là sản phẩm của con người. Nếu người có lương tâm, trách nhiệm với nhân dân thì mọi chính sách, cơ chế đều có thể sửa đổi hướng tới lợi ích của số đông người dân. Tác giả viết bài phần cuối không được chân thật cho lắm nhưng có lẽ là để cho bài viết không nhuốm màu bi quan nên đã đưa đoạn cuối vào. Tuy nhiên đưa vào như thế và với tình hình hiện nay thì có vẻ không phù hợp và thiên cưỡng. AI cũng biết là không thể lạc quan tếu vào lúc này mà cần phải chấp nhận thực tế đen tối của nền kinh tế hiện nay ở VN. Và cần nhiều người viết bài phê phán hơn nữa thì mới mong thức tỉnh lương tâm của các vị lãnh đạo để có thể đưa ra các chính sách vì lợi ích số đông người dân.
    Hữu Trần Gửi lúc 18/07/2012 02:44
  • Gửi tác giả
    Một nền kinh tế xô bồ ai muốn làm doanh nghiệp cũng được, không có trình độ chuyên môn cũng chạy chọt để được cấp phép thành lập DN. Phần lớn những DN hiện nay tôi thấy phần lớn là ưng làm chủ hơn làm kinh tế. Có những ông bà chủ trình độ chưa qua khỏi cấp 2, là những người buôn gánh bưng thúng cũng vay hàng trăm tỷ đồng để rồi khả năng trả nợ không nỗi chứ đừng nói trả lãi. Những DN khỏe như nói trên thì họ biết làm ăn và họ không phụ thuộc vào ngân hàng nhiều thì rõ ràng là trong điều kiện này họ không chết trái lại họ còn mạnh hơn. Tác giả hãy đi đến các DN loại này để tìm hiểu kỹ và viết bài hay hơn.
    Võ Tấn Điền Gửi lúc 18/07/2012 09:47
  • Cần cải cách chính trị để sửa lỗi hệ thống.
    Kinh tế VN như hiện nay là do lỗi hệ thống. Lỗi hệ thống dẫn đến sai lệch trong chính sách vĩ mô. Vĩ mô không ổn định, không tạo ra sân chơi bình đẳng, không có môi trường cạnh tranh lành mạnh, giết chết thành phần KT tư nhân. Lỗi hệ thống tạo điều kiện cho lợi ích nhóm phát triển, tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Tất cả những cái đó đưa nền kinh tế đến hôm nay. Điều này đã được các nhà kinh tế cảnh báo từ lâu rồi.
    Dân Bình Gửi lúc 18/07/2012 09:05
  • Thừa thuật ngữ - thiếu thuật toán.
    Tác giả nói rất hay...." Đi xuống để lấy đà phóng cao hơn.." - đừng tự an ủi và ru ngủ nhau kiểu đó. Vinashin , Vinalines hay EVN hay 200 000 tỷ nợ xấu ngân hàng (?) Ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nhà, Italia, Hy Lạp... Chính phủ đang nói với người dân về chính sách "Thắt lưng buộc bụng" - trong bối cảnh hiện nay chúng ta cũng hãy nói với dân về '"Thắt lưng buộc bụng... " - đừng vội nói về lấy đà và "phóng cao" lên. Chúng ta quá nhiều thuật ngữ nhưng lại thiếu thuật toán. Tôi sẵn sàng tranh luận với các cố vấn kinh tế về tái cơ cấu - làm sao phải có Rượu mới bình mới, chứ không thể để tình trạng ' Rượu cũ bình mới " được - đây phải là nguyên tắc đầu tiện của Tái cơ cấu - nhất thiết những người đứng đầu các tập đoàn , các tổng công ty, các ngân hàng nhiều nợ xấu KHÔNG THỂ ĐƯỢC TẠI VỊ.
    Nguyễn Nguyên Gửi lúc 18/07/2012 08:59
  • Nguyên nhân của nền kinh tế suy giảm
    Thi thoảng đi dự hội nghị nghe đánh giá nền kinh tế VIệt Nam suy giảm do nguyên nhân kinh tế thế giới suy giảm, khu vực đồng Euro bị khủng hoảng.... Tôi thấy nhận định này không thuyết phục. Cách đây 2 ngày ngày 16/7/2012 bạn tôi dự hội nghị khu vực của 1 tập đoàn lớn ở Bangkok Thái Lan, đánh giá của các chuyên gia kinh tế là tăng trưởng của Indonesia là cực tốt, Malaisia, Thái Lan... rất tốt trong lúc VIệt Nam thì suy giảm 30%. Chỉ số trên cho thấy sự suy giảm của Việt Nam chính là do nguyên nhân nội tại. Nhìn thấy rõ nguyên nhân mới có thể có các giải pháp đúng được. Rất mong tuần báo tập hợp ý kiến của các chuyên gia để góp phần hồi phục kinh tế
    Trần Tân Gửi lúc 18/07/2012 08:00

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét