Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Các loài voọc quý hiếm ở Việt Nam


Voọc chà vá chân xám, con vật bị giết hại rồi bêu trên mạng xã hội mới đây, là loài động vật chỉ có ở Việt Nam, và là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới.
Người tung loạt ảnh giết voọc gây phẫn nộ

Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea). Chà vá chân xám thường ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, sống thành đàn khoảng 10 - 15 con. Loài này phân bố ở Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định.
Voọc chà vá chân xám chỉ có ở Việt Nam, là một trong 25 loài linh trưởng đang trong tình cảnh nguy cấp nhất trên thế giới. Hiện chỉ còn khoảng 2.000 con sống trong tự nhiên. Ảnh: Vũ Ngọc Thành.
Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus). Thân hình chúng thon nhỏ, lông nhiều màu, trán màu đen, lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực chúng có màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt. Voọc chà vá chân nâu sống trong rừng nguyên sinh trên núi cao, kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng hỗn giao, nương rẫy.
Loài này thường ăn quả, lá cây rừng, ngô, khoai, sắn, rau xanh. Chúng sống ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai. Nơi cư trú của chà và chân nâu bị suy giảm do chặt phát rừng. Ảnh: Lê Khắc Quyết.
Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes). Chúng có thân hình thon nhỏ, chân, tay dài, lưng màu xám đen, đầu trắng xám. Hai bên thái dương chúng có viền lông nâu đỏ. Mặt nhiều lông dài màu trắng xám. Chà vá chân đen sống ở rừng kín nửa rụng lá và rừng cây họ Dầu Dipterocarpaceae.
Loài này sống ở Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai. Ảnh: Phùng Mỹ Trung.
Voọc đầu trắng (Trachypithecus poliocephalus). Đây là loài đặc hữu của Việt Nam. Trước đây, chúng xuất hiện ở đảo Cát Chiên thuộc Quảng Ninh, nhưng hiện chỉ còn tìm thấy chúng ở đảo Cát Bà thuộc Hải Phòng; trên thế giới không tìm thấy cá thể nào. Khi trưởng thành, đầu và vai con đực lông màu trắng nhạt, con cái lông màu thẫm hơn.
Voọc đầu trắng sống ở rừng cây gỗ và dây leo mọc trên vách đá ở độ cao 100 -150 m so với mặt nước biển. Chúng chủ yếu ăn lá, quả cây rừng là đa, huyết dụ, lá và quả cây độc như lá ngón, hạt mã tiền. Sống ở rừng cây gỗ và dây leo mọc trên vách đá ở độ cao 100 - 150 m so với mặt biển. Khi gặp nguy hiểm, nó phát tiếng kêu báo hiệu cho cả đàn tìm nơi ẩn nấp. Ảnh: Arkive.org.
Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) là 1 trong số 25 loài linh trưởng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và là loài đặc hữu của Việt Nam. Voọc mũi hếch có bộ lông nâu đen. Lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt. Không có mào lông trên đỉnh đầu.
Nơi sống của voọc mũi hếch có phần đa dạng hơn các loài voọc khác. Chúng thường ở những vùng cây cao trên núi đất và thung lũng hơn rừng cây núi đá, vùng sườn đồi dưới chân núi có rừng hỗn giao cây gỗ và tre nứa. Ở Việt Nam, chúng sống ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh. Ảnh: FFI.
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri). Bộ lông của chúng màu đen, có mào lông trên đỉnh đầu, đuôi dài hơn thân. Loài đặc hữu này của Việt Nam thường sống thành đàn 5 đến 10 con do con đực già làm đầu đàn. Nơi sống ưa thích của voọc mông trắng là vùng rừng thứ sinh cây gỗ cao 4 - 5 m, mọc trên vách đá có hang động. Mùa đông chúng ngủ trong hang đá, mùa hè ngủ trên vách đá cửa hang.
Ở Việt Nam, voọc mông trắng sống ở Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: Tilo Nadler.
Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi). Chúng có bộ lông đen tuyền, trên má có vệt lông màu trắng kéo dài quá tai, đỉnh đầu có mào lông đen, đuôi lông màu đen, không xù xì.
Voọc đen má trắng ăn chồi non, lá cây và rất ít quả cây rừng. Loài này sống trên những vách núi đá vôi ở độ cao không lớn có nhiều cây gỗ và dây leo. Mỗi đàn có vùng lãnh thổ hoạt đông riêng nên chúng không xâm phạm lẫn nhau, chúng có thể sống ôn hòa với các loài khỉ khác.
Loài động vật quý hiếm trên được tìm thấy ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ảnh: Wikipedia.
Hương Thu tổng hợp

'Loài voọc có thể tuyệt chủng như tê giác'
Sau vụ loạt ảnh giết voọc tàn ác được đăng tải, giới khoa học bày tỏ sự đau xót và lo ngại rằng loài động vật quý hiếm này có thể sẽ bị tuyệt chủng như tê giác một sừng Việt Nam.
> Điều tra vụ giết khỉ gây phẫn nộ
> Tê giác một sừng tuyệt chủng ở Việt Nam
Hình ảnh con voọc đang mang thai bị nhóm thanh niên bắt hút thuốc trước khi giết nó. Ảnh: Facebook.
Ngày 16/7, hơn mười tấm ảnh chụp các cảnh hành hạ con voọc mang thai xuất hiện trên trang Facebook của một thanh niên được xác định là Nguyễn Văn Quang. Trước khi giết bằng cách nhấn nó vào nước sôi và hun khói, nhóm thanh niên còn trói chặt các chi và bắt con vật hút thuốc lá. Nhiều người càng phẫn nộ hơn khi nhóm thành niên thích thú cầm xác con voọc để chụp ảnh.
Con vật bị sát hại trong vụ trên là voọc chà vá chân xám (có tên khoa học Pygathrix cinerea), một trong những loài được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh tỏ ra đau xót khi biết câu chuyện trên. Sự kiện xảy ra sau khi các nhà khoa học công bố tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam chết vào năm 2010. Do đó việc một bộ phận thế hệ trẻ đang thể hiện thái độ tàn nhẫn với động vật khiến ông cảm thấy lo hơn cho công tác bảo tồn các loài hoang dã ở Việt Nam.
"Chà vá là loài đặc hữu chỉ phân bố ở Đông Dương, thuộc nhóm đặc biệt quý hiếm. Nếu con người không có biện pháp kịp thời, tôi nghĩ rằng, tới đây chúng ta sẽ lại có một buổi công bố đáng buồn như buổi công bố loài tê giác một sừng tuyệt chủng”, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh nói.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Thành, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhận định vụ giết voọc là hình ảnh phản cảm, nhưng cũng là hồi chuông thức tỉnh xã hội để mọi người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và động vật linh trưởng nói riêng.
"Khi công bố tê giác Việt Nam tuyệt chủng thì trên thế giới còn tới khoảng 2.500 con. Loài gấu trúc ở Trung Quốc cũng còn 2.500 con đều nằm trong sách đỏ cần bảo vệ khẩn cấp, trong khi voọc chà vá chân xám chỉ còn 2.000 con", ông Thành cung cấp thêm.
Ông Thành nhấn mạnh, voọc chà vá chân xám chỉ có ở Việt Nam, nằm trong nhóm 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới. Chúng sống ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, sống theo đàn khoảng 10 - 15 con. Chúng ngủ đêm trên các cây gỗ lớn, có tán rậm. Ở Việt Nam, chà vá chân xám phân bố rất hẹp, chỉ ở các Quảng Nam, Kontum, Bình Định.
Ảnh: Vũ Ngọc Thành.
Một con voọc chà vá chân xám. Ảnh: Vũ Ngọc Thành.
Ông Rick Passaro, người quản lý dự án Bảo tồn voọc Cát Bà, tỏ ra rất giận dữ và sửng sốt khi thấy những bức ảnh về vụ giết voọc trên báo khi trao đổi với VnExpress. "Tôi và đồng nghiệp liên tục nói chuyện về vụ này những ngày gần đây", ông Rick Passaro nói.
Dù làm công tác bảo tồn động vật hoang dã một thời gian dài ở nhiều nước như Thái Lan, Mỹ, Bahamas, nhưng Rick Passaro chưa bao giờ chứng kiến những hình ảnh tương tự. "Hành hạ động vật đã chết như nhét mẩu thuốc lá vào miệng rồi đăng lên mạng là hành động nhẫn tâm”, ông nhận xét.
Passaro cho rằng, các thanh niên biết hành vi của họ là phạm pháp, nhưng họ vẫn chụp ảnh, đăng lên mạng như thách thức pháp luật. "Các thanh niên đó sẽ phải chịu án phạt nặng nhất theo quy định của pháp luật, vì bằng chứng quá rõ ràng”, ông nói.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, hành động tàn nhẫn của thanh niên bị cộng đồng mạng chỉ trích mạnh mẽ, song điều đó là chưa đủ. "Sự việc đã phản ánh một góc tối trong nhận thức và hành động của thanh niên. Đây không chỉ là hành động vô nhân đạo mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam", ông Trần Việt Hưng, phó giám đốc ENV nhấn mạnh.
Theo ông Trần Việt Hưng, ở các nước phát triển, việc bảo vệ động vật hoang dã được người dân rất coi trọng. Nhiều loài sau khi bị chết, người dân vẫn thông báo tới cơ quan chức năng để xử lý và đưa về bảo tàng. "Không người nào giết mổ động vật hoang dã để chế biến thành các món ăn như ở Việt Nam. Ở nước ta, tình trạng đưa tên các loài hoang dã quý hiếm trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn diễn ra khá phổ biến", ông Hưng nhấn mạnh.
Theo Điều 190, Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), người có hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Hương Thu - Trọng Giáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét