(1) Nữ công nhân gian nan kiếm chồng
Đúng 8h sáng, tiếng kẻng báo hết ca đêm đã vang lên, nhưng phải đến 20 phút sau, Liễu (công nhân thuộc công ty Hoya - khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Hà Nội) mới uể oải bước ra khỏi cổng với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ ...
Đi cùng tôi trên đường về xóm trọ, Liễu chỉ tay về hướng cầu Thăng Long rồi thở dài, hết tháng này mình sẽ xin nghỉ việc ở đây, chuyển qua bên kia cầu để trọ và xin việc mới. Lương lúc đó chắc sẽ ít hơn nhiều, thuê nhà và chi tiêu lại đắt đỏ nữa. Nhưng cứ ở đây mãi thì ế mất thôi. 28 tuổi rồi, còn ít gì nữa đâu ...
Gian nan kiếm chồng
Quê Liễu ở Hưng Hà - Thái Bình, nhà có tới 5 chị em , bố mất sớm, mẹ Liễu chỉ có nghề làm ruộng để nuôi con, cho nên vừa học hết cấp 3, Liễu đã phải rời quê lên Hà Nội kiếm việc làm.
Trải qua rất nhiều những công việc khác nhau, từ nhân viên trông quán nét, đến nhân viên bán xăng, rồi nhân viên phục vụ bàn. Cuối cùng, Liễu mới xin được việc ở công ty Hoya thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long .
Liễu bảo, so với những công việc đã từng làm qua thì công việc ở công ty này cho thu nhập cao nhất. Mỗi tháng, vừa tiền lương, vừa tiền phụ cấp, rồi tiền Liễu đăng ký làm tăng ca, cộng lại cũng được đến 4 triệu có dư.
Ấy thế nhưng, kiếm được bằng đấy tiền mỗi tháng cũng chẳng phải là dễ dàng gì. Công việc thì chia ca kíp, mỗi ca tận 12 tiếng. Nếu hôm nào làm ca ngày thì thời gian làm việc sẽ bắt đầu từ 8h sáng đến 20h tối. Còn nếu làm ca đêm thì sẽ bắt đầu từ lúc 20h tối cho đến tận 8h sáng hôm sau. Cho nên, cứ tan ca, về được đến nhà trọ, thay bộ quần áo, ăn tạm thứ gì đó là Liễu cũng như những công nhân khác lăn ra ngủ.
Cuộc sống của họ là triền miên những ngày như vậy. Thế nên, gần 3 năm thuê trọ và làm việc ở đây, Liễu vẫn đi về một mình, mặc cho mẹ và các anh chị em ở quê lo cuống lo cuồng.
Liễu bảo, “mẹ với các anh ở nhà suốt ngày gọi điện giục đấy, nghe mà sốt ruột. Mỗi lần về quê, cái bài ca lấy chồng lại vang lên suốt từ lúc mình về cho đến lúc đi nên thấy sợ lắm, nhiều lúc chẳng dám về quê nữa.”
Xóm trọ của gái “ế”
Ở xóm trọ của Liễu, có 6 phòng thì có tới 5 phòng là của nữ, và một phòng trọ của đôi vợ chồng bán hoa quả ở chợ Đông Anh.
Chỉ tay về căn phòng phía cuối dãy, Liễu bảo, đó là phòng của một chị cũng làm bên công ty Hoya, đã 34 tuổi rồi mà vẫn chẳng có chồng con gì cả. “Chị ấy quê Thái Nguyên, gần đây thôi, thế mà cả năm chị ấy chỉ về nhà có vài lần, chắc sợ người ta bàn tán về chuyện chồng con. Tiếc rằng hôm nay, chị ấy làm ca ngày, nên phải tầm 8h30 - 9h tối chị ấy mới có mặt ở nhà.”
Nói rồi, Liễu dẫn tôi đến một phòng trọ ở khu trọ bên cạnh khu nhà Liễu. Đó là nơi ở của Lài, quê Thanh Hóa.
Lài là cô gái may mắn nhất trong đám bạn chơi của Liễu ở trên khu công nghiệp có người yêu. Người yêu của Lài không ở gần nơi cô làm, nhưng ngày nào cũng vậy, cứ rảnh ra là cô lại ôm lấy cái điện thoại để thủ thỉ với người yêu.
Nói về chuyện những công nhân lỡ thì ở khu công nghiệp, Lài chỉ thở dài: “Ở cái đất này, kiếm được người tử tế đâu phải dễ, nếu ai khó tính một chút thì chuyện ế xưng ế xỉa ở đây là bình thường thôi. Gái ế ở đây, có mà đông như quân Nguyên. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ can đảm để chấp nhận chuyện này đâu!”.
Trước kia ở cùng phòng với Lài, có cô bạn làm cùng công ty sinh năm 1985, tên Huyền. Hồi mới chuyển đến ở với nhau, Lài biết Huyền chưa có người yêu. Chả hiểu sao, vài tháng sau, hôm nào Lài cũng thấy Huyền ôm điện thoại ra cửa buôn chuyện với một anh nào đó, và cười đùa rất vui vẻ.
Gặng hỏi mãi, thì Huyền bảo, đó là người yêu của Huyền, đang đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc.
“Mà Huyền nói chuyện tình cảm lắm, nũng nịu với người yêu qua điện thoại thì thôi rồi. Mình cũng có người yêu tâm lý mà nhiều lúc còn ghen tị ấy”. - Lài lém lỉnh.
Nhưng sẽ không có gì để nói nếu như không có chuyện chiếc chuông thiện thoại của Huyền bỗng dưng lại reo ầm ĩ trong lúc Huyền đang cầm để tâm sự với người yêu khiến mặt Huyền tái dại.
Mấy hôm sau Huyền mới thú nhận, vì thấy cô đơn và ghen tị với bạn, nên đã tự huyễn hoặc mình là có một người yêu ở xa để nũng nịu và dốc bầu tâm sự mỗi ngày. Và từ trước đến nay, Huyền toàn cầm điện thoại để tưởng tưởng tượng ra việc đang nói với người yêu, chứ chẳng có cuộc gọi nào của anh bên Hàn cả.
Sau đó thì Huyền chuyển khỏi khu trọ và cắt liên lạc với mọi người ở đây.
“Không biết giờ nó ra sao, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy nó cũng tội quá !” - Lài thở dài.
Ông Lê Văn Thành (trưởng ban văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM): Bệnh phụ khoa, nạo phá thai và nhiều hệ lụy Trong xã hội học, lao động nhập cư được xếp vào dạng đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là lao động nữ. Cùng những yếu tố xã hội tác động nhưng nhóm này dễ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, từ đó phát sinh nhiều vấn đề xã hội hơn các nhóm khác. Qua điều tra sơ bộ, thái độ trước tình yêu của công nhân nữ chia làm hai khuynh hướng khá rõ rệt: một nhóm bởi khao khát sự yêu thương nên có lối sống khá cởi mở, nhóm còn lại - chiếm đa số - do không thể hòa nhập hoàn toàn vào xã hội đang sống nên có thái độ khép kín. Với nhóm khép mình, do bị ức chế nên nếu có điều kiện họ cũng dễ dàng sa đà vào các mối quan hệ mà không lường trước được hậu quả. Cộng với sự thiếu hụt kiến thức quan hệ tình dục an toàn, chuyện chị em công nhân nói chung mắc các bệnh phụ khoa, bệnh lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, tỉ lệ có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai cao... trở nên phổ biến. (Theo Tuổi trẻ) |
Minh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét