Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Chủ tịch Vũ, ông vua cà phê ở Việt Nam

Forbes


Tác giả: Scott Duke Harris
Người dịch: Dương Lệ Chi
25-07-2012

 

Một buổi sáng ấm áp ở Hà Nội, vào lúc 8 giờ kém 10’, triết gia và là ông vua ngành công nghiệp cà phê hùng mạnh của Việt Nam, đang hút điếu xì gà đầu tiên trong ngày của ông còn khoảng 2 inch (5 cm). Chủ tịch Vũ ăn mặc như thường ngày, đầu đội chiếc mũ Panama, nói ông thích xì gà hiệu Cohiba hơn, nhưng điếu này hiệu Davidoff, “một thương hiệu của Đức”, ông nói qua người phiên dịch. Ông mời tôi một điếu, nhưng dường như hơi sớm để hút xì gà.
Khi không thấy Đặng Lê Nguyên Vũ điều hành Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên tại trụ sở của công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, người ta có thể tìm thấy ông tại một nơi ẩn dật rộng lớn của mình ở chỗ trồng cà phê trên Tây Nguyên, nơi mà ông có thể chọn 120 con ngựa trong chuồng để cưỡi.
Những người phương Tây làm ăn ở Việt Nam ước tính tài sản cá nhân của ông Vũ ở miền bắc trị giá khoảng 100 triệu đô la, số tiền không thể tin được ở một đất nước có thu nhập bình quân đầu người là 1.300 đô la một năm.
Vào ngày đặc biệt này, Chủ tịch Vũ, ông ấy thường được gọi như thế, đến thủ đô Việt Nam gặp thủ tướng và bộ trưởng nông nghiệp để thảo luận chính sách cà phê quốc gia. Vì thế, ông ấy uống cốc cà phê buổi sáng và hút thuốc tại quán cà phê Trung Nguyên ở gần chỗ các chính trị gia. Thật vậy, chỗ đó quá gần để rồi vài tuần sau đó bị giải tỏa để xây dựng một tòa nhà quốc hội mới.

Giống như nhiều đồng hương của mình, Chủ tịch Vũ có bức tượng bán thân của người đàn ông mà người Việt Nam gọi là “Bác Hồ”, đã được tống táng không xa chỗ chúng tôi gặp nhau sáng nay. Nhưng một nhà cách mạng cộng sản [nếu ông Hồ còn sống] sẽ nghĩ gì về một nhà tư bản 41 tuổi này?
Hồn ma của ông Hồ có thể thưởng thức điều mà Chủ tịch Vũ gọi là “học thuyết cà phê” của ông. Vũ chỉ ra rằng, Việt nam và hầu hết những nước trồng cà phê khác đều nghèo, các nước nhiệt đới thường nhận được chỉ có 1 đô la cho mỗi 20 đô la thu được trong ngành công nghiệp cà phê toàn cầu, với phần lớn lợi nhuận chạy vào những công ty giống như Nestlé và Starbucks. “Tại sao chúng ta nên theo trật tự đó?” ông hỏi. Vũ cho biết, Trung Nguyên hiện xuất khẩu sang 60 nước và đang vươn xa hơn nữa vào thị trường Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam có thể tiếp tục vươn tới chuỗi giá trị của ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ đô la này.
Ông Đặng Xuân Minh nói, Bác Hồ muốn Việt Nam thịnh vượng. Ông Đặng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là người sáng lập công ty AVM, một công ty chuyên tư vấn về sáp nhập và mua lại các công ty. Ông Đặng lưu ý, ngày 13 tháng 10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, là ngày trùng hợp ngẫu nhiên với ngày mà ông Hồ gửi một bức thư cho các thương nhân Việt Nam năm 1954, cám ơn họ đã hỗ trợ tài chính cho cuộc nổi dậy chống Pháp.
Chủ tịch Vũ nổi bật trong lực lượng nồng cốt của các nhà tư bản, những người đang trở thành nguồn cảm hứng cho việc chấp nhận rủi ro trong một xã hội thay đổi. Một nữ phát ngôn viên nói, giữ công ty Trung Nguyên cho riêng cá nhân (ND: không cho ra thị trường chứng khoán), sẽ không cung cấp nhiều về tài chính, nhưng doanh số bán hàng của công ty là 151 triệu trong năm 2011 và gia tăng 78% trong năm nay.
Khi cà phê hòa tan giành được khách hàng tiềm năng ở thị trường khổng lồ Trung Quốc – ở nước có nền văn hóa tương tự như Việt Nam, từ lâu đã thích uống trà hơn – Vũ nói một cách táo bạo về sự mở rộng quan trọng bao gồm một lịch trình hai năm để đưa công ty của ông lên sàn chứng khoán, không phải ở các thị trường khiêm tốn của Việt Nam, mà ở một thị trường chứng khoán quốc tế. Trong nội bộ công ty, Vũ thúc đẩy một cuộc chiến, kế hoạch đầu tư mường tượng khoảng 800 triệu đô la vào các nhà máy và các khoản đầu tư đại loại như thế trong mười năm.
Thấu hiểu những căng thẳng dai dẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể làm phức tạp các kế hoạch như thế, Vũ lưu ý lập trường của phương Tây. “Chúng tôi hy vọng mỗi người Trung Quốc sẽ chi tiêu 1 đô la một năm vào sản phẩm cà phê của chúng tôi”, nữ phát ngôn viên này giải thích.
Lai lịch bình dân của Vũ là một lý do nữa mà ông nổi bật ở một đất nước mà tự do hóa thường bị đổ lỗi cho việc sản sinh chủ nghĩa tư bản thân hữu. Ông ấy “đã đi từ số không để trở thành anh hùng”, ông Nguyễn Việt Khôi nói. Ông Khôi là một giáo sư ở trường đại học về kinh tế và kinh doanh Việt Nam.
Năm 1986, Vũ là một học sinh trung học, khi những người cầm quyền Việt Nam nhận ra rằng kinh tế kế hoạch tập trung không hữu hiệu ở một đất nước bị tàn phá trong nhiều thập kỷ chiến tranh và phụ thuộc vào Liên Xô suy yếu. Một đất nước với những đồng lúa lại nhập khẩu gạo để nuôi [những người dân] đói. Các cải cách của Việt Nam, được gọi là đổi mới, chuyển nền kinh tế bất thường của đất nước tới điều mà chính phủ nước này gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ở Việt Nam, được biết, muốn làm ăn lớn cần phải một “chiếc ô” để được bảo vệ từ các quan chức có ảnh hưởng. Vũ hiện có thể có vài chiếc ô, nhưng thời thơ ấu của ông điển hình ở vùng cao nguyên nông thôn – chăm sóc mùa màng và những con lợn của của gia đình ông, giúp mẹ ông làm gạch ở một lò gần nhà. Ông học xuất sắc ở trường và được nhận vào một chương trình dự bị ngành y, ở trường Đại học Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, thủ phủ cà phê.
Vũ và các bạn sinh viên uống rất nhiều cà phê. Vũ cho biết, trong năm học thứ ba, ông nhận ra rằng ông không muốn trở thành bác sĩ. Mẹ của ông đã rơi nước mắt khi ông nói với bà ấy về kế hoạch của mình, tấn công mạnh vào ngành công nghiệp cà phê vừa chớm nở ở Việt Nam.
Trong một căn nhà chỉ có một phòng nhỏ, nơi đặt lò rang cà phê đầu tiên của mình, Vũ vẽ dấu hiệu đầu tiên cho Trung Nguyên (hoặc đại loại như Tây Nguyên). Ông nói, số vốn ban đầu của ông, là “sự tin tưởng” của những người trồng cà phê, họ đã cung cấp cho ông hạt cà phê với lời hứa rằng ông sẽ chia cho họ tiền lời. Ông đã đi giao cà phê bằng xe đạp trước khi nâng cấp lên thành xe máy. Mười lăm năm sau, công ty của Vũ có thể có tới 3.000 nhân viên và một đội xe tải.
Bố mẹ của Vũ hiện sống ở ngôi nhà của ông ngoài Buôn Ma Thuột, nơi “Làng cà phê” Trung Nguyên có một viện bảo tàng và hội trường. Ngoài mấy con ngựa, Vũ cũng đã sưu tập hàng chục tượng bán thân của các danh nhân như Mao, Napoleon, Balzac và Beethoven. Vì sao? Ông giải thích: “Những thay đổi lớn thường đến từ các cá nhân, không phải từ một nhóm người“.
Sự thăng tiến của Vũ không phải đến mà không xảy ra tranh cãi. Ông là người duy nhất có tên trong một cuốn sách do các học giả Việt Nam biên soạn (không phải ông Khôi), với tựa sách được dịch là “Talented and Deservingly So” – Tài năng và Đắc dụng (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2008). Trong số mười người Việt được nêu tiểu sử trong cuốn sách –  Bill Gates và Thomas Edison tiêu biểu trong số những người nước ngoài – ngoại trừ Vũ, ​​tất cả những người khác là các nhân vật lịch sử. Các tác giả đã dành 42 trang để nói về Vũ, so với 25 trang nói về ông Hồ. “Choáng với việc quyển sách đặt TGĐ điều hành của Trung Nguyên ngang với người đàn ông vĩ đại” là một trong nhiều tựa đề. Trong một bức thư, Vũ phủ nhận các cáo buộc rằng ông đã “mua” được sự tôn vinh mình và cũng cảm ơn các nhà phê bình, nói rằng cuộc thảo luận mở thì tốt cho đất nước.
Vũ đã giúp đào tạo các doanh nhân khác và đã nổi lên như là một đại sứ không chính thức của sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông đã nói trước các nhóm như Sloan Fellow của MIT và đã tổ chức các buổi nói chuyện về cà phê quốc tế. Giáo sư Peter Timmer của trường Harvard, một học giả về an ninh lương thực, là người thường xuyên đi thăm châu Á, nói rằng, ông và Vũ đã có nhiều cuộc trò chuyện dài.
Ông Timmer nói: “Cảm giác của tôi là Vũ là rất thông minh và cũng là một nhà lãnh đạo thực sự về mặt kinh doanh. Anh ấy có một tầm nhìn về những gì công ty có thể làm, và anh ấy có thể truyền đạt tầm nhìn đó cho toàn bộ nhân viên. Họ tin tưởng vào điều đó và trở thành những nhân viên có hiệu quả cao, do đó góp phần thực hiện tầm nhìn đó“.
Ông nói thêm: “Henry Ford là như thế; George Eastman là như thế; Steve Jobs là như thế. Tôi không chắc liệu có thích hợp để đặt Vũ vào nhóm đó được chưa, nhưng anh ấy gây ấn tượng cho tôi là một trong những doanh nhân thành công nhất ở Đông Nam Á“.
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trước cơn suy thoái gần đây từ những nỗ lực kiểm soát lạm phát lan tràn, kinh tế nước này đã tăng trưởng ở mức 7%. Được Ngân hàng Thế giới thúc đẩy bằng các khoản vay, ngành công nghiệp cà phê nước này đi từ một nước xuất khẩu nhỏ thành nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil.
Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Vũ cho biết, ông đang thúc đẩy chiến lược “cụm” để đưa đất nước đi lên từ một nước sản xuất hạt cà phê thành một nước đóng vai trò lớn hơn như rang cà phê, chế biến và xuất khẩu. Ông giải thích: “Trong khi anh có thể thấy tăng trưởng kinh tế qua các con số, tôi không nghĩ rằng mô hình cũ sẽ hữu hiệu trong tương lai. Chúng tôi sẽ cần một công thức mới cho sự thành công” .
Gần đây, Trung Nguyên đã đầu tư thêm nhà máy chế biến thứ năm để hỗ trợ việc xuất khẩu cà phê hòa tan sang Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi mà họ nói công việc kinh doanh tăng trưởng hơn 25% hàng năm.
Ở trong nước, Trung Nguyên sở hữu 42 quán cà phê và thương hiệu cà phê Trung Nguyên có mặt ở 1.000 tiệm cà phê khác, cũng như nổi bật ở các cửa hàng tạp hóa. Theo ACNielsen, Trung Nguyên hơn hẳn Nescafé của Nestlé và Vina cafe Biên Hòa, thuộc tập đoàn Masan Group Việt Nam nắm giữ.
Vũ có một trang trại kiểu mẫu với mục đích gia tăng số lượng và chất lượng cà phê Việt Nam, bằng cách áp dụng hệ thống thủy lợi từ Israel và loại phân bón đặc biệt từ Phần Lan. Mục đích là giúp cho Việt Nam, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về vị cà phê gắt hơn, với giá thành rẻ hơn hạt cà phê Robusta, để tăng diện tích trồng cà phê Arabica, có hương vị dịu hơn và bán được giá cao hơn.
Gắn vào học thuyết của Vũ là đức tin của ông ấy rằng cà phê giúp suy nghĩ thoáng, kích thích sáng tạo và thúc đẩy sự tiến bộ. Có chút gì đó giống như ghi công các ki-ốt ở Seattle cho Microsoft, Amazon và nhạc trẻ grunge rock. Ông Timmer nói: “Quan niệm về việc tiêu thụ cà phê là chỉ số dẫn đầu về sự tiến bộ và sáng kiến là vô lý, nhưng dường như anh ấy tin điều đó” .
Bào bì đóng gói cho sản phẩm cà phê thượng hạng Legendee của Trung Nguyên là hình ảnh của Honoré de Balzac và câu trích dẫn: “Khi chúng ta uống cà phê, những ý tưởng [xuất hiện] như đi diễu hành trong như quân đội“. Giống như nhiều người Việt Nam, Vũ có vẻ miễn cưỡng khi nói về chính trị. Ông nói: “Điều chúng tôi nhấn mạnh là sự sáng tạo và năng lượng sáng tạo về những gì mọi người có thể làm gì để thay đổi cuộc sống của họ“.
Khi buổi trò chuyện sáng hôm đó đổi hướng, Vũ hồ hởi đề nghị rằng, thay vì khái niệm của đạo Lão về âm và dương, văn hóa Việt Nam có thể được thể hiện tốt hơn qua hai biểu tượng dân gian là con rùa và con rồng. Con rùa thì cứng cỏi, kiên nhẫn và bền gan, sống lâu dù gặp tai ương. Hãy nghĩ đến những người lính sống trong địa đạo Củ Chi là những con rùa vào ban ngày và là con rồng vào ban đêm, những người mà cách đây 40 năm đã làm cho lực lượng Mỹ phải quay gót. Con rồng là biểu tượng không có thật về sự may mắn, dám ước mơ và hành động. Vũ nói khi điếu xì gà trên tay đã cháy hết từ lâu: “Nếu bạn không có mơ ước thì làm sao bạn có thể biến nó thành hiện thực?Không có hành động, chúng ta không nên hy vọng một kết quả tốt đẹp nào”.
Ông nói thêm, nhưng con rùa cũng rất quan trọng. Ông cười toe toét: “Vậy ông có muốn tôi nói cho ông nghe về tỷ lệ của Trung Nguyên không? Tôi có thể nói rằng chúng tôi có 2 phần rùa và 3 phần rồng”.
Nguồn: Forbes

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét