Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

‘Lãi suất 15% sẽ ổn định trong một năm tới’


Trong khuôn khổ vài tiếng đối thoại sáng 20/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra hàng loạt cam kết, chỉ đạo và kêu gọi doanh nghiệp thủ đô tin tưởng, làm theo để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá"
Khách mời đặc biệt của chương trình đối thoại là đại diện các ngân hàng và 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, nói như một số doanh nhân phát biểu tại hội trường sáng nay, doanh nghiệp cả nước đang dõi theo diễn biến hội nghị và ngóng trông các giải pháp liên quan tới lãi suất, tín dụng, xử lý nợ.
3 doanh nghiệp đầu tiên tham gia thảo luận đều có quy mô lớn hoặc vốn góp nhà nước. Vì thế, họ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) hoạt động trên cả 3 lĩnh vực xuất khẩu, bán lẻ và dịch vụ, với tổng doanh thu hằng năm hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đóng góp từ thị trường nội địa.
“Tính toán dựa trên các khoản vay của chúng tôi cho thấy lãi suất bình quân 6 tháng đầu năm nay vào khoảng 16%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 18%, giúp giảm bớt phần nào chi phí vốn”, Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn tiết lộ.

Ông thừa nhận Hapro may mắn vì là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh vẫn tương đối và có nguồn thu tốt, nên tiếp cận vốn vay ngân hàng không khó khăn. Tuy nhiên, ông vẫn gửi tới Thống đốc 3 kiến nghị nhằm tháo gỡ cho hoạt động kinh doanh của riêng Hapro và nhiều doanh nghiệp khác, đó là quy định về cho vay ngoại tệ, chủ trương giải ngân vốn vay vào tài khoản của doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động lấy vốn ra kinh doanh, và chính sách tín dụng bất động sản.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà cũng tự nhận doanh nghiệp mình có quy mô lớn, và không quá khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, trên cương vị Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, ông Sơn cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đề nghị ngân hàng khẩn trương hỗ trợ.
“Doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn có tiềm năng phát triển, ngân hàng đã có chủ trương hỗ trợ thì cần đồng hành và ứng cứu sớm. Nếu giúp được thì giúp ngay, chứ để chờ đợi thêm đã quá muộn”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông, lãi suất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong mỏi và có thể chấp nhận được chỉ vào khoảng 10%. Và ngân hàng nên mạnh dạn cho vay khách hàng tốt với hình thức tín chấp, vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay hầu như không còn tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Tập đoàn Intimex
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Tập đoàn Intimex (áo xám, bên phải) trao đổi với các ngân hàng và doanh nghiệp sau bài phát biểu của mình. Ảnh: T.T.
Buổi đối thoại thực sự nóng lên với phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn Intimex, ông Đỗ Hà Nam. Intimex tiền thân là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu trực thuộc Bộ Công Thương, hiện có quy mô vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hằng năm 20-50% và tổng doanh thu năm nay ước trên 30.000 tỷ đồng. Vì thế, ông Nam nhấn mạnh công ty không gặp khó khăn khi vay vốn, thậm chí Intimex còn giành quyền kén chọn ngân hàng.
Tuy nhiên, điều khiến ông bức xúc đấy chính là thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp thậm chí thiếu chữ tín tại chi nhánh một số ngân hàng. “Chúng tôi chỉ chọn 3 ngân hàng để hợp tác. Thực tế có những ngân hàng rất chuẩn, an tâm để hợp tác. Nhưng cũng có nơi nếu hợp tác sẽ rất rủi ro, vì cái kiểu làm việc sáng nắng chiều mưa, hứa cho vay buổi sáng nhưng chiều đòi lại, khiến doanh nghiệp đóng cửa lúc nào không hay”, ông Nam nói.
Kể lại câu chuyện thương tâm của một công ty xuất nhập khẩu hạt điều, ông Nam cho rằng ngân hàng có vai trò rất lớn trong việc đẩy doanh nghiệp này từ chỗ hoạt động lành mạnh thành con nợ và đối mặt với tội danh lừa đảo. Doanh nghiệp này, theo ông Nam, đã vay tiền ngân hàng để nhập khẩu điều. Nhưng do khó khăn về nguồn thu, công ty đã vay nóng để trả nợ ngân hàng.
Sai lầm lớn nhất thuộc về công ty, khi quyết định vay mượn bên ngoài để có vốn trả cho ngân hàng, tiền lãi vay nóng vượt quá khả năng chi trả khiến công ty vỡ nợ, rồi nguy cơ mắc tội lừa đảo, dùng vốn vay không đúng mục đích. Nhưng theo ông Nam, lẽ ra ngân hàng có thể giúp doanh nghiệp thoát thảm cảnh đó, nếu hai bên bình tĩnh ngồi lại, tái cơ cấu nợ và gia hạn trả nợ.
Tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng hôm 11/7, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục rà soát để tái cơ cấu các khoản nợ một cách hợp lý, đồng thời giảm lãi suất hợp đồng vay cũ về không quá 15% từ 15/7. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho thấy, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm 30-50% tổng số các hợp đồng cũ về 15% một năm. Riêng chi nhánh Vietcombank và BIDV tại Hà Nội đã giảm toàn bộ cho các khoản vay cũ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết tuyệt đại đa số các ngân hàng trên cả nước đã có văn bản cam kết thực hiện chủ trương này.
Vietinbank là đại diện ngân hàng thương mại duy nhất tham gia phát biểu tại hội nghị. Phó tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho biết trước khi Thống đốc chỉ đạo, trên 85% khoản vay tại ngân hàng này đều có lãi suất dưới 15% và từ ngày 15/7 tất cả dư nợ đều đã được điều chỉnh.
“Với các khách hàng lớn, là trụ cột của nền kinh tế và có phương án kinh doanh khả thi, điều kiện trả nợ tốt, Vietinbank sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của doanh nghiệp với lãi suất cạnh tranh”, ông Thọ tuyên bố. Còn với các doanh nghiệp tạm thời lâm vào cảnh khó khăn, Vietinbank cam kết sẽ ngồi cùng khách hàng tính toán để tái cấu trúc các khoản nợ.
Sau bài phát biểu, ông Thọ được Thống đốc đề nghị nán lại để cho doanh nghiệp trực tiếp chất vấn. Thống đốc cũng kêu gọi khách hàng Vietinbank nếu ai đang bị “chèn ép” hoặc không được hưởng các chế độ như Phó tổng giám đốc Thọ vừa nêu, thì mạnh dạn lên tiếng ngay tại hội trường.
Không một doanh nghiệp nào đứng lên chất vấn ông Thọ ngay lúc đó. Nhưng sau giờ giải lao, trong bài phát biểu của mình, một nữ giám đốc kinh doanh thiết bị xây lắp đã trách khéo Vietinbank chi nhánh Hà Nội vì quy trình thẩm định rườm rà. Bà cho biết trước đây thường vay ngân hàng cổ phần, nhưng muốn chuyển qua Vietinbank Hà Nội để được hưởng lãi suất thấp hơn. Nhưng hơn một tháng rồi, hợp đồng vay vốn chưa được ký kết vì mỗi hôm kế toán công ty lên làm việc lại được yêu cầu bổ sung một loại giấy tờ, hoàn thiện thêm một loại thủ tục khác.
“Vietinbank là ngân hàng quốc doanh nhiều vốn và thông thoáng nhất hiện nay. Công ty chúng tôi kinh doanh 11 năm chưa một lần trả chậm ngân hàng, chưa bao giờ phải tái cơ cấu nợ. Phương án kinh doanh của chúng tôi rõ ràng, lại là làm thuê cho dự án ODA Nhật Bản, thế chấp bằng máy và cả tài sản cố định. Vậy mà chúng tôi đi vay còn khó khăn như thế, thử hỏi các doanh nghiệp yếu thế hơn, họ sẽ khó khăn thế nào?”, nữ doanh nhân này bức xúc.
Vấn đề lớn hơn nữ doanh nhân này quan tâm đó là sự ổn định của chính sách tiền tệ. Bà lo lắng kịch bản đau thương năm nào có thể tái diễn, vay vốn lãi suất 8-10% để nhập khẩu máy móc thiết bị về bán và cho thuê, nhưng hàng chưa kịp bán thì lãi suất vọt lên trên 20% khiến doanh nghiệp xoay sở không kịp.
“Doanh nghiệp của tôi 2 ngày hôm nay đã được hạ lãi suất tất cả các khoản vay cũ từ 18% xuống 15%. Nhưng câu hỏi đặt ra là lãi suất này sẽ giữ được trong bao lâu? Tôi không mong 10%, 15% đã tốt lắm rồi, nhưng có một kiến nghị nhỏ nhoi là cần giữ ổn định ít nhất một năm”, nữ giám đốc này nói. Bà cũng đề xuất ngân hàng cần có cơ chế phân loại doanh nghiệp, ai tốt thì cần cho vay ngay.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố lãi suất sẽ giữ ổn định trong vòng ít nhất một năm tới. Ảnh: L.A.
Mặc dù là khách mời “đến từ trung ương”, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình đích thân chủ trì hội nghị, và đối thoại trực tiếp với từng doanh nghiệp lên phát biểu, chứ không theo cách tóm gọn các câu hỏi đề rồi trả lời theo nhóm vấn đề như thường làm trước đây.
“Với tư cách Thống đốc, tôi đảm bảo với chị là lãi suất 15% có thể ổn định ít nhất một năm và hy vọng còn nhiều năm nữa”, ông trực tiếp trả lời câu hỏi của nữ giám đốc công ty kinh doanh thiết bị xây lắp. Cơ sở để Thống đốc tin tưởng như vậy là lạm phát năm nay sẽ dừng ở mức 7-8%. Theo ông, lãi suất cho vay về 10% là mong mỏi của cả nền kinh tế, tuy nhiên điều này có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào diễn biến thực tế, đồng thời phải cân đối giữa lợi ích người gửi tiền và người cho vay, cân đối giữa tăng trưởng tín dụng với mục tiêu ổn định vĩ mô.
Về câu chuyện thủ tục vay vốn ở Vietinbank, ông yêu cầu lãnh đạo ngân hàng này ngay lập tức rà soát hợp đồng và chậm nhất 2 ngày sau phải báo cáo kết quả xử lý, xem vướng ở đâu và trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp. Ngay sau chỉ đạo của Thống đốc, đại diện Vietinbank Hà Nội cũng nhanh chóng tiếp cận và trò chuyện với nữ giám đốc ngay tại hội trường.
“Các ngân hàng hiện nay cạnh tranh giành giật khách hàng tốt. Nếu chi nhánh này khó khăn, chị bỏ sang ngân hàng khác vay cho tôi nhờ”, Thống đốc dí dỏm nói, và không quên nhắc nhở Phó tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ báo cáo sớm kết quả thẩm định trong vòng 2 ngày.
Ông cũng đưa ra các gợi ý rõ ràng cho thắc mắc của doanh nghiệp như hiện không còn hạn chế tín dụng với bất động sản (ngoại trừ đầu tư khu công nghiệp), tạm thời chưa áp dụng Thông tư 30 về cho vay ngoại tệ để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, yêu cầu các ngân hàng linh hoạt cho vay tín chấp...
Thống đốc cũng chia sẻ với doanh nghiệp khi lãi suất tăng cao hơn những năm trước, điều kiện tiếp cận vốn cũng rất khó khăn. Theo ông có tình trạng này một phần do tăng trưởng tín dụng co hẹp, từ mức trên 30% của các năm trước, giảm xuống còn 14% vào năm ngoái và gần như không tăng trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông không đồng ý với các quan điểm cho rằng ngân hàng "ăn trên lưng" doanh nghiệp. Bởi theo ông, ngân hàng chỉ là cơ quan trung gian, huy động tiền của dân và của chính doanh nghiệp, để rồi lại cho doanh nghiệp vay. Lãi suất nếu cao, thì phần lớn cũng dùng để trả lãi tiền gửi của dân và doanh nghiệp, chứ không đổ hết vào túi ngân hàng.
Ông cũng chỉ ra tình trạng doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, chẳng hạn một công ty thủy sản vay vốn ưu đãi với mục đích thanh toán hợp đồng mua cá của nông dân, nhưng thực tế lại đem tiền đó đi đầu tư bất động sản, đến khi bất động sản rớt giá không thu hồi vốn được, công ty lâm vào cảnh mắc nợ cả nông dân lẫn ngân hàng.
Ông cũng kể lại câu chuyện một doanh nghiệp trẻ ở Hưng Yên viết tâm thư cho Thống đốc. Vốn tự có của công ty chỉ vài chục triệu, đã vay ngân hàng 3 tỷ đồng và tiêu hết, nay muốn vay thêm 3 tỷ nữa để quyết tâm đầu tư kinh doanh, nhưng ngân hàng không đồng ý.
"Tôi trân trọng ý chí, khát vọng làm giàu của anh doanh nhân đó. Nhưng quả thật nếu tôi là giám đốc chi nhánh ngân hàng từng cho anh ấy vay tiền, thì giờ đây tôi cũng vô cùng lo lắng", Thống đốc Bình nói. Theo ông, quy mô công ty quá nhỏ, phương án kinh doanh không rõ ràng, thiếu kinh nghiệm quản trị rủi ro thì không thể mong chờ ngân hàng cấp vốn.
Tại buổi đối thoại sáng nay, Thống đốc cũng giãi bày những cái khó của Ngân hàng Trung ương khi phải cùng một lúc gánh hai vai, vừa ổn định chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát lại vừa lo đảm bảo sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông thừa nhận những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung còn giật cục, lúc nóng lúc lạnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông cam kết chính sách của Ngân hàng Trung ương tới đây sẽ ổn định và dễ dự báo hơn. Ông nhắc lại lời cam kết của mình đưa ra cuối năm ngoái, rằng cả năm 2012 tỷ giá sẽ tăng không quá 2-3% và thực tế đang được giữ ổn định.
"Chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn kiểu giật cục đùng đùng nữa. Mong doanh nghiệp tin tưởng và làm theo, chúng tôi đã nói là làm và làm cho bằng được", Thống đốc kêu gọi.
Song Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét