Lập lờ giữa kinh doanh mắt kính thời trang với kinh doanh kính thuốc; nhân viên đo khúc xạ hoặc mài lắp kính thuốc không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ về thiết bị y tế.
Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày
14-11-2011 của Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối
với cơ sở kính thuốc như sau: Đo tật khúc xạ mắt, tư vấn về
việc sử dụng kính. Mài lắp kính thuốc theo đơn của bác sĩ (BS)
và bảo hành kính thuốc. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng mắt
kính kiêm hoạt động kính thuốc sau khi đo khúc xạ và thử tròng
kính đều thực hiện mài lắp kính cận, viễn, loạn cho khách
hàng mà không cần đơn của BS.
"Kính nào cũng là kính!"
Theo BS Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế
quận 2 (TP.HCM), không ít các cửa hàng chỉ đăng ký kinh doanh
mắt kính thời trang. Tuy nhiên, khi thấy nhiều khách hàng có nhu
cầu làm kính thuốc các cửa hàng liền trang bị thêm máy đo khúc
xạ, nghiên cứu phương pháp đo mắt và lắp kính thuốc.
Tương tự, BS Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Y
tế huyện Hóc Môn, cho rằng hơn 10 cửa hàng trên địa bàn huyện
đăng ký kinh doanh mắt kính. Thế nhưng khi kiểm tra phát hiện
hầu hết kinh doanh thêm kính thuốc mà người đứng đầu cơ sở và
người đo khúc xạ mắt không có chứng chỉ hành nghề. “Chẳng
những phạt, đoàn kiểm tra còn yêu cầu các cửa hàng phải bổ
sung hồ sơ đăng ký kinh doanh kính thuốc” - BS Trường nói.
Trong khi đó, BS Hà Văn Sắc, Trưởng phòng Y tế
quận 12, cho rằng do các cửa hàng trên địa bàn chỉ đăng ký kinh
doanh mắt kính, không liên quan đến kính thuốc nên ngành y tế
không kiểm tra. Tuy nhiên, khảo sát của PV cho thấy hầu hết cửa
hàng kinh doanh mắt kính trên địa bàn quận 12 đều kiêm nhiệm đo
khúc xạ và lắp tròng kính thuốc! Nhiều cửa hàng mắt kính
còn ghi trên bảng hiệu dòng chữ: “Kính cận, viễn, lão, áp
tròng”. Cửa hàng Thế giới kính (C33-34 Nguyễn Văn Quá, quận 12)
còn trương bảng “Trung tâm kính thuốc” với lời rao “có bác sĩ
chuyên khoa mắt”, đáp ứng các nhu cầu cận, viễn, loạn, hai tròng, đa
tròng....
Cửa hàng Thế giới
kính (C33-34 Nguyễn Văn Quá, quận 12) trương bảng “Trung tâm kính
thuốc” với lời rao có “bác sĩ” chuyên khoa mắt, đáp ứng các nhu cầu
cận, viễn, loạn, hai tròng, đa tròng... Ảnh: TRẦN NGỌC
Học năm ngày là “hành nghề” ngay!
Ông Đ., chủ cửa hàng mắt kính ở quận Tân Bình,
không giấu giếm cho biết trước đây ông kinh doanh kính thời
trang. Sau thấy nhiều khách hàng có nhu cầu sử dụng kính thuốc
nên ông tìm mua máy đo khúc xạ rồi gửi người bạn đang… thất
nghiệp đến chỗ quen để học cách đo mắt và mài lắp kính. “Trong
vòng năm ngày, bạn tôi bắt tay “hành nghề”” - ông Đ. nói.
Chính vì tay nghề và tròng kính thuốc tại
các cửa hàng mắt kính không được kiểm soát nên nhiều khách
hàng lãnh hậu quả, không biết kêu ai.
Cô H., giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ấm
ức: “Cách đây hai tháng tôi ghé cửa hàng mắt kính trên đường Ba
Tháng Hai (quận 10) đo mắt và làm kính. Kết quả mắt phải và
trái cận lần lượt 3 độ và 3 độ 25. Cửa hàng bán cho tôi tròng
kính Nhật với giá 340.000 đồng/cặp. Sử dụng hai ngày tôi luôn
chóng mặt, nhìn không rõ, sau đó tôi ghé cửa hàng mắt kính
của một doanh nghiệp uy tín để đo mắt lại. Kết quả mắt phải
của tôi chỉ cận 1 độ 25, mắt trái cận 2 độ. Nhìn mắt kính tôi
đeo, nhân viên cửa hàng quả quyết là của Trung Quốc, giá chỉ
80.000 đồng. Chưa hết, khi tôi hỏi mua tròng kính của Nhật thì
nhân viên cho biết giá chỉ 180.000 đồng/cặp”.
Tương tự, bà L., công tác tại Sở Thông tin và
Truyền thông TP.HCM, cho biết đầu năm 2012 đưa con trai học lớp 7
đến đo mắt tại cửa hàng mắt kính trên đường Điện Biên Phủ
(quận 3, TP.HCM). Sau khi thông báo mắt phải và trái của con bà
cận lần lượt là 2 độ 50 và 3 độ 25, nhân viên cửa hàng bảo nên
làm kính của Mỹ với giá 480.000 đồng/cặp. “Nghĩ “tiền nào
của nấy” nên tôi đồng ý. Mang kính được ba ngày con tôi than
nhức mắt, đau đầu nên tôi đưa đến bệnh viện chuyên khoa mắt đo
lại. Kết quả mắt phải chỉ cận 1 độ 25 và mắt trái cận 2 độ.
Xem cặp kính con tôi đeo, kỹ thuật viên của bệnh viện quả quyết
tròng kính của Hàn Quốc, giá chỉ độ 100.000 đồng/cặp” - bà L.
bực tức.
Quản lý không được nên… buông?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,
một lãnh đạo của Sở Y tế TP.HCM cho biết trước đây Bộ Y tế
có ra Thông tư 08/2006/TT-BYT (13-6-2006) hướng dẫn nhập khẩu trang
thiết bị y tế. Theo đó, kính thuốc các loại (cận, viễn, loạn
thị) thuộc trang thiết bị y tế, doanh nghiệp muốn nhập khẩu
phải thông qua Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế).
Thông tư còn quy định Sở Y tế tỉnh, TP thực hiện kiểm tra, thanh
tra các hoạt động kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, đến ngày 21-6-2011, Bộ Y tế ra Thông tư 24/2011/TT-BYT
hướng dẫn nhập khẩu trang thiết bị y tế (thay thế Thông tư
08/2006). Theo quy định mới thì chỉ kính áp tròng (cận, loạn,
viễn thị) là trang thiết bị y tế, còn kính thuốc các loại
không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế.
Vị này đặt câu
hỏi: “Mặc dù trước đây kính thuốc được quy định là trang thiết
bị y tế nhưng do quản lý lỏng lẻo nên loạn, chất lượng không
đảm bảo, giá bán trên trời. Chẳng lẽ nay thấy hoạt động kính
thuốc ngày càng xô bồ, việc quản lý không khả thi nên Bộ Y tế
buông xuôi, đưa kính thuốc ra khỏi danh mục trang thiết bị y
tế?”.
Theo vị này,
quyết định đưa kính thuốc các loại của Bộ Y tế ra khỏi danh
mục thiết bị y tế quả là khó hiểu, càng gây thiệt hại cho
khách hàng có các bệnh về mắt.
Qua kiểm tra, đã
phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh kính nhưng lại hành nghề
kính thuốc. Kiểm tra các nhân viên đo khúc xạ hoặc mài lắp
kính thuốc lại phát hiện họ không có chứng chỉ hành nghề
hoặc không có chứng chỉ về thiết bị y tế. Đoàn kiểm tra đã xử
phạt mạnh và yêu cầu tạm ngưng hoạt động kinh doanh kính thuốc.
Thời gian tới, ngành y tế sẽ giám sát chặt các cửa hàng kinh
doanh mắt kính nói chung và kính thuốc nói riêng.
BS PHAN KIM BÌNH, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM
|
TRẦN NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét