Nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam “đang suy giảm kép” hay “sự thần kỳ” của kinh tế Việt Nam đã “cáo chung” trong đó sức mua của người dân suy giảm mạnh, hàng hóa khó tiêu thụ.
Chính phủ đã tập trung mạnh vào các biện pháp kích cung như gói 29.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay…Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu tiêu dùng nền kinh tế cũng cần phải đẩy mạnh. Tổng quát lại các biện pháp này, Vũ Hoàng có trình bày trong phần sau.
Tâm lý lo ngại bất an
Dùng chính sách tín dụng với lãi suất tương đối hợp lý để người ta có nhu cầu trong tiêu dùng, mua sắm thì người ta có thể vay, đó cũng là một biện pháp. TS Ngô Trí Long
Dùng chính sách tín dụng với lãi suất tương đối hợp lý để người ta có nhu cầu trong tiêu dùng, mua sắm thì người ta có thể vay, đó cũng là một biện pháp. TS Ngô Trí Long
Theo khái niệm cơ bản trong kinh tế học, tổng cầu là lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong một quốc gia, nói một cách dễ hiểu, đó là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với một nền kinh tế thị trường mở, tổng cầu gồm 4 nhân tố chính: tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu ròng, tức phần chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu.
Khi áp dụng vào thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay, với nhân tố “chi tiêu của các hộ gia đình”, một cảm nhận chung là sức mua của người dân rất kém phần vì họ vừa tự thắt hầu bao tiết kiệm, đồng thời lại có tâm lý lo ngại bất an của cả xã hội, dẫn đến vòng xoáy luẩn quẩn: doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không tiêu thụ được, ứ đọng, trong khi người dân thờ ơ chi tiêu, tạo nên một sự trì trệ là bức tranh chung của cả nền kinh tế.
Theo số liệu nửa đầu năm cho thấy, tốc độ tăng trưởng Việt Nam chỉ ở mức hơn 4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cả năm đề ra ở con số 6 - 6,5%, thế nên, mặc dù Chính phủ vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng việc dốc sức đẩy mạnh tăng trưởng cũng không thể lơ là. Nhất là trong tháng 6, chỉ số CPI âm lần đầu tiên trong vòng 38 tháng, cho thấy tổng cầu của xã hội sút giảm mạnh, mà nguyên nhân chính là do các hộ gia đình hạn chế chi tiêu, vì thế việc cải thiện sức mua, kích thích tiêu dùng là điều rất cần thiết lúc này, vừa giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho vừa thúc đẩy tăng trưởng chung toàn xã hội.
Cần giảm thuế giá trị gia tăng
Trước tiên, một trong những biện pháp đang được nói đến nhiều nhất là là giảm thuế giá trị gia tăng trên mỗi hóa đơn bán lẻ, biện pháp này sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền người dân mỗi khi mua sắm hàng hóa. Hiện tại, mức thuế này ở Việt Nam là 10%. Theo ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia kinh tế, thì con số giảm có thể là 3% hoặc 5%, rõ ràng, khi gánh nặng thuế giảm xuống, người dân sẽ có động cơ hơn trong việc tiêu dùng. Mặc dù, đây chỉ được xem là biện pháp ngắn hạn không mang tính toàn diện, nhưng dẫu sao, mối quan hệ cơ bản: “tiền – hàng” này cũng sẽ tác động trực tiếp đến hành vi chi tiêu của các hộ gia đình.
Biện pháp thứ hai nhằm tăng thu nhập một cách gián tiếp cho các hộ gia đình là hình thức giảm thuế thu nhập cá nhân. Với biện pháp này, hồi cuối tháng trước, Quốc hội VN đã đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 đến hết năm nay. Những người nằm trong nhóm bậc 1 là những người có thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng và họ chiếm khoảng 3/4 tổng số người đang nộp thuế hiện nay tại Việt Nam. Rõ ràng phương pháp này cũng giúp người dân có thêm thu nhập để tiêu dùng.
Nhận xét chung về 2 biện pháp khuyến khích thuế trên, một giáo viên giảng dạy bộ môn kinh tế ở Hà Nội cho chúng tôi biết như sau:
“Điểm quan trọng hiện nay là cải thiện tâm lý của người tiêu dùng vì có thể người tiêu dùng tăng tiền nhưng lại không chi tiêu. Đồng thời, theo tìm hiểu thì chúng tôi thấy, những lý do người dân “ngại” chi tiêu là do giá cả, do đó, VN cần có chính sách tác động vào giá, mà cách trực tiếp và đơn giản nhất đó là giảm thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, để tăng khả năng thanh toán, biện pháp giảm thuế thu nhập như Quốc hội mới thông qua cũng được xem là cách thức khả thi.”
Điểm quan trọng hiện nay là cải thiện tâm lý của người tiêu dùng vì có thể người tiêu dùng tăng tiền nhưng lại không chi tiêu.
Một giáo viên kinh tế
Cùng với hai biện pháp về mặt thuế như mới đề cập, T.S Ngô Trí Long, một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực thị trường giá cả, trong lần trao đổi gần đây với chúng tôi, ông cho rằng Việt Nam có thể áp dụng biện pháp “tín dụng tiêu dùng” để kích thích chi tiêu trong dân chúng, ông nói:
“Hiện nay có quan điểm cho rằng giảm thu nhập cá nhân cũng là một biện pháp kích cầu hoặc dùng chính sách tín dụng với lãi suất tương đối hợp lý để người ta có nhu cầu trong tiêu dùng, mua sắm thì người ta có thể vay, đó cũng là một biện pháp để tháo gỡ đầu ra cho hàng hóa đang tồn kho đặc biệt là thị trường như hiện nay.”
Mô hình liên kết tiêu thụ
Bên cạnh các hình thức hỗ trợ trực tiếp đến thu nhập của các hộ gia đình, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Kim Thoa lại cho rằng, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam cần thông qua dự án mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, theo bà Thoa các doanh nghiệp nên ứng vốn, ứng giống cho người nông dân rồi thu mua nông sản, lo đầu ra cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn hay chương trình bình ổn nguồn hàng của các địa phương cũng cần phải xem xét. Cũng liên quan đến biện pháp này, nhiều chuyên gia còn cho rằng Chính phủ có thể hỗ trợ bà con nông dân “séc mua hàng” để mua hàng hóa tại các cửa hàng chứ không hỗ trợ trực tiếp bằng tiền vì có thể người được hỗ trợ không sử dụng tiền trợ cấp để mua sắm.
Phải khẳng định những biện pháp kích cầu tiêu dùng trên chỉ là những biện pháp trong ngắn hạn, có tác dụng cứu chữa nguồn hàng đang tồn kho, trông chờ vào sức tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, những nhận định như của T.S Trần Đình Thiên cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý mở rộng tiêu thụ ở các kênh nước ngoài, hay của T.S Nguyễn Minh Phong rằng Chính phủ cần phải tháo gỡ những “nút thắt” tại thị trường bất động sản, để qua đó kích cầu tiêu thụ các ngành hàng bổ trợ, đi kèm.
Có thể nói, việc kích thích tiêu dùng đang là một trong những nhiệm vụ kinh tế được cả xã hội quan tâm, có tác động qua lại đến mọi thành phần trong xã hội. Hi vọng, trong thời gian trước mắt, bằng những biện pháp thuế khóa hay hỗ trợ chi tiêu trực tiếp, cộng với những thời điểm tiêu dùng lớn cuối năm như Tết dương lịch, Tết nguyên đán, Giáng sinh, hay khai giảng năm học mới… sẽ là những dịp để thị trường hàng hóa bớt ảm đạm và tâm lý tiêu dùng được tăng cao hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét