Chất lượng tròng kính không đảm bảo, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM,
hiện chỉ có 53 cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đăng ký kinh doanh
kính thuốc (cận, viễn, loạn thị). Tuy nhiên, khảo sát của Pháp Luật TP.HCM cho thấy số cửa hàng kinh doanh kính thuốc không dừng ở con số này.
Một con mắt, năm độ cận khác nhau!
Tại cửa hàng Thế giới kính (C33-34 Nguyễn Văn
Quá, quận 12, TP.HCM), sau khi đo mắt bằng máy, nhân viên cửa
hàng phán mắt phải và mắt trái của PV cận lần lượt là 6 độ
25 và 6 độ. Tuy nhiên, sau khi cho PV thử đủ loại tròng kính,
nhân viên cửa hàng tuyên bố hai mắt của PV nặng gần 7 độ.
PV tiếp tục ghé vào cửa hàng mắt kính Kỹ
thuật cao (46 Nguyễn Thị Định, quận 2, TP.HCM). Sau một hồi đo
mắt bằng máy và kiểm tra thị giác của PV bằng cách đọc những
dòng chữ trên tấm bảng với nhiều tròng kính khác nhau, nhân
viên cửa hàng quả quyết cả hai mắt của PV bị cận 7 độ.
Bước vào cửa hàng mắt kính Nguyên Tâm (314
Phạm Văn Hai, Tân Bình, TP.HCM), PV hỏi có cần đến bệnh viện
chuyên khoa để đo độ cận của mắt không thì nhân viên cửa hàng
trả lời chắc nịch: “Khỏi, cửa hàng này đo đảm bảo chính
xác”.
Đo mắt cho PV xong, nhân viên cửa hàng tuyên bố
mắt phải cận 6 độ 50, mắt trái cận 6 độ 75. Chưa hết, người
này còn phán mắt phải PV loạn 0,75 độ, mắt trái loạn 1 độ 25.
Thế nhưng sau khi thử mắt bằng đủ tròng khác nhau, nhân viên
cửa hàng kết luận: “Mắt phải cận 7 độ, loạn 0 độ 75. Mắt
trái cận 6 độ 50, loạn 1 độ”.
Đa số tròng kính thuốc đựng trong bao bì đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: TRẦN NGỌC
Không yên tâm với các kết quả trên, PV chạy
xuống cửa hàng mắt kính Âu-Mỹ-Á (1/1 Tô Ký, xã Thới Tam Thôn,
huyện Hóc Môn, TP.HCM). PV hoa cả mắt khi nghe nhân viên cửa hàng
thông báo kết quả đo và thử kính: “Mắt phải cận 7 độ, loạn 1
độ 25. Mắt trái cận 7 độ 75, loạn 1 độ 25”.
PV ghé vào cửa hàng mắt kính Việt Long (445
Bạch Đằng, Bình Thạnh, TP.HCM) để kiểm tra lần cuối. Sau khi đo
mắt và thử kính, nhân viên cửa hàng thông báo mắt phải và mắt
trái của PV cận lần lượt là 6 độ 50 và 7 độ, mỗi mắt loạn 0
độ 75.
Tù mù tròng kính
Tại cửa hàng Thế giới kính (quận 12), sau khi
có kết quả đo mắt, nhân viên cửa hàng khuyên PV nên sử dụng
tròng kính của Singapore với giá 450.000 đồng/cặp. Tiếp theo,
nhân viên này giới thiệu tròng kính của Mỹ với giá 180.000
đồng/cặp. Nhìn những tròng kính của Singapore và Mỹ đựng trong
bao giấy không dán kín, không ghi nước sản xuất, PV hỏi: “Sao
biết chắc tròng kính của Singapore hay của Mỹ”, nhân viên cửa
hàng đáp: “Yên tâm, anh muốn loại nào tôi lấy hàng đó, sẽ bảo
hành cho anh”.
Tương tự, nhân viên cửa hàng mắt kính Kỹ thuật
cao (quận 2) cũng giới thiệu PV tròng kính của Nhật và Hàn
Quốc với giá lần lượt là 250.000 đồng/cặp và 180.000
đồng/cặp. “Tròng Nhật thì trong suốt, tròng Hàn Quốc hơi đục.
Trong vòng một tháng nếu độ cận của anh không thích hợp với
tròng kính thì cửa hàng sẽ đổi lại” - nhân viên cửa hàng này cho
biết.
Tại cửa hàng mắt kính Nguyên Tâm (quận Tân
Bình), sau khi giới thiệu PV tròng kính thường của Hàn Quốc
giá 220.000 đồng/cặp, nhân viên cửa hàng khuyên PV nên sử dụng
tròng kính siêu mỏng của Hàn Quốc hoặc Mỹ với giá lần lượt
là 400.000 đồng/cặp và 600.000 đồng/cặp. “Tròng siêu mỏng thì
độ mỏng giảm 1/3 so với tròng thường. Tròng siêu mỏng của Mỹ
trong suốt hơn tròng Hàn Quốc. Cả hai loại sử dụng lâu ngày
không bị vàng” - nhân viên này nói.
Cầm hai loại tròng được đựng trong hai bao giấy
đã mở miệng, trên có ghi nước sản xuất, PV hỏi: “Bao bì đã
xé miệng, sao dám chắc tròng này của Mỹ, tròng này của Hàn
Quốc?”. “Bao bì không quan trọng, vì có người bỏ tròng kính
Hàn Quốc vô bao bì của Mỹ rồi nói tròng kính Mỹ. Cửa hàng
làm ăn chỉ dựa vào uy tín, khách mua tròng kính nước nào thì
bán tròng kính nước đó” - nhân viên cửa hàng nói.
Mua cần xé, bán từng tròng
ThS Trần Hoài Long, khoa Khúc xạ BV Mắt TP.HCM,
cho rằng tròng kính thuốc một phần được nhập khẩu từ Nhật,
Mỹ, Hàn Quốc…, một phần được sản xuất trong nước dưới dạng
bán thành phẩm. Tuy nhiên, một lượng khá lớn nhập khẩu từ
Trung Quốc với giá khá rẻ.
BS Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế quận 2
(TP.HCM), còn cho biết tròng kính thuốc bán tại các cửa hàng
đa số của Việt Nam hoặc Trung Quốc. “Theo tôi biết, phía Bắc có
làng chuyên dập tròng kính thuốc và bán bằng… cần xé. Các
cửa hàng kính mua lại, khi bán hét hàng của Hàn Quốc, Nhật…” -
BS Trung nói.
Một lãnh đạo của Chi cục QLTT TP.HCM còn cho biết
đa phần cửa hàng kinh doanh mắt kính rất ma mã̉nh. Hàng trưng
bày trong cửa tiệm là thật, chỉ trà trộn ít hàng giả. Khi
giới thiệu với khách thì cho xem hàng thật nhưng khi giao lại
là hàng giả!
Kính áp tròng cũng loạn!
Ghé vào cửa hàng
mắt kính Quận 3 (114-116 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM), PV
hỏi mua kính áp tròng cho mắt vừa cận vừa loạn. Nhân viên cửa hàng
báo cặp tròng của Mỹ giá 420.000 đồng, sử dụng trong ba
tháng. Thuốc ngâm và thuốc nhỏ mắt phải mua riêng.
Tương tự, sau khi
nghe PV báo độ cận và loạn của hai mắt, nhân viên cửa hàng mắt
kính Vip (142 Hoàng Hoa Thám, Tân Bình, TP.HCM) cho biết kính áp
tròng Hàn Quốc giá 160.000 đồng/cặp, Ireland giá 195.000
đồng/cặp và cũng dùng trong ba tháng.
Tại cửa hàng mắt
kính Sao Việt (22/5 Quang Trung, Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên cửa
hàng đưa PV xem cặp kính sát tròng và nói của Anh, tuy nhiên
trên bao bì lại không thấy ghi tên nước sản xuất, không ghi tên
doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối. PV thắc mắc, nhân viên cửa
hàng đáp: “Đâu biết đâu! Nói là tròng kính của Anh nhưng thật
ra đâu phải sản xuất tại Anh, mà là sản xuất tại các nước
liên doanh với Anh” (!).
Cả ba cửa hàng
mắt kính trên đều không hề tư vấn kỹ cho khách hàng sử dụng kính
áp tròng. Trong khi đó, các BS chuyên khoa về mắt cho biết kính
áp tròng là một hợp chất, có thể gây dị ứng cho người. Vì
vậy, sử dụng kính áp tròng phải được BS chuyên khoa chỉ định.
Chưa hết, nếu mắt bị viêm, bị bụi mà vẫn mang kính áp tròng
dễ dẫn đến nguy cơ tổn thương mắt, giảm thị lực…
Một vốn bốn lời
Đối với các cửa
hàng kinh doanh mắt kính nói chung và kính thuốc nói riêng, Chi
cục QLTT TP.HCM có kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Nếu
sản phẩm không chứng từ, không hóa đơn sẽ bị tịch thu. Chi cục
không là cơ quan chuyên môn để xác định chất lượng kính.
Tuy nhiên, có một
thực tế, phần lớn tròng kính là của Trung Quốc, giá chỉ 10.000
đồng đến 20.000 đồng/cặp nhưng khi bán họ thổi phồng hàng của
Nhật, Mỹ… và bán với giá vài trăm ngàn đồng. Thậm chí nhiều
cửa hàng giảm giá 50%-80% nhưng vẫn lời to.
Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM
TÚ UYÊN ghi
|
TRẦN NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét