Thế giới ngày càng hỗn loạn, chủ nghĩa dân tộc
và nguy cơ chiến tranh ngày càng lớn.
Tác giả: Rick Rozoff
Người dịch: Đỗ Quyên
Ngày 16-7-2012
Từ Paris, vị thống đốc toàn cầu, đại
diện toàn quyền của siêu cường quân sự duy nhất của thế giới, đã bắt đầu
một chuyến công du hai tuần đến các tỉnh lỵ thuộc đế quốc của bà, cả cũ
lẫn mới, ở châu Á và Trung Đông, vào ngày 5 và 6 tháng 6, khi bà lên án
Nga và Trung Quốc là đã không tham gia hội nghị “Những người bạn của
Syria” lần thứ ba – tức là cuộc họp kín bàn về thay đổi chế độ ở Syria.
Bà dọa rằng họ sẽ phải “trả giá” vì đã không chịu tuân thủ chương trình
nghị sự của Washington ở Syria, và cả thế giới, theo hàm ý của bà.
Sau khi đã tuyên bố như thế với hai
thách thức lớn nhất của Mỹ ở lục địa Âu-Á, và với thế giới, bằng một
giọng mập mờ như thế, Ngoại trưởng Hillary Clinton bay sang Afghanistan
vào ngày 7 để tuyên bố rằng đất nước bị chiến tranh tàn phá này là đồng
minh ngoài NATO quan trọng mới đây của Mỹ, hiện diện cùng với Argentina,
Australia, Bahrain, Ai Cập, Israel, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Morocco,
New Zealand, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan trong danh mục
này. Sau đó bà rời Afghanistan sang Nhật Bản để dự một hội nghị về
Afghanistan tổ chức ở Tokyo.
Vào ngày 9-7, bà có mặt ở Mông Cổ, và ngày 10, ở Việt Nam; ngày 11 sang Lào và từ 11 đến 13 thì ở Campuchia.
Bà rời đất nước cuối cùng trong danh
sách trên đây để sang Ai Cập vào ngày 14-7, rồi từ đó bay sang Israel để
gặp gỡ các lãnh đạo nước này vào ngày 16 và 17-7.
Năm nước châu Á bà đã đi thăm đều nằm
gần Trung Quốc. Ba trong số đó – Afghanistan, Lào và Việt Nam – còn tiếp
giáp Trung Quốc. Chuyến đi của bà diễn ra sau một chuyến công du châu Á
9 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tháng trước, trong đó ông
Panetta đi thăm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ, trong tràng pháo tay hoan
hô sự chuyển hướng chiến lược của Washington về khu vực châu Á-Thái Bình
Dương.
Kể từ chuyến thăm 7 quốc gia, kéo dài 13
ngày của bà tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cách đây hai năm, trong
đó bà tới thăm Căn cứ chung Trân Châu Cảng-Hickam ở Hawaii, Diễn đàn Khu
vực ASEAN lần thứ 17 ở Việt Nam, rồi từ đó bay sang Trung Quốc,
Cambodia, Malaysia, Papua New Guinea, New Zealand và Australia, bà
Clinton đã làm dịu lập trường chính trị của Lầu Năm Góc, để theo đuổi
việc lập căn cứ (basing) và những thỏa thuận khác với các quốc gia trong
khu vực.
Chuyến đi lần này của bà cũng theo đuổi
mục tiêu đó, đặc biệt là ở Mông Cổ và Đông Dương, nơi Washington bây giờ
đã có được bốn đối tác vốn là đồng minh của Liên Xô trong thời kỳ Chiến
tranh Lạnh. (Campuchia, sau vụ lật đổ Khmer Đỏ năm 1979.)
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ phối
hợp triệt để đến độ nói chung không thể phân biệt được họ với nhau, từ
Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách châu Phi đến Đối tác Chống khủng bố
Xuyên-Sahara, đến Sáng kiến Thực thi Hòa bình Toàn cầu được triển khai
nhằm đào tạo và liên kết quân đội của hàng chục nước ở châu Phi và châu
Á.
Khi thăm Lào vào ngày 11-7, bà Clinton
trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới nước này kể từ thời John Foster
Dulles là khách của Vua Sisavang Phoulivong, năm 1955.
Cách đây hai năm, bà Clinton đã gặp Bộ
trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith tại Bộ Ngoại giao Mỹ để tổ
chức đối thoại cấp cao nhất giữa hai nước tính từ thời chiến tranh Việt
Nam. Chuyến thăm đó là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một quan chức lãnh
đạo Lào, kể từ năm 1975 khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lên nắm chính
quyền. Năm trước đó, một sáng kiến tương tự đã được Nhà Trắng và Bộ
Ngoại giao thực hiện với thành viên ASEAN là Myanmar, mà đỉnh điểm là
vào tháng 11 khi bà Clinton thăm Lào và chuyển Lào từ trục Trung Quốc
sang trục Mỹ.
Trong thời gian bà Clinton tiếp Bộ
trưởng Ngoại giao Lào hồi năm 2010, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ
khi đó là Philip Crowley đã tuyên bố: “Hoa Kỳ cam kết xây dựng quan hệ
với Lào như là một phần trong các nỗ lực to lớn hơn nhằm mở rộng sự tham
dự vào Đông Nam Á”.
Chín ngày sau, tại Diễn đàn Khu vực
ASEAN tại Hà Nội, bà Clinton công khai thách thức Trung Quốc khi khẳng
định rằng, “Mỹ có lợi ích quốc gia trong (việc bảo đảm quyền) tự do hàng
hải, quyền tự do ra vào những vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng
luật quốc tế trên Biển Đông”. Bà nói thêm: “Hoa Kỳ là một quốc gia Thái
Bình Dương, và chúng tôi cam kết sẽ là một đối tác chủ động của ASEAN”.
Tức là, tận dụng tổ chức 10 nước
(Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines,
Singapore, Thái Lan và Việt Nam) này chống lại Trung Quốc, nhất là trong
vấn đề tranh chấp đảo ở biển Hoa Nam (tức Biển Đông) và biển Hoa Đông.
Trên thực tế, là để đưa các thành viên ASEAN vào danh sách đồng minh
quân sự chính thức của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương – gồm Australia, Nhật
Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Đài Loan, những nước mà Washington đã ký
với họ hiệp ước bảo vệ lẫn nhau – trong việc hình thành nên hạt nhân của
một NATO châu Á phát triển nhanh chóng, sẽ bao gồm Afghanistan,
Bangladesh, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Sri
Lanka, Tajikistan, Đông Timor, Turkmenistan và Uzbekistan.
Philippines cho tới gần đây đã chính
thức gọi biển Đông là biển Tây Philippines, và Bộ Ngoại giao chắc chắn
sẽ làm như chuyện từng xảy ra với quần đảo Nam Kuril của Nga, mà họ gọi
là “lãnh thổ phía bắc” (của Nhật Bản), và vịnh Ba Tư (Péc-xích), thường
được coi như vịnh Ảrập, để chế giễu Iran. Đó là sự công kích bằng bản
đồ, không là cái gì khác.
Hai năm về trước, sau khi bà Clinton
tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN ở Việt Nam, tháng sau đó, quan chức Việt
Nam đã được hàng không mẫu hạm Mỹ mời lên thăm khi nó neo ngoài khơi
Việt Nam, và được tàu khu trục gắn tên lửa định hướng John S McCain tiếp
khi tàu này đến Đà Nẵng để tham gia tập trận chung ở Biển Đông – cuộc
tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam thống nhất.
Đầu tuần này, trong khi đang ở Mông Cổ,
bà Clinton tuyên bố: “Chuyến đi của tôi phản ánh mối quan tâm chiến lược
trong chính sách đối ngoại của Mỹ ngày nay. Sau 10 năm tập trung chú ý
rất nhiều vào xung đột ở Afghanistan và Iraq, Mỹ đang tăng cường đầu tư
đáng kể – ngoại giao, kinh tế, chiến lược và những thứ khác – vào phần
này của thế giới. Đó là cái mà chúng tôi gọi là sự chuyển hướng của Mỹ
về châu Á”.
Tờ Wall Street Journal trích dẫn lời bà
khen ngợi chính quyền của Tổng thống Tsakhia Elbegdorj rằng họ đã trở
thành một mô hình dân chủ “tại một lãnh thổ bị Nga và Trung Quốc bao
vây”, và bà hoan nghênh các cải cách gần đây ở Myanmar, đất nước giờ đây
là bạn của Washington.
Tháng tới, Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận
quân sự đa quốc gia mới nhất, Khaan Quest, ở Mông Cổ. Cuộc tập trận này
đã được Bộ tư lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tổ chức từ năm 2003 để
huấn luyện quân đội địa phương triển khai trước hết là tới Iraq, sau đó
tới Afghanistan, hoạt động dưới quyền chỉ huy của NATO.
Hồi năm 2006, bên cạnh quân Mỹ và Mông
Cổ, cuộc tập trận đã có cả quân đội từ Bangladesh, Fiji, Hàn Quốc, Thái
Lan và Tonga. Hàn Quốc và Tonga giờ đã có những đạo quân nhỏ gắn với Lực
lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế do NATO chỉ huy ở Afghanistan, cùng với
các nước đồng minh châu Á-Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản,
Malaysia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc và bản thân Mông Cổ.
Khaan Quest 2007 bao gồm hơn 1000 lính
từ Mỹ – nước chủ nhà, tới Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Hàn
Quốc, Sri Lanka và Tonga.
Khaan Quest 2008 có thêm các lực lượng đến từ Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, cũng như thành viên NATO: Pháp.
Cuộc tập trận năm sau sẽ có quân từ Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khaan Quest 2010 có quân đội từ bốn nước
NATO: Mỹ, Canada, Pháp và Đức; cũng như 5 nước châu Á: Mông Cổ, Ấn Độ,
Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Trong cuộc tập trận năm ngoái, quân Mỹ
và Mông Cổ hoạt động bên cạnh quân đội Australia, Campuchia, Canada,
Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
Tháng 3 năm nay, Mông Cổ trở thành nước
đầu tiên được trao Chương trình Hợp tác và Đối tác Riêng của NATO, và từ
đó đã được xác định là một trong 8 thành viên của chương trình Đối tác
toàn cầu của NATO. Bảy thành viên kia cũng nằm trong khu vực mở rộng của
châu Á-Thái Bình Dương, gồm: Afghanistan, Australia, Iraq, Nhật Bản,
New Zealand, Pakistan và Hàn Quốc.
Tháng trước, tờ The Diplomat đưa tin,
Trung Quốc ngày càng cảnh giác trước sự can dự của Mỹ và NATO vào Mông
Cổ cũng như hành động tuyển lựa Mông Cổ của họ.
Tờ báo này tuyên bố: “Trong khi Khaan
Quest ngày càng thâm nhập sâu vào các siêu cường châu Á, vẫn còn một
giai đoạn để cho Mông Cổ thể hiện quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và
NATO”. Họ nói, NATO trao quy chế Chương trình Hợp tác và Đối tác Riêng
của NATO cho Mông Cổ là việc làm “đánh dấu sự hình thành một mối quan hệ
đã trổ hoa trong thập niên qua”.
Đề cập đến việc Mông Cổ trở thành tiền đồn của NATO giữa Trung Quốc và Nga, tờ báo này nói thêm rằng:
“Hoạt động hợp tác giữa hai bên được kỳ
vọng là sẽ tập trung vào xây dựng năng lực của Lực lượng Vũ trang Mông
Cổ (MAF) cũng như phát triển sự tương kết với quân đội NATO. Mông Cổ đã
không ngừng cải thiện quan hệ của họ với NATO, một cách ổn định, thông
qua những cam kết về quân đội, quân sự trong chiến tranh Kosovo và trong
các nỗ lực quân sự hiện nay ở Afghanistan. Hơn 100 MAF hiện phục vụ tại
Afghanistan như là một phần của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế. Mông
Cô cũng đã cam kết gửi quân tới phục vụ các chiến dịch của NATO ở
Kosovao từ năm 2005 tới năm 2007”
Không đầy bốn tháng trước khi Hillary
Clinton sang Campuchia để dự hội nghị những người đứng đầu chính phủ các
nước ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao Đông Á và Hội
nghị hậu bộ trưởng Mỹ-ASEAN, Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương và Quân
đội Thái Bình Dương của Mỹ đã tổ chức tập trận chỉ huy Angkor Sentinel
thường niên lần thứ ba và tập trận thực địa chung ở Campuchia. Các cuộc
tập trận được tiến hành dưới sự bảo trợ của Sáng kiến Thực thi Hòa bình
Toàn cầu, do Văn phòng các vấn đề chính trị-quân sự trực thuộc Bộ Ngoại
giao Mỹ tổ chức.
Khaan Quest 2007 còn được hỗ trợ bởi
Sáng kiến Thực thi Hòa bình Toàn cầu – đào tạo quân đội để triển khai
tới Afghanistan – cũng giống như cuộc tập trận Shanti Doot lần thứ hai ở
Bangladesh năm 2008 và tập trận Garuda Shield năm 2009 ở Indonesia.
Angkor Sentinel 2010 có hơn 1000 nhân
viên quân sự đến từ 21 nước, trong số đó có Mỹ, Campuchia, Anh, Pháp,
Đức, Ý, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mông Cổ và Philippines.
Nghĩa là, từ 5 nước thành viên NATO và 7 nước triển vọng là thành viên
NATO châu Á. Quân đội Mông Cổ tham gia tập trận Angkor Sentinel, còn
quân Campuchia thì tham gia tập trận Khaan Quest.
Năm ngoái, Angkor Sentinel thu hút nhân viên quân sự từ 26 nước.
Tập trận năm tới dự kiến sẽ có thêm
nhiều quân đội tham dự, từ các nước thành viên ASEAN như Lào, Malaysia,
Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các nước thành viên ASEAN khác chắc
chắn cũng sẽ tham gia cùng Singapore, Philippines và Thái Lan trong việc
cung cấp căn cứ cho Mỹ làm nơi triển khai quân đội, tàu và máy bay.
Chính quyền Obama và các đồng minh NATO
của họ đang xây dựng mạng lưới quân sự rộng và sâu trên khắp khu vực
châu Á-Thái Bình Dương, để cô lập và để đương đầu với Trung Quốc và Nga,
mà đầu tiên là Trung Quốc.
Rick Rozoff là nhà báo, blogger, có nhiều bài đăng ở blog Stop NATO.
Nguồn: Eurasia Review
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét