Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Ngụy biện : Nên hiểu đúng về “án bỏ túi”

Một kiểu giải thích ngụy biện để đánh lạc hướng suy nghĩ của người đọc của ngành tòa án. Ở VN, “án bỏ túi” được hiểu là bản án đã được các cấp nào đó nằm ngoài hệ thống tòa án quyết định trước, ngành tòa án theo đó mà triển khai thực hiện.

Hiện cụm từ “án bỏ túi” đã trở nên quen thuộc, không chỉ trên báo chí mà trên các diễn đàn, trong các hội nghị.
Thuật ngữ này cũng được nhắc đến với nhiều dụng ý khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng bản chất của “án bỏ túi”.
Có ý kiến cho rằng “án bỏ túi” là bản án được viết sẵn (viết trước), khi tuyên án chủ tọa phiên tòa lấy ra đọc. Nếu hiểu máy móc như vậy rồi chỉ trích là chưa đúng.
Án bỏ túi đúng là bản án viết trước nhưng không phải tất cả bản án viết trước đều bị coi là “án bỏ túi”. Nếu bản án viết trước đó đúng pháp luật, được thông qua tại phòng nghị án, phản ánh đúng các tình tiết được xét hỏi công khai tại phiên tòa, phản ánh đúng diễn biến kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có đủ chữ ký của các thành viên HĐXX, thì bản án đó không phải là “án bỏ túi”.
Việc viết bản thảo bản án trước khi mở phiên tòa là một trong những nhiệm vụ của thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Từ trước tới nay chưa có thẩm phán nào viết được toàn văn bản án tại phiên tòa; các nước theo “án lệ” và tố tụng “tranh tụng” thẩm phán cũng phải viết trước bản án khi mở phiên tòa. Một số nước quy định khi tuyên án, tòa án chỉ đọc phần quyết định của bản án, còn các phần khác của bản án tòa không phải đọc.
Theo quy định của pháp luật nước ta thì chủ tọa phiên tòa phải đọc toàn văn bản án và bản án phải thông qua tại phòng nghị án. Nếu không có bản thảo bản án thì lấy gì để thông qua tại phòng nghị án? Vấn đề là thẩm phán viết trước bản án như thế nào để khi tuyên án mọi người không thấy đó là “án bỏ túi”.

Việc viết trước dự thảo bản án không có nghĩa là “án bỏ túi”. Bản án là một bài văn nghị luận (án văn) nên từ nội dung đến hình thức phải chính xác, đúng pháp luật, đúng mẫu của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; văn phong phải trong sáng, đúng ngữ pháp… Có bản án chỉ vài ba trang nhưng cũng có bản án vài trăm trang, nếu không viết trước thì làm sao kịp. Bản án còn là một văn bản pháp luật do tòa án ban hành nên trước khi thông qua tại phòng nghị án, nhất thiết phải có bản thảo. Do đó việc thẩm phán viết trước bản án (bản thảo) không thể quy kết đó là “án bỏ túi”!
Tuy nhiên, bản thảo bản án có thể là “án bỏ túi”, nếu bản án đó không phù hợp với các tình tiết của vụ án được thẩm vấn công khai tại phiên tòa; các tình tiết của vụ án tại phiên tòa khác với các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án; kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa có nhiều thay đổi; diễn biến tại phiên tòa khác hẳn với dự kiến ban đầu của thẩm phán nhưng không được thể hiện trong bản án. Loại “án bỏ túi” kiểu này hiện nay tương đối phổ biến và những người dự phiên tòa không khó khăn gì để phát hiện ra.
Như vậy, có thể xác định “án bỏ túi” là một thuật ngữ nhằm ám chỉ mọi quyết định của HĐXX đã được định sẵn không phụ thuộc vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; một bản án có tính áp đặt từ trước, trái với quy định của pháp luật. Nó khác với dự thảo bản án (viết trước).
Muốn khắc phục tình trạng “án bỏ túi”, không có cách nào khác là phải nâng cao trình độ, năng lực của thẩm phán. Khi dự thảo bản án, phải dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa. Phần xét thấy của bản án phải chuẩn bị nhiều phương án; căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, nếu diễn biến phiên tòa có nhiều tình tiết khác với hồ sơ vụ án và dự kiến ban đầu của thẩm phán, thì phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để bản án mà chủ tọa tuyên đọc thể hiện được kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
ĐINH VĂN QUẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét