Nhà phê bình Đinh Quang Tốn băn
khoăn: Danh hiệu nhà thơ bây giờ có còn cao quý không? Đã có các nhà thơ
đích thực rất ngại khi được mọi người gọi với danh hiệu ấy. Danh hiệu
nhà thơ trong con mắt mọi người bây giờ một nửa là giễu cợt, như nhân
vật trong thơ Thái Bạch trong một bộ phim nào đó. Có người làm thơ viết
về mình “bỗng thành triệu phú ngẩn ngơ” còn được một nhà thơ có tiếng
cho rằng đó là một định nghĩa hay nhất về thơ mà anh được biết từ trước
tới nay. Nhiều người thì nói trắng ra rằng rất nhiều người làm thơ đồng
nghĩa với từ “hâm”, “hấp”, “gàn”, “dở”... Cũng đừng trách mọi người, tự
xưa ông cha ta đã dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà! Chính các nhà
thơ phải chịu trách nhiệm một phần về sự xuống cấp của danh hiệu nhà
thơ vì đã để “Thơ xịn tồn kho, thơ xôn nhảy múa, thơ dở tràn lan”...
ĐINH QUANG TỐNSao bây giờ nhiều nhà thơ thế?
Đó là câu hỏi của anh bạn tôi làm ở một ngành kinh tế. Thú thực, tôi cũng chưa biết trả lời như thế nào! Nhiều nhà thơ mà các nhà thơ đều xứng đáng với danh hiệu ấy thì đương nhiên là nền thơ phát triển và đáng mừng rồi. Nhưng thực tế cuộc sống thì nhiều bạn đọc lại xa lánh thơ. Có người bàn đến việc “cai nghiện thơ”. Sự phát triển về khối lượng thơ và số lượng nhà thơ như là thảm họa của nền văn chương nước nhà... Thế thì hư thực thế nào, đáng mừng hay đáng lo? Nó là sự phát triển tự nhiên bình thường hay là sự đột biến thái quá.
Bình tĩnh nhìn vấn đề thơ trong sự tương quan chung toàn xã hội thì tôi thấy cũng không đáng lo lắng quá. Này nhé, kinh tế thị trường đã sinh ra các công ty, các giám đốc, thậm chí các tổng giám đốc (những chức vụ ngày xưa rất oai, rất ít) thì nay như nấm mọc sau mưa. Các học hàm học vị sang trọng như giáo sư - tiến sĩ cũng phát triển theo cấp số nhân mà có người nói rằng nếu phải khắc bia như ngày xưa thì lấy đá ở những núi nào cho đủ! Các danh hiệu, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân sao được gán cho nhiều người thế. Rồi các cấp bậc hàm…Vô tình kinh tế thị trường đã làm đảo lộn các giá trị, sự cao sang và sự tầm thường nhiều khi có khoảng cách không rõ ràng nữa...
Danh hiệu nhà thơ bây giờ có còn cao quý không? Đã có các nhà thơ đích thực rất ngại khi được mọi người gọi với danh hiệu ấy. Danh hiệu nhà thơ trong con mắt mọi người bây giờ một nửa là giễu cợt, như nhân vật trong thơ Thái Bạch trong một bộ phim nào đó. Có người làm thơ viết về mình “bỗng thành triệu phú ngẩn ngơ” còn được một nhà thơ có tiếng cho rằng đó là một định nghĩa hay nhất về thơ mà anh được biết từ trước tới nay. Nhiều người thì nói trắng ra rằng rất nhiều người làm thơ đồng nghĩa với từ “hâm”, “hấp”, “gàn”, “dở”... Cũng đừng trách mọi người, tự xưa ông cha ta đã dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà! Chính các nhà thơ phải chịu trách nhiệm một phần về sự xuống cấp của danh hiệu nhà thơ vì đã để “Thơ xịn tồn kho, thơ xôn nhảy múa, thơ dở tràn lan”...
Sao bây giờ nhiều nhà thơ thế! Đấy có phải là nỗi lo lắng của nhân dân, của nhiều gia đình vì sự mất cân đối trong xã hội? Nhiều người đến dự hội nghị vừa nghe thấy ban tổ chức giới thiệu một “nhà thơ” nào đó lên đọc thơ góp vui trước khi vào chương trình mà kinh hãi! Thôi thì, đã chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường thì phải “sống chung với lũ”! Đã hưởng thành tựu phát triển của kinh tế thị trường thì cũng phải chịu những hệ lụy do nó sinh ra chứ! Không có gì là toàn vẹn cả. Tấm huân chương cũng có mặt trái. Cây đèn sáng cũng có vùng tối dưới chân đèn. Những người chân chính thì “dĩ bất biến ứng vạn biến”, lo gì! Đến thời bao cấp khó khăn còn chẳng sao thì thời kinh tế thị trường phong phú nhất định cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn!
Tuy nhiên, mọi điều sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi con người và toàn xã hội biết tự điều chỉnh. Mọi người thì hãy tự điều chỉnh để thích ứng. Còn người quản lý xã hội thì phải biết quản lý, biết điều chỉnh chính sách, biết điều tiết vì lợi ích dân sinh thì xã hội sẽ ổn định. Ông cha ta đã tổng kết “thái quá bất cập”. Sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong xã hội hiện nay đang là thái quá. Đó là sự phát triển “nóng” cần được hãm phanh. Sự phát triển của khối lượng thơ và số lượng các nhà thơ cũng giống như phát triển tràn lan các lò xi măng, các trường đại học, lạm phát các học hàm, học vị, danh hiệu, cấp bậc hàm... cần được hãm lại. Nếu không đến một lúc nào đó mà “ra ngõ gặp nhà thơ”, “ra ngõ gặp giáo sư”, “ra ngõ gặp nghệ sĩ nhân dân”... thì thật là thảm họa...
“Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!”
“Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!” không phải cụ Nguyễn Khuyến ngạc nhiên đâu, cụ chỉ tỏ ra ngạc nhiên để diễu đời thôi, chứ tầm cỡ cụ đến lúc cáo quan về ở ẩn rồi thì còn lạ gì những trò đời ấy nữa. Sự ngạc nhiên trước những việc tưởng như không thể mà lại là hiện thực. Bây giờ thì chúng ta quá hiểu, vì quanh ta có quá nhiều chuyện tưởng như không thể mà lại là hiện thực rồi. Lại nhớ, trong một truyện ngắn của mình, nhà văn Nguyễn Khải có viết một đoạn đối thoại với một đứa cháu làm kinh doanh. Nhà văn hỏi sao không phấn đấu về mặt chính trị. Đứa cháu bảo bây giờ cháu hãy kiếm tiền đã, khi nào có thật nhiều tiền thì cháu sẽ chuyển sang làm chính trị. Nhà văn bảo: “Mày láo, việc ấy đâu có thể dùng tiền mà làm được!”. Đứa cháu bảo: “Được rồi, ông cứ chờ xem!”. Bây giờ ngẫm ra, hình như xu thế của đứa cháu đang được minh chứng.
Thôi việc đời thì có các nhà chính trị lo. Cứ việc ai người ấy hoàn thành thì toàn xã hội sẽ tốt đẹp. Chứ dân thường như mình lo chuyện thế giới thế nào được. Đó là việc của Liên hiệp quốc, việc của các nguyên thủ quốc gia. Chỉ nguyên chuyện văn chương nghệ thuật cũng đang rối tung lên, rất nhiều việc cần làm. Này nhé, trước đây vài thập kỷ mà không phải người viết giỏi được dư luận đánh giá cao, hoặc người đã thành danh mà nói đến chuyện in sách thì chỉ là kẻ ấm đầu. Nhưng bây giờ thì mọi người đều có thể in sách, người có nhiều tiền thì in sách đẹp, thậm chí sách rất đẹp. Chất lượng sách thì không cần biết, chỉ cần không phạm chính trị và không khiêu dâm là được. Mà ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm rất mập mờ, cứ có vụ việc là còn phải tranh cãi chán.
Tôi còn nhớ mình đã rụt rè như thế nào khi chép thơ để nhờ nhà thơ Phạm Tiến Duật xem giùm có phải là thơ không? Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật khen chùm thơ gửi cho anh có bài khá thì tôi thậm chí còn không tin vào mắt mình. Rồi tập bản thảo phê bình đầu tay của tôi “Cánh diều và mặt đất”, tập sách đã được tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và đưa tôi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì tôi cũng rụt rè đưa nhờ nhà văn Nguyễn Văn Lưu xem giùm khi anh đang làm biên tập của nhà xuất bản Văn học. Từ trẻ tôi luôn luôn tâm niệm việc in sách, việc vào Hội Nhà văn Việt Nam là cao quý, thiêng liêng. Bây giờ, thấy nhiều người coi việc ấy như trò đùa thì tôi coi họ là không có nhân cách. Người có nhân cách không bao giờ dùng những thủ đoạn thấp kém để đạt được mục đích, nhất là cái đạt được ấy lại có giá trị tốt đẹp. Nó giống như kẻ đi chinh phục người đẹp không phải bằng giá trị mình có và tình yêu cao đẹp của mình mà bằng quyền uy, tiền tài, gài bẫy và bằng nhiều thủ đoạn thấp hèn khác.
Tôi đã nghe nói có người dùng tiền nhưng không đạt được mục đích đối với các nhà văn và Hội Nhà văn. Tất nhiên, có người đã đạt được mục đích bằng cách khác. Nhà thơ Khuất Nguyên của Trung Hoa cổ khi bị thất sủng, trước khi gieo mình xuống sông Mịch La có gặp một ngư phủ, kể cho ngư phủ nghe tâm trạng của mình, được ngư phủ hỏi: “Cả đời đục, sao một mình ông trong?”. Khuất Nguyên đã không nói gì. Những kẻ sĩ như Khuất Nguyên thời nào mà chẳng có. Thế nghĩa là đời nào cũng vẫn có những thứ không mua được bằng tiền!
Giống như văn chương nghệ thuật, giống như tình yêu, cuộc đời cũng lạ lắm. Có những thứ tưởng mua được rồi mà té ra lại không được, thậm chí lại là mất thêm. Mặc dù, cuộc đời đã có đúc kết: “Có tiền mua tiên cũng được!”. “Vai mang túi bạc kè kè...”, “Trong tay sẵn có đồng tiền”... Thực ra, cũng giống như cụ Nguyễn Khuyến ở trên, ông cha ta chỉ tỏ ra ngạc nhiên để giễu đời thôi, để chửi những kẻ trọc phú. Đời nào cũng có những kẻ trọc phú. Đời nào cũng có những Khuất Nguyên. Chứ nếu chỉ có Khuất Nguyên thì đời đã quá tốt đẹp. Còn nếu chỉ “có tiền việc ấy mà xong nhỉ?” thì cuộc đời đã sụp đổ từ lâu rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét