Kinh tế học thực chứng không chỉ liên quan đến phân tích hậu quả chính sách cụ thể, mà còn miêu tả các hoạt động của khu vực công cộng và các lực lượng chính trị và kinh tế làm cho các chương trình cụ thể này tồn tại. Khi các nhà kinh tế học vượt ra ngoài các sự phân tích thuần túy của kinh tế học thực chứng, họ sẽ chuyển qua địa hạt của KTH chuẩn tắc. KTH chuẩn tắc liên quan đến việc đánh giá xem các chính sách khác nhau vận hành tốt đến mức nào, và việc xây dựng những chính sách mới cho phù hợp hơn với mục tiêu nhất định.
KTH chuẩn tắc đưa ra những nhận định như, “nếu chính phủ muốn hạn chế nhập khẩu dầu lửa một cách ít tốn kém nhất đối với chính phủ và người tiêu dùng, thì dùng biện pháp đánh thuế nhập dầu tốt hơn biện pháp cấp hạn ngạch”. Hoặc là, “nếu mục tiêu của chương trình nông nghiệp là hỗ trợ các chủ trang trại nghèo hoen, thì hệ thống trợ giá không hay bằng hệ thống chuyển giao thu nhập được xây dựng một cách phù hợp”. Nói cách khác, trong KTH chuẩn tắc, các nhà kinh tế so sánh mức độ đáp ứng mục tiêu mong muốn của các chương trình khác nhau của chính phủ, và xác định xem những chương trình nào đáp ứng mục tiêu tốt nhất. Ngược lại, KTH thực chứng đưa ra những nhận định như “áp dụng hạn ngạch đối với dầu lửa trong những năm 1950 dẫn đến tăng giá nội địa và giảm sút những nguồn tài nguyên thiên nhiên nhanh hơn”. Những nhận định như vậy chỉ đơn giản là miêu tả tác động của chương trình, mà không có đánh giá xem những mục tiêu dự định có đạt được hay không. Không có sự đánh giá gì về việc những hậu quả đó là mong muốn hay không.
Khi các nhà kinh tế đưa ra những nhận định này, họ cố gắng không áp đặt tiêu chuẩn hay giá trị của riêng họ. Họ thường chỉ coi mình là người cung cấp sự “trợ giúp về kỹ thuật” cho các nhà hoạch định chính sách, giúp họ đạt tới mục tiêu.
Đồng thời, các nhà kinh tế thường có nhận xét về các mục tiêu mà chính khách và các nhà hoạch định chính sách đề ra; đôi khi đưa ra nhận định rằng mục tiêu của họ không phải là mục tiêu thực. Có nhiều công việc chứa đựng sự ngầm ẩn. Các nhà kinh tế có thể dựa vào sự việc là có một chương trình nào đó khác với cái mà lẽ ra phải xây dựng nhằm đạt được mục tiêu đã định, để lập luận rằng mục tiêu thực phải là khác, và họ suy luận ra những mục tiêu thật của chương trình là gì bằng cách nghiên cứu hậu quả của nó.
Các nhà kinh tế cũng cố gắng xem xét, khi các mục tiêu có mâu thuẫn với nhau, thì mức độ mâu thuẫn đến đâu, nhằm kiến nghị cách giải quyết mâu thuẫn đó. Họ cũng cố gắng làm sáng tỏ những ý nghĩa, tác dụng đầy đủ của hệ thống giá trị; những giá trị nào là cơ bản, những giá trị nào là phát sinh từ những giá trị khác cơ bản hơn. Công việc của họ thường sát công việc của các nhà triết học chính trị.
Hai cách tiếp cận thực chứng và chuẩn tắc này bổ trợ cho nhau. Để đánh giá về việc chính phủ nên thực hiện những hoạt động gì, cần phải hiểu hậu quả của các hoạt động khác nhau của chính phủ. Cần phải miêu tả một cách chính xác điều gì xảy ra nếu chính phủ áp dụng loại thuế này hay loại thuế khác, hoặc hỗ trợ cho ngành này hay ngành kia.
Vài ví dụ có thể giúp làm sáng tỏ quy mô của KTH chuẩn tắc và KTH thực chứng. Giả sử Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế đối với thuốc lá hoặc rượu. KTH thực chứng giải quyết những vấn đề như:
a, Giá thuốc hoặc giá rượu tăng bao nhiêu?
b, Việc đó sẽ ảnh hưởng đến cầu thuốc lá hoặc rượu như thế nào?
c, Những người thu nhập thấp có bỏ ra nhiều tiền hơn để hút thuốc ?(uống rượu) so với người thu nhạp cao không?
d, Hậu quả của thuế lợi tức đối với ngành công nghiệp thuốc lá và rượu có thể là gì?
e, Những ảnh hưởng của thuế thuốc lá đối với giá thuốc lá và thu nhập của nông dân trồng thuốc lá sẽ là gì? Của thuế rượu đối với giá rượu và thu nhập của nhà máy rượu sẽ là gì?
f, Hậu quả của việc giảm hút thuốc đối với tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi và đau tim sẽ như thế nào? Phần chi tiêu cho y tế trực tiếp và gián tiếp của chính phủ sẽ là bao nhiêu? Tác động của việc giảm uống rượu đối với tai nạn oto và chi phí y tế liên quan? Tuổi thọ tăng nhờ giảm hút thuốc lá có tác dụng gì đối với hệ thống bảo hiểm xã hội?
Mặt khác, KTH chuẩn tắc liên quan đến sự đánh giá những hậu quả khác nhau và đi đến đánh giá mức độ mong muốn của việc thay đổi thuế:
a, Nếu quan điểm chủ yếu của chúng ta đến lựa chọn thuế là tác động của chúng ta đến người nghèo, thì loại thuế nào thích hợp hơn; thuế thuốc lá hay thuế rượu?
b, Nếu quan tâm chủ yếu của chúng ta về lựa chọn thuế là thuế sẽ làm méo mó hành vi (so với không áp dụng thuế) thì loại thuế nào thích hợp hơn, thuế thuốc lá hay thuế rượu?
c, Điều quan tâm của chúng ta là làm giảm chi tiêu cho y tế, thì thuế nào thích hợp hơn, thuế thuốc lá hay thuế rượu?
d, Có loại thuế nào hay hơn hai loại thuế này nhằm đạt mục tiêu cụ thể của chính phủ không?
Ví dụ thứ hai, hãy giả định chính phủ đang cân nhắc áp dụng tiền phạt đối với hãng sản xuất thép gây ra ô nhiễm, để họ ít gây ô nhiễm hơn, hoặc là trợ cấp cho họ mua thiết bị làm giảm ô nhiễm nhằm khuyến khích họ làm sạch môi trường, KTH thực chứng giải quyết những vấn đề sau:
a, Các mức phạt khác nhau sẽ làm giảm được bao nhiêu ô nhiễm (hay trợ cấp)?
b, Việc áp dụng chế độ phạt sẽ làm tăng bao nhiêu giá thép?
c, Giá cao đó sẽ làm giảm bao nhiêu cầu đối với thép sản xuất ở Hoa Kỳ?
d, Sự giảm cầu này có tác động như thế nào đến việc làm và lợi ích của ngành thép?
e, Những người sống xung quanh nhà máy thép sẵn sàng trả bao nhiêu cho việc giảm được ô nhiễm? Nghĩa là việc làm giảm ô nhiễm có giá tới mức nào đối với họ?
Còn KTH chuẩn tắc lại quan tâm đến việc đánh giá những tác động khác nhau:
a, Nếu quan tâm chủ yếu của chúng ta là người nghèo thì hệ thống nào, thuế hay trợ cấp, sẽ tốt hơn? Người nghèo bị tác động giống như người tiêu dùng, bởi sự thay đổi giá cả của tất cả các hàng hóa sử dụng thép – Vì, họ rất có thể sống ở gần nhà máy thép, ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến họ nhiều hơn là đến người giàu. Nhưng nếu tiền phạt làm giảm nhu cầu thép và việc làm trong ngành thép, thì người nghèo, công nhân không có tay nghề, sẽ là những người phải chịu hậu quả nhiều nhất. Vậy chúng ta tập hợp tất cả những ảnh hưởng đó như thế nào? Và mức thuế và trợ cấp nào sẽ tăng tối đa lợi ích của người nghèo?
b, Nếu điều quan tâm của chúng ta là tăng tối đa giá trị thu nhập quốc dân, thì hệ thống nào, thuế hay trợ cấp, sẽ thích hợp hơn? Hoặc chúng ta không nên áp dụng của hai? Và một lần nữa, nếu muốn, thì mức thuế hay mức trợ cấp nào sẽ tăng tối đa được thu nhập quốc dân?
Đây là ví dụ điển hình về nhiều tình huống mà chúng ta vẫn gặp trong phân tích chính sách kinh tế:sẽ có một số người được lợi (những người bây giờ có thể hít thở không khí trong lành hơn) và một số người bị thiệt (người tiêu dùng phải mua giá cao, người sản xuất nhận ít lãi hơn, công nhân mất việc). KTH chuẩn tắc quan tâm đến việc đề ra thủ tục có hệ thống, theo thủ tục đó chúng ta có thể so sánh cái được của những người được lợi và cái mất của những người bị thiệt , để đi đến một cách đánh giá chung nào đó về mong muốn của đề nghị.
Sự khác nhau giữa KTH chuẩn tắc và KTH thực chứng không chỉ ở những thảo luận về thay đổi chính sách cụ thể, mà còn ở những điểm thảo luận quá trình chính trị. Ví dụ các nhà kinh tế quan tâm đến miêu tả hậu quả của bầu cử. Khi có những quan điểm khác nhau về việc nên chi tiêu bao nhiêu cho quốc phòng, thì những quan điểm bất đồng được phản ánh như thế nào trong quá trình chính trị? Hậu quả của việc đòi hỏi đa số 2/3 phiếu bầu để có khoản tăng chi tiêu quốc phòng trên mức nhất định sẽ là gì? Hậu quả của việc tăng các khoản phải nộp của các chính trị gia sẽ là gì? Của việc hạn chế đóng góp của tư nhân cho các cuộc vận động chính trị? Của hỗ trợ công cộng cho các cuộc vận động chính trị? Nhưng các nhà kinh tế cũng quan tâm đến việc đánh giá các quá trình chính trị có thể lựa chọn . Về mặt nào đó, quá trình nào tốt hơn không? Chúng có thể đưa ra được sự lựa chọn “nhất quán” không? Có quá trình chính trị nào đó có khả năng đạt được kết quả công bằng hoặc hữu hiệu hơn những quá trình khác không?
—-
* Joseph E. Stiglitz (Người dịch: Nguyễn Thị Hiên và những người khác), 1995, Kinh tế học công cộng, NXB Khoa học và Kỹ thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét