Tháng 7 19, 2012
Phạm Thị Hoài
Các nhà sành điệu văn hóa của chúng ta lại vừa được dịp thót tim và nhăn mặt. Giới thượng khách ở thủ đô một lần nữa chứng tỏ xuất xứ bán khai của mình khi đến dự ba buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker cuối tuần vừa rồi ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Họ vỗ tay rầm rầm giữa các chương của một bản giao hưởng. Họ huýt sáo
và vỗ tay theo nhạc. Chỉ thiếu điều nhảy lên sân khấu tặng hoa và chụp
hình. Trời ơi! Đã nói mãi rồi. Biết bao giờ văn hóa ứng xử và văn hóa nói chung của chúng ta mới khá lên được, một lần nữa chúng ta nghe than phiền.
Tôi không thấy việc vỗ tay hay không vỗ
tay giữa một tác phẩm nhạc thính phòng đáng mang sứ mệnh câu hỏi của
Hamlet cho một nền văn hóa, hay cho diện mạo của một xã hội. Tôi còn
không coi việc am hiểu nhạc cổ điển phương Tây là điều bắt buộc để có
một tầm vóc văn hóa đáng ao ước. Cả hai nhà văn gối đầu giường của tôi,
Kafka và Nabokov, đều ít nhiều bỏ âm nhạc ra ngoài trường quan tâm của
họ. Lần duy nhất Kafka nhắc đến âm nhạc, và không hẳn là tích cực, là
trong “Josephine, nữ ca sĩ hay Dân chuột“,
còn Nabokov thì liệt kê âm nhạc, nhất là âm nhạc làm nền cho những cuộc
trò chuyện uyên bác, vào danh mục những thứ ông ghét cay ghét đắng.
Ngay cả ở phương Tây, vỗ tay sành điệu cũng không hoàn toàn là chuyện đơn giản
và mỗi nước một trường phái.
Ở Đức, từ vài thập kỉ gần đây công chúng
nói chung đã coi việc không vỗ tay giữa các chương của một tác phẩm nhạc
cổ điển là kỉ luật sắt, giống như không vượt đèn đỏ khi tham gia giao
thông. Tai nạn trên đường phố ngày càng giảm, tai nạn trong phòng hòa
nhạc cũng vậy, song điều đó chẳng liên quan gì đến trình độ thưởng ngoạn
thứ âm nhạc được xếp vào hàng cao cấp này. Thay vì vỗ tay phạm luật văn
minh, bây giờ ở khoảng giữa hai chương nhạc là những tràng tiếng ho
(đôi khi tôi có cảm tưởng phòng hòa nhạc là điểm hẹn cho một flash mob
của những người đang hay sắp bị cảm cúm), tiếng hỉ mũi, tiếng hắng
giọng, tiếng lật tờ chương trình sột soạt, tiếng cựa ghế và đổi chân cho
đỡ mỏi… Chẳng lẽ những tiếng động được nền văn minh cho phép đó đỡ làm
các nghệ sĩ trên sân khấu phân tâm hơn, đỡ hủy hoại tính tổng thể của
tác phẩm hơn? Tôi nghe nói ở New York có một nền văn minh khác. Ở Ý cũng
thế. Công chúng nhạc thính phòng ở đó còn có thể hiên ngang vượt đèn
đỏ.
Trở lại với dàn nhạc Berliner Symphoniker[1]
ở Hà Nội, tôi thậm chí tin rằng họ thích thú với phản ứng khác hẳn
người Đức của người Việt, họ biết mình đang giao lưu văn hóa ở bình diện
nào[2]. Văn hóa ứng xử của giới VIP hay giới VUP[3] Việt Nam trong phòng hòa nhạc không có gì đáng để tuyệt vọng. Cứ đặt công chúng Hà Nội trước một tác phẩm như Thirteen Harmonies
của John Cage, tôi đảm bảo là sẽ không có ai vỗ tay chen vào bất cứ
khoảng trống nào ở đó. Tất cả sẽ được cấp chứng chỉ sành nhạc phương
Tây.
Có những vấn nạn vỗ tay khác, đáng nói hơn.
Có lần tôi được nghe kể về nỗi khổ của
cán bộ và giảng viên một trường đại học ở Hà Nội ngay trước giờ Tổng
thống Hoa Kỳ, khi ấy là Bill Clinton, đến thăm và nói chuyện với sinh
viên của trường, năm 2000. Các vị khoa bảng vật lộn cả tiếng đồng hồ với
câu hỏi có nên vỗ tay khi nghe Clinton diễn thuyết hay không. Không vỗ
tay thì mất lịch sự vì mình là chủ nhà. Vỗ tay lẹt đẹt cũng không ổn. Vỗ
quá to và quá dài thì nguy hiểm, vì bài diễn thuyết của ngài Tổng thống
nước Mỹ có thể không đi đúng lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam,
không ai lường trước ngài sẽ đề cập vấn đề nhạy cảm nào. Vậy nên vỗ một
tràng đều và ngắn. Ngắn là bao nhiêu giây? Vỗ tay tự phát cũng không
nên. Tốt nhất là phân công một vị vỗ tay bắt nhịp cho những người khác
vỗ và chấm dứt theo. Trách nhiệm là ở cả vị này. Trong giờ phút đối diện
với nhiệm vụ xử lí tình huống vỗ tay nan giải ấy, các nhà trí thức
không mong gì hơn được xin và nhận một ý kiến chỉ đạo từ trên. Họ chẳng
ưa gì sự chỉ đạo và thường xuyên giễu cợt nó sau lưng nó. Nhưng thực ra
sự thụ động có lợi hơn người ta tưởng. Lợi thế lớn nhất là không phải
chịu một trách nhiệm nào hết.
Trong bộ phim The Autobiography of Nicolae Ceausescu, dựng
từ hàng chục ngàn mét phim tư liệu lưu trữ, cảnh Trường Đại học Tổng
hợp Bucharest trao bằng tiến sĩ danh dự cho nhà độc tài khiến người xem
lạnh toát sống lưng. Giữa không gian uy nghi của viện đại học cổ kính
từng đào tạo nên một Eugène Ionesco này, không có gì kệch cỡm hơn sự
hiện diện của Ceausescu. Nhưng bức tranh châm biếm bất đắc dĩ ấy khiến
cái cười của người xem tắc lại trong cổ họng. Cả ngàn gương mặt hàn lâm,
với vô số vầng trán ánh lên vẻ thông tuệ không thể che giấu của tri
thức, đồng loạt bày tỏ một sự nghiêm trang thành kính trọn vẹn. Không
một cái nhếch mép, không một động tác che miệng thì thào. Và giữa bài
diễn thuyết cũng thô thiển như diện mạo và phong thái của nhà lãnh đạo
tối cao là những tràng vỗ tay kéo dài, đều như Bắc Hàn diễu binh, không
cần ai bắt nhịp. Vỗ tay để sống còn.
© 2012 pro&contra
[1] Berliner Symphoniker không phải là dàn nhạc tồi, song phía Việt Nam đã vô tình hay cố tình cho nó cái hào quang bất hủ của một dàn nhạc khác, Berliner Philharmoniker,
với những nhạc trưởng lừng danh trong quá khứ như Furtwängler, Herbert
von Karajan, và nhạc trưởng hiện tại là Sir Simon Rattle. Hai năm trước,
12 nghệ sĩ cello của dàn nhạc này đã biểu diễn tại Việt Nam nhân năm
hữu nghị Việt-Đức, song sự kiện đó không được báo chí trong nước đặc
biệt chú ý.
[2] Ông nhạc trưởng còn hai lần ra dấu cho công chúng vỗ tay khi dàn nhạc chơi bản “Bèo dạt mây trôi“.
[3] Very Unimportant Person
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét