Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Từ chuyện chí chóe vì... 'ngược đãi vịt'



Với Việt Nam, làm sao để lan truyền vẻ đẹp bất tận của đất nước hình chữ S? Câu hỏi thật hóc búa. Muốn có đáp án, có lẽ lại phải giao đề thi này cho một cuộc thi... cấp quốc gia.

1. Giữa lúc báo chí nóng ran về chuyện tiền, chuyện thừa kế, thi cử và phụ nữ, bỗng lọt vào một tin tức rất vô thưởng vô phạt: Dân mạng Tây cãi nhau chí chóe vì bức ảnh 'ngược đãi vịt' ở VN[1]. Đọc tít báo cũng phải cười mím miệng vì hai điều thú vị: có những chuyện với ta rất thường, thì với Tây lại thành "dị"; và cái sở thích sưu tập bất cứ tin tức nào từ quốc tế có liên quan đến Việt Nam của báo chí ta.
Cái sở thích này khiến chúng ta mỏi mắt sưu tầm để "lôi" ra mọi tin tức, nhân vật... có yếu tố nước ngoài nhưng liên quan, dù chỉ mảy may, đến Việt Nam. Chúng ta háo hức theo dõi cuộc đời của cậu bé Pax Thiên gốc Việt giờ đã thành con nuôi ở trời Mỹ. Chúng ta hào hứng trước phát hiện hóa ra bố vợ anh chàng chủ Facebook, Mark Zuckerberg, từng có thời "ăn dầm nằm dề" tại nước ta, v.v...
Các nhà nghiên cứu văn hóa có thể xếp tính "vơ vào" này trong danh mục thói hư tật xấu của người Việt. Nhưng xét ở khía cạnh nào đó, dường như nó cũng cho thấy cái mong mỏi của người Việt được thế giới biết đến, hiểu rõ quê hương bản xứ nơi mình sinh ra. Không rầu lòng sao được khi nghe rằng, người dân không ít nước trên thế giới đến giờ vẫn chỉ hình dung một Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến.

Một vị viện trưởng Viện Quảng bá hình ảnh quốc gia Hàn Quốc từng chia sẻ: "Xuất khẩu hình ảnh quốc gia còn quan trọng hơn xuất khẩu hàng hóa. Và muốn làm kinh tế thì trước tiên phải "gia cố" hình ảnh quốc gia". Xứ sở Kim Chi với chiến lược Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) có thể coi là một trong những điển hình thành công trong việc phủ rộng hình ảnh quốc gia.
Không kỳ vọng tạo ra một "Vietlyu", nhưng trong nhiều năm lại đây, chúng ta cũng đã chứng kiến những nỗ lực rõ ràng để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài, thông qua các chiến dịch bình chọn kỳ quan thiên nhiên, vận động công nhận di sản thế giới, v.v... Ngay cả việc đưa người đẹp Việt Nam đi "cọ xát" trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, mời các ban nhạc nổi tiếng thế giới về biểu diễn có lẽ cũng không nằm ngoài nỗ lực này.

Bức ảnh "ngược đại vịt" khiến dân mạng Tây chí chóe
2. Những hành động, kế hoạch trên là tầm vĩ mô, và kết quả đến đâu vẫn cần chờ đánh giá của số liệu, thống kê chính thức. Nhưng quay trở lại câu chuyện "ngược đãi vịt", thì có thể thấy nhiều khi chuyện hình ảnh quốc gia lại nằm ở những điều vi mô khó ngờ.
Chẳng hạn, những anh chàng ngoại quốc "ma xó" kiểu "Dâu Tây" rất có thể trở thành những đại sứ không chính thức (dù không được nổi tiếng về khả năng xài hàng hiệu và trang sức kim cương như vị đại sứ chính thức) giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới cái cộng đồng mà anh ta thiết lập được. Vậy hãy thử hình dung họ sẽ nói gì?
Có thể họ sẽ nói về những con người Việt Nam thân thiện, nồng nhiệt, nhưng cũng nhiệt tình không kém trong sự vụ "chặt chém", nhất là với du khách "lạ". Có thể họ sẽ ca ngợi phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đáng mến, nhưng cũng không quên kể về chuyện rất nhiều phụ nữ Việt giờ đang đầu quân cho đội ngũ lấy chồng Hàn, Đài. Rồi chuyện nhiều chân dài, ngấm ngầm hoặc công khai triết lý "không có tiền cạp đất ra mà ăn". Còn nếu hỏi chuyện hoa hậu, hẳn các chàng ma xó này sẽ rành mạch cho biết, hiện tại nổi nhất trên báo chí Việt Nam là... "hoa hậu bán dâm".
Có thể họ sẽ nói đến những người Việt Nam yêu thiên nhiên, động vật, nhưng cũng rùng mình kể chuyện người Việt nổi tiếng mê đặc sản thú rừng, "điên cuồng" truy lùng cây sưa và tiêu thụ sừng tê giác đứng đầu thế giới ra sao.
Có thể nhiều người sẽ nói về một xứ Huế mộng mơ, với dòng sông Hương thanh bình, những lễ hội tưng bừng. Nhưng với những người như vị đại sứ Argentina từng đến Việt Nam hồi tháng 4, thì ấn tượng khó quên của ông về cố đô chắc sẽ là chuyện... bị móc túi. Hay với hai vị khách nước ngoài đến dự họp Interpol hồi tháng 11 năm ngoái, thì cơn sốc khó phai hẳn là chuyến taxi lịch sử - 6 triệu đồng cho 10km đường.

Với vị đại sứ Argentina này, ấn tượng sâu đậm nhất về Việt Nam có thể là...
3. Nghe thế, không ít người Việt sẽ "xù lòng tự tôn", như có lần chúng ta từng phản ứng trước một anh chàng blogger Mỹ hết lời chê bai du lịch Việt Nam và nêu cao quyết tâm "một lần chót đến, chẳng dại quay lại". Chúng ta sẽ tìm ra mọi bằng chứng, dù nhỏ nhất để chứng minh anh chàng này chỉ "ăn ốc nói mò" chứ thực tình chưa từng đến Việt Nam, v.v...
Dĩ nhiên, chuyện khen chê vốn vẫn thường tình. Đến như Bali, nơi vẫn được coi thiên đường của tình yêu, làm bao con tim sóng sánh vì những hình ảnh lãng mạn trong Ăn, cầu nguyện và yêu vẫn còn chuốc lấy những ý kiến "thất vọng toàn tập".
Không chiến dịch quảng bá nào kiểm soát được mọi khía cạnh trong vô số cảm nhận cá nhân này. Rất có thể những du khách may mắn đã gặp được những góc, con người đẹp trên đất Việt. Còn những du khách "vận xấu" lại vấp phải những góc tối nơi đây. Sau tất cả, cái đọng lại với bên ngoài có lẽ vẫn là cách chúng ta đối mặt với những khen chê ấy.
Chuyện hình ảnh, thể diện quốc gia mới đây lại càng nóng với tin tức về việc Đan Mạch "tạm dừng" 3 trên 4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ tính minh bạch trong chi tiêu. Thực chất vấn đề là gì, và có chuyện hiểu nhầm hay không vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Nhưng một chuyện như vậy xảy ra trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2012, thật khó không khiến chủ nhà mất mặt.
Nghĩ đến đây, chợt liên tưởng đến nước Nhật. Đất nước mặt trời mọc vốn nổi tiếng vì nhiều điều, chẳng hạn người ta vẫn nói rằng hàng hóa Nhật Bản ẩn chứa trong đó triết lý về sự hoàn hảo, về chất lượng của người Nhật. Nhiều người cũng đã nói đến chuyện quảng bá hình ảnh quốc gia qua chất lượng hàng hóa. Nhưng thật lòng thừa nhận, với một kẻ "chủ nghĩa tiêu dùng" như người viết bài này, thì đơn thuần là hàng Nhật tốt hơn nhiều lần hàng Trung Quốc.
Kẻ trên không thông thiên văn, dưới không tường địa lý như người viết, nếu được hỏi có 3 điều nào xuất hiện đâu tiên khi bạn liên tưởng đến nước Nhật, sẽ chỉ có thể liệt kê "bừa" là: hoa anh đào, hình ảnh lãnh đạo Nhật gập mình xin lỗi người dân, và nhất là lòng quả cảm, trung thực đến phi thường của người Nhật ngay cả trong thảm kịch động đất, sóng thần đã được báo chí cả thế giới ca ngợi.
Chuyện "người ngoài" là thế. Còn với Việt Nam, làm sao để lan truyền vẻ đẹp bất tận của đất nước hình chữ S? Câu hỏi thật hóc búa. Muốn có đáp án, có lẽ lại phải giao đề thi này cho một cuộc thi... cấp quốc gia.
Hải Tâm

[1] Báo Đất Việt, ngày 5/6: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Dan-mang-Tay-cai-nhau-chi-choe-vi-buc-anh-nguoc-dai-vit-o-VN/20126/214956.datviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét