Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Lại nghĩ về chuyện "cổng trường đổ", vì sao?


Giáo dục phải là cho mọi người. Nhà trường "không nên có cổng" (nghĩa bóng). Cổng trường cần được "mở tung" cho tất cả những ai muốn học.

Không thể là... "một người ăn, chín người nhịn"
Sau "sự kiện" cổng trường Thực nghiệm trên đường Liễu Giai Hà Nội bị các bậc cha mẹ đạp đổ, để kiếm một lá đơn xin học cho con ở ngôi trường này, đã có nhiều bài viết, nhiều ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cách đây ít ngày, VietNamNet lại tổ chức "Bàn tròn trực tuyến" về sự kiện này với sự có mặt của một số khách mời khá quen thuộc của công chúng, trong số đó có "cha đẻ" của Công nghệ Giáo dục- GS Hồ Ngọc Đại.
Viết thêm nữa, nói thêm nữa về "sự kiện" này, liệu có "góp phần" để vài cổng trường nữa sẽ... đổ khi mà mùa tuyển sinh đang khởi động? Chắc là không.
Chuyện các bậc cha mẹ xếp hàng cả đêm dưới trời mưa để dành một chỗ học cho con (cháu)  vào mẫu giáo, vào lớp 1 ở một số đô thị lớn tại Hà Nội đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Có gì mà phải rùm beng?
Cổng trường Thực nghiệm (chỉ còn cái tên) đổ, như nhận định của Phó GS Văn Như Cương, là do: Cách tổ chức bán "Đơn xin học" của quí trường (tuyển 200 học sinh, số đơn bán ra chỉ 400, và chỉ trong một buổi). Cách xếp hàng của các ông bố bà mẹ mà người ta thường nói "chưa có văn hóa xếp hàng", dẫn đến xô lấn "liều mình như chẳng có".



Cũng như Giao thông, Y tế... Chỉ một Bộ Giáo dục, một Bộ Giao thông, một Bộ Y tế dù có "Tư lệnh" giỏi đến đâu cũng không thể giải quyết những "vấn nạn" nếu không có sự phối kết hợp của toàn xã hội trong đó vai trò của Nhà nước,"nhạc trưởng" của một bản giao hưởng không mang tên... "Bỏ dở" (inachevée).
Và còn gì nữa? Trường Thực nghiệm là một địa chỉ hấp dẫn? Trường có đội ngũ thầy cô nổi tiếng? Trường có chương trình ưu việt...? Một số vị cha mẹ tham gia làm đổ cổng trường đã trả lời phóng viên rằng chọn trường này cho con (cháu) vì trường có khuôn viên đẹp, có sân chơi rộng, trường nằm kề đường to, tiện giao thông...Thế thôi.
Còn GS Hồ Ngọc Đại, trích một câu nói của người Pháp: "Trong những cái tồi tệ hãy chọn cái ít tồn tệ hơn" để lí giải việc cha mẹ, ông bà các em bé chen lấn làm đổ cổng trường mà cách nay 30 năm ông đã sáng lập, mặc dù năm 2012 trường Thực nghiệm của ông, thực chất chỉ còn cái tên.
Trong "Bàn tròn trực tuyến" người ta có kể ra vài trường tiểu học ở Hà Nội từ nhiều năm nay thu hút rất đông học sinh, như Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường tiểu học Nguyễn Siêu...thế mà cổng của những trường này chưa hề đổ (vì được xây bằng công nghệ Nhật Bản?).
Liệu có thể là ví dụ để các trường khác trên địa bàn Thủ đô tham khảo về cách tuyển sinh của họ?
Tuy vậy, nói gì thì nói, "sự kiện" cổng Trường Thực nghiệm đổ là rất đáng để cả xã hội quan tâm (đương nhiên không phải vì cái cổng trường), nhất là các vị lãnh đạo Thủ đô, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội.
Trong khi nhiều khách sạn, văn phòng, cao ốc mọc như nấm trên những mảnh đất "vàng", trong khi nhiều khu đô thị mới xuất hiện, dân số tăng cơ học đến chóng mặt. Trong khi nhiều trăm héc ta đất dự án nằm đắp chiếu nhiều năm, thì trường học, phòng học các cấp thiếu nghiêm trọng. Ai cũng biết. Nhưng tình hình không được cải thiện bao nhiêu.
Trường, lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên luôn tương ứng với số lượng học sinh mỗi năm học thì sẽ không còn cảnh chen lấn. Tiếp đó hãy nói đến chương trình, sách giáo khoa. Rồi nữa, không còn trường chuyên, lớp chọn sẽ không còn hiện tượng chạy trường, chạy lớp. Giáo dục không thể chỉ vì một nhóm người, không thể "một người ăn, chín người nhịn".


Xô đổ cổng trường thực nghiệm để mua đơn xin học của phụ huynh. Ảnh: Nam Khánh/TTO
Nhà trường không nên... "có cổng" Giáo dục phải là cho mọi người. Nhà trường "không nên có cổng" (nghĩa bóng). Cổng trường cần được "mở tung" cho tất cả những ai muốn học.
Điều này, chẳng có gì mới so với chính Việt Nam. Những năm kháng chiến chống Mỹ, gian khổ thiếu thốn nhiều thứ nhưng giáo dục lại không thiếu. Biết bao mái trường "nhà gianh, vách đất" đã đào tạo ra lớp lớp trí thức cho ngày hôm nay. Rất nhiều người nổi tiếng "đi ra" từ những ngôi trường này. Tại sao?
Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến "cải cách giáo dục", đến "chương trình, giáo trình, sách giáo khoa"...Nhưng cái gốc của vấn đề là trường, lớp, đội ngũ giáo viên thì lại sao nhãng (?)
Giáo dục, cũng như nhiều lĩnh vực khác trên đất nước này đang nổi cộm nhiều vấn đề.
Cũng như Giao thông, Y tế... Chỉ một Bộ Giáo dục, một Bộ Giao thông, một Bộ Y tế dù có "Tư lệnh" giỏi đến đâu cũng không thể giải quyết những "vấn nạn" nếu không có sự phối kết hợp của toàn xã hội trong đó vai trò của Nhà nước,  "nhạc trưởng" của một bản giao hưởng không mang tên... "Bỏ dở" (inachevée).
Đinh Việt Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét