Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

(2) Cái nôi của dân tộc Trung Quốc


Phan Ba's Blog
Andreas Lorenz
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 22 / 2012
Lan Châu nằm cách đó tròn 200 kilômét, thủ phủ của tỉnh Cam Túc. Từ những năm 50, thành phố đã phát triển trở thành một nơi quan trọng cho công nghiệp dầu và hóa, ngày nay có 3,5 triệu người sống ở đây. Đến một khái niệm về bảo vệ môi trường còn chẳng tồn tại cả một thời gian dài. Không chỉ các nhà máy, cả hộ dân của toàn thành phố cũng bơm nước thải của họ vào Hoàng Hà. Mãi đến bây giờ người ta mới xây nhà máy xử lý nước thải ít nhất là cho các khu dân cư.  

Nhà sư trên Cao nguyên Tây Tạng
Nhà sư trên Cao nguyên Tây Tạng. Ảnh: Der Spiegel

Một cáp treo chở khách tham quan qua con sông đến ngôi Chùa Trắng. Nhà văn Yang Xianhui, 66 tuổi, chọn một quán trà ở gần đấy – không chỉ vì quang cảnh đẹp của thành phố và chiếc cầu sắt lâu đời nhất của Hoàng Hà, do kỹ sư Đức xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Yang tin là không bị quấy rầy ở đây. Ông ấy cảm thấy phải có trách nhiệm phải làm sáng tỏ quá khứ đen tối của Trung Quốc.

Yang muốn ghi lại sự tàn nhẫn của một thời kỳ lịch sử mà cho tới ngày nay ĐCS vẫn không muốn nói về nó: “Đại nhảy vọt” của Mao vào cuối những năm 50. Thời đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn dùng bạo lực để công nghiệp hóa đất nước, như muốn bắt kịp Liên hiệp Anh về mặt kinh tế “trong vòng 15 năm”.
ĐCS ra lệnh cho nông dân phải xây những lò luyện thép nhỏ và nấu thép. Đồng thời họ yêu cầu phải nộp này càng nhiều ngũ cốc hơn cho các thành phố. Cuộc “Đại nhảy vọt” chấm dứt trong một thảm họa, cho tới 45 triệu người Trung Quốc đã chết đói.
Được cổ vũ bởi nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình sau này, trong cùng thời gian đó Đảng đã giam giữ tròn nửa triệu những người bị cho là hữu khuynh vào trong các trại cải tạo. Người trong trại, thường là dân có học từ thành phố, bị tố cáo là đã hoài nghi chính sách của ĐCS. Nhiều người đã không sống qua được sự hành hạ đấy. Một trong các trại đó ở tại Giáp Biên Câu trong sa mạc Gobi.
Nhà văn Yang đã đi tìm những người còn sống sót của trại này và công bố các tường thuật của họ trong một tờ báo văn học nhỏ ở Thượng Hải mà các biên tập viên của nó đã phớt lờ sự cấm đoán của những người kiểm duyệt. Vào buổi sáng đấy, ông đã đến cùng với Chen Zonghai, nguyên là thầy giáo, một người đàn ông 79 tuổi cường tráng, thuộc trong số ít những người đã sống sót qua được trại Giáp Biên Câu từ tổng cộng là tròn 3000 tù nhân.
Đầu của Chen trọc, ông đeo một cái kính mắt to. Sự bất hạnh của ông ấy là ông ấy đã “quá thụ động” trong các buổi họp phê bình thông thường của thời đấy mà ở trong đó Đảng dùng chúng để xét nghiệm ý thức giai cấp của thần dân. Các cán bộ lên án ông rằng ông đã không tố cáo ai cả. Thế là họ mang ông đến bờ sông Hoàng Hà trên một chiếc xa tải và chở ông cùng với những người hữu khuynh khác đến Giáp Biên Câu.
Người chăn bò Tây Tạng
Người chăn bò Tây Tạng. Ảnh: Der Spiegel
Cái xảo quyệt của hình thức giam giữ này: nó không có giới hạn về thời gian. “Chúng tôi cần phải làm việc siêng năng ngày đêm và tự cải tạo chúng tôi”, Chen nhớ lại. Thế nhưng những trại đó đã phát triển trở thành những trại của cái chết, khẩu phần ăn đã thiếu hụt lại ngày một ít đi và ít đi, rồi không có thức ăn nữa. Nhân viên canh gác đứng nhìn tù nhân chết đói hết người này đến người khác.
Chen nhổ một cọng cỏ trên mặt đất. “Thứ này là có thể ăn được”, ông ấy nói. “Thời đấy tôi đã mơ về những bữa ăn thịnh soạn. Trong mùa Đông 1959, ngày càng có nhiều tù nhân chết.” Cuối cùng, sự việc ghê sợ đấy đã chấm dứt vào năm 1961. Cơ quan nhà nước trả tự do cho số ít những người sống sót qua được.
Ai muốn vào trại tử thần ngày xưa phải bay một giờ đồng hồ đến Gia Dục Quan – và rơi vào trong một thế giới mà quá khứ và hiện tại đang hiện diện như nhau. Ở đây, Vạn Lý Trường Thành đã hư hỏng vì mưa gió, cái ngày xưa có nhiệm vụ bảo vệ người Trung Quốc trước những dân tộc cưỡi ngựa sống du cư. Và ngày nay, nhân viên kỹ thuật hạt nhân Trung Quốc sống ở đây, những người có phòng thí nghiệm của họ ở trong sa mạc cách đấy tròn một trăm kilômét. Mỗi sáng vào lúc 7 giờ 40, một chiếc tàu hỏa chở nhân viên kỹ thuật và công nhân vào trung tâm nguyên tử bí mật, vào khoảng 18 giờ nó mang họ trở về.
Từ thành phố có một con đường dẫn đến một trong số bốn nhà ga vũ trụ của Trung Quốc. Ở một lúc nào đó trên con đường đến đấy có một lối rẽ vào một con đường gập ghềnh – con đường đi vào trại chết đói Giáp Biên Câu ngày xưa.
Nhìn thoáng qua, không có gì khiến cho người ta nhớ lại cái kinh khủng của thời đấy: Giáp Biên Câu ngày nay là một ốc đảo thịnh vượng mà ngô, dưa và ớt đang được trồng ở đó. Ở lối vào có một tấm bảng cảnh báo: “Ai hôm nay không làm việc cho thành thật thì ngày mai có thể đi tìm việc làm khác.” Bên cạnh đó là những lời trích dẫn viết bằng phấn của các lãnh tụ Đảng Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Không có một tấm bảng, không có một tảng đá tưởng niệm nhắc đến quá khứ. Sinh viên y khoa từ Lan Châu đã thu nhặt tất cả những người chết ngay từ năm 1960, các bộ xương được phân chia về cho các trường đại học để làm vật giảng dạy.
Ông Chen, không có họ hàng với người nguyên là thầy giáo, lãnh đạo nhà máy nông nghiệp quốc doanh. Ông ấy cảm thấy bất an khi phải mở ra một chương đen tối của lịch sử Trung Quốc cho khách tham quan từ nước ngoài. Nhưng ông ấy đánh giá cao nhà văn Yang, thế nên rồi ông ấy chỉ cho xem những ngôi mộ do tù nhân đào và những cây do họ trồng. “Ở đây đã có trên một ngàn người đứng thành hàng để vận chuyển đá”, ông ấy nói.
Rồi Chen nói về “sự hy sinh cần thiết” mà một đất nước như Trung Quốc đòi hỏi để tạo khả năng cho sự tiến bộ. Và ông ấy tìm thấy một so sánh làm giảm gánh nặng cho lương tâm của ông ấy. Lần xây dựng Vạn Lý Trường Thành cũng đã khiến cho nhiều người chết, ông ấy nói, “nhưng nó đã hợp nhất đất nước”.
Trong quán trà ở Lan Châu, người thầy giáo già nhìn xuống Hoàng Hà và biển mái nhà của thành phố lớn này. “Tôi không còn tin vào điều gì nữa cả”, ông ấy nói. Mặc dù vườn trà rộng lớn và gần như không có người, có ba người đàn ông ngồi xuống ngay ở bàn bên cạnh và chăm chú lắng nghe. Nhà văn Yang cố tình nói to khi ông thuật lại câu chuyện Giáp Biên Câu: “Các cậu anh ninh quốc gia trẻ tuổi này cần nên lắng nghe những gì đã xảy ra vào thời đấy.”
Thành phố triệu dân Lan Châu
Thành phố triệu dân Lan Châu. Ảnh: Der Spiegel
Người Trung Quốc còn có một cái tên khác cho dòng sông lớn này. Họ gọi nó là “nỗi lo của Trung Quốc”, vì tất cả những tấn bi kịch đã diễn ra ở cạnh bờ sông của nó.
Thêm 600 kilômét xuôi dòng từ Lan Châu, dòng sông là nỗi lo của Trung Quốc dường như đã đổ vào địa ngục.
Ở đấy, trên đường đến Wuda trong Nội Mông, Hoàng Hà uốn lượn chậm chạp quanh các ốc đảo qua thảo nguyên và sa mạc. Và bất thình lình phong cảnh trông giống như trên Mặt Trăng: đá cuội, bụi. Tất cả đều có màu xám. Không có một cọng cỏ mọc, không một con bọ cánh cứng bò ở đây, chim cũng biến mất. Và ở dưới bề mặt, lòng đất đang sôi sục, ai đứng lại đây quá lâu, đế giày của người đó sẽ chảy ra. Và thỉnh thoảng đất lại mở ra và kéo con người xuống cái hố sâu đang nóng rực đấy.
Một địa ngục của môi trường trải dài qua nhiều kilômét vuông. Từ trên 50 năm nay, than đá cháy ở sâu trong lòng đất. Nó đã tự bốc cháy, lửa thường bùng phát lên lại vì ôxy thâm nhập vào qua những đường hầm đã bị bỏ hoang.
Khó thở, không khí đầy chất độc hại, mưa chua. Nhiều triệu tấn than đá đã cháy mất ở đây. Dần dần, những người chữa cháy đã có thể kiểm soát được ngọn lửa nhờ vào sự giúp đỡ của các chuyên gia Đức. Họ cô lập các đám cháy bằng những bức tường ở dưới mặt đất, đổ đất lên để làm tắt lửa.
Ngay cạnh rìa của địa ngục Wuda, công nhân vừa đổ bê tông cho một con đường mới, như thể họ muốn chứng minh rằng họ không để cho thiên nhiên chiến thắng mình. Và ở phía bên kia của con đường, chỉ cách nền đất đang sôi sục vài mét, lại có những mỏ than mới thành hình. “Ở đây không còn nguy hiểm nữa”, giám đốc Chen Zengfu của mỏ than Huaying thứ nhì quả quyết. “Chúng tôi xuống sâu đến 700 mét.”
Mao đã chuyển nhiều phần của công nghiệp nặng và công nghiệp chế tạo vũ khí của ông ấy vào vùng hoang vắng này trong những năm 60, vì ông ấy muốn bảo vệ chúng trước một cuộc tấn công của Liên bang Xô viết. “Tuyến thứ ba” là tên của dự án đó. Sau này, không phải lúc nào cũng tự nguyện, người nông dân đến khai khẩn sa mạc ở cạnh Hoàng Hà.
Khói từ những nhà máy công nghiệp cổ lỗ này làm tối đen bầu trời, xe tải hạng nặng thở hổn hển chạy đến trên những con đường đầy ổ gà. Các cô gái bán dâm chờ tài xế xe tải trong những ngôi nhà gạch buồn tẻ. Nhà máy thép Zhurong kêu lèo xèo cạnh bờ Hoàng Hà. Cách đấy một vài trăm mét, trên một khoảng đất trong làng có tên là Ngôi sao Đỏ, đơn vị thứ 2, người dân đang nấu cải bắp cho mùa Đông. “Chúng tôi không thở được”, họ nói. “Tất cả chúng tôi đều có vấn đề với phổi.”
Nhà máy trả cho làng mỗi năm 80.000 nhân dân tệ (tròn 10.000 euro) như là tiền bồi thường cho không khí bị ô nhiễm. Những người nông dân dùng tiền đấy để mua nước từ Hoàng Hà mà họ dùng nó để tưới ruộng.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét