Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Trung Quốc đổ tiền đi khắp thế giới


Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm thì đầu tư ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc lại đang tăng dần, đạt con số ấn tượng 77 tỷ USD trong năm 2012.
Trung Quốc lập quỹ đầu tư 1 tỉ USD ở Mỹ Latinh
Bang Jharkhand là một bang hẻo lánh nằm ở phía đông Ấn Độ hiện đang là trung tâm của ngành công nghiệp thép nước này. Đây là nơi Ấn Độ xây dựng nhà máy thép đầu tiên của mình vào năm 1908 bằng tiền cả niềm tự hào dân tộc của mình. Nhưng một nhà máy thép mới cũng nằm trong bang này lại đang có lối tư duy mới. Do công ty Electrosteels Steel sở hữu, nhà máy này được các nhà thầu phụ Trung Quốc xây dựng nên và được lắp đặt các trang thiết bị Trung Quốc mặc dù chính phủ Ấn Độ chần chừ không muốn cấp thị thực cho các công nhân Trung Quốc. Hiện nhà máy này đang mở rộng năng lực sản xuất và hi vọng sẽ nhận được 250 triệu USD tiền đầu tư của Trung Quốc.

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc ngày càng 
tăng cả về lượng vốn và phạm vi đầu tư.
Hi vọng đó không phải là không có cơ sở. Trung Quốc vốn nổi tiếng vì thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên tiền vốn đầu tư ngày càng chảy theo hướng ngược lại. Theo các số liệu chính thức, đầu tư ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc trong năm 2012 là hơn 77 tỷ USD, tăng lên 12,6% so với năm trước trong khi lần đầu tiên kể sau nhiều năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này suy giảm.

Tuy nhiên còn rất lâu nữa Trung Quốc mới “mua” được thế giới. Nước này vẫn là một quốc gia tương đối mới xét về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, chưa tính đến chuyện những con số do nước này cung cấp có lẽ được thổi phồng lên. Những nước như Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha đều sở hữu nhiều hơn Trung Quốc. Kể từ năm 2005, mặc dù Trung Quốc đã “rót” hơn 50 tỷ USD vào nước Mỹ nhưng con số đó chỉ chiếm hơn 2% tổng đầu tư nội địa của Mỹ.

Bên cạnh đó, đầu tư ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc sẽ tuyệt vời hơn nếu được các nước chủ nhà hoan nghêng. Theo Quĩ Heritage, các thỏa thuận có tổng trị giá hơn 200 tỷ USD đã đổ bể do “biến cố bất ngờ và đau đớn” như bị lực lượng chính trị đối lập phản đối. Ở các nước phương Tây, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc được đón nhận với sự nghi ngờ một phần là do các khoản đầu tư vẫn chủ yếu bắt nguồn từ các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó có thể coi là mối đe dọa đối với các thị trường cạnh tranh và đôi khi là cả an ninh quốc gia.

Tin tốt lành là lượng vốn từ các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc đang gia tăng. Năm 2012, lượng vốn của các nhà đầu tư này chiếm 9,5% tổng ODI của Trung Quốc, cao hơn so với tỉ lệ 4% vào 2 năm trước đó. Khi vai trò của các nhà đầu tư tư nhân tăng lên thì sự nghi ngờ của các quốc gia chủ nhà sẽ giảm đi. Trong khi đó các nhà đầu tư Trung Quốc có một số lựa chọn khác.

Phát biểu tại hội thảo tại Bắc Kinh vừa qua, ông Zhao Changhui của Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc than phiền rằng các công ty Trung Quốc đang lãng phí tiền và sức lực khi cố gắng thuyết phục các nước phương Tây rằng mình có thiện chí. Ông này đề xuất rằng Trung Quốc nên đầu tư vào các quốc gia như các nước châu Mỹ La tinh, châu Á và châu Phi. Theo ông Changhui, những khu vực này đang “đói” tiền đầu tư của Trung Quốc, bất kể là từ nhà đầu tư tư nhân hay nhà nước. Và các nhà đầu tư Trung Quốc có thể khởi sự với một nhà máy thép ở Jharkhand, Ấn Độ.


LÊ DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét