Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

'Bật mí' hợp đồng mua bài thơ giá kỷ lục 300 triệu

'Bật mí' hợp đồng mua bài thơ giá kỷ lục 300 triệu
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/1, hợp đồng mua bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ của nhà thơ Trần Đình Chính đã được chuyển vào TP.HCM. Ông Nguyễn Xuân Hàn đã chính thức ký vào bản hợp đồng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay về việc mua một bài thơ. Ngày 30/1 tới đây, 300 triệu đồng mua bài thơ này sẽ được trao cho tác giả tại Hà Nội.
Như TT&VH đã thông tin, nhà thơ Trần Đình Chính, tác giả bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà thơ Trần Đình Chính cần tiền chữa bệnh nên đã rao bán bài thơ tâm đắc nhất của mình.
Đọc báo biết chuyện, ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MASECO), đã liên lạc với nhà thơ Trần Đình Chính để mua bài thơ này. Trước đây, một doanh nhân đã chủ động mua bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan với giá 100 triệu đồng và chính doanh nhân này mua 10 nốt nhạc của Phạm Duy cũng với giá 100 triệu đồng. Việc mua bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ lần này là do nhà thơ chủ động rao bán, còn việc mua hai tác phẩm trước đây là do doanh nghiệp chủ động tìm mua.
TT&VH có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Hàn.

Ông Nguyễn Xuân Hàn
* Làm kinh doanh, hẳn nhiên một vụ mua bán phải đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, tại sao ông mua bài thơ này của nhà thơ Trần Đình Chính?
- Nhà thơ Trần Đình Chính rao bán bài thơ, tôi đọc được hoàn cảnh tác giả thấy rất thương cảm. Có lẽ đây là lựa chọn cuối cùng nên nhà thơ mới đem đứa con tinh thần của mình rao bán, gần như không có trường hợp nào đem thơ rao bán như vậy.
Mỗi năm, chúng tôi sản xuất chương trình karaoke thương hiệu Arirang dùng 500 - 600 bài hát, rất nhiều bài phổ thơ. Việc mua bài thơ này của anh Trần Đình Chính như cái nghĩa để chúng tôi trả ơn các nhà thơ. Có thể nói, mua bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ để giúp anh Trần Đình Chính chữa bệnh mang ý nghĩa tình người hơn là thương mại.
* Nhiều ý kiến cho rằng, đây là dịp để MASECO PR thương hiệu, ông nghĩ sao về nhận xét này?
- Như đã nói, khi quyết định mua Ở hai đầu nỗi nhớ, chúng tôi không hề nghĩ đến chuyện PR thương hiệu hay đánh bóng tên tuổi. Tuy nhiên, sau khi báo chí đăng tin MASECO mua bản quyền bài thơ này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi rất tốt từ phía bạn đọc. Tôi nghĩ việc này cũng bình thường thôi, cái gì cũng có tác dụng hai chiều của nó. Khi chúng ta làm một việc có ý nghĩa cho cuộc sống, thì tự nhiên cuộc sống sẽ trả lại cho ta những điều tốt đẹp. Tại sao cứ phải tính toán những việc không cần thiết phải tính, nhất là với một bài thơ hay lại được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc rất hay và tác giả của nó đang cần trợ giúp?
* Nhà thơ Trần Đình Chính rao bán Ở hai đầu nỗi nhớ 500 triệu đồng, nhưng cuối cùng ông chỉ mua 300 triệu đồng. Việc ngã giá này là sao, thưa ông?
“Có một không gian nào/ Đo chiều dài nỗi nhớ/ Có khoảng mênh mông nào/ sâu thẳm hơn tình thương” là đoạn mở đầu bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ của nhà thơ Trần Đình Chính. Trần Đình Chính cũng chính là nhà báo Trần Hoài Thu, nguyên là cán bộ của báo Nhân dân với hơn 30 năm công tác tại đây. Ở hai đầu nỗi nhớ được in lần đầu trên báo Nhân dân năm 1984, đến năm 1987 được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và được rất nhiều ca sĩ như: Thu Hiền, Bảo Yến… trình bày thành công.
- Nhiều người quen đã hỏi tôi câu hỏi này, vì sao không là 500 triệu hay 200 triệu mà lại là 300 triệu đồng? Tôi nói rằng, với một tác phẩm nghệ thuật giá trị, không thể định lượng bằng con số vật chất cụ thể, một bài thơ hay đôi khi là vô giá. Vậy tại sao tôi mua bài thơ này của anh Trần Đình Chính 300 triệu đồng? Câu trả lời thật đơn giản: Khả năng tài chính của chúng tôi chỉ có chừng đó, tài chính của chúng tôi không phải là vô hạn.
Tôi có nói với anh Trần Đình Chính, trong thời gian hợp đồng chưa ký và tiền chưa trao, ai trả giá bài thơ cao hơn anh cứ bán, nhằm có kinh phí tốt hơn để chữa bệnh. Trong quá trình sản xuất các chương trình karaoke, tôi có nhiều kỷ niệm sâu lắng với Ở hai đầu nỗi nhớ, bài hát đem lại cảm giác hướng thiện cho người nghe. Vậy nên, mua bài thơ này cũng là ghi dấu một kỷ niệm của bản thân tôi. Chúng tôi sẽ sử dụng bản quyền bài thơ để phát huy thêm các giá trị của nó.
* Nếu còn một nhà thơ, nhạc sĩ khác có tác phẩm đi vào lòng người nhưng đang khó khăn nên rao bán đứa con tinh thần, ông có mua nữa không?
- Chúng tôi làm doanh nghiệp, ngoài sản xuất kinh doanh mang về lợi nhuận, còn phải có trách nhiệm xã hội. Mỗi năm, chúng tôi chi khoảng 3 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội ý nghĩa ở các địa phương. Trong khả năng có thể làm được, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với văn nghệ sĩ nếu có người rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo như anh Trần Đình Chính.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

 ----

Bán đứt con, mấy ai vui!

 1. Báo chí đưa tin, nhà báo Trần Đình Chính (tức Trần Hoài Thu), tác giả bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, đã bán được bản quyền bài thơ “để đời” của mình, để có tiền chữa bệnh.
Theo thỏa thuận, Trần Đình Chính nhượng lại bản quyền bài thơ trên cho người mua với giá 300 triệu đồng, “khách hàng” sẽ được quyền khai thác các giá trị thương mại của bài thơ trong mọi hoạt động có liên quan.
Không biết mức giá kia đắt hay rẻ, có tính cả sự hảo tâm, vừa mua vừa ủng hộ của khách hàng hay không. Nhưng nếu không tính mức lạm phát của thị trường, thì thơ có vẻ đang “lên giá”. Người yêu văn chương còn nhớ, bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan đã được bán với giá 100 triệu đồng và bài thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm được bán với giá 200 triệu đồng. 
Thực tế, “thi sĩ” Trần Hoài Thu bị tiểu đường nhiều năm, lòa mắt, hư thận, phải chạy thận nhân tạo với chi phí hằng tháng hơn 12 triệu đồng, trong khi thu nhập của ông chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Việc bán được thơ là… may.
Ai ôm cái nghiệp văn chương thi sĩ, thì sự nghèo thường là rõ ràng. Nhưng đã nghèo còn gặp eo, thi sĩ bị bệnh thì càng khổ. Như Xuân Diệu đã từng thốt lên:“Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhà thơ quê mùa Nguyễn Bính cũng đồng cảm như thế: “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con”.
Vâng, rất nhiều nhà thơ xứ ta vẫn đang sống rất nghèo, hẳn nhiên là nghèo vì làm thơ bán ai mua mà giàu?! Nhưng cay nghiệt, không ít nhà thơ lại có đời sống gắn với hai chữ “phận bạc”.

2. Nhưng cái mộng văn chương, ai dính vào dễ gì mà dứt, như Điền trong Trăng sáng, từng hùng hồn: “Điền sẽ nguyện cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà văn nhân nước mình phải chịu. Điền vẫn thường bảo với một người bạn cùng chí hướng: Điền sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng bạc bằng nghề văn”. Máu văn chương thì thời nào cũng thế.
Trong những cái nghèo, có lẽ thi sĩ là bậc nhất. In thơ khó bán, bởi mấy ai mua, nhiều tờ báo thì đóng cửa trang thơ. Chỉ cần nhìn sang bên cạnh, cũng là nghệ sĩ, nhưng không phải thi sĩ mà là nhạc sĩ, đời sống đã khá khẩm hơn rất nhiều. Ví như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vừa hoan hỷ thông báo thành quả năm 2012 thu về 47 tỷ đồng. Nhiều nhạc sĩ nhận được tiền tác quyền ca khúc cao, như trường hợp nhạc sĩ Hoài An, Nguyễn Văn Chung (300 triệu đồng/năm), hoặc như gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (gần 200 triệu đồng/quý).
Nghĩ đến thi nhân mà không khỏi chạnh lòng. Nhà thơ như con tằm rút ruột nhả tơ, giống Hàn thi sĩ từng viết: “Mỗi lời thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da”. Mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần, bán con, mấy ai vui dù… được giá. Chung quy chỉ tại cái sự nghèo của thi sĩ.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét