Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Vì nền nông nghiệp phát triển bền vững

Bạn Hiệp có một bài viết rất hay, rất đúng về thực trạng nông nghiệp, nông thôn và đời sống cơ cực của nông dân nước ta, nhất là tại vùng ĐBSCL. Bạn có nhắc tới chuyện 1 tấn gạo xuất khẩu bình quân hiện nay chỉ được 445 USD trong khi “một con” iPhone 5 nặng 112 gram, so giá tại Việt Nam khoảng 25 triệu đồng (1200 USD) làm tôi nhớ lại 1 đoạn vừa trò chuyện với bạn Hà Linh về nước Nhật Bản lưu trong Blog này (xem ở đây): Ngay từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, người Nhật đã giảm dần, tiến tới không sản xuất các sản phẩm “nặng, dài, to, dày” mà thay bằng “nhẹ, ngắn, nhỏ, mỏng” có tỷ trọng chất xám cao, và do đó các nhà máy, xí nghiệp của Nhật thay vì tập trung ở các bến cảng thì chuyển sang tập trung quanh các sân bay… Điều này tôi đã nghe được từ cách đây 30 năm và lúc nào cũng cũng thấy khâm phục triết lý phát triển này của người Nhật.
Những khuyến nghị của bạn Hiệp thật là chính xác. Chỉ tiếc rằng với tư duy và cung cách quản lý vĩ mô của nước ta, những giải pháp đó không có cơ hội trở thành hiện thực. Tôi và GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn, một nhà nông học nổi tiếng ở nước ta (bác mới mất cách đây 2 năm), đã chia sẻ với nhau nhiều lần chuyện này ngay từ hồi đó. Và đó cũng chính là lý do bác Tuấn trong 30 năm qua ít chú tâm tới nghiên cứu phát triển kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mà chuyển sang nghiên cứu đổi mới chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và xây dựng hệ thống nông nghiệp đồng bộ nói riêng để mở cơ hội cho nông nghiệp phát triển bền vững. Và cũng chính vì vậy mà bác rất yêu quý và thân thiết với giới nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô chúng tôi.
Chỉ tiếc rằng, nay bác Tuấn đã ra đi, nhưng những tiến bộ về làm chính sách phát triển cân bằng, hiệu quả, bền vững cho toàn nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nói riêng đến nay đúng là có thay đổi nhiều, nhưng thay đổi thành một mớ hỗn độn và rất kém hiệu quả; đó là chưa nói tới chuyện mục tiêu của người làm chính sách có phải là nhằm hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững như bác Tuấn hay bạn Hiệp hằng mong ước hay không ?


Bài của Trần Hữu Hiệp trên trang 1 báo Sài Gòn Giải phóng
Thứ sáu, 16/11/2012, 06:06 (GMT+7)

Thông báo gần đây của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết dù chỉ mới 10 tháng, xuất khẩu gạo của nước ta đã vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 1 thế giới. Người nông dân ĐBSCL và hạt gạo Việt lại viết thêm kỳ tích mới.
Trước đó, Tổ chức Cà phê quốc tế cũng xác nhận Việt Nam vượt Brazil, trở thành nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới. Hạt tiêu chiếm vị trí số 1 khi xuất khẩu cao gấp 5 lần Ấn Độ trong năm 2011. Hạt điều cũng đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu, số 2 về chế biến và số 3 về sản lượng. Con cá tra, một sản phẩm “đặc hữu” của ĐBSCL từ nhiều năm qua đã chiếm ngôi đầu bảng thế giới trên cả 3 mặt: sản lượng, giá trị xuất khẩu và thị phần.

Sản vật đồng bằng

Từ vị trí hàng đầu thế giới đó, ngoảnh lại sau hay nhìn về phía trước cũng nhiều nỗi lo. Theo ngôn ngữ thể thao là “phong độ không bằng đẳng cấp”, xét ở góc độ kinh tế, thì “số lượng không bằng chất lượng và giá trị”.
Một tấn gạo, giá xuất khẩu bình quân hiện nay chỉ hơn 445 USD, vị chi 10 tháng làm cật lực, bán gạo cho ngoại quốc, ta thu được 2,877 tỷ USD. Trong khi “một con” iPhone 5 nặng 112 gram, so giá tại Việt Nam khoảng 25 triệu đồng/chiếc, Apple đã đạt doanh số hơn 5 tỷ USD. Tất nhiên, so sánh trên là khập khiễng, nhưng cũng rất đáng được suy ngẫm.


ĐBSCL không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản, quyết định kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước, mà còn là nơi đảm bảo “sức khỏe”cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong khi cả nước luôn “nhập siêu” suốt 27 năm qua (trừ năm 1992 xuất siêu “nhẹ” khoảng 40 triệu USD), ĐBSCL liên tục “xuất siêu” nhờ sự đóng góp từ các mặt hàng nông sản chủ lực.

Có thể nói vùng đất này cho nhiều hơn nhận. Nhưng nghịch lý là tác giả của sự hào phóng đó đang chịu nhiều thiệt thòi. ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” về y tế, giáo dục, thấp kém về hạ tầng giao thông. Những sản phẩm chủ lực của vùng vẫn phát triển trong thế “bị đe dọa”: “Hạt gạo cắn chia 8 phần”, “Con cá tra chặt nhiều khúc”, “Cây mía chặt làm nhiều lóng”, “Trái dừa bị bửa ra nhiều miếng”... mà phần thua thiệt thuộc về nông dân.

Ngoảnh lại phía sau hay nhìn về phía trước, trước một thế giới nhiều thay đổi để tự thay đổi mình, mà trước hết là số phận nông dân. Thu nhập của những người làm ra kỳ tích của nền nông nghiệp Việt Nam đang bấp bênh theo giá cả thị trường. Theo kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ), với bình quân đất sản xuất 0,4ha/hộ, nông dân khó bề làm giàu. “30% lợi nhuận” của nông dân (nếu có) còn thấp hơn mức thu nhập 1 USD/người/ngày!

Những bài học về thương hiệu cà phê, lúa gạo; những điệp khúc “trồng, chặt”, “treo ao”, “mất mùa, trúng giá”... diễn ra thường xuyên chưa được giải quyết căn cơ từ bài toán tổng thể. Yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, thông tin dự báo thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết để nâng cao thu nhập của người nông dân, gắn kết chặt chẽ các chuỗi nghiên cứu ứng dụng - sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để tăng sức cạnh tranh trên thương trường… đang đặt ra nhiều thách thức hơn là chiếm trị trí số 1, số 2.

Đạt được vị trí “đứng đầu thế giới” về xuất khẩu các mặt hàng nông sản là kỳ tích. Nhưng quan trọng hơn là đời sống người nông dân được đảm bảo, gắn bó họ cùng phát triển bền vững cùng với nghề; là nhìn về phía trước trước yêu cầu phát triển bền vững, một nền nông nghiệp xanh, kinh tế xanh, xã hội xanh. Còn quá nhiều việc phải làm cho những vị trí nhất, nhì thế giới mà Việt Nam đã chiếm lĩnh.

TRẦN HỮU HIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét