Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

(3) Biến đổi về thể chất người Việt

Biến đổi về thể chất người Việt


(Thethaovanhoa.vn) - Dưới góc độ của sự phát triển thể chất, thì người phụ nữ hiện nay đẹp hơn xưa rất nhiều, nhất ở độ tuổi dậy thì và thanh niên.
1. Hò Quảng Trị thời chiến tranh có câu: “Con rắn không chân mà bò năm rừng bẩy rú/ Con gà không vú mà nuôi đủ chín mười con”. Câu hò này nói về sự đảm đang của các bà mẹ trong chiến tranh, thay chồng nuôi con, và theo nghĩa đen, họ thường không đủ sữa cho con bú do lao động quá vất vả lại không có nhiều thực phẩm để bồi dưỡng. Lúc đó người ta còn nói độc rằng: Phụ nữ miền Bắc không có vú...
Dưới góc độ của sự phát triển thể chất, thì người phụ nữ hiện nay đẹp hơn rất nhiều, nhất ở độ tuổi dậy thì và thanh niên. Phụ nữ xưa, nếu tính từ 1945 trở về trước, thường lấy chồng sớm, 16 tuổi đã bắt đầu sinh nở, có khi liền một mạch đến 30 tuổi họ đã có một bầy con, đông là chín, mười người, ít là hai, ba (nhưng những người ít con, thực ra, cũng là đẻ nhiều mà không nuôi được). Nên người ta thường nói: “hữu sinh vô dưỡng” hay người “chửa là cửa mả”.
Tình trạng tảo hôn về thực chất làm cho người ta không biết người con gái đẹp ra sao lúc mười tám đôi mươi khi tuổi đó đã xộc xệ vì chồng con.
Chân dung một phụ nữ nông thôn Bắc bộ đầu thế kỷ 20. Ảnh Piere Dieulefils. Nguồn: NXB Thế giới
Đa phần phụ nữ nông thôn xưa gánh gồng, gặt hái, đập lúa, giặt giũ… nên cơ ngực và tay chân rất phát triển. Ở tuổi  thanh niên (17, 18 ) phụ nữ các tỉnh đồng bằng ven sông Hồng và sông Thái Bình nom rất nở nang, thực chất thì đôi ngực (gò bồng đảo) không lớn lắm, nhưng lồng ngực nhô cao và thể tích lớn.
Đàn ông cũng vậy, nếu ta xem bức ảnh do người Pháp chụp đầu thế kỷ 20 về một nông dân đóng khố đi cày thì thấy anh ta có bụng dưới rất lớn, vồng hẳn lên, chứng tỏ sự tích tụ của giới tính giống nòi, cho đến nay hầu như đàn ông Việt Nam không còn ai như vậy. Người phụ nữ cũng thế có thể đôi ngực lớn, nhưng lồng ngực lại không lớn. Đây chính là một sự thay đổi lớn về thể chất.
2. Chắc chắn "gien" tuổi thọ đã được cải thiện ở người Việt, dù hiện nay không ít người chết trẻ vì ung thư. Từ giữa thế kỷ 20 trở về trước, người Việt nữ ngoài 30, nam ngoài 40 tuổi đã cho thấy vẻ già, nên ca dao có câu: Trai ba mươi tuổi đương xoan/ Gái ba mươi tuổi đã toan về già. 
Lấy mốc ra đình khao lão làm ví dụ, xưa kia tứ tuần khánh thọ, nhập đình (40 tuổi âm) khao làng, từ khoảng 1975 trở lại đây, vào đình khao lão là 50 tuổi, hiện nay nhiều làng nâng lên 53 tuổi. Sau khi ra đình khao lão, họ bắt đầu được gọi là các cụ, nhưng ở bình diện xã hội đàn ông ngày nay dưới 65 tuổi vẫn thích gọi bằng anh, và thậm chí nom rất trẻ.
 Phần hông của một thợ cày Bắc Bộ đầu thế kỷ 20. Ảnh Piere Dieulefils. Nguồn: NXB Thế giới
Tuổi dậy thì và tuổi tình dục của người hiện nay cũng bắt đầu sớm và kết thúc muộn, có thể nói nó bắt đầu sớm hơn thời xưa đến 5 năm và kết thúc muộn hơn đến 15 năm. Sự mâu thuẫn lớn nhất là tuổi dậy thì bắt đầu sớm hơn (có thể sớm 10 và 13, thay vì 13 và 16 ở nữ và nam), nhưng sự trưởng thành của con người có tư cách thì lại khá muộn, nhất là ở đàn ông Việt. Thậm chí 30 tuổi họ vẫn phụ thuộc vào bố mẹ, khả năng ứng xử và tự lập rất kém.
3. Ở ta, một đứa bé ra đời luôn là trung tâm của gia đình, được bố mẹ ông bà quý như vàng. Thời chiến đông con, anh chị em phải tự trông nom nhau, nên cũng trưởng thành sớm, ngày nay ít con nên chúng được chiều chuộng, nên rất đỏng đảnh, yếu đuối. 
Ở Mỹ, trẻ con luôn được xác định không phải là trung tâm của gia đình, chúng phải tự lực trong mọi sinh hoạt có thể. Khi lớn lên đi học đi làm, về nhà chơi với bố mẹ, thậm chí được yêu cầu đóng tiền trọ và tiền ăn. Cách thức khắc nghiệt đó làm cho người thanh niên luôn muốn vươn ra ngoài bằng chính đôi chân của mình.
(*) Xem tiếp kỳ 4 trên số Chủ nhật tuần tới (2/12)
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét