Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Người Mỹ không bàn chuyện xe chính chủ

Chuyện nước Mỹ: 

Người Mỹ không bàn chuyện xe chính chủ


(Thethaovanhoa.vn) - Làm thế nào mà một nước Mỹ có thể quản lý ngon lành tới hơn 250 triệu xe hơi và gần 8 triệu mô-tô cùng với việc có tới gần 37 triệu “vụ” sang tên đổi chủ trong vòng một năm?
Sang tên đơn giản như đi chợ
Dũng, một anh bạn người Việt ở Mỹ gần 4 năm nay, vừa mới mua lại chiếc xe hơi bốn chỗ từ một người bản địa nhờ số tiền anh tích cóp từ đồng lương đi làm cho một tiệm giặt ủi. Một chiếc Acura đời 2005 máy 3.5 vẫn còn rất “nuột” (lời của Dũng) mà giá chỉ có 4 ngàn USD (chừng 80 triệu đồng).
Ước tính, trong năm 2012 này, ở Mỹ đã và sẽ có khoảng gần 40 triệu người mua xe hơi đã qua sử dụng giống như Dũng. Nếu so với con số khoảng 11,6 triệu (dự tính) xe hơi mới được bán ra trong năm 2012, tỷ lệ người mua xe cũ nhiều hơn gấp 3,45 lần. Con số này có thể làm thay đổi một điều không ít người vẫn tưởng tượng về một nước Mỹ, đó là dân Mỹ giàu có chỉ mua xe mới rồi sau vài năm họ sẽ vất chúng ra những bãi rác rộng mênh mông mà người ta vẫn thấy trên phim ảnh.
Cảnh sát phạt xe vi phạm ở Mỹ
Sự thực là ngay cả trong những năm tháng nền kinh tế Mỹ phát triển ổn định, tỷ lệ thất nghiệp chỉ vài ba phần trăm (so với hơn 9% trong năm 2011 và gần 8% cuối năm nay), vẫn có nhiều người Mỹ mua xe hơi cũ hơn là xe hơi mới. Họ cũng như anh bạn Dũng đã nói ở trên, tiết kiệm được một số tiền khá lớn để dành cho việc khác, đôi khi chỉ là để trả vài cái hóa đơn điện thoại hay lớn hơn nữa là tiền thuê nhà hàng tháng. Năm 1990, tỷ lệ người mua xe mới so với người mua xe cũ ở Mỹ cũng là 1/2,7.


Nhưng chính quyền liên bang và các tiểu bang ở Mỹ không để cho sở thích mua xe cũ của người dân Mỹ trở thành mầm mống của một thảm họa về quản lý các phương tiện giao thông. Mấy chục triệu chiếc xe cũ được mua bán qua lại nhưng có lẽ chẳng có chiếc xe nào mà chuyện sang tên đổi chủ của nó qua mặt được các cơ quan chức năng địa phương.
Ngay sau khi nhận được số tiền 4.000 USD, ông chủ cũ tháo ngay cái biển số xe để mang trả lại cho cơ quan quản lý xe cơ giới (DMV) của bang Virginia. Ông bảo, cái biển ấy không phải của xe, nó là của DMV. Dũng chỉ nhận được chiếc xe và phải đăng ký để có thể sử dụng. Một chiếc xe không biển số thì không thể lưu hành ở bất cứ đâu trên toàn nước Mỹ. Nhưng với tên của Dũng xuất hiện trên tờ giấy đăng ký ở mục người chủ sở hữu tiếp theo, thế cũng là đủ để anh đi đăng ký xe với tên của mình.
Dũng bảo, lần ấy anh mua xe vội vàng để cho kịp chuyến đi chơi biển Norkfold với bạn gái. Xe mua buổi sáng, chỉ đến trưa là anh đã hoàn tất xong thủ tục sang tên đổi chủ (vẫn còn đăng kiểm), gắn biển số và mua một hợp đồng bảo hiểm. Nhân viên của Sở DMV định giá chiếc xe của anh dựa trên đời sản xuất và đồng hồ công-tơ-mét, anh phải trả thêm chừng bảy tờ xanh (700USD) tiền thuế, phí lấy biển số. Rõ ràng là đơn giản và nhanh như thể bạn cần mua một giấy phép đi câu cá ở Mỹ.
Nhờ quản lý “chính chủ”, cảnh sát ở Mỹ tác nghiệp rất dễ dàng
Không đổi chủ là hại chủ
Vẫn là câu chuyện từ một người Việt sống và làm việc ở Mỹ. Nhưng những thói quen lâu ngày chưa bỏ nên Tuấn bán xe cho một người bạn mà chỉ cầm tiền, giao xe và giấy đăng ký chứ chưa gỡ biển. Và hậu quả đến ngay tức thì.
Người bạn của Tuấn phóng xe quá tốc độ và vượt đèn đỏ bị chiếc camera gắn ở ngã tư ngay gần Nhà Trắng chộp được. Một tuần sau, Tuấn nhận được một vé phạt từ cảnh sát với tấm hình lưu lại hình rõ mồn một. Bằng chứng ấy là không thể cãi.
Dĩ nhiên, Tuấn đưa vé phạt ấy cho bạn anh nộp (có thể qua internet, hoặc đọc số thẻ tín dụng). Nhưng tai hại là trong hồ sơ lái xe vốn rất “sạch” của Tuấn từ đó có vết. Chưa hết, tháng sau, khi đi mua xe mới, tiền phí bảo hiểm cho xe của Tuấn tăng thêm hai chục USD kèm với lời giải thích là “mày vi phạm luật giao thông nghiêm trọng nên rủi ro sẽ cao”.
Ở Mỹ, mua bán xe hơi cũ nhiều gấp hơn ba lần so với mua bán xe mới
Tuấn kết luận ngắn gọn là Mỹ chứ không phải Việt Nam, bán xe thì phải sang tên đổi chủ ngay, dù cho đó là ai.
Số tiền hơn hai trăm USD bạn của Tuấn nộp sau vụ bị camera chụp hình lái xe vi phạm luật ấy là một phần rất nhỏ trong số gần 180 triệu USD mà chính quyền Thủ đô Washington thu được từ các vụ vi phạm luật giao thông trong năm tài khóa 2012, nhiều hơn tới 32% so với năm 2011. Điều đáng kể là chính quyền Thủ đô Washington thu về nhiều hơn 56 triệu USD trong năm 2012 chỉ đơn giản là nhờ họ gắn 47 chiếc camera chuyên bắn tốc độ và 46 chiếc khác chỉ để bắt lỗi vượt đèn đỏ.
Kỷ lục ở nội đô được công bố là 2 chiếc camera trên đại lộ New York (nằm ở trung tâm thủ đô) chỉ trong vòng 12 tháng đã chộp được tới hơn 60 ngàn vụ vi phạm và buộc các lái xe phải nộp một khoản tiền lên tới 6,2 triệu USD. Nhưng nó vẫn còn kém xa một kỷ lục mà 2 chiếc camera gắn ở ngoại ô thủ đô lập nên trong 11 tháng gần đây là 161.399 vụ với gần 16 triệu USD tiền phạt.
Không có một con số thống kê cụ thể, nhưng có thể tin rằng các cơ quan chức năng của Thủ đô Washington hay ở bất cứ thành phố nào của nước Mỹ đều thu đủ 100% số vụ vi phạm luật giao thông bị bắt quả tang và có hình ảnh của camera ghi lại, dù vé phạt chỉ được gửi qua đường bưu điện.
Khi các phương tiện giao thông sau mua bán đều được sang tên thì việc tìm chủ nhân của những chiếc xe vi phạm không còn là vấn đề lớn, và việc truy đòi số tiền phạt ấy cũng chỉ là chuyện rất nhỏ. Nếu ai đó không chịu nộp phạt, mà lại không kháng cáo thành công trước tòa, vé phạt ấy sẽ gắn liền với họ suốt cuộc đời, và số tiền cứ thế tăng lên theo cấp số cộng, thậm chí số nhân. Và nó sẽ ảnh hưởng mãi mãi tới tất cả những công việc về sau của họ, từ việc mở một tài khoản ngân hàng cho tới nộp đơn xin việc làm chứ chưa nói tới chuyện đăng ký xe mới hay đổi bằng lái.
Rất hiếm, có lẽ là không bao giờ bạn gặp hình ảnh một người điều khiển phương tiện giao thông lại đứng cãi nhau tay đôi với cảnh sát. Người vi phạm thậm chí còn không được bước ra khỏi xe. Cảnh sát chỉ cần vài nút bấm máy tính để trên xe là họ có thể truy ra lai lịch của chiếc xe từ những vi phạm tốc độ hay những lần tai nạn và chủ nhân của nó là ai. Hình ảnh cảnh sát đứng bên đường bắn tốc độ, hoặc khi họ cũng đang đi tuần có thể được gặp ở bất cứ đâu.
Chuyện vượt quá tốc độ cho phép ở Mỹ là thường xuyên. Vượt tốc độ khoảng 10-15% thường không bị “ăn” vé phạt. Nhưng theo một số bang, vượt quá tốc độ mà tới ngưỡng mất kiểm soát (thường là khoảng 80 dặm (128 km)/giờ trên đường cao tốc), bạn sẽ bị thu bằng lái trong 6 tháng kèm theo một khoản phạt lớn.
Sở dĩ nước Mỹ ngày càng kiểm soát tốc độ các phương tiện ở trong thành phố bởi các thống kê cho thấy người đi bộ bị đâm bởi chiếc xe chạy với tốc độ khoảng 30 dặm (48km)/giờ có khoảng 80% cơ hội sống sót, trong khi nếu bị đâm bởi chiếc xe chạy nhanh hơn 10 dặm nữa thì khả năng chết lên tới 80%.

Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Mỹ)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

1 nhận xét: