Phạm Ngọc Tiến: Suốt cuộc đời cái chết luôn ám ảnh gã. Không phải sợ. Nếu là sợ thì có lẽ gã đã không thể vượt qua nhiều cái chết có thể đến trong gang tấc và không đủ nghị lực để sống nhăn răng cho đến tận lúc này. Gã chỉ hay nghĩ về nó. Không yêu không ghét không thích không sợ. Tóm lại cái chết như một phần trong trí tưởng, trong tư duy trong cả hành trình sống của gã.
Góc Quê-Tranh sơn dầu của Họa sĩ Nguyễn Thị Hòa
Từ lúc rất nhỏ khi bắt đầu nhận biết, ý thức về cuộc sống xung quanh, gã đã hay tự hỏi mình. Sống là gì và chết ra sao. Sống tất nhiên là những gì diễn ra liên tục nhanh đến mức khi tóc đã chớm bạc gã vẫn chẳng thể nào trả lời được câu hỏi từ tấm bé. Nhưng chết thì gã biết. Biết rất sớm. Trừ những cái chết quy luật tức là chết già, chết bệnh còn thì những cái chết bất bình thường được chứng kiến đã cho gã một nhìn nhận tương đối chính xác về nó. Dạo còn sơ tán ở quê lúc mười tuổi gã cùng một thằng bé hàng xóm tên là Lâm nghịch ngợm nhảy lên bám vào cửa chiếc xe của đơn vị bộ đội đóng quân tại làng đang chạy chầm chậm trên đường. Bị đuổi xuống khi chiếc xe chưa kịp dừng đỗ thì thằng bé kia vội buông tay nhảy. Thật không may nó bị ngã giáng đầu xuống mặt đường. Đường làng quê ngoại của gã lổn nhổn toàn đá cục sáng bóng. Gã vẫn bám chặt ở thành cửa không nhảy theo nên nhìn rất rõ cú ngã của thằng Lâm. Đầu giáng trúng một cục đá bằng nắm tay trồi lên từ mặt đường khiến thằng kia ăn trọn một vết thủng. Máu phè ra không có cách gì ngăn nổi. Nó chết chỉ sau đấy mươi phút.
Lần đầu tiên trong đời gã chứng kiến một cái chết nhanh như gió. Đêm ấy khi xác thằng bạn cùng lứa được đặt trong áo quan, gã cứ thập thò quanh quẩn ngó nghiêng. Tang gia chẳng ai để ý đến một thằng nhóc. Gã ngồi phơi sương gần trọn đêm chẳng biết để làm gì. Thương bạn dĩ nhiên nhưng gã bé quá nên chưa hiểu gì nhiều, thậm chí gã không cả khóc. Từ sự ra đi bất ngờ ấy của thằng bạn quê, gã bắt đầu nghĩ nhiều đến cái chết. Khi đi học ngang qua con mương lớn thủy lợi nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn vào mùa bơm nước làm đồng, gã nghĩ nếu rơi xuống thì xác mình sẽ trôi đi đến đâu. Nhìn lên trời xanh mây bay gã tưởng tượng nếu cưỡi trên đám mây kia lộn nhào xuống thì sẽ chết như thế nào. Đi qua ao làng nhìn những lớp bèo tây ken sít gã lập tức nghĩ nếu chui xuống dưới lũ bèo kia mình có thở được không. Cứ thế tuổi thơ của gã ngoài những hành trang sống bình thường như bất kỳ một người nào khác, gã giữ trong đầu những ý nghĩ quái đản không giống một ai cho riêng mình. Có lần mẹ gã từ Hà Nội về quê tiếp tế tiền bạc quần áo cho anh em gã, tối đến gã dụi hẳn vào mái tóc mượt dài của mẹ hà hít đầy yêu thương và thủ thỉ nếu con chết thì mẹ sẽ thế nào. Mẹ gã trợn tròn mắt nhìn gã như nhìn một quái thể rồi bà phá ra cười. Con chết thế nào được, phải là mẹ con ạ. Mẹ già trước con, chết trước con. Gã không chịu dẫn ra trường hợp thằng Lâm. Mẹ gã đầy lo lắng về đứa con nghịch ngợm đến mức sau đó suýt nữa bà bắt gã ra Hà Nội kiểm tra thần kinh dù đang bom đạn mù trời.
Lần đầu tiên trong đời gã chứng kiến một cái chết nhanh như gió. Đêm ấy khi xác thằng bạn cùng lứa được đặt trong áo quan, gã cứ thập thò quanh quẩn ngó nghiêng. Tang gia chẳng ai để ý đến một thằng nhóc. Gã ngồi phơi sương gần trọn đêm chẳng biết để làm gì. Thương bạn dĩ nhiên nhưng gã bé quá nên chưa hiểu gì nhiều, thậm chí gã không cả khóc. Từ sự ra đi bất ngờ ấy của thằng bạn quê, gã bắt đầu nghĩ nhiều đến cái chết. Khi đi học ngang qua con mương lớn thủy lợi nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn vào mùa bơm nước làm đồng, gã nghĩ nếu rơi xuống thì xác mình sẽ trôi đi đến đâu. Nhìn lên trời xanh mây bay gã tưởng tượng nếu cưỡi trên đám mây kia lộn nhào xuống thì sẽ chết như thế nào. Đi qua ao làng nhìn những lớp bèo tây ken sít gã lập tức nghĩ nếu chui xuống dưới lũ bèo kia mình có thở được không. Cứ thế tuổi thơ của gã ngoài những hành trang sống bình thường như bất kỳ một người nào khác, gã giữ trong đầu những ý nghĩ quái đản không giống một ai cho riêng mình. Có lần mẹ gã từ Hà Nội về quê tiếp tế tiền bạc quần áo cho anh em gã, tối đến gã dụi hẳn vào mái tóc mượt dài của mẹ hà hít đầy yêu thương và thủ thỉ nếu con chết thì mẹ sẽ thế nào. Mẹ gã trợn tròn mắt nhìn gã như nhìn một quái thể rồi bà phá ra cười. Con chết thế nào được, phải là mẹ con ạ. Mẹ già trước con, chết trước con. Gã không chịu dẫn ra trường hợp thằng Lâm. Mẹ gã đầy lo lắng về đứa con nghịch ngợm đến mức sau đó suýt nữa bà bắt gã ra Hà Nội kiểm tra thần kinh dù đang bom đạn mù trời.
Lớn lên, gã vẫn không thôi những câu hỏi bất tận về cái chết. Tại sao con người ta được sinh ra để sống lại phải chết. Là gã đang hỏi về những cái chết không theo quy luật. Dạo đơn vị gã đánh trận Phước Long đầu năm 1975, gã đã chứng kiến những đống xác người bị bom napan hủy diệt. Đó là những cái xác của lính tráng hai bên cả dân thường nữa, bộ phận thu dọn chiến trường chưa kịp mang đi thì không quân Sài Gòn đánh bom xuống thị xã vừa được giải phóng. Những thi thể quắt queo vì bị cháy đen sạm. Gã không thấy sợ ( luôn luôn là thế) nhưng gã ghê rợn. Rõ ràng những thân phận người kia bị chết đến hai lần. Gã nôn thốc nôn tháo sau đó chìm hẳn vào một cơn sốt rét ác tính mất đến tuần lễ mới tỉnh. Trước đó mấy tháng, một lần vào buổi sáng sớm ở trận địa có báo động, gã vừa thức giấc đang đứng ồ ồ đái ở khoảng sân trống trước hầm ngủ. Kẻng báo động đã vang bất cứ ai cũng phải nhanh chân chạy về hầm pháo để vào vị trí của mình. Kẹt nỗi gã đang xả dở phải cố cho xong đã. Bỗng có những tiếng rít của gió. Nhanh lắm chỉ mươi giây là cùng. Đàn gà mới được sổng chuồng chừng chục con tản ở khắp mặt sân lăn gần hết ra đất. Chưa hiểu chuyện gì thì tiếng nổ rền đến. Bom. Gã đứng ngay cán tàn không kịp phản ứng. Hóa ra một loạt bom bi tọa độ vừa giáng xuống ngay sát trận địa. Đàn gà lăn quay ngay dưới chân gã vì bị trúng bi viên chết gần hết chỉ sống sót vài con. Cú này khiến gã nghĩ nhiều đến mụ mị đầu óc. Sao gã không chết. Thân hình gã vừa phải, không lớn không nhỏ nhưng cũng gấp bao nhiêu lần con gà sao lại không dính gọi là lấy một viên bi nhỏ. Nếu lúc ấy vì sợ và phản xạ tốt rất có thể gã đã nằm rạp xuống tránh bất chấp cú đái dở để chắc chắn được hóa kiếp như những chú gà xấu số kia. Chưa hết, lúc tan báo động vào chỗ nằm trên sạp nứa để gỡ màn, gã bàng hoàng không tin vào mắt mình. Cái màn tuyn bị xuyên thủng lỗ chỗ khắp nơi đến hơn chục lỗ. Nếu gã thức dậy chậm chỉ một phút còn nằm trong màn thì chí ít gã cũng phải lĩnh đến nửa tá bi đủ hồn lìa khỏi xác. May thế. Thêm vài đận chết hụt nữa mà đậm nhất là cái lần trên đường hành quân vào Nam Bộ trên đường mòn 559, xe kéo pháo của khẩu đội gã đang xuống dốc Lò So phía tỉnh Kông Tum thì mất phanh. Gã nằm trên thùng xe cùng cả đám bạn khẩu đội. Tất cả rạp xuống bám chặt vào thành xe. Chiếc xe lao tự do với một tốc độ khủng khiếp. Có ai đó hét lên man dại. Rồi thằng Tuấn quê ở Đông Anh sợ quá la to như thằng mất trí liều nhảy xuống bị bánh pháo chẹt qua nằm đứ đừ giữa dốc. Gã mở mắt láo liêng nhìn lướt phía vực sâu hun hút. Chắc chết. Chỉ kịp nghĩ đến đấy thì chiếc xe lao đến rầm vào phía tả luy. Cả dãy bánh bên phải lọt xuống rãnh. Chiếc xe và cỗ pháo nghiêng tựa hẳn vào vách núi. Thoát rồi. Không kịp nghĩ nhiều cũng chẳng có thời gian để hân hoan mừng thoát chết gã cùng vài người khác chạy ngược lại chỗ thằng Tuấn nằm. Cả cái bánh pháo chèn ngang nhưng thằng này kỳ lạ làm sao không chết chỉ bị chấn thương ngực gãy xương sườn, xương đòn nằm viện mất vài tháng thì lành hẳn khỏe như chưa hề có cú nhảy đó. Đến tận bây giờ nó vẫn là đứa có sức nhất nhì trong đám cựu binh. Sau đận sốt ác tính gã ngộ ra một điều. Chết có số. Muốn cũng chả được không muốn đặng chẳng đừng. Và từ đó gã trở nên bình thản trước mọi biến cố chiến tranh. Trước đấy gã từng viết vào sổ nhật ký lá thư tuyệt mệnh gửi cho gia đình sau một trận đánh vì tin rằng cái chết sẽ đến. Nhưng không, gã bình an vô sự không dính đến cả một cái vảy khói của bom đạn. Số gã chưa tận.
Sau này thêm một vài cú giáng định mệnh vào gã như những tai nạn xe cộ, bệnh tật…làm nhiều quãng thời gian của gã chung chiêng chao đảo. Những cú này có làm gã vân vi nhưng tuyệt nhiên gã tin hẳn vào số phận. Số phận sẽ điều khiển những cái chết theo đúng trật tự của nó. Gã tin chắc như đinh đóng cột. Đến mức vào năm ngoại tứ tuần gã tự xây cho mình một huyệt mộ ở quê gốc. Dụng ý của gã là gặm nhấm thưởng thức dần cái chết sẽ đến. Còn gì thú hơn khi được đứng trước sinh phần của mình để tưởng tượng một ngày nào đó bản thân sẽ nằm xuống chính ở đấy. Gã coi đó là một cảm giác vô cùng đặc biệt. Cũng như năm xưa lúc còn bé tẻo, gã từng ngây ngô khi hỏi bà ngoại về cỗ hậu sự của chính bà được thửa sẵn đặt trong buồng. Bà ngoại của gã cười rất hiền giải thích đây là ngôi nhà của bà cháu ạ, khi chết bà sẽ nằm ngủ trong này. Gã nghe, vỡ dần ra và rất thích cỗ quan tài mộc đó. Nhiều lần gã đã chui vào trong đó ngủ ngon lành. Có lần gã còn tự mình đóng nắp đến nỗi ngạt mê mệt suýt tỏi nếu bà gã không kịp phát hiện. Ngôi mộ của gã nhỏ thôi có gắn bia hẳn hoi. Trên bia gã đề rõ tên tuổi mình, có năm sinh cẩn thận nhưng để mấy chấm lửng trống cho ngày chết. Nói cho rõ chỗ này. Gã là người dù sinh hoạt tự do phóng đãng hết mức nhưng tư tưởng cổ điển và có hơi hướng hoài cổ nên rất gắn bó với những gì thuộc về quá vãng. Mả mồ là một điểm nhấn nối hiện tại với quá khứ mà lại là quá khứ của dòng họ, người thân. Thế nên gã rất thích về quê. Quê chính là bãi mả. Dòng họ gã tan tác phiêu bạt khỏi quê sau những biến cố thời cuộc. Giờ định nghĩa quê với gã chỉ là nơi cha ông gã đang nằm. Gã thuộc nằm lòng cả những vệt cỏ mòn trong nghĩa địa làng. Đã thành thói quen ngoài những lần về thắp hương quanh năm vào dịp này dịp khác đi cùng người này người nọ, cứ đến 30 Tết Âm lịch là gã mò về một mình. Gã thích đào. Lễ mễ khuân ngót chục cành đào nho nhỏ gã cắm lên từng ngôi mộ người thân. Sau đó thắp hương và gã ngồi lỳ ở đó uống rượu cùng thân quyến ở thế giới bên kia. 30 Tết, mọi người ở làng gã dồn tụ hết trong nhà chẳng còn một bóng người ngoài đồng. Gã nhẩn nha uống. Tiết trời ngày 30 bao giờ cũng xám xịt và mưa rây. Rất ít năm có nắng, nếu có thì đấy là năm trái cựa dự báo nhiều xui xẻo. Bầu trời mòng mọng sùng sũng như sà xuống sát mặt đất. Sương khói bảng lảng chập chờn hư ảo. Đó là những giây phút tĩnh lặng tinh khiết nhất trong năm gã được tận hưởng. Gã nhìn trời, nhìn về làng, nhìn những ngôi mộ người thân nhìn những ngọn cỏ rạp mặt đất có ngọn xanh non và cả những cọng cỏ chết úa héo tàn và lại ngẫm nghĩ lại vân vi lại vạch vòi từng li từng tí về cái sự chết. Một ngày nào đó gã sẽ được về bãi mả này để nằm xuống huyệt mộ của mình bỏ lại trên đời này tất cả. Cái quãng sống gã đã trải vào giờ phút ấy và cả cuộc đời dương thế này nữa thật bọt bèo vô nghĩa. Trong cảm giác lâng lâng đầy mãn nguyện bao giờ kết thúc rời khỏi bãi mả, gã cũng dừng lại sau cùng ở huyệt mộ của chính mình. Cuộc đời gã giờ gói gọn ở nấm đất này đây. Gã bật cười thành tiếng khe khe.
Sẽ chẳng còn gì để nói nếu cứ thế tiếp diễn để đến một ngày gã trở về làng trong chiếc bình sứ đựng cốt táng để chui xuống huyệt mộ của mình. Hôm ấy cách nay đã chục năm, gã mò về bãi mả thắp hương ngày rằm. Chợt gã sững lại. Trên chiếc bia mộ của gã kẻ nào đó nghịch ngợm hay thù ghét lấy sơn trắng tô lên nền đá đen năm mất của gã. Dụi mắt đọc kỹ gã thấy mồ hôi túa ra đầm đìa. Rành rành nhé: “Nhà văn Phạm Ngọc X sinh ngày 2-7-1956 mất năm 2002”. Giời ạ. Gã giật mình khi vừa nhẩm ra chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm. Khỏi phải nói hơn một tháng trời đó gã thấp thỏm nhường nào. Đã nói gã cóc sợ chết nhưng chết vì một sự tiên đoán nhí nhố thế này thì uổng phí đời quá. Dằn vặt đến phát ốm gã khùng lên. Thì chết. Chết cũng được chứ sao. Sống bất quá cũng chỉ là sự kéo dài đến cái đích cuối. Nhưng cảm thán hào hùng kia chả kéo được mấy nả, đa phần gã vẫn bị chi phối đến quay cuồng quãng thời gian đó. Hết năm. Bản án tử dành cho gã đã không được thực thi. Chẳng giống cảm giác năm nào khi chiếc xe pháo đâm vào tả luy để gã thấy được mình đã sống nhưng lần này gã cũng thở phào nhẹ nhõm. Cái chết thực sự là số mệnh chứ dứt khoát không chịu chi phối bởi bất cứ điều gì. Nhưng từ sau cái vố bia mộ đó gã đâm ra đổi tính không còn mấy thích thú sinh phần của mình nữa. Gã đào lên tấm bia dùng đục sắt tẩy hết đi những con chữ con số khắc trên đó và quẳng nó xuống ao. Cả thành mộ gã cũng dùng búa bạt đi cho đỡ vướng mắt. Dù thế mỗi lần về bãi mả, gã vẫn không bỏ được thói quen dừng chân trước vạt gạch đất nham nhở cỏ đã mọc lút. Một ngày nọ gã nhận được điện thoại của một người quen xin nhượng lại sinh phần cho một người nơi khác muốn về đó an nghỉ. Có chút ngần ngừ nhưng rồi gã chặc lưỡi chấp nhận. Đã biết trước thậm chí hình dung và huy động hết trí tưởng những gã vẫn xốn xang một tâm trạng rất lạ khi nhìn thấy tấm hình người quá cố nằm chính chỗ của gã. Một khuôn mặt phụ nữ đứng tuổi chả biết chụp ở mốc thời gian nào. Gã nhìn. Nhìn thật lâu. Thật kỹ. Chị là ai. Bao nhiêu tuổi. Tại sao chết. Tại sao chị lại nằm ở chỗ này. Tại sao. Chính lúc đó gã òa vỡ. Niềm tin bấy lâu nay về số phận của cái chết bỗng dưng tan vỡ. Chẳng có sắp xếp nào cả. Cũng chẳng có số phận dành cho nó. Cái chết đơn giản chỉ là kết thúc của một hành trình sống. Vậy thôi. Gã lặng lẽ rời khỏi bãi mả không một tẹo nuối tiếc về chỗ nằm của mình vừa tuột mất.
Từ dạo đó dù không thôi nghĩ về cái chết với những suy tưởng trái chiều, vẫn sống như từng sống, vẫn siêng về bãi mả làng thăm viếng tiền nhân, nhưng tuyệt nhiên không một lần gã đi ngang qua ngôi mộ của người phụ nữ lạ. Nơi từng một thời là sinh phần của gã.
Hà Nội 25/11/2012
PNT
”
Mình vẫn nhớ cảm giác lạ lùng vào một buổi tối . Mưa rì rào bên ngoài, mình lắng nghe tiếng mưa chạm đất thật khẽ, thật êm. Thốt nhiên mình nghĩ tới dưới lớp đất lặng lẽ kia có một người bạn của mình đang say ngủ.
Suy sang những lĩnh vực khác cũng vậy. Nhưng không có những người như Murinho thì bóng đá cũng như cuộc đời thiếu đối kháng buồn tẻ lắm.
Ơ, mà tại sao anh Lai Tran Mai lại khóc cái vụ bồ Real thua nhỉ, bồ Real thua cho bồ khác thắng chứ sao?
Em cũng nhớ năm trước một người bạn của em có mẹ ra đi, bạn ấy viết khi báo tin cho em:” Mẹ mình đã đến chỗ có ông bà ngoại mình chờ đợi..”- đúng như anh viết, tất cả chỉ là trong chuỗi hành trình không ngơi nghỉ mà thôi…sự thay đổi vị trí, sự tiếp nối từ chặng này sang chặng khác..và khi em đọc báo tin của bạn em, em cảm thấy bạn đã vui cho mẹ vì mẹ được gặp lại những người thân xa cách lâu ngày..nơi đó họ sẽ trò chuyện với nhau về những gì diễn ra trong bao ngày xa cách…
Cái chết-sự sống: vấn đề muôn thuở của con người..chẳng có một đáp số chung cho mỗi phận người, mỗi chuyến đi…ai rồi cũng đi đến ngày đó, một bến đời..Anh Tiến nhỉ? cuộc sống vẫn thế, con người vẫn thế, cuộc đời vẫn thế..có chăng là cách mà đôi mắt mình nhìn và trái tim cảm nhận…
Chúc anh Tiến ngày Chủ Nhật vui vẻ!
Nghĩ nhiều về cái chết chẳng phải là sự mềm yếu. Đôi khi nó cho ta sức mạnh để sống. Chí ít cũng là để biết chừng mực trong chuỗi ngày ta đang sống.
Cho đến bây giờ “gã” đã chứng kiến bao nhiêu cái chết, thậm chí chạm mặt cái chết..và nghĩ nhiều về cái chết..thậm chí” gã” chuẩn bị cho cái chết, đợi chờ cái chết của chính mình..Có lẽ “gã” đã nhận thấy rằng cái chết vừa đến quá dễ dàng, nhưng cũng vừa khó! Cái chết có thể đến bất ngờ với người không hề nghĩ về cái chết, ” gã”chuẩn bị sinh phần cho mình thì lại có người muốn nằm xuống đó trước..” gã” có dịp nhìn người nằm vào chỗ của mình.
Cũng như “gã” em có khi nghĩ về cái chết, lần đầu tiên em nghĩ nhiều là khi sinh xong con gái em, nằm ở trong bệnh viện, em nghĩ đời mình đã tiến sang chặng mới, mình có con, nghĩa là đã tạo ra một thế hệ mới..và rồi có ngày mình sẽ ra đi, sẽ không còn dấu vết hiện hữu nào, sẽ không còn được biết thế giới sau khi mình không còn sẽ ra sao..Em nghĩ nhiều đến mức có lúc như bí bách luôn trong những ngày sau khi được làm mẹ vì cảm giác như sự thay thế những thế hệ quá rõ.Nhưng rồi cuộc sống lại tiếp tục, mải mê với những vai trò, những buồn vui đời làm mẹ nên cũng quên, và cho đến những ngày tháng này thì em chẳng hề nghĩ gì, không sợ, không buồn và không vui…bởi lẽ đầu tiên đó sẽ là cảm giác giấc ngủ, sâu và dài..Giờ đây khi mỗi đêm xuống, mọi người nằm ngủ thì cũng thế thôi..Chỉ khi ban mai , thức dậy thấy mặt trời và vạn vật thì biết là ta vẫn ở trong đời..
Bởi vậy em nghĩ vấn đề của con người là chuyện SỐNG, sống ra sao, sống thế nào cho đáng một lần sống chứ không phải là chuyện chết. Và như em đã viết ở còm trên thì câu chuyện này là câu chuyện về cái SỐNG chứ không phải là cái huyệt mộ-cái CHẾT-những suy ngấm về lẽ sống, cách sống…
Nhiều người nói hãy coi cuộc sống này là cõi Tạm, em thì em không thích khái niệm Tạm đó, tạm sẽ cho ta tâm lý buông xuôi, hững hờ, như một kẻ nửa vời.
Sống cho đáng sống thì mỗi người có một quan niệm và có những giá trị riêng của chính mình. Và sống đôi khi còn là đối mặt với khó khăn, thách thức, còn phải chịu nỗi buồn , cô đơn…nhưng rồi vẫn phải sống. PHẢI sống-vừa như là mệnh lệnh, có chút ép buộc, vừa như là nhu cầu..và sẽ có lúc nào đó hân hoan niềm hạnh phúc ĐƯỢC sống, khi đã trải qua những thử thách, nếm đủ những mùi vị của cuộc hành trình SỐNG…
Chúc anh Tiến mỗi ngày là mỗi ngày thanh thản sống, thanh thản buồn vui!!
Cảm ơn Hà Linh chúc anh Tiến rất ý nghĩa.
Tất cả chúng ta rồi sẽ gặp nhau ở chốn ấy, vậy hãy trân trọng từng ngày đang sống trên cõi dương gian…
Người Nhật có từ tanoshimi em nghĩ khó dịch nghĩa ra tiếng Việt( nó là chút vui, chút háo hức, chút đợt chờ..)
Về chuyện thơm ấy mà, ngoài chợ bán nhiều lắm anh Lai Tran Mai, thơm là dứa đó…anh ra chợ là có ngay, tiếng Anh thì là pinapple, k biết tiếng Thụy Sỹ là cái chi chi, còn tiếng Nam là thơm, anh Lai Tran Mai chắc là người yêu ngôn ngữ Nam bộ nên dù là người HN thì vẫn ưu ái gọi là thơm..
Có câu thơ của Kahli Gibran tôi rất thích :
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương .