Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

(3) Vợ Đông chồng Tây: Hợp đồng (2)


Hợp đồng hôn nhân: kiêu hãnh và định kiến!
Đúng chín giờ tôi có mặt ở văn phòng Inburgering tham gia khóa học Định hướng xã hội.
Gần hai mươi con người hiện diện trong lớp, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu. Rất khác. Đầy tâm trạng. Và ai cũng sẵn sàng xù lông khi thấy có thái độ coi thường xuất xứ của mình. Nhưng Inburgering không để chúng tôi căng thẳng nhiều đến thế, họ cử Wout Peeters đến giảng dạy. Mang tên họ Flanders điển hình nhưng Wout da nâu, mắt đen. Anh cũng nhập cư, theo cách khác. Ba mươi tư năm trước một cặp vợ chồng Bỉ đến cô nhi viện ở ấn Độ nhận nuôi Wout, khi ấy mười bốn tháng tuổi. Hẳn Inburgering muốn vỗ về: đừng ngại ngần, giáo viên hiểu thấu lòng bạn.
Minh họa của Thúy Hằng
Thủ tục chào hỏi giúp tôi phân loại bạn học: hai người Romania đến để học tập; một Ghana và một Ethiopia, một Ba Lan, một Afghanistan đến vì công việc, cặp vợ chồng người Pakistan đang kinh doanh cửa hàng tiện lợi ban đêm. Nhóm đến vì tình phức tạp hơn, tôi tạm xếp loại một là những người đã kết hôn như tôi, Ana (Philippines), Eva (Nga) và loại không đăng ký kết hôn nhưng có hợp đồng sống chung như Selina (Singapore), Laura (Romania), Marie (Colombia) và Hakan (Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngồi cạnh Selina và Eva, cách chàng Thổ đẹp trai chỉ một cái với tay nên tôi nhanh chóng thân thiết với họ, trò chuyện đời tư không rào trước đón sau. Selina biết tôi lấy chồng Bỉ được hơn một năm nhưng đã có ngay hai đứa con phải chăm sóc. Tôi biết Selina 30 tuổi, hai con, bị chồng bỏ, vừa tìm được tình yêu mới bên Jan 26 tuổi. Eva mới 35 mà trông như 45, hồi đầu năm du ngoạn Đức gặp anh chàng người Bỉ và theo về ở đến nay. Hakan làm cả bọn líu lưỡi khi anh dịu dàng đính chính: “Cô ấy của tớ hả? Không phải, là anh ấy. Lần đầu thấy Milan, tớ biết ngay anh là định mệnh đời mình”.
Wout là chuyên gia về luật cơ bản nên anh thích chính trị. Anh làm cả lớp rối tinh về một nước Bỉ nhỏ bé có đến ba vùng nói ba thứ tiếng Hà Lan – Pháp - Đức và thủ đô Brussels cũng có cơ chế vận hành riêng để rồi hợp thành một liên bang mỏng manh. “Mười ba tháng rồi chúng ta không có chính phủ liên bang. Ơn Chúa, mọi chuyện vẫn ổn, đơn giản vùng nào lo vùng ấy, giống như chúng ta đang sống ở vùng Flanders nói tiếng Hà Lan thì không được bầu cử cho người ở Wallonia nói tiếng Pháp. Xe cảnh sát Flanders truy đuổi tội phạm chạy sang Wallonia bắt buộc phải dừng lại mà không được can thiệp, lấn sân...”. Marie buột miệng: “Vậy gọi là dân chủ kiểu quỷ gì không biết”.
Một cô gái như Marie tỏ ra quan tâm chính trị khiến tôi ngạc nhiên. Tôi vẫn hình dung các cô gái châu Mỹ có nước da bánh mật, bộ ngực căng tròn và cặp mông núng nẩy thích khiêu vũ, hẹn hò và hôn hít hơn bàn chính sự. Marie còn nhiệt tình thống kê tám đảng phái chủ chốt ở vùng Flanders: “Nếu được quyền bầu, tôi chọn đảng Open VLD bởi họ không đồng tình hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay dễ làm người ta lười đi, họ theo phong cách Mỹ - ủng hộ người nhập cư có lợi cho phát triển kinh tế”. “Không phải ông chủ tịch đảng trẻ trung, đẹp trai đấy chứ, Marie thân mến?” Wout nháy mắt. “Nếu chỉ xét bề nổi, tôi sẽ chọn đảng Lijst Dedecker nhấn mạnh lương tri và ông chủ tịch đảng Dedecker là cựu võ sĩ judo”.
Sang ngày thứ ba, Selina đã không thích Marie. Selina có quá nhiều thứ phàn nàn về Bỉ trong khi Marie nhún vai: “Tôi cho là năm mươi năm mươi, bạn có nếp sống riêng, người Bỉ cũng có văn hóa riêng, đã đến đây phải chấp nhận sự khác biệt đó, hội nhập đi, Selina”. “Cô quá tự tin”, Selina nguýt dài. Tôi bảo: “Marie quá xinh đẹp, trẻ trung, còn tớ và cậu đã bước vào tuổi băm, khó tính hơn đồng nghĩa khó hội nhập hơn”. Eva chen vào: “Tớ là người Nga còn thấy rối mòng với xã hội hỗn hợp kiểu Bỉ nữa là bọn Đông Nam Á các cậu”. Nhưng tôi cho rằng ngoại trừ những câu chuyện Hoàng gia, chính khách bông phèng, các buổi học về dịch vụ xã hội, bảo hiểm, hệ thống giáo dục... khá thiết thực, ít ra nó giúp chúng tôi sáng tỏ nhiều điều và các ông chồng không thể che mắt được nhiều điều quan trọng.
Chồng tôi, một kỹ thuật viên ưa hoạt động chân tay hơn là ngồi văn phòng, chiều nào vợ về cũng tra bài theo cách riêng của anh, chủ yếu cười cợt thông tin tôi cung cấp. Đôi khi anh phẫn nộ: “Em thấy không, mỗi năm nhà nước phải chi ngân sách khoảng ba triệu rưỡi euro cho Hoàng gia, rồi trả khoảng 200 triệu euro cho các luật sư. Anh ghét Mỹ, nhưng ít ra với cách có thể thắng kiện lớn hoặc thua kiện đau sẽ khiến các luật sư ở Mỹ nỗ lực hơn. Ở đây, nếu có sự vụ gì, với thu nhập gia đình dưới 1.100 euro/tháng hoặc thu nhập người độc thân dưới 800 euro/tháng em được nhà nước cấp cho luật sư. Nhận lương nhà nước, tiền thắng - thua kiện không lớn không tạo động lực cho luật sư làm việc nhiệt tình. Và sâu xa, có phải chúng ta đang gánh một cơ chế quá già cỗi không nào? Chào mừng em sắp hội nhập cơ chế này!”
Khi tôi hỏi về hợp đồng hôn nhân, anh thẳng thắn: “Lúc đăng ký kết hôn, chúng mình không làm hợp đồng hôn nhân. Những tài sản trước thời điểm kết hôn của anh thì sau ly hôn em không được chia”. Thật sòng phẳng!
Tôi nhớ lại cảm giác như người mù chữ trước một mớ giấy tờ trong lễ đăng ký kết hôn ở tòa thị chính, đều tiếng Hà Lan. Trước đó tôi chưa kết hôn lần nào, cũng chưa bao giờ tìm hiểu luật hôn nhân, hoàn toàn bị động với quá nhiều loại giấy tờ phải ký hôm ấy. Và sau này, khi hiểu hơn về luật, lẽ ra tôi có quyền yêu cầu người dịch tiếng Việt cho mình hôm đó.
 Lấy nhau vì tình yêu, nội dung giấy tờ không quan trọng lắm với tôi, tài sản cũng vậy, nên tôi tuyệt đối phó mặc cho chồng. Nhưng Eva - bộ óc Nga vĩ đại cảnh báo: “Đừng cả tin và kiêu hãnh đến ngốc nghếch như thế. Tớ có cô bạn người Malaysia lấy chồng Pháp, cô ấy không biết tiếng Pháp, ký vào rất nhiều giấy tờ chồng nói là thủ tục để kết hôn. Cô tin chồng, dĩ nhiên, nhưng sau này cô nhận ra có một điều khoản trong hợp đồng hôn nhân - nếu ly dị, cô không nhận được bất cứ tài sản nào của chồng, nếu chồng chết, mọi tài sản thuộc về con cái. Cô ấy không sốc vì hậu quả mà sốc vì hành vi”.
Nghe vậy, Selina lật đật nhắn tin cho bạn trai, Jan hồi đáp ngay “Có hợp đồng, cưng ạ, và trong hợp đồng anh ghi rõ nếu bọn mình không sống cùng nhau nữa, một nửa căn hộ anh vừa mua sẽ thuộc về em”. Selina mừng ra mặt, không phải vì nửa căn hộ, mà vì Jan quá yêu thương và rộng lượng với cô. Cô tâm sự với tôi: “Cậu và tớ cùng theo đạo Phật, biết rõ luật nhân quả. Cậu đã hỏi tớ sao dễ dàng mang hai con sang Bỉ mà chồng cũ không cản trở. Xin thưa: tớ đưa ra điều kiện anh ta không phải chu cấp tiền nuôi con hàng tháng nữa, anh ta đồng ý ngay. Mẹ kiếp. Bọn tớ chung tiếng mẹ đẻ, chả có gì mập mờ khó hiểu cả. Bây giờ Jan đến như một sự bù đắp. Tớ không mong chuyện xấu lại xảy ra, nhưng nếu có, tớ lại tay trắng mang hai con đi”.
Còn tôi, tự hỏi, nếu biết trước chuyện này, liệu tôi có đòi chồng một bản hợp đồng hôn nhân khi anh thực hiện gần xong thời hạn thanh toán nhà trả góp ở Bỉ còn tôi không sở hữu bất cứ một mét vuông đất hay căn hộ nào ở Việt Nam?!
Câu trả lời có lẽ là không, vì kiêu hãnh. Nhưng vừa về nhà sau buổi học hôm đó, tôi vặn chồng: “Khi vợ cũ muốn ly hôn, cô ấy có đòi chia nửa căn nhà này không?” Anh ngạc nhiên một giây, rồi trả lời “Có chứ. Nhưng bọn anh cũng không ký hợp đồng hôn nhân, làm sao cô ấy đòi chia ngôi nhà anh mua gần chục năm trước đó được”. “Vậy tại sao anh vẫn hứa chu cấp một khoản tiền cho cô ấy sau ly hôn và giành được quyền nuôi con?”, tôi hỏi tiếp. “Lúc đó cô ấy không có việc làm. Thực tình cô ấy cũng chưa bao giờ học một nghề nghiệp cụ thể nào trước đó”.
Sau này, tôi quen Vân, ba mươi mốt tuổi, từng là giáo viên ngoại ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng lấy chồng người Bỉ, cô bật cười khi tôi đề cập chuyện hợp đồng hôn nhân: “Chồng tớ là nha sĩ, sở hữu khối tài sản gần một triệu euro. Khi quyết định lấy cô vợ Việt kém anh đến 26 tuổi là tớ, bạn bè khuyên anh ấy phải làm hợp đồng hôn nhân, nhưng đó là kiểu hợp đồng hôn nhân nhằm bảo toàn tài sản cho anh ấy. Họ lo tớ sớm đòi ly dị anh chồng già để chiếm tài sản! Một kiểu định kiến dành cho các cô gái đến từ nước nghèo hoặc đang phát triển. Chồng tớ nói thẳng điều này trước ngày kết hôn. Vì vậy, trước mặt chồng và luật sư của chồng, tớ hiên ngang ký, đồng ý: nếu ly hôn sẽ không đòi chia bất cứ tài sản nào của chồng bao gồm một chung cư cao cấp 160m2 đang ở, hai ngôi nhà cho thuê và khoản tiền bồi thường bảo hiểm do mất sức lao động chồng tớ vừa nhận được gần nửa triệu euro”.
Tôi hỏi Vân “Cậu có sốc vì bị chồng yêu cầu ký hợp đồng hôn nhân kiểu này không?” Vân khiến tôi hãnh diện lây bởi câu trả lời không đắn đo: “Tớ đã bước vào tuổi ba mươi, tớ cần ở Gert một đứa con và một người chồng tử tế, vun vén cho gia đình, không quan hệ ngoài luồng và lừa dối vợ con. Vậy là đủ. Gia đình tớ ở Việt Nam kinh tế cũng ổn, không ai đòi hỏi ở Gert một đồng trợ cấp nào khi anh cầu hôn tớ. Mẹ tớ còn luôn gọi điện động viên rằng: con hãy lo cho cuộc sống của mình, đừng nghĩ nhiều cho bố mẹ. Đôi khi tớ ghen tị với các chị dâu của mình tuần nào cũng được đi gội đầu, mát xa, làm móng sung sướng trong khi sang đây cả năm rồi tớ chưa dám đi cắt tóc. Phải trả đến 40 euro cho một lần cắt tóc quá đắt. Tớ tin vào Gert và sống với anh ấy bằng cả tình yêu lẫn tình nghĩa vợ chồng. Nhưng giả sử Gert thay đổi tâm tính, đòi ly dị, tớ vẫn tin rằng mình có thể trở về Việt Nam để làm lại từ đầu, tớ có chuyên môn vững, không sợ thất nghiệp”.
(Số sau đăng tiếp)
__________________________
Rút từ cuốn Vợ Đông chồng Tây, NXB Trẻ, 2012.
 
Kiều Bích Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét