Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Những cô dâu Việt vui duyên cùng chồng ngoại


Từ ngày về làm dâu Nhật Bản, chị Trang chịu khó học văn hóa, lịch sử cũng như nghệ thuật ẩm thực trà đạo xứ hoa anh đào. Nhờ vậy, chị hiểu những khác biệt văn hóa cũng như biết ứng xử đúng mực với chồng và gia đình anh.
'Hôn nhân Việt - ngoại nhiều khác biệt dễ dẫn đến bi kịch'

Chị Kim Trang sinh ra và lớn lên ở quận 4, TP HCM. 10 năm trước, chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty Nhật ở Sài Gòn, lúc ấy anh đang là trưởng phòng Marketing. Chị Trang cũng biết nói tiếng Nhật nên hai người thường trò chuyện với nhau về công việc cũng như những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Cùng cảnh “trai chưa vợ, gái chưa chồng”, thế là anh chị nhận lời yêu nhau, sau 2 năm tìm hiểu thì tiến đến hôn nhân.
Lấy chồng và theo anh sang Nhật sống, thời gian đầu người con gái Sài Gòn gặp khá nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới. “Ở TP HCM quanh năm nắng ấm, còn bên này mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, suốt ngày phải mặc cả tá áo ấm mà vẫn lạnh run. Hồi mới qua tôi không chịu nổi chỉ muốn về”, chị kể. Không những thế, chị còn gặp khó khăn khi không biết ăn và nấu các món Nhật nên thường xuyên bị cha mẹ chồng nhắc nhở.
Vốn là người ham học hỏi, cộng thêm được chồng động viên, chị Trang bắt đầu xin đi học các lớp về văn hóa, lịch sử Nhật Bản. Hằng ngày chị dành thời gian tìm hiểu cách nấu nướng các món quen thuộc của xứ này.
“Nhờ học hỏi mà tôi hiểu được tính cách và phép ứng xử của người Nhật để cư xử cho phù hợp. Ở bên này một người phụ nữ dù thành đạt đến đâu cũng phải thành thục chuyện nếp núc. Tôi bây giờ có thể nấu được nhiều món Nhật và Việt để chiêu đãi bố mẹ, bà con bên chồng nên các cụ quý lắm”, chị phấn khởi nói.

Sau khi sinh con đầu lòng, chị Trang dành thời gian đi học trà đạo và làm các loại bánh truyền thống Nhật Bản. Chị tâm niệm: “Càng học tôi càng hiểu và thấy yêu quê hương của chồng hơn. Với tôi, Việt Nam là quê hương thứ nhất, còn Nhật Bản là quê hương thứ hai”.
Người mẹ trẻ cho biết thêm, hàng năm vào mùa hè và Tết Nguyên đán, vợ chồng chị thường đưa con về Việt Nam thăm bố mẹ và người thân để con cái không quên nguồn cội. Anh chị cũng đang lên kế hoạch mở một công ty bán đồ ăn Nhật tại TP HCM thời gian tới.
Hạnh phúc bên cạnh người chồng Pháp 6 năm qua, chị Vũ Thị Thanh Bình, 35 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng để hôn nhân hạnh phúc là xuất phát từ tình yêu thực sự và luôn hiểu, tôn trọng lẫn nhau, dù hai người có chung hay khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa.
Vợ chồng chị Thanh Bình và anh Pannier Thierry cùng hai cô con gái xinh xắn trong dịp Giáng sinh. Ảnh: Do nhân vật cung cấp.
Chị Bình và anh Pannier Thierry (bếp trưởng của một resort tại Đà Nẵng) tình cờ quen nhau qua một trang kết bạn trên internet. Vốn học sư phạm ngoại ngữ tiếng Pháp nên chị không gặp rào cản về giao tiếp. Hai người có thể chia sẻ với nhau về mọi điều. Được một năm thì anh qua Việt Nam du lịch để gặp chị. “Gặp nhau thấy hợp thì kết hôn. Với mình, người nước ngoài hay trong nước không quan trọng, quan trọng là hiểu và tôn trọng nhau”, chị Bình bày tỏ.
Suy nghĩ này theo suốt chị từ lúc kết hôn tới giờ và trở thành “bí quyết” giúp hai người giữ gìn hạnh phúc. Sau khi kết hôn, chị Bình theo chồng sang Pháp sống 3 năm. Bố mẹ chồng chị không sống cùng nhưng rất quan tâm tới con dâu.
Tuy vậy, cuộc sống có vẻ quá yên bình, khép kín nơi đất khách khiến chị không thoải mái. Chị đề xuất, thuyết phục chồng và gia đình anh đồng ý để hai người về Việt Nam sinh sống, đồng thời lên mạng tìm kiếm một công việc phù hợp với nghề đầu bếp của anh. Dù vẫn muốn sống tại Pháp nhưng ý nghĩ “vợ con ở đâu thì hạnh phúc ở đó”, anh đã theo ý chị. “Giờ có khi anh ấy thích sống ở Việt Nam hơn là về Pháp”, chị Bình kể.
Hiện tại, anh Pannier Thierry làm việc tại Đà Nẵng còn vợ và hai con sống tại Hà Nội. Hằng ngày, gia đình chị chat, gọi điện và nhìn thấy nhau trên skype. Cứ hè, Tết, chị lại đưa các con vào ở với bố, còn bình thường, khoảng 1,5 tháng gia đình lại đoàn tụ một lần.
Anh Thierry được mọi người nhận xét là hiền lành, vui tính, yêu vợ yêu con. Ở anh còn đậm sự lãng mạn – nét đặc trưng của người Pháp. Chị Bình kể, hồi còn ở bên Pháp, mỗi lần vào rừng dạo chơi, anh thường hái hoa dại tặng vợ. Anh cũng thường xuyên viết thơ dành cho chị. Sau này về Việt Nam, do công việc bận rộn hơn, anh không còn giữ thói quen này nữa, nhưng vẫn luôn kỳ công tạo những bất ngờ nho nhỏ cho vợ và hai cô con gái vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, lễ, tết hay khi gia đình sum họp.
"Đến giờ, khi hai vợ chồng ở hai thành phố, mỗi lần kết thúc cuộc điện thoại hay chat, anh ấy vẫn luôn nói 'N'oublie pas que je t'amie' (có nghĩa là "Đừng bao giờ quên là anh yêu em", chị Bình vui vẻ kể.
Như những cặp đôi khác, vợ chồng chị cũng có lúc giận hờn, tranh cãi, nhưng thường qua rất nhanh vì cả hai luôn sẵn sàng tiếp thu ý người kia và cố gắng sửa đổi.
Chẳng hạn khi vợ có thái độ hơi khác, nếu là anh chồng người Việt, hẳn sẽ nhận ra ngay nhưng chồng chị thì không biết, trừ khi chị phải nói thẳng. “Cũng may mình là người rất thẳng thắn và thông thạo tiếng Pháp nên có gì nói ngay chứ không ôm trong lòng rồi hờn giận, tủi thân”, chị nói.
Anh Thierry được bạn bè và gia đình vợ rất quý mến. “Mỗi lần hai người có vấn đề gì thì thể nào mọi người cũng bênh anh ấy, bảo chắc tại mình gây chuyện”, chị Bình hạnh phúc nói.
Thụy Ân - Vương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét