Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Trung Quốc đang ‘gặp vấn đề’ với một Myanmar đang thức tỉnh


Một Myanmar đang thức tỉnh sẽ dẫn đến tinh thần chống Trung Quốc bòn rút tài nguyên ngày càng gia tăng. Vậy Bắc Kinh định xây dựng quan hệ thế nào với nước này?

Biểu tình phản đối việc xây đập thủy điện Myitsone chắn dòng Irrawaddy. 
Ảnh irrawaddy.org

Trong bài viết dành riêng cho Đài “Tiếng nói nước Nga”, Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Lukin phân tích: Thời gian gần đây, với nhịp độ phát triển cực nhanh và thèm khát có thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc đã tích cực tìm chúng ở nước ngoài. Trên lãnh thổ Trung Quốc, hoặc những nguồn tài nguyên không có đủ, hoặc việc khai thác tài nguyên tốn kém quá nhiều về tài chính, môi trường cũng như xã hội. Nếu như trước đây, công dân Trung Quốc không dám lên tiếng thì ngày nay những nhà bảo vệ môi trường trong nước đã có thêm sức mạnh. Vả lại cũng là điều không mấy an toàn khi phải chọc giận chính người dân của nước mình.

Kết quả là những công ty lớn của Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước ngày càng thường xuyên tìm kiếm cơ hội phát triển công việc ở nước ngoài. Đặc biệt, với sự khuyến khích chính phủ, các công ty này thường xây dựng các mối quan hệ đặc biệt với các nước giàu tài nguyên ở châu Phi và châu Á có thái độ chống phương Tây và đôi khi với cả những chế độ độc tài. Dễ dàng đối phó hơn với những thể chế tương tự: họ luôn cần có nguồn đầu tư mà không dễ gì nhận được từ phương Tây, còn phản ứng của người dân trong nước thì chẳng phải là điều đáng quan tâm lắm…
Năm 1986, Trung Quốc hoàn toàn chấm dứt việc ủng hộ cho quân nổi dậy cộng sản chống chính phủ khi đó ở Myanmar, đồng thời bắt đầu cung cấp vũ khí cho chính quyền quân sự để đổi lấy việc tiếp cận với thị trường.

Sau khi chính quyền Myanmar đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 1988 và từ chối công nhận chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử năm 1990, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này và thi hành lệnh cấm vận cung cấp vũ khí. Trong trường hợp này, hợp tác quân sự với Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh của chính quyền quân sự và bảo đảm thành công của họ trong cuộc đấu tranh chống ly khai.

Sau khi thiết lập những mối quan hệ gần gũi nhất với chính quyền quân sự Myanmar cai trị đất nước nhiều thập kỷ, Trung Quốc bắt tay vào thực hiện đầu tư tích cực vào phát triển ngành khai thác khoáng sản ở nước này, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ việc chuyên chở chúng về Trung Quốc. Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp quân sự, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn chế độ cầm quyền.

Nhưng điều không may đã xảy ra. Vào năm 2011, dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt và các phong trào xã hội trong nước, chính quyền quân sự buộc phải đi theo đường hướng tự do. Cuộc bầu cử đã được tổ chức và mặc dù kết quả bầu cử cuối cùng vẫn thuộc về những người tán thành phe chính phủ, các nhà lãnh đạo quân sự đã thay quần áo dân sự và giảm bớt áp lực đối với phe đối lập.

Một trong những kết quả của một nước Myanmar công khai và đổi mới là sự gia tăng thái độ chống Trung Quốc truyền thống ở nước này mà chính phủ mới không có lợi nhiều khi chống lại. Phương Tây đã không bỏ qua việc tận dụng lợi thế này. Tháng 11/2012, Tổng thống Barack Obama đã đến thăm Myanmar. Trước chuyến thăm, ông đã công bố nới lỏng đáng kể các biện pháp trừng phạt như một dấu hiệu của sự hỗ trợ cho những thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, tín hiệu đầu tiên đã được phát ra vào tháng Chín năm ngoái, khi Quốc hội Myanmar công bố quyết định của Tổng thống U Thein Sein về việc hoãn xây dựng các nhà máy thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy ở mạn Bắc nước này cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của mình. Dự án liên quan đến đầu tư của Trung Quốc với tổng giá trị 3,6 tỷ USD. Ngoài ra, dự án này được Bắc Kinh coi là phần quan trọng nhất của một loạt các dự án với tổng vốn đầu tư 17 tỷ USD.

Đường ống dẫn dầu và khí từ bờ biển phía nam của Myanmar đến tỉnh 
Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh irrawaddy.org

Loạt dự án này bao gồm việc lắp đặt các đường ống dẫn dầu và khí từ bờ biển phía nam của Myanmar đến tỉnh biên giới Vân Nam của Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc, những dự án này sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 50 nghìn người. Ngoài ra, các đường ống dẫn sẽ cho phép Trung Quốc trở nên ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp năng lượng thông qua eo biển Malacca không mấy an toàn.

Thế nhưng ở Myanmar, khi thảo luận về việc xây dựng trạm thủy điện người ta bắt đầu lên tiếng về khả năng tăng nguy cơ động đất, các vấn đề môi trường, không muốn tái định cư hàng loạt, đồng thời cả việc quan ngại rằng phần lớn nguồn điện sẽ đến Trung Quốc. Kết quả là, Tổng thống U Thein Sein đã tuyên bố rằng ông phải "tôn trọng ý chí của nhân dân" và dự án lớn nhất trong số 7 dự án xây dựng thủy điện do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (CPI) thực hiện trong nước này đã bị hoãn lại.

Tổng thống Thein Sein tuyên bố phải "tôn trọng ý chí của nhân dân", 
hoãn việc xây dựng đập thủy điện Myitsone. Ảnh irrawaddy.org

Chướng ngại tiếp theo là khu mỏ lớn nhất chứa quặng đồng Letpadaum nằm tại miền Trung Myanmar. Hiệp định về việc mua lại khu mỏ này đã được công ty Trung Quốc China North Industries Corp (NORINCO) ký với chính phủ Miến Điện vào giữa năm 2010. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người dân địa phương đã cực lực phản đối dự án này. Họ cáo buộc các công ty Trung Quốc hủy hoại những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, làm ô nhiễm sông ngòi và phá hủy những đền thờ Phật giáo.

Hiện thời, phản ứng của Bắc Kinh là gây áp lực lên các nhà chức trách Myanmar nhằm mục đích cứu vãn các dự án. Tuy nhiên, nếu chính sách của Bắc Kinh đối với Myanmar không được xem xét lại đến tận gốc rễ, sơ suất của Trung Quốc có thể sẽ bị đối thủ chiến lược chính ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là Mỹ lợi dụng. Hơn nữa, Washington đang củng cố vị trí của mình ở Myanmar và các nước khác ở Đông Nam Á trong khuôn khổ chiến lược chung mang tên “sự trở lại châu Á”. Những “công trạng” cũ của Bắc Kinh đối với chính quyền quân sự khó mà có thể cứu vãn được tình thế hiện nay: chính quyền Myanmar buộc phải hành động trong những điều kiện hoàn toàn mới.

Theo VOR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét