Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

'Quy định về xe chính chủ sai luật, không khả thi'

Hoan hô chị Nga, đúng là đại biểu của dân:

'Quy định về xe chính chủ sai luật, không khả thi'

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, Nghị định 71 về xe chính chủ còn sai luật và không khả thi, mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước.
 Bắt chứng minh 'xe chính chủ' là vô lý

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh:Nguyễn Hưng.
- Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhất là Nghị định 71/CP đã trái thẩm quyền hoặc vi hiến khi cản trở quyền sở hữu tài sản của công dân. Bà nhận định như thế nào?
- Việc xử phạt chủ phương tiện (ôtô, xe máy...) không chuyển quyền sở hữu không phải là vấn đề mới mà đã được quy định trong các nghị định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ như: Nghị định 15/2003, Nghị định 152/2005, Nghị định 146/2007, Nghị định 34/2010 và mới nhất là Nghị định 71/2012.
Về hành vi vi phạm, đối tượng bị phạt, thẩm quyền xử phạt, Nghị định 71 không có gì thay đổi so với các nghị định cũ. Thay đổi lớn nhất là tăng mức phạt ôtô từ 1 - 2 triệu đồng lên 6 - 10 triệu đồng, xe máy từ 50.000 - 100.000 đồng lên 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng.
- Vì sao một quy định được Chính phủ đưa ra từ năm 2003 mà nay lại bị dư luận phản ứng như vậy?
- Thông tin về kết quả cuộc họp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an ngày 19/11 vừa qua vẫn khẳng định, các quy định này là đúng pháp luật.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra một quy trình khá chặt chẽ tại chương 5 để bảo đảm các nghị định có chất lượng tốt, thực sự là sản phẩm trí tuệ của tập thể Chính phủ. Trong đó, khâu thẩm định của Bộ Tư pháp có thể coi là người gác cổng của Chính phủ đối với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, phân tích kỹ về mặt pháp lý, có thể thấy Nghị định 71/CP đã không bảo đảm được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tính khả thi trong nội dung phạt hành chính hành vi không chuyển quyền sở hữu.

"Mức phạt quá cao đã làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách chống đối, lách luật". Ảnh minh họa: Bá Đô
- Vậy, Nghị định này không bảo đảm yêu cầu ở điểm nào?
- Thứ nhất, việc giao CSGT có thẩm quyền xử phạt là không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm "sự phù hợp giữa quy định dự thảo với điều kiện thực hiện". Các nghị định trên đều giao CSGT có thẩm quyền xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông.
Muốn phạt được thì trong hàng triệu trường hợp vi phạm giao thông, CSGT phải xác định ai là người chủ đích thực của phương tiện chưa chuyển quyền. Việc giao CSGT nhiệm vụ "truy tìm" chủ xe thông qua việc giữ người điều khiển vi phạm vừa không đúng với chức năng là lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa không khả thi.
Thứ hai, không thể yêu cầu công dân khi sử dụng phương tiện giao thông phải mang theo giấy tờ chứng minh việc mình mượn, thuê phương tiện đó vì không hợp pháp và không phù hợp với tập quán, văn hóa ứng xử của người Việt.
Thứ ba, quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông có thể bị điều chỉnh bởi Luật Dân sự và Luật Hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh là khi có tranh chấp quyền sở hữu. Còn dưới góc độ hành chính, nếu xử phạt hành chính vì lý do không chuyển quyền thì nghĩa vụ chứng minh thuộc người có thẩm quyền xử phạt.
Như vậy, việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật.
- Bà nhìn nhận thế nào về mức phạt xe không “chính chủ” theo Nghị định 71/CP?
- Số tiền 1,2 triệu đồng một xe máy, đối với người khá giả là không lớn nhưng đối với người nghèo, người dân nông thôn, sinh viên... là không nhỏ; còn 10 triệu đồng một ôtô thì kể cả người khá giả cũng là vấn đề. Mức phạt quá cao làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách lách luật, trong đó không loại trừ việc chung chi cho CSGT.
Bà Lê Thị Nga cho rằng, phương án do một vài chuyên gia của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đưa ra là tạm hoãn thi hành việc xử phạt chủ phương tiện giao thông không chuyển quyền sở hữu là giải pháp “hoãn binh” chứ không phải là sự thừa nhận tính thiếu khả thi của Nghị định 71/CP.
"Chính phủ cần sớm xem lại Nghị định 71/CP. Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nên phối hợp giám sát và tổ chức một phiên giải trình về việc tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc ban hành nghị định trên", bà Nga kiến nghị.
Theo Người Lao động
huyện tôi
Cho tôi hỏi thăm, thời gian gần đây mọi người đang hoang mang về chuyện phạt xe không chính chủ. Ở quê tôi, vùng quê nghèo, người dân tộc sống khá nhiều. Mới đây CSGT phạt họ chạy xe không chính chủ với số tiền la 800.000 vnd.
Tôi có nói luật này chưa áp dụng, con dang chờ câu trả lời cuối cùng từ bộ công an, nhưng mọi người đều nói ở đây đã thi hanh luật rồi, không được cãi, chỉ có chấp hành và họ phải chịu phạt, tôi lam ở sài gòn lâu lâu mới về, nghe mà thấy rất thương cho dân nghèo của làng tôi. Như vậy là xe không chính chủ đã phạt roi sao? dân cho tôi nghèo không thể đủ tiền mua một cái xe mới, chỉ có thể mua lại xe cũ đi ma thôi, thế ma luật hành họ, lam cuộc sống thêm lao đao...

Cô Lê Thị Nga đúng là hiểu tâm tư nguyện vong của người dân
Thật sự là người dân nghèo đã quá khổ rồi nay thêm nghị định 71 ra nữa thì người dân nghèo còn khổ hơn. Cháu cũng như nhiều người khác thấy nghị định này không khả thi va không hợp lòng dân. Cháu mong rằng cô Nga co những ý kiên để nhà nước sửa đổi lại nghị định lam sao cho hợp tình hợp lý.

Quá đúng
Quá đúng...nhưng khi ban hành luật sao lại không hiểu một lẽ đơn giản vậy....luật này chỉ tăng thêm tiêu cực...tôi tham gia giao thông đầy đủ mọi thứ giay to, xe cũng chính chủ mà vẫn bị phạt lốp "hơi mòn"....50k...

Ý kiến nhân dân VN
Bài báo rất hay phản ánh đúng tâm trạng của nhân dân Việt Nam.

Mệt
Không chịu học hỏi những tiến bộ của các nước, ra được một nghị định như 71 không biết tốn biết bao nhiêu công và của rồi cuối cùng bị nhân dân phản ứng vì tính thiếu khả thi. Cuối cùng là thế đấy , mong rằng đừng lãng phí công và của mà nhân dân đã đóng góp, đẻ ra những luật lệ không khả thi. Cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc hoặc rút một cách nghiêm túc

nên sửa luật
quốc hội đại diện cho tiếng nói của nhân dân, quốc hội phải làm thế nào để chính phủ thay đổi những luật đang trực tiếp ảnh hưởng đến dân chúng, chứ chỉ nói và kiến nghị mà không thay đổi được gì thì cũng như không.

Hoan hô !
Hoan hô ý kiến bà Lê Thị Nga - đại biểu Quốc hội. Mong có thêm nhiều ý kiến như bà Nga đứng về phía nhân dân. Bộ trưởng giao thông nên nghiên cứu lại, trình Chính phủ để Chính phủ sớm xem lại Nghị định 71/ CP cho "ý Đảng - lòng dân" thống nhất sâu sắc.

ủng hộ quan điểm bà Nga
tôi đồng tình với bà Nga về việc này vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cách nhìn nhận của người dân với luật pháp chính phủ. đồng tình nhất là việc chung chi cho CSGT sẽ làm cho luật pháp ngày càng bị lạm dụng

Việc hiệu quả nhất!
Theo tôi, việc cần làm nhất hiện nay là chính thức giảm thuế trước bạ xuống 1% hay cao lắm là 1,5%! Mức thuế như vậy rồi thì tự khắc nhân dân sẽ cố gắng sang tên để tài sản được đứng tên mình, đó là điều ai cũng mong muốn. .
Làm được điều này thì có thể xem như nhà nước và nhân dân có cùng chung quyền lợi, người dân được đứng tên tài sản của mình và nhà nước dễ dàng quản lý phương tiện cũng như hiện đại hóa việc xử phạt vi phạm bằng cách truy thu chủ phương tiện như nước ngoài hay áp dụng. Nếu thế sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực và bất cập trong lực lượng CSGT và tình trạng nhũng nhiễu như hiện nay.

Nên giải quyết bằng cách khác
Kính gửi tòa soạn, Tôi thấy tại sao phải phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ. Tại sao không áp dụng thuế phương tiện.
Tôi thấy nhiều nước họ áp dụng thuế phương tiện, hàng năm chủ xe phải nộp thuế, nếu không nộp đúng hạn thì tính lãi suất.
Tôi cũng có 1 xe máy bán rồi, nhưng chắc người mua chưa sang tên. Giả như hàng năm có trát nộp thuế thì tôi bắt buộc phải trình cơ quan thuế và cảnh sát giao thông, thông báo xe đã bán. Như vậy theo tôi:
 - Nên ban hành một mức thuế hợp lý hàng năm cho các phương tiện.
- Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông, với trường hợp xe bị tạm giữ, chính chủ xe mới có quyền làm các thủ tục nhận lại.
- Với việc kiểm tra định kỳ, cũng chính chủ xe phải đi làm các thủ tục hoặc có giấy ủy quyền qua công chứng. Trên đây chỉ là một số ý kiến, chúng ta còn có nhiều cách quản lý khác nữa.
Tôi thấy mỗi phương tiện nên có một thẻ lý lịch xe và một giấy lưu hành. Trong trường hợp mượn xe, hay bị ăn cắp thì người ăn cắp đó không bao giờ có được thẻ lý lịch xe và giấy lưu hành, như vậy tránh được chuyện cắm xe (kể cả chuyện mượn xe rồi cắm nợ).
Nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý, làm tốt các chính sách thuế thì việc phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ không cần phải áp dụng nữa. Kính chào quý tòa soạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét