Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

ĐB Dương Trung Quốc: Gà Bắc Giang hay gà mắc tóc?


(Đời sống)- “Làm sao biết con gà trên thị trường thực là “gà Bắc Giang”. Nếu gà Bắc Giang được Chính phủ bảo chứng và cấp thị thực và được thị trường ưa thích thì chắc chắn với tình trạng quản lý như hiện tại sẽ có ngay “gà Bắc Giang rởm”... – ĐB Dương Trung Quốc nhận định.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn, độc ngày càng tràn lan, khó kiểm soát, khuyến cáo người dân Hà Nội sẽ ăn gà Bắc Giang để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xung quanh vấn đề này ĐB Dương Trung Quốc đã có một góc nhìn thẳng:
 Khoanh vùng Bắc Giang sẽ tạo ra một thứ độc quyền
Việc quy hoạch các vùng thực phẩm sạch nhất là cho các thành phố đông dân là việc làm cần thiết và lẽ ra phải là một việc bắt buộc mà lãnh đạo các thành phố lớn cũng như Chính phủ phải chỉ đạo và thực hiện từ lâu, không chỉ với gà, các loại thịt nuôi mà còn là rau xanh... và nhiều nhu yếu phẩm khác. 
Bên cạnh việc cung ứng cho đủ về lượng thì vấn đề chất lượng ngày càng phải được quan tâm do tình trạng sử dụng bừa bãi các loại hoá chất trong chăn nuôi và trồng trọt, các thủ đoạn gian lận và nhất là tình trạng nhập lậu các loại thực phẩm không được kiểm soát mà nhìn chung là mang nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ người sử dụng. 

Đến bây giờ mới bàn đến chuyện con gà thì quả là khó hiểu, lại chỉ khoanh lại con gà của một tỉnh càng khó hiểu. Nó cho thấy chính sách thiếu tầm nhìn vĩ mô như cách nói bây giờ, chỉ quen ứng phó.
 
ĐB Dương Trung Quốc
ĐB Dương Trung Quốc
Cứ cho là vấn đề thịt gà nhập lậu kém chất lượng và chứa nhiều chất độc hại là vấn đề đang nổi cộm trên báo chí vào dịp Quốc hội đang họp nên Phó Thủ tướng phải tập trung “chỉ đạo” và ra thông điệp;  cứ cho Bắc Giang là vùng đất đã có quy hoạch chuyên nuôi gà có chất lượng an toàn, thì đó vẫn chỉ là một giải pháp tình thế. 
Nhưng giải pháp ấy lại không có tính khả thi vì làm sao biết con gà trên thị trường thực là “gà Bắc Giang”. Nếu gà Bắc Giang được Chính phủ bảo chứng và cấp thị thực và được thị trường ưa thích thì chắc chắn với tình trạng quản lý như hiện tại sẽ có ngay “gà Bắc Giang rởm”, cũng như người đã ta biến Nho Trung Quốc thành nho Mỹ, rau Trung Quốc thành rau Đà Lạt... Đến bằng tiến sĩ còn làm giả được thì cái nhãn “made in Bacgiang” đáng là cái gì?
Vả lại, nếu chỉ khoanh vùng Bắc Giang thì sẽ tạo ra một thứ độc quyền được Nhà nước bảo hộ, vậy thì lợi ích những người nuôi gà ở các tỉnh thành khác sẽ ra sao? 
Chính phủ đã không bảo vệ nổi lợi ích người nuôi gà trong nước để gà ngoại, gà “lạ”, gà già, gà hết trứng nhập khẩu tràn lan, thì liệu Chính phủ có bảo hộ nổi cho gà Bắc Giang được không, mặc dù sự bảo hộ này cũng chỉ có thể là giải pháp tình huống, trước mắt và suy cho cùng là vi phạm luật chống độc quyền.  
Tôi nhớ là tại diễn đàn QH vừa qua, Phó Thủ tướng còn tuyên bố rằng Chính phủ đã biết rõ chỉ có chừng 20 “nhà” chuyên nhập khẩu gà lậu, gà bẩn mà chẳng thấy Phó Thủ tướng nói đến chuyện xử lý mấy “nhà” này , hay còn đợi cơ chế gì ngoài việc khuyên ăn gà Bắc Giang để tẩy chay mấy “nhà” ấy?
Hà Nội ăn gà Bắc Giang, vậy Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế sẽ ăn gà vùng nào hay ở đó mọi sự đã được kiểm soát, không có gà bẩn ? Thật khó hiểu...!?
Mới nói con gà mà đã thấy như vậy, chưa bàn đến ăn ngon, ăn đủ mà chỉ riêng ăn sạch thôi cũng đủ thấy sự vô vọng của người dân.
Chính sách của ta như “gà mắc tóc”
Phó Thủ tướng mới chỉ đưa ra giải pháp ăn gà Bắc Giang thì tôi cũng chỉ đủ sức nghĩ tới một giải pháp, hơi méo mó nghề nghiệp một tí là... trở về với truyền thống. 
Tôi đang “phục hồi” lại ký ức và năng lực của thời... bao cấp. Có lẽ tôi sẽ đóng một cái chuồng gà trên gác thượng, làm một cái “vườn sinh thái” bằng hộp xốp. Tôi có mấy anh bạn người Bắc Giang nên lên đó xin giống gà (đại biểu Quốc hội thực hiện đúng sự chỉ đạo mà) mang về nuôi. 
Hộp xốp thì trồng ớt. Phân gà bón ớt vừa cho quả cay lại thực hiện quy trình khép kín bảo vệ môi trường. Như thế là yên tâm với món gà vừa có thịt trứng an toàn lại có ớt sạch. 
Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm rồi sẽ mở rộng sang nuôi ...lợn (có kèm theo bể nổi bằng nhựa tổng hợp ủ phân làm khí đốt thay ga). Như thế là vừa giữ được truyền thống vừa ứng dụng kỹ thuật hiện đại, tức là vừa bảo tồn lại vừa phát huy cả những giá trị vật thể (để chén) và phi vật thể (để ôn lại truyền thống)!
Còn cứ bàn đến chính sách của ta thì cứ như “gà mắc tóc” vậy.
  • Dương Trung Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét