Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Ngân hàng ngầm: Nguồn cơn bùng phát khủng hoảng trong tương lai



Hiện nay hình thức chuyển tiền từ ngân hàng qua CTCK, công ty quản lý quỹ sau đó chuyển tiền qua các công ty khác trong nội mạng diễn ra khá phức tạp, UBCK đang phân tích và theo dõi luồng tiền này.

Một trong những vấn đề các chuyên gia tại hội thảo Ổn định tài chính khu vự Đông Á đề cập đến – đó là việc các nhà hoạch định chính sách cần phải quan tâm đến các định chế phi ngân hàng hay ngân hàng ngầm (shadow bank) và phải coi đó là một vấn đề lớn, nếu không trong tương lai chúng ta có thể sẽ phải chịu sự khủng hoảng trầm trọng do hậu quả của các định chế này gây ra.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, khái niệm ngân hàng ngầm – ngân hàng bóng (shadow bank) là khái niệm mới, xuất hiện chủ yếu trong khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008-2009 là các hoạt động giao dịch mang tính chất ngân hàng do các định chế tài chính phi ngân hàng thực hiện.

Các giao dịch này là được phép nhưng nó chưa nằm trong quy chế ngân hàng như dịch vụ cung cấp cho vay dưới hình thức các sản phẩm phái sinh, repo trên thị trường OTC…Các giao dịch này không quy chuẩn trong khi quy mô của các giao dịch này lại rất lớn.

Tại London vừa qua có hội nghị của các cơ quan giám sát trên thế giới bàn về hoạt động ngân hàng ngầm và quy mô của hoạt động này trên thế giới lên tới 67.000 tỷ USD, nếu không sớm quy chế hóa hoạt động này và đưa vào vòng kiểm soát thì 5-10 năm nữa sẽ bùng nổ cuộc khủng hoảng rất lớn.

Khu vực Đông Á mặc dù quy mô không lớn như Mỹ hay Châu Âu nhưng đã phát sinh loại hình này do sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ. Ngày càng nhiều các sản phẩm phái sinh ra đời và nó sẽ lan từ nước này sang nước khác, không những thế còn gây ra rủi ro chéo (các sản phẩm phái sinh trên TTCK sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng) và điều này cần sự quan tâm lớn của cơ quan giám sát và cơ quan quản lý.

Trong rất nhiều phần trình bày của các chuyên gia đều đề cập đến vấn đề này, đây là 1 trong 5 nội dung cơ bản trong công cuộc cải cách toàn cầu mà các quốc gia đề cập đến và khuyến nghị cơ quan giám sát quan tâm có biện pháp phòng ngừa sớm nhất.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, phó chủ tịch UBCK cho biết tại thị trường Việt Nam đã phát sinh loại hình giao dịch trái phiếu kỳ hạn (bán giao ngay mua kỳ hạn) tức là mua bán trong tương lai theo giá thỏa thuận. Bản chất của việc này chính là cho vay và nó diễn ra tương đối rộng trên thị trường.

Ông Hùng cho biết khá nhiều luồng tiền cho vay thông qua hoạt động repo và nếu để phát triển mà thiếu sự kiểm soát thì đến lúc nào đó sẽ không quản lý được.

Hiện nay hình thức chuyển tiền từ ngân hàng qua CTCK, công ty quản lý quỹ sau đó chuyển tiền qua các công ty khác trong nội mạng diễn ra khá phức tạp, UBCK đang phân tích và theo dõi luồng tiền này, hiện nay không phải riêng thị trường Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng đang mắc phải như vậy.

Nghiệp vụ margin cũng vậy, Margin trong luật các TCTD có quy định cho phép, khách hàng mua chứng khoán đặt cọc và phần còn lại CTCK cho vay với tỷ lệ quy định tối đa là 60:40. Trong khi đó nghiệp vụ repo hiện nay chưa có hướng dẫn, chưa có luật pháp, việc mua bán có kỳ hạn các cổ phiếu, trái phiếu và hiện nay đang rất lỏng lẻo, việc này cần được giám sát bởi cơ quan quản lý.
 Tìm hiểu hệ thống Shadow banking tại Mỹ
Rất lâu trước khủng hoảng cho vay dưới chuẩn 2007-2009, tại Mỹ, ngành tài chính được chia làm hai nhánh: các ngân hàng thương mại (NHTM) truyền thống và các ngân hàng đầu tư. Ở nhánh thứ 2, các ngân hàng đầu tư còn lấn sân mạnh sang khu vực cho vay thương mại qua chứng khoán hóa khoản vay truyền thống để tạo vốn cho các chu kỳ cho vay mới, hình thành loại hình NHTM mới gọi là “shadow banking system - SBS” hay có thể gọi là những thể chế tài chính hoạt động trong bóng tối hoặc bên lề hệ thống NHTM chính thống, ngoài vòng giám sát của Cục dự trữ liên bang (Fed) và Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (FDIC). 
Lượng giao dịch SBS tăng cao tại Mỹ với quy mô từ 10 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2007 lên 22 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2011.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, sự chuyển đổi kỳ hạn, thanh khoản và tín dụng trong hệ thống SBS giúp tăng giá trị tài sản trên thị trường bất động sản khu vực dân cư và thương mại, góp phần giảm đáng kể chi phí tín dụng liên quan đến cho vay trực tiếp. 
Tuy nhiên, việc các trung gian tín dụng phụ thuộc vào nợ ngắn hạn để cấp vốn cho tài sản dài hạn thiếu thanh khoản là một hành động rủi ro và có thể gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt. 
Nếu những rủi ro này không được quản lý, hệ thống SBS có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sự phá sản của các trung gian tín dụng có thể gây ra những hậu quả, bất lợi lớn hơn cho nền kinh tế.Đặc biệt khi có sự hoài nghi về khả năng thanh toán của nhà cung cấp tín dụng khu vực tư, niềm tin về sự ổn định hệ thống SBS sẽ không còn.
Điều này đã được chứng minh trong giai đoạn “nóng” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi hệ thống SBS rơi vào tình trạng căng thẳng về vốn và thanh khoản, nhiều shadow banks đứng trước nguy cơ đổ vỡ; tình trạng rút tiền hàng loạt xảy ra tại hệ thống SBS bắt đầu vào hè năm 2007 và đạt đỉnh điểm sau đổ vỡ của Lehman vào tháng 9 và 10/2008. 
Theo tính toán của Fed về dòng vốn lưu chuyển: “đến tháng 6/2007, tổng tài sản nợ của hệ thống SBS là 22.000 tỷ USD, trong khi tổng tài sản nợ của hệ thống ngân hàng truyền thống chỉ khoảng 14.000 tỷ USD.”
(Nguồn: Bảo hiểm tiền gửi DIV)

Phương Mai
Theo TTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét